Xoá đói giảm nghèo là mục tiêu số 1 trong 8 Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) do Liên hợp quốc phát động từ năm 2000. Các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cam kết: “vào năm 2015, số người nghèo đói trên thế giới sẽ giảm đi phân nửa”. Nhưng hơn nửa chặng đường đã qua mà mục tiêu vẫn có khá xa vời. Gần một nửa dân số trên hành tinh vẫn nghèo đói, trong đó, một bộ phận có cuộc sống cực kỳ khốn khó. Thế giới đang chạy đua với thời gian, và, con đường phí trước vẫn đầy chông gai.
 
Một thế giới “lồi", "lõm”

Trong lịch sử phát triển của xã hội có phân chia giai cấp, chưa bao giờ nhân loại đạt được sự bình đẳng, dù chỉ là bình đẳng ở mức tương đối. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trong nền văn minh hậu công nghiệp cho thấy, thế giới ngày càng bất ổn do sự bất bình đẳng đã đạt đến mức cao chưa từng thấy. Thế giới ngày nay đang một giàu thêm, nhưng khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, các quốc gia lại ngày một doãng ra, số nước nghèo đã tăng từ 25 nước cuối thế kỷ trước lên 49 nước hiện nay. Các nước công nghiệp phát triển, nơi cư trú của 15% dân số thế giới đang tiêu thụ tới 86% hàng hoá và dịch vụ được thế giới làm ra, ngược lại 85% dân số thế giới còn lại ở các nước nghèo chỉ được hưởng 24%.

Một kết quả nghiên cứu quốc tế cho thấy, vào năm đầu tiên sau Công nguyên, thế giới lúc đó có khoảng 230 triệu người, sản xuất ra một lượng hàng hoá ước tính trị giá khoảng 105 tỉ đô-la Mỹ (USD) tương đương tổng thu nhập quốc dân (GDP) của một nước đang phát triển trung bình hiện nay (cỡ như Ma-lai-xi-a). Một nghìn năm sau, tổng thu nhập quốc dân toàn thế giới chỉ tăng thêm 121 tỉ USD, tức mỗi năm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu tăng không vượt quá 0,001%. Năm trăm năm sau (năm 1500), GDP toàn cầu đạt khoảng 246 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 1%, đến năm 1820, tốc độ này đã đạt 4%/năm và đến năm 2007, tổng GDP toàn cầu đã đạt 54,3 nghìn tỉ USD.

Nghịch lý là, cùng với tổng thu nhập tăng thì khoảng cách giàu nghèo một ngày một doãng ra. Nếu năm 1820, tỷ lệ giữa các nước giàu nhất so với các nước nghèo nhất chỉ là 3/1, thì vào năm 1950 là 35/1, năm 1975 là 44/1, và đến năm 2002 tỷ lệ này đã là 75/1. Ở nhóm các nước giàu nhất thế giới (có khoảng 1 tỉ người sinh sống), GDP chiếm 74,8% GDP toàn cầu, các nước trung bình (khoảng 3 tỉ người) chiếm 21,9%, còn lại các nước nghèo (2,4 tỉ dân) chỉ chiếm 3,3%. Số nợ nước ngoài của 125 nước đang phát triển (bao gồm cả các nước kém phát triển) đã lên đến 2,7 nghìn tỉ USD, nhiều nước có số nợ nước ngoài vượt xa tổng thu nhập quốc dân. Năm 2007, 497 tỷ phú sở hữu khối lượng tài sản trị giá 3,5 nghìn tỉ USD, tức chiếm hơn 7% GDP toàn cầu. Thậm chí, theo Ngân hàng Thế giới (WB), vào thời điểm hiện nay (năm 2008), tổng GDP của 41 quốc gia nghèo nhất thế giới còn ít hơn tài sản của 7 người giàu nhất thế giới.

Mỗi ngày trên thế giới có từ 26 nghìn đến 30 nghìn trẻ em bị chết do các nguyên nhân từ nghèo đói, 28% trẻ em ở các nước đang phát triển suy dinh dưỡng, 72 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học không được đến trường trong tổng số 1 tỉ người mù chữ.
 
