Về xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Đảng
TCCSĐT - Sau khi học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đều phải xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết Trung ương. Đây là việc làm thường xuyên, bắt buộc, nhằm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Tuy nhiên, việc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động ở Lào Cai đang bộc lộ không ít vấn đề cần tháo gỡ...
Hạn chế, khuyết điểm...
Thực tế nhiều năm cho thấy, đa số cấp ủy đã xây dựng được chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết đạt yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, một số chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết của cấp ủy các cấp còn bộc lộ hạn chế, khuyết điểm cần sớm được khắc phục, như: không ít chương trình hành động thực hiện nghị quyết Trung ương của các cấp ủy, tổ chức đảng chưa phản ánh đúng nội dung, yêu cầu triển khai thực hiện nghị quyết ở địa phương, cơ sở, ngành; chưa quán triệt sâu sắc các chủ trương, giải pháp được xác định trong nghị quyết Trung ương gắn với tình hình thực tế của từng địa phương, cơ sở, ngành nên thường thiếu tính định lượng, không khả thi, định hướng như nghị quyết của Trung ương. Khâu tổ chức thực hiện còn viết chung chung, phân công nhiệm vụ tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết chưa rõ ràng, cụ thể. Không làm rõ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân ở địa phương, cơ sở, ngành của mình phải làm gì, làm như thế nào. Kết cấu chương trình hành động đa số giống nghị quyết của Trung ương, nên chương trình hành động thực hiện nghị quyết nhưng lại giống như nghị quyết. Nghị quyết, chương trình hành động của cấp trên có bao nhiêu mục thì chương trình hành động của cấp dưới cũng có bấy nhiêu mục, mặc dù có những mục không thuộc thẩm quyền hoặc không thể thực hiện ở địa phương, cơ sở, ngành mình. Tình trạng cấp dưới sao chép, mô phỏng chương trình hành động của cấp ủy cấp trên là khá phổ biến. Xây dựng chương trình, kế hoạch hành động rồi nhưng thường không tổ chức tuyên truyền, phổ biến, đồng thời rất ít khi kiểm tra, theo dõi tiến độ thực hiện để có điều chỉnh, bổ sung kịp thời cho sát với diễn biến của tình hình thực tế... Do vậy, chương trình hành động không mang tính khả thi, mà chỉ mang tính hình thức. Đây là một thực tế không chỉ xảy ra ở một vài địa phương, cơ sở, nếu chúng ta mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật.
Một số vấn đề cần trao đổi
Để nâng cao chất lượng xây dựng chương trình hành động thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, thiết nghĩ trong thời gian tới, cần hướng dẫn chi tiết thêm việc xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết của Đảng. Từ thực tiễn của địa phương, xin trao đổi một số vấn đề cơ bản sau đây:
Về nhận thức
Cần hướng dẫn các địa phương thống nhất nhận thức về chương trình hành động hoặc kế hoạch thực hiện nghị quyết. Chương trình hành động không phải là nghị quyết của cấp ủy cấp dưới để thực hiện nghị quyết của cấp ủy cấp trên; cũng không phải là “chép” lại nghị quyết của cấp trên rồi sửa lại một số ý để trở thành chương trình hành động. Chương trình hành động phải nêu được những nội dung đề ra trong nghị quyết mà địa phương, cơ quan, đơn vị, ngành cần triển khai thực hiện. Những nội dung này phù hợp với thực tế, chức năng, nhiệm vụ, điều kiện, đồng thời đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi của địa phương, cơ quan, đơn vị, ngành. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII. Trong 3 nghị quyết của Hội nghị, cấp tỉnh cần xây dựng chương trình hành động thực hiện cả 3 nghị quyết; cấp huyện và cơ sở chỉ cần xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Vì cấp huyện và cơ sở không thể hoàn thiện được thể chế kinh tế, mà chỉ tham gia ý kiến để Trung ương hoàn thiện thể chế và thực hiện nghiêm túc