TCCSĐT - Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan M. Rút-tơ, Thủ tướng Cộng hòa U-dơ-bê-ki-xtan S.Mi-rơ-di-ép và Thủ tướng U-crai-na N.A-da-rốp, sáng 27-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam rời Hà Nội thăm chính thức Vương quốc Hà Lan, Cộng hòa U-dơ-bê-ki-xtan và U-crai-na.

Tham gia Ðoàn có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Ðức Ðam; Bộ trưởng Công thương Vũ Huy  Hoàng; Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát; Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Ðình Dũng; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son; Thứ trưởng các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Giao thông - Vận tải, Kế hoạch và Ðầu tư, Tài nguyên và Môi trường; trợ lý Thủ tướng Nguyễn Văn Tùng; Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Phong Quang; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam Phùng Ðình Thực và Ðại sứ Việt Nam tại các nước Hà Lan, U-dơ-bê-ki-xtan và U-crai-na.

Chuyến thăm nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với ba nước, thiết thực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của mỗi nước.

* Việt Nam - Hà Lan: Triển khai Thỏa thuận đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu

Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 4-1973 và đến những năm 1990, quan hệ hai nước được tăng cường mạnh mẽ. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao sang thăm lẫn nhau. Hai bên cũng thường xuyên tiếp xúc cấp cao bên lề các hội nghị lớn như Hội nghị Biến đổi khí hậu Copenhagen (năm 2009), G20 tại Ca-na-da (6-2010) và ASEM 8 tại Bỉ (10-2010). Ngoài ra, Hà Lan còn tích cực phối hợp với Việt Nam tại các diễn đàn đa phương. Quan hệ thương mại giữa hai nước không ngừng phát triển, kim ngạch trao đổi hàng hóa tăng đều hằng năm (trung bình khoảng 15%/năm), trong đó Việt Nam luôn xuất siêu. Năm 2007, kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước là 1,7 tỉ USD, đến năm 2010 đạt 1,96 tỉ USD và 6 tháng đầu năm 2011 đạt 0,9 tỉ USD. Hà Lan hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam tại châu Âu, sau Đức, Anh và Pháp. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hà Lan là giày, dép các loại, may mặc, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, hải sản, rau quả, đồ gỗ và các sản phẩm gỗ chế biến; những mặt hàng nhập khẩu chính từ Hà Lan là sữa, tân dược, sắt thép, chất dẻo, nguyên liệu, hóa chất… Đến năm 2010, Hà Lan vươn lên trở thành nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại nước ta và xếp thứ 11/92 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 153 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký là 5,6 tỉ USD (tính đến hết tháng 6-2011). Một số dự án đầu tư trọng điểm của Hà Lan là Nhà máy điện Mông Dương trị giá 2,1 tỉ USD; Nhà máy điện Phú Mỹ 3 trị giá 410 triệu USD; Công ty Pepsico Việt Nam trị giá 180 triệu USD… các dự án chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Hiện Việt Nam mới có một dự án đầu tư sang Hà Lan với tổng số vốn đầu tư là 5,6 triệu USD trong lĩnh vực phân phối hàng hóa.

Ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Hà Lan bắt đầu viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, chủ yếu trong các lĩnh vực nhân đạo, giáo dục đào tạo và y tế. Sau này, nước bạn đã mở rộng sang các lĩnh vực như: bảo tồn rừng và đa dạng sinh học, môi trường. Hiện nay, mặc dù Việt Nam được xếp vào nhóm nước có thu nhập trung bình, nhưng Hà Lan vẫn dành ODA cho Việt Nam theo lộ trình giảm dần, tập trung vào một số lĩnh vực như: Đối tác Công - Tư, an toàn thực phẩm, y tế và quản lý nước. Bên cạnh đó, Hà Lan đặc biệt quan tâm thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu. Cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan hiện có khoảng 19.000 người, với khoảng 800 lưu học sinh. Bà con luôn hướng về quê hương đất nước và tích cực tham gia thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Nhân chuyến thăm chính thức Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên sẽ trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác hai nước trong các lĩnh vực ưu tiên và đẩy mạnh việc triển khai Thỏa thuận đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước. Cũng nhân dịp này, dự kiến hai bên sẽ ký kết một số văn kiện trong lĩnh vực môi trường, nông nghiệp, chăn nuôi, dầu khí…

* Việt Nam - U-dơ-bê-ki-xtan: Thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mũi nhọn