Những vụ bạo động xã hội, nội chiến, xung đột tôn giáo, dân tộc đôi khi không phải là do các nguyên nhân về ý thức hệ mà lại bắt nguồn từ sự đói nghèo.
Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), hiện thế giới có khoảng 4 tỉ người (gần nửa dân số thế giới) sống ở mức nghèo khổ và cận nghèo, trong đó có khoảng 1 tỉ người có thu nhập dưới 1USD/ngày/ người, số còn lại có thu nhập dưới 2 USD/người/ngày (mức cận nghèo). Phần lớn số người nghèo khổ trên thế giới sống ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ La-tinh. Theo thống kê của Ngân hàng phát triển châu Á, châu Á vẫn là châu lục có nhiều người nghèo nhất. Ở châu Á có khoảng 600 triệu người thu nhập dưới 1USD/ngày và 1,7 tỉ người có thu nhập 2 USD/ngày. Số nghèo đói ở nông thôn chiếm 75%, ở khu vực đô thị cũng không sáng sủa gì hơn khi cứ 3 người dân đô thị thì có 1 người phải sống trong điều kiện thiếu tiện nghi trong các khu nhà ổ chuột, không được hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục, hàng ngày phải đối mặt với cái đói, cái rét, bệnh tật và thói hư tật xấu.

Nhìn vào bức tranh tổng thể trên càng thấy rõ hơn, thế giới càng ngày càng trở nên bất công. Rõ ràng, nền văn minh hậu công nghiệp không giúp gì nhiều cho những tầng lớp "dưới" của xã hội. Những người giàu thì tiếp tục giàu thêm vì họ ngày càng có điều kiện bóc lột người khác, những người nghèo vẫn tiếp tục vùng vẫy trong cái vòng luẩn của đói nghèo, tiếp tục là đối tượng bị bóc lột, nhìn ở mọi phương diện. Một thế giới "lồi quá lồi", "lõm quá lõm", mỉa mai thay, lại là đặc trưng chủ yếu của nền văn minh được mệnh danh là “thời đại kinh tế tri thức”.

Còn quá nhiều chông gai...

Nhiều chính khách, nhà hoạt động xã hội và nhà khoa học đều tỏ ra bi quan về mục tiêu xoá đói giảm nghèo mà Liên hợp quốc đặt ra vào 2015. Ngay cả Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun cũng tỏ ra lo lắng về hiệu quả của mục tiêu này. Ngày 25-9-2008, ông Ban Ki-mun đã triệu tập một hội nghị khẩn cấp để kiểm điểm tiến độ thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ số 1 này. Dự hội nghị có trên 100 nguyên thủ quốc gia và những chuyên gia hàng đầu của thế giới. Tại Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã phê phán thái độ thiếu trách nhiệm của nhiều chính phủ thành viên, kêu gọi viện trợ quốc tế cho thực hiện mục tiêu.

Trong khi hân hoan với cam kết hỗ trợ cho hoạt động chống đói nghèo lên đến 16 tỉ USD, thì Liên hợp quốc chưa chỉ ra được những nguyên nhân làm cho tiến độ thực hiện mục tiêu bị chậm lại và những trở ngại chủ yếu trong 7 năm còn lại. Theo nhiều nhà phân tích quốc tế, những nguyên nhân và trở ngại đó là:

Một là, tác động tiêu cực từ xu thế toàn cầu hoá kinh tế đến các quốc gia đang phát triển. Toàn cầu hoá kinh tế không chỉ là xu yếu tất yếu của thời đại mà đã trở thành hiện thực khách quan, lôi kéo mọi quốc gia vào vòng xoáy của nó. Tuy nhiên, toàn cầu hoá ngày nay đang bị các nước tư bản phát triển và các tập đoàn xuyên quốc gia thao túng. Nắm trong tay những lợi thế về tài chính, khoa học - công nghệ và trình độ quản lý, các nước tư bản phát triển tất yếu sẽ thu lợi nhiều hơn so với các nước đang phát triển vốn luôn có nhu cầu đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hóa.
 
Đáng tiếc rằng, nhiều nước chậm phát triển không nhận ra, hoặc mới lờ mờ nhận ra bộ mặt thật của cái gọi là “sự chuyển giao công nghệ”, và “đầu tư trực tiếp nước ngoài” chỉ là cuộc đại “khai thác thuộc địa” kiểu mới của chủ nghĩa siêu thực dân. Thay hình thức khai thác thuộc địa truyền thống của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ (chuyển tài nguyên khai thác được từ thuộc địa về chính quốc để làm ra hàng hoá) bằng việc chuyển máy móc, công nghệ cũ kỹ đến khai thác và sản xuất ngay tại các nước đang phát triển, con cháu của các nhà thực dân đã đạt được sự tinh vi tuyệt đối trong công cuộc bóc lột phần còn lại của thế giới. Hình thức khai thác thuộc địa kiểu mới này đã đem lại hiệu quả tức thì có lợi cho các nước tư bản phát triển và gây nhiều nguy cơ, hậu họa cho các nước đang phát triển.

