Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và những hệ lụy
TCCSĐT - Sau ba lần đàm phán của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc, đồng thời cũng là hai quốc gia lớn nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương không đạt kết quả, ngày 16-7-2018, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chính thức bùng phát khi Mỹ tuyên bố áp thuế nhập khẩu 25% đối với 818 mặt hàng của Trung Quốc với tổng trị giá lên 34 tỷ USD.
Căng thẳng cuộc chiến thương mại: Nguyên nhân bất đồng
Mỹ áp thuế cao đối với các mặt hàng của Trung Quốc, chủ yếu tập trung vào các thiết bị cơ khí, dụng cụ quang học và thiết bị điện, với mục tiêu đánh vào ngành công nghiệp chế tạo của nước này. Trong khi Trung Quốc công bố 106 mặt hàng của Mỹ bị áp mức thuế mới, tập trung vào lĩnh vực thủy sản, trái cây, thịt gia súc, gia cầm, than đá, nhiên liệu ô tô… nhằm tấn công các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng ô tô của Mỹ.
Cuộc chiến thương mại Mỹ và Trung Quốc khởi tranh trên nhiều mặt, từ thuế trong ngành ô tô cho đến quan điểm quản lý kinh tế. Nhưng tựu chung, sự căng thẳng này bắt nguồn từ những bất đồng cơ bản sau:
Thứ nhất, tranh chấp trong phát triển công nghệ. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bắt nguồn từ tranh chấp trong ngành công nghệ được khởi nguồn với kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc, đó là “Made in China 2025”. Theo đó, Trung Quốc đặt mục tiêu sẽ đứng đầu nhiều ngành công nghệ trên thế giới, từ ngành robot cho đến ô tô điện, sử dụng công nghệ làm bệ phóng cho tăng trưởng kinh tế và cam kết cho phép các công ty nước ngoài tiếp cận nhiều hơn với ngành sản xuất Trung Quốc. Tuy nhiên, các công nghệ cốt lõi phục vụ cho chiến lược này của Trung Quốc vẫn nằm trong tay Mỹ. Vì vậy, thông qua cuộc chiến thương mại, Mỹ muốn ngăn cản các doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư ở Trung Quốc chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc (1). Hiện Mỹ hạn chế đầu tư và xuất khẩu trong các lĩnh vực như khoa học - công nghệ cao để làm chậm tiến trình đuổi kịp và vượt qua của Trung Quốc.
Thứ hai, tình trạng dư thừa công suất ngành thép của Trung Quốc. Mỹ cáo buộc Trung Quốc bán thép với mức giá bán dưới giá thị trường. Năm 2017, Trung Quốc sản xuất 832 triệu tấn thép (lớn hơn tổng sản lượng thép của Đức và Pháp cộng lại), trong khi chỉ tiêu thụ 737 triệu tấn (2). Trung Quốc đang thực sự sản xuất quá nhiều thép. Với mục tiêu chính là nhằm vào ngành sản xuất thép Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Mỹ D. Trump đã công bố đánh thuế với nhôm, thép nhập khẩu vào Mỹ hồi tháng 3-2018.
Thứ ba, quyền tiếp cận thị trường. Thị trường Trung Quốc luôn được coi là lý tưởng khi Trung Quốc cho phép nước ngoài tiếp cận để đánh đổi lấy quyền sở hữu công nghệ. Các hoạt động đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc mang lại nhiều lợi nhuận đủ để các doanh nghiệp chấp nhận nhượng lại công nghệ cho Trung Quốc. Mục tiêu của Mỹ là ngăn chặn các hoạt động chuyển giao công nghệ thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ sang Trung Quốc. Theo đó, mục tiêu Mỹ giảm thuế cho các doanh nghiệp Mỹ để họ chấm dứt đầu tư tại Trung Quốc. Kết quả là, 6/10 doanh nghiệp Mỹ đã rút khỏi thị trường Trung Quốc (tháng 12-2016).
Thứ tư, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tăng cao. Trao đổi hàng hóa Mỹ - Trung đạt 620 tỷ USD, nhưng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên đến 384 tỷ USD (năm 2017) (3), vượt xa mức thặng dư thương mại dịch vụ của Mỹ (38 tỷ USD) và tương đương gần nửa mức thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước trên thế giới. Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc giảm 100 tỷ USD thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ chỉ giảm nếu Mỹ giảm bớt các hạn chế trong xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc.
