Ngày 9-10, tại tỉnh Sóc Trăng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đã ký dự án viện trợ không hoàn lại trị giá 1,3 triệu USD để triển khai thử nghiệm cách tiếp cận mới trong lĩnh vực dạy nghề cho người nghèo và dân tộc thiểu số ở hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

Thứ trưởng Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội Đàm Hữu Đắc và ông Ayumi Konishi đã cùng ký văn bản dự án. Chứng kiến lễ ký kết có ông Tomohiro Fujiyama, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và lãnh đạo của hai tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh.

Phát biểu tại lễ ký, giám đốc ADB tại Việt Nam, ông Konishi nói: “Muốn thoát khỏi nghèo khổ thì người dân tộc thiểu số và các nhóm dân cư có hoàn cảnh khó khăn cần có việc làm. Muốn có được việc làm tốt thì họ cần phải có các kỹ năng phù hợp”.

ADB cho biết, dự án này do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Quỹ giảm nghèo Nhật Bản được thành lập năm 2000, nhằm hỗ trợ cho những người nghèo và nâng cao năng lực của người lao động để ổn định cuộc sống, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn ở Việt Nam.

Mục tiêu của dự án là tăng cơ hội cho người nghèo và dân tộc thiểu số trên thị trường việc làm ở hai tỉnh nghèo nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở đó, từng bước giúp họ triển khai những ngành nghề kinh doanh nhỏ để cải thiện đời sống ngày càng tốt hơn.

Đặc điểm chủ yếu của dự án này là xác định cơ hội về nghề nghiệp bền vững trước khi các khóa đào tạo được tổ chức và tiến hành; kết nối hoạt động đào tạo kỹ năng trực tiếp tới công tác tuyển dụng và tạo thu nhập.

Thời gian thực nghiệm của dự án được tiến hành trong 3 năm (2008-2010) ở 2 huyện Mỹ Xuyên và Vĩnh Châu thuộc tỉnh Sóc Trăng; 2 huyện Trà Cú và Cầu Kè của tỉnh Trà Vinh.

Trong thời gian thực hiện, dự án sẽ đào tạo và dạy nghề cho 4.000 người, trong đó một nửa là đồng bào dân tộc thiểu số; một nửa số học viên là phụ nữ. Kết thúc khoá học, 70% số lao động sẽ được bố trí việc làm ngay, đồng thời,được ưu tiên vay vốn từ dự án để phát triển sản xuất và khởi nghiệp theo ngành nghề đã được đào tạo trong khuôn khổ dự án.

Nội dung Chương trình dạy nghề theo định hướng thị trường nhằm mục tiêu giảm nghèo ởđồng bằng song Cửu Long bao gồm: nâng cao năng lực cho các cơ sở dạy nghề, cung cấp tổng thể các kỹ năng liên quan để có thể tìm được việc làm, trợ giúp sau đào tạo theo định hướng nghề nghiệp, dịch vụ sắp xếp việc làm, kết nối với các tổ chức cung cấp tín dụng cho việc triển khai các ngành nghề kinh doanh…/.