Thông thường các nước tư bản phát triển thu từ 75% đến 90 % lợi nhuận do các dự án đầu tư ra nước ngoài mà không phải chịu các tác động xấu của công nghiệp hoá. Các nước chậm phát triển chỉ thu được từ 10% đến 25% nhưng phải gánh chịu nhiều hậu quả do quá trình này gây ra. Đó là các hậu quả về huỷ hoại môi trường, mất đất sản xuất nông nghiệp và các vấn đề xã hội khác. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến khoảng cách giàu nghèo ngày một doãng xa. Người ta có thể thấy rất rõ, không dễ gì chủ nghĩa tư bản lại chuyển giao một cách nhanh chóng những thành tựu về khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến và tư bản (vốn) cho các nước trước đây vốn là thuộc địa của họ. Họ chỉ chuyển giao những công nghệ đã lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, thực chất là biến các nước đang phát triển thành các bãi rác công nghiệp. Còn vốn và kinh nghiệm quản lý khi cho vay, viện trợ, đầu tư, chuyển giao đều được đi kèm với các điều kiện có lợi nhiều hơn cho họ.

Hai là, những tác động xấu từ môi trường an ninh quốc tế bởi chính sách hiếu chiến của chủ nghĩa đế quốc. Bước vào thiên niên kỷ mới, mặc dù hoà bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ yếu của thời đại, nguy cơ chiến tranh thế giới tạm thời bị đẩy lùi nhưng thế giới luôn biến động, tiếng súng chưa bao giờ ngừng nổ, máu chưa bao giờ ngừng chảy trên trái đất. Các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, nội chiến, xung đột tôn giáo, dân tộc vẫn xảy ra ở các điểm nóng khắp hành tinh. Đáng tiếc là các cuộc xung đột và chiến tranh kể trên lại chỉ xảy ra và diễn ra tại các khu vực nghèo khó của thế giới như vùng Sừng châu Phi, Nam Á, Đông Nam Á và Mỹ La-tinh.
 
Ở những vùng nghèo đói nhất này của thế giới, con người vẫn đang mải mê thanh toán lẫn nhau bằng súng đạn nước ngoài, vì “giá trị của thế giới tự do” được đảm bảo bằng những đồng đô-la. Cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động nhằm vào chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và mưu toan thiết lập trật tự đơn cực đã đưa lại những hậu quả hết sức tai hại cho hoà bình, an ninh quốc tế. Lo ngại trước thực trạng đó, nhiều nước lớn tích cực chuẩn bị đối phó, tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn toàn cầu. Các nước nghèo, dân còn đói cũng bị lôi cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang cực kỳ tốn kém này. Số tiền đáng ra họ có thể giành cho sự nghiệp chấn hưng đất nước, xoá đói nghèo cho nhân dân thì lại đổ vào cuộc chạy đua không đem lại lợi ích gì.

Chi phí quân sự hàng năm của thế giới đã lên mức trên một nghìn tỉ USD, chiếm khoảng 2,7% GDP toàn cầu (trung bình 180 USD/đầu người). Châu Phi, châu lục nghèo nhất thế giới, lại sở hữu nhiều vũ khí thông thường nhất: 800 triệu dân châu lục này đang sở hữu trên 500 triệu khẩu súng. Chỉ tính riêng khu vực Tây Phi đã chiếm hữu 10 triệu vũ khí hạng nhẹ, kim ngạch buôn bán vũ khí ở khu vực này hàng năm lên đến 7 tỉ USD. Theo một tính toán của các nhà khoa học và kinh tế, nếu thế giới chỉ tiết kiệm 1% chi phí dành cho quân sự thì sẽ giải quyết được hoàn toàn nạn mù chữ toàn cầu và cũng với một tỷ lệ như vậy, cho thanh toán bệnh suy dinh dưỡng và phòng, chống HIV/AIDS.