Thứ năm, do bản chất định hướng của nền kinh tế Trung Quốc. Năm 2017, Mỹ từ chối không công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường bởi cho rằng, việc nhà nước can thiệp quá nhiều vào thị trường gây ra nhiều sự bóp méo trong nền kinh tế. Yếu tố mất cân bằng thương mại sẽ vẫn diễn ra trừ khi bản chất của hai nền kinh tế thay đổi. Mỹ cần phải tiết kiệm nhiều hơn trong khi Trung Quốc cần chi tiêu nhiều hơn. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và định hướng đầu tư của nhà nước. Mặc dù, Trung Quốc đã và đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, mua thêm hàng ngoại, tuy nhiên, tiến trình này cần phải được đẩy nhanh hơn nữa.
Thứ sáu, chiến lược thao túng thị trường tiền tệ của Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ 8% để đối phó với chính sách tăng thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc (4), Mỹ chỉ trích Trung Quốc thao túng đồng Nhân dân tệ, đồng thời muốn mở một cuộc điều tra mới về quản lý đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Song, nếu Trung Quốc sử dụng vũ khí tiền tệ sẽ là lựa chọn nguy hiểm bởi nó làm tăng nguy cơ lạm phát ở Trung Quốc.
Tác động của cuộc chiến thương mại đối với Mỹ và Trung Quốc
Đối với Trung Quốc, một là, tăng trưởng kinh tế và kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ chỉ đạt 6,6% (năm 2018) so với mức 6,9% (năm 2017). Tác động trực tiếp của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tới Trung Quốc sẽ làm tăng trưởng GDP giảm 0,1% - 0,3%, tăng trưởng xuất khẩu giảm 1%. Nếu Mỹ ngừng hoàn toàn nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, GDP của Trung Quốc sẽ giảm 3 điểm phần trăm (5). Cuộc chiến thương mại sẽ làm giảm 1/3 giá trị kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ (khoảng 200 tỷ USD mỗi năm), buộc Trung Quốc phải tìm kiếm các thị trường mới và thiết kế các sản phẩm tiết kiệm nguyên liệu.
Hai là, ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất, việc làm, thu nhập của người dân. Việc tăng thuế đối với sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ ảnh hưởng đến sự thúc đẩy nhu cầu bên ngoài cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, dẫn đến năng suất lao động của các doanh nghiệp giảm, doanh nghiệp ngừng sản xuất và phải chuyển dịch sang quốc gia khác có chi phí xuất khẩu thấp. Xuất khẩu giảm buộc phải giảm lực lượng lao động liên quan đến hàng loạt việc làm của doanh nghiệp nhỏ trong các lĩnh vực nguyên liệu, thiết bị, vận tải, tín dụng… Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài sẽ khiến nhiều người lao động mất việc làm, các doanh nghiệp nhỏ sẽ phải đóng cửa.
Ba là, tác động xấu đến hệ thống tài chính tiền tệ Trung Quốc. Xuất siêu giảm, dự trữ ngoại hối cũng sẽ bị suy giảm tương đối, cộng thêm sự biến động của xuất nhập khẩu sẽ tác động tới tỷ giá. Sản xuất dư thừa, khó đầu tư, người dân sẽ đầu tư vào bất động sản. Do sự độc quyền của chính quyền địa phương đối với đất đai làm cho giá nhà đất biến động. Việc làm và thu nhập của người dân bị ảnh hưởng sẽ tác động xấu đến khả năng vay ngân hàng. Các doanh nghiệp hoạt động không đủ công suất (do năng lực sản xuất dư thừa tăng) sẽ khó có khả năng trả lãi và vốn ngân hàng, làm tăng tỷ lệ nợ xấu, tác động xấu đến hệ thống tài chính tiền tệ Trung Quốc.
