Nhiều chuyên gia kinh tế thuộc các thể chế tài chính - kinh tế uy tín của thế giới có nhận định chung là tình hình kinh tế Việt Nam đã bắt đầu ổn định và đang có những chuyển biến tích cực so với thời điểm giữa năm nay.

Ông Benedict Bingham, đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhận định rằng, tình hình kinh tế Việt Nam hiện đã được cải thiện rõ ràng so với thời điểm cách đây 2-3 tháng.

Ông đánh giá cao những nỗ lực bình ổn tình hình kinh tế của Chính phủ Việt Nam và cho rằng những biện pháp mà Chính phủ đề ra đã có hiệu quả. Ông cũng đánh giá cao các giải pháp gần đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc khôi phục lòng tin đối với đồng nội tệ cũng như kiềm chế lạm phát.

Còn theo chuyên gia Vương Tân Phong, Trưởng đại diện Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), một chi nhánh của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, tình hình kinh tế hiện nay đã tốt hơn so với hồi giữa năm, lạm phát có chiều hướng giảm, giá lương thực cũng dịu bớt.

Ông Vương cho rằng các biện pháp giúp giảm nhiệt nền kinh tế của Việt Nam bước đầu đã có tác dụng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo kinh tế Việt Nam sẽ vẫn chịu nhiều sức ép, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay.

Những chuyên gia nói trên cho rằng lĩnh vực tài chính non trẻ của Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những nhân tố đã dẫn đến sự phá sản của nhiều ngân hàng ở Mỹ, nhưng nền kinh tế Việt Nam chắc chắc sẽ cảm nhận được những tác động sâu rộng của cuộc khủng hoảng này.

Theo chuyên gia Vương, xuất khẩu của Việt Nam và đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ giảm, nếu có suy thoái tại Mỹ và châu Âu./.