Tính hai mặt của chính sách “cây gậy và củ cà rốt” trong viện trợ quốc tế của chủ nghĩa tư bản quốc tế không làm cho các nước nhận viện trợ giàu lên mà làm cho họ ngày càng lệ thuộc vào các nước tư bản. Các nước tư bản phát triển, đứng đầu là Mỹ luôn trung thành với nguyên tắc viện trợ kinh tế đi kèm với điều kiện về chính trị, cái mà họ gọi là “ thúc đẩy dân chủ”. Thực ra họ đang biến các nước nhận viện trợ phải phụ thuộc vào chính trị, dùng đồng đô-la để câu nhử những kẻ ấu trĩ, cơ hội về chính trị, sử dụng số này gây ra các vụ bạo động, cái mà họ gọi là các cuộc “cách mạng màu sắc”. Theo tính toán của Viện Kinh tế quốc tế (IIE), để có được một USD tiền viện trợ của nước ngoài, thì quốc gia nhận viện trợ phải bỏ ra tới 25 USD để thanh toán nợ nần cả gốc và lãi, vì vậy cái vòng luẩn quẩn của kẻ đi ăn đong không bao giờ chấm dứt. Người ta nói rằng, đã đói thì “có phải bán cả linh hồn cho quĩ dữ cũng làm”, đó là tương lai của các quốc gia kém tinh thần tự cường, hoàn toàn lệ thuộc vào đồng đô-la viện trợ.

Chính sách chính trị cường quyền trong hoạt động đối ngoại của Mỹ cũng là một trong các

Nếu thế giới chỉ tiết kiệm 1% chi phí dành cho quân sự thì sẽ giải quyết được hoàn toàn nạn mù chữ toàn cầu và cũng với một tỷ lệ như vậy, cho thanh toán bệnh suy dinh dưỡng và phòng, chống HIV/AIDS.

nguyên nhân đẩy nhân loại đến đói nghèo. Trong nhiều năm qua, bằng nhiều cách (tự mình hoặc lợi dụng Liên hợp quốc), Mỹ luôn giành cho mình quyền bao vây cấm vận về kinh tế, chính trị các quốc gia mà Mỹ cho rằng có sự đe doạ đến an ninh của Mỹ. Quy cho các nước đó là các nước “tài trợ khủng bố”, các nước thuộc “trục ma quỷ” hay “các quốc gia thất bại”, Mỹ đã tiến hành bao vây cấm vận, không chỉ tính mạng của nhân dân ở các quốc gia này. Chính sách trừng phạt, bao vây cấm vận của Mỹ đã đẩy nhiều dân tộc đến mức cùng cực, hàng triệu người dân vô tội phải lâm vào cảnh màn trời, chiếu đất, phải đối mặt với cái đói, cái rét, bệnh tật và cái chết rình rập họ hàng ngày.
 
Ba là, tác động của sự suy thoái nền kinh tế quốc tế trước các cuộc khủng hoảng về năng lượng, tài chính hiện nay. Dự báo trong nhiều năm nữa, kinh tế thế giới vẫn nằm trong tình trạng ảm đạm, tốc độ tăng trưởng giảm, lạm phát tăng cao. Khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng tài chính chưa được khắc phục sẽ tác động đến nhiều mặt đời sống xã hội, những người nghèo là những người phải hứng chịu hậu quả nhiều nhất. Rõ nhất là vấn đề an ninh lương thực, vấn đề sống còn của con người. Dân số tăng nhanh (dự báo vào năm 2010, dân số thế giới sẽ ở vào khoảng 8,5 tỉ người), trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị co hẹp, kèm theo thảm hoạ từ thiên tai, đầu tư cho nông nghiệp giảm sẽ dẫn tới tổng sản lượng lương thực giảm, việc đảm bảo an ninh lương thực cho 8,5 tỉ dân trở nên cực kỳ khó khăn.
 
Nguồn năng lượng hoá thạch, chủ yếu là dầu mỏ đã cạn kiệt, thế giới đang đổ xô vào phát triển năng lượng sinh học, một số lượng lương thực khổng lồ đã và sẽ tiếp tục được sử dụng cho việc sản xuất năng lượng sinh học. Trong khi hàng tỉ người trên hành tinh đang thiếu ăn thì ở các nước tư bản phát triển người ta lại vô tư dùng lương thực để sản xuất ê-ta-nôn. Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sản xuất không có lãi, nhiều nông dân đã bỏ ruộng vườn vào thành thị kiếm sống làm cho sản lượng ngày càng giảm, giá lương thực, thực phẩm mấy năm gần đây đã tăng gấp 3 đến 5 lần khiến cuộc sống của những người nghèo thêm phần khốn khó.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân và trở ngại nữa là nhiều chính phủ còn thiếu trách nhiệm trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo. Nước giàu thì đứng ngoài cuộc hoặc toan tính các âm mưu chính trị, nước nghèo thì lại bị cuốn vào tranh giành quyền lực, không sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ quốc tế, lãng phí, tham nhũng…