Bốn là, thị trường ngoại hối Trung Quốc suy giảm. Khi Mỹ áp thuế nhập khẩu lên toàn bộ các mặt hàng của Trung Quốc sẽ gây rối loạn cho nền kinh tế Trung Quốc. Hệ quả lạm phát tăng cao, các nhà máy đóng cửa để tránh thuế cao của Mỹ, các nhà đầu tư sẽ rút khỏi Trung Quốc để chuyển sang đầu tư ở các nước khác. Khi các nhà đầu tư quốc tế mất tín nhiệm với đồng Nhân dân tệ, họ sẽ rút tiền khỏi Trung Quốc do đồng Nhân dân tệ mất giá. Thị trường chứng khoán và dự trữ ngoại hối có nguy cơ bị sụp đổ.
Đối với Mỹ, cuộc chiến thương mại do chính sách thuế của Mỹ và các đòn trả đũa của Trung Quốc cũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ, cụ thể:
Nguy cơ lạm phát tăng cao, người lao động mất việc làm. Do hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đối mặt với việc tăng giá từ 10% - 25%, sẽ tác động rất lớn đến tăng lạm phát. So với 130 tỷ - 150 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ, sức ép của 550 tỷ USD hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc căng thẳng hơn nhiều. Cộng thêm, việc giảm mạnh thuế của Mỹ đối với các doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài dẫn đến thâm hụt ngân sách chính phủ tăng lên, cán cân cung - cầu nghiêm trọng hơn, hậu quả lạm phát sẽ tăng. Vòng luẩn quẩn “ăn miếng, trả miếng” liên quan đến thuế của Mỹ và Trung Quốc có thể khiến Mỹ mất tổng cộng 700.000 việc làm và tăng trưởng kinh tế giảm 0,5%. Chi phí sản xuất nhiều mặt hàng tại Mỹ có thể tăng lên, thậm chí sẽ khiến một số doanh nghiệp Mỹ phải đóng cửa hoặc chuyển sản xuất sang nước khác.
Vị trí đồng USD bị thách thức nghiêm trọng. Đồng USD là đồng tiền của thế giới. Nếu Mỹ muốn giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc thì đây là thách thức đối với vị trí của đồng tiền này. Chiến lược thương mại của Trung Quốc (6) đang giúp Mỹ củng cố vị trí của đồng USD như là đồng tiền của thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc đạt 27.790 tỷ Nhân dân tệ (7) (khoảng hơn 4.000 tỷ USD), hầu hết trong số đó được thanh toán bằng USD. Trung Quốc và những quốc gia có quan hệ buôn bán với Trung Quốc đều dự trữ lượng lớn USD. Nếu cuộc chiến thương mại ảnh hưởng đến xuất khẩu sang Mỹ, chiến lược thương mại quốc tế của Trung Quốc sẽ giảm mạnh, vị thế đồng tiền thế giới của Mỹ cũng giảm theo, thậm chí buộc Trung Quốc và các đối tác thương mại phải tìm kiếm đồng tiền thay thế.
Các công ty công nghệ cao của Mỹ sẽ bị mất thị phần ở Trung Quốc. Mỹ có các công ty công nghệ cao và ngành sản xuất rất phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển này dựa nhiều vào thị trường Trung Quốc. Đánh mất thị trường Trung Quốc, Mỹ sẽ mất đà phát triển. Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm cho giá các sản phẩm công nghệ cao tăng mạnh tại thị trường Trung Quốc, thúc đẩy Trung Quốc áp dụng chiến lược thay thế trên quy mô lớn, khi đó vị thế dẫn trước của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ phải chịu cú sốc.
Tạo cú sốc lớn đến thị trường vốn của Mỹ. Khi cuộc chiến thương mại diễn ra trên quy mô lớn, lợi nhuận của các ngành liên quan đến sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ giảm, thậm chí thua lỗ. Các công ty công nghệ cao và ngành sản xuất của Mỹ phải đối mặt với sự thay thế nhập khẩu trên thị trường Trung Quốc, thu nhập giảm, lãi suất trên thị trường giảm mạnh. Điều này sẽ mang lại cú sốc lớn cho thị trường vốn của Mỹ.