Năm 1991, Việt Nam công nhận độc lập của U-dơ-bê-ki-xtan và hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 17-1-1992. Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - U-dơ-bê-ki-xtan về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật được thành lập năm 1996. Nước bạn có nhu cầu nhập khẩu nông sản nhiệt đới như chè, cà phê, cao su, thực phẩm, hàng thủ công, may mặc, điện tử và có khả năng cung cấp cho Việt Nam bông, kim loại màu, phân bón, phụ tùng máy móc. Từ năm 2009, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác với Công ty Dầu khí quốc gia U-dơ-bê-ki-xtan trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí. Năm 2010, PetroVietnam đã mở văn phòng đại diện tại Thủ đô Ta-sơ-ken để triển khai các dự án hợp tác dầu khí. Từ năm 2002, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cùng Đại học Quốc gia phương Đông học Ta-sơ-ken đã thiết lập quan hệ hợp tác trực tiếp với hình thức trao đổi sinh viên, thực tập sinh. Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước không ngừng được tăng cường, thúc đẩy, tuy nhiên vẫn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng từ 4,8 triệu USD năm 2006 lên 6,6 triệu USD năm 2007 và đạt 18,06 triệu USD năm 2010, riêng 6 tháng đầu năm 2011 đã đạt khoảng 15,5 triệu USD, trong đó chủ yếu là Việt Nam nhập siêu. Nhân chuyến thăm chính thức U-dơ-bê-ki-xtan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên sẽ thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ hữu nghị và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn như dầu khí, nông nghiệp…

* Phát triển quan hệ hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam - U-crai-na

Việt Nam và U-crai-na có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23-1-1992 và đã ký trên 20 hiệp định về hợp tác trong nhiều lĩnh vực quan trọng như: hợp tác kinh tế - thương mại, trong đó hai bên dành cho nhau quy chế tối huệ quốc, vận tải biển, vận tải hàng không, văn hóa giáo dục, tránh đánh thuế hai lần… Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn các cấp; phối hợp chặt chẽ và thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc. Về hợp tác kinh tế, hai bên đã tiến hành 11 khóa họp Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật. Mặc dù chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, năm 2008 kim ngạch thương mại hai nước tăng đáng kể, đạt 540 triệu USD so với 151 triệu USD năm 2007. Tuy nhiên, từ năm 2009 trở lại đây, kim ngạch lại có chiều hướng giảm sút. Năm 2009 đạt khoảng 463 triệu USD, năm 2010 đạt gần 256 triệu USD, 6 tháng đầu năm 2011 đạt 95 triệu USD (giảm 30% so với cùng kỳ năm 2010). Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang U-crai-na là gạo, chè, cà phê, cao su tự nhiên, thủy sản, dệt may, giày dép, đông dược…; các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ U-crai-na là: sắt, thép, phân bón, máy móc thiết bị, hóa chất. U-crai-na dành cho Việt Nam chế độ tối huệ quốc trong việc cung cấp hàng thủy sản sang nước bạn. Hợp tác năng lượng là hướng hợp tác quan trọng giữa hai nước và đã được triển khai hiệu quả ở các công trình thủy điện lớn của Việt Nam như Hòa Bình, Thác Mơ, Y-a-ly, đường dây 500 KV. Hai bên đã thỏa thuận hợp tác thực hiện các dự án năng lượng mới như thiết kế, xây mới, cải tạo nhà máy nhiệt, thủy điện và truyền tải điện được xây dựng với sự trợ giúp của U-crai-na và Liên Xô trước đây. U-crai-na hiện có 4 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư khoảng 24 triệu USD. Lĩnh vực hợp tác chủ yếu là đóng, sửa chữa tàu biển, hiện đại hóa cơ sở đường sắt, đào tạo chuyên gia cho Việt Nam về vận tải biển và đường sắt… Việt Nam cũng đang đầu tư 4 dự án tại nước bạn với tổng số vốn 27 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực chế biến mì ăn liền, bao bì, nhà hàng. Bên cạnh quan hệ hợp tác về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, du lịch, quan hệ giao lưu, hợp tác giữa các địa phương của hai nước đang được thúc đẩy và khuyến khích. Cộng đồng người Việt Nam tại U-crai-na có khoảng 10.000 người; nhiều doanh nhân thành đạt đã đầu tư về nước (xây dựng khu du lịch Hòn Tre, Vincom)…

Chuyến thăm chính thức U-crai-na của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tạo động lực mới trong việc triển khai Thỏa thuận về phát triển quan hệ hợp tác và đối tác toàn diện giữa hai nước; trao đổi phương hướng, biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục - đào tạo./.