Đó là những nguyên nhân chủ yếu tạo ra sự bất bình đẳng quốc tế, làm cho khoảng cách giàu nghèo thế giới ngày một cách xa. Đây cũng vẫn sẽ là những cản trở chính trong cuộc chiến chống đói nghèo trong thời gian tới trên phạm vi toàn cầu. 16 tỉ USD, thậm chí 16 nghìn tỉ cam kết dành cho công cuộc xoá đói giảm nghèo sẽ trở nên không mấy ý nghĩa nếu không giải quyết được các vấn đề trên của thế giới. Điều quan trọng ở đây là, cộng đồng quốc tế phải tỏ rõ quyết tâm cao hơn trong cuộc chiến chống đói nghèo, đấu tranh chống chính sách cường quyền, giữ vững môi trường hoà bình, hợp tác và phát triển. Các quốc gia đang phát triển phải tăng cường đoàn kết nội bộ, nêu cao ý thức tự lực, tự cường, phát triển bền vững, không thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá bằng mọi giá, tranh thủ và sử dụng có hiệu quả nguồn trợ giúp quốc tế thì mới giành được thắng lợi trong cuộc chiến chống đói nghèo.

Công cuộc xoá đói, giảm nghèo ở Việt Nam

Nằm trong nhóm các nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, trên 70% dân số sống ở vùng nông thôn (nhóm có nguy cơ cao về đói nghèo), Việt Nam là một trong những quốc gia được Liên hợp quốc quan tâm về mục tiêu xoá đói, giảm nghèo. Với ý thức tự lực, tự cường và tranh thủ có hiệu quả sự giúp đỡ quốc tế, trong những năm qua Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Mục tiêu Thiên niên kỷ.
 
Tám Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc đã được Việt Nam cụ thể hoá thành 12 Chương trình, Mục tiêu quốc gia. Các Chương trình, Mục tiêu này được lồng ghép với chiến lược, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong 12 chương trình, mục tiêu quốc gia, mục tiêu xoá đói giảm nghèo vẫn được xếp ở vị trí số 1 và đặt dưới sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Với nỗ lực tự thân và sự phối hợp có hiệu quả của các đối tác, công cuộc xoá đói giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, được Liên hợp quốc ghi nhận như một tấm gương sáng trong khu vực và quốc tế. Ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 14,85% vào năm 2007 (theo tiêu chuẩn quốc gia), nếu theo tiêu chuẩn quốc tế, tỷ lệ này cũng chỉ còn khoảng 20%. Liên hợp quốc và các đối tác phát triển đã ghi nhận những ấn tượng về hiệu quả thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ của Việt Nam và hy vọng Việt Nam sẽ hoàn thành sớm trước thời hạn năm 2015 các mục tiêu này, đặc biệt là mục tiêu số 1.

Tuy vậy, nhìn nhận một cách thực tế hơn, công cuộc xoá đói nghèo ở Việt Nam cũng còn nhiều khiếm khuyết. Tính bền vững không cao, nguy cơ tái nghèo vẫn còn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao, biên giới vùng thường xuyên bị lũ bão. Ở một số địa phương còn mắc bệnh chạy theo thành tích, báo cáo sai sự thật hoặc còn tiêu cực trong thực hiện chính sách. Phương pháp thực hiện thiếu thiết thực, ít hiệu quả, phô trương hình thức, như chỉ chú ý đến hỗ trợ đời sống, ít quan tâm đến công tác hướng nghiệp, dạy nghề, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn người dân cách thức sản xuất, kinh doanh để thoát nghèo, cách vươn lên làm giàu…

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới hiện nay, Việt Nam cũng đang gặp phải những trở ngại trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, nếu không nỗ lực sẽ không đạt được mục tiêu theo đúng lộ trình. Trước những khó khăn của nền kinh tế hiện nay, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô. Các ngành, các cấp cần thực hiện nghiêm túc quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia nói chung và xoá đói, giảm nghèo nói riêng, gắn các chương trình, mục tiêu này với các chương trình, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh của cả nước và địa phương. Trong đó, đặc biệt ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, quan tâm mở rộng hệ thống an sinh xã hội, làm cho người nghèo được thụ hưởng các thành quả chăm sóc y tế, giáo dục, vui chơi giải trí không mất tiền, giảm bớt chi phí giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng./.