Tác động của cuộc chiến thương mại đến khu vực châu Á và Việt Nam
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung không chỉ có ảnh hưởng lên hai nền kinh tế hàng đầu thế giới mà hàng loạt quốc gia châu Á khác cũng chịu tác động ảnh hưởng không nhỏ bởi nhiều nước châu Á là một phần trong chuỗi mắt xích của dây chuyền sản xuất trong khu vực thương mại tự do chuyên cung cấp linh kiện cho các mặt hàng của Trung Quốc sang Mỹ.
Báo cáo của Ngân hàng phát triển Singapore (DBS) nhận định, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan và Singapore sẽ là các nền kinh tế gặp rủi ro cao nhất tại châu Á vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Do các nước này có độ mở thương mại cao và tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng. Điểm chung của các nền kinh tế châu Á là tích hợp chặt chẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu - nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện từ các nơi khác trên thế giới, lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm trong nước và sau đó bán sản phẩm hoàn thiện ra nước ngoài. Là những mắt xích trong mạng lưới liên kết kinh tế giữa các nước, các nền kinh tế Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Đài Loan… phải đối mặt với rủi ro lớn từ chi phí nhập khẩu cao hơn và nhu cầu xuất khẩu ít hơn do sự leo thang của chủ nghĩa bảo hộ. Theo WTO, khoảng 60% - 70% xuất khẩu của các nước châu Á được sử dụng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu khiến các nước bị ảnh hưởng do gián đoạn trong thương mại toàn cầu.
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thế giới tăng 11% lên 17.200 tỷ USD. Cứ mỗi 100 tỷ USD hàng hóa bị ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu, thương mại toàn cầu sẽ giảm 0,5%, kéo theo tăng trưởng toàn cầu mất 0,1%, lạm phát sẽ tăng 0,1% - 0,3%, chưa tính biến động tỷ giá. Do hai phần ba số hàng hóa trao đổi giữa Mỹ và Trung Quốc nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu và phần lớn số hàng Mỹ nhập từ Trung Quốc đến từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, vì vậy, thuế nhập khẩu của Mỹ, dù nhằm vào Trung Quốc, vẫn sẽ có tác động đến các nước khác, trong số đó, ảnh hưởng nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thứ hai, tác động tiêu cực tới thị trường tài chính toàn cầu, dẫn tới sự suy thoái của nền kinh tế thế giới. Mức thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tạo điều kiện cho ngành công nghiệp luyện kim và nhôm của Mỹ phát triển, nhưng đồng thời tạo nguy cơ đối với ngành công nghiệp ô tô và nhiều ngành khác. Việc Mỹ tăng thuế trên hàng hóa Trung Quốc sẽ là gánh nặng tài chính trên vai các tập đoàn quốc tế cung ứng hàng hóa, nhất là các sản phẩm có giá trị cao, trong đó có các công ty của Mỹ trên toàn thế giới và các doanh nghiệp châu Á đang hoạt động tại Trung Quốc.
Thứ ba, tác động đến định hướng xuất khẩu của các nước châu Á. Nhiều nước châu Á nằm trong chuỗi mắt xích dây chuyền sản xuất của khu vực thương mại tự do, chuyên cung cấp linh kiện cho các mặt hàng của Trung Quốc sang Mỹ. Khi các mặt hàng bị áp thuế suất mới cao, thiệt hại gián tiếp của việc áp thuế nhập khẩu cao của Mỹ đối với các mặt hàng của Trung Quốc sẽ rơi vào các nước Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Việt Nam… buộc các công ty phải tăng chi phí, thậm chí phải giảm vốn đầu tư và có thể phải đóng cửa không hoạt động.
Việt Nam là quốc gia có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc và Mỹ nên cũng chịu tác động từ cuộc chiến thương mại.
Một là, tăng sức ép cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam. Khi Mỹ chính thức áp thuế 25% lên hơn 800 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, hàng hóa của Trung Quốc khó xuất khẩu được vào thị trường Mỹ, khi đó, Trung Quốc sẽ tìm cách xuất khẩu sang các thị trường lân cận mà Trung Quốc có ưu thế cạnh tranh để tiêu thụ hàng hóa, trong đó có Việt Nam. Do vậy, sẽ gây ra hiện tượng phá giá và bóp méo thị trường, ảnh hưởng lớn đến các sản phẩm của Việt Nam. Thêm nữa, tiền VNĐ lên giá so với NDT (8), hàng hóa của Trung Quốc bán vào Việt Nam trở nên rẻ. Thị trường Việt Nam sẽ bị hàng Trung Quốc tràn vào, bao gồm cả các hàng hóa không xuất khẩu được sang Mỹ. Nhập siêu tăng đồng nghĩa sức ép cạnh tranh hàng hóa Việt Nam tăng.
Hai là, hoạt động xuất khẩu sẽ gặp khó khăn. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ khiến cho sức tăng trưởng và mức thu nhập của nền kinh tế Trung Quốc suy giảm, có thể dẫn đến tình trạng phá sản, mất việc làm, nhu cầu sản xuất của Trung Quốc cũng giảm, dẫn đến xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn. Thêm nữa, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có thể sẽ khó khăn hơn khi một phần hàng hóa của Trung Quốc lẽ ra được xuất khẩu, buộc phải tiêu dùng trong nội địa. Thậm chí, khi Trung Quốc không xuất khẩu được sang Mỹ, họ sẽ tìm cách núp dưới danh nghĩa hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam. Nếu bị Mỹ phát hiện, thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ bị Mỹ trừng phạt, gây nhiều khó khăn. Đặc biệt, Mỹ có thể áp thuế nhập khẩu lên nhiều mặt hàng có nguồn gốc Trung Quốc, được đưa vào Việt Nam làm trung gian để xuất khẩu sang Mỹ.
Ba là, thu hút đầu tư nước ngoài gặp nhiều bất lợi. Nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc sẽ không được thực hiện. Trung Quốc sẽ tìm cách quay trở về đầu tư trong nước và đẩy những công nghệ lạc hậu sang các nước lân cận. Việt Nam sẽ khó tránh khỏi việc phải tiếp nhận những công nghệ lạc hậu, thải ra của nền kinh tế Trung Quốc. Vì vậy, để hạn chế rủi ro, Việt Nam cần thận trọng với các dự án đầu tư có nhiều “ưu đãi” của Trung Quốc để không phải tiếp nhận công nghệ rác thải của nước này.
Bốn là, quy mô hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị giảm. Các rào cản về thuế quan từ cả hai phía Mỹ và Trung Quốc sẽ làm cho sản phẩm của Việt Nam mất lợi thế, giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường do giá bán sản phẩm cao, khó tiếp cận được đối tượng tiêu thụ sản phẩm tại hai thị trường Mỹ và Trung Quốc, cũng như tại các thị trường mà sản phẩm đó đang hiện diện. Điều này khiến quy mô sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam có thể bị thu nhỏ, thậm trí đóng cửa nếu không tìm được thị trường mới để duy trì, phát triển./.
-------------------------
(1) Tin kinh tế, ngày 28-7-2018
(2) Tài liệu tham khảo, Đối đầu Trung - Mỹ trên chiến trường kinh tế sẽ ra sao, ngày 19-7-2018
(3) Đó là chiến lược phát triển “hai đầu ở ngoài” (nghĩa là thị trường nước ngoài vừa là nơi cung cấp nguyên vật liệu, đồng thời vừa là nơi tiêu thụ sản phẩm) của Trung Quốc. Phần lớn trong số 550 tỷ USD Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều thuộc chiến lược “hai đầu ở ngoài”.
(4) Tài liệu tham khảo, Mỹ là nước thua thiệt trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, ngày 30-7-2018
(5) Đồng NDT mất giá 5% (tháng 7-2018) so với đồng USD, trong khi tỷ giá VNĐ/USD chỉ tăng 1,5%, nên trong mối tương quan này, VNĐ đã tăng giá so với NDT, đồng nghĩa với việc hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam rẻ thêm hơn 3%.
Tính chất nguy hiểm của bệnh sởi và biện pháp phòng bệnh bằng vắcxin sởi  (26/09/2018)
Chương trình sữa học đường không bắt buộc  (25/09/2018)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 17 đến ngày 23-9-2018)  (25/09/2018)
Quốc hội Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Nghị viện Belarus  (25/09/2018)
Thư và điện chia buồn về việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần  (25/09/2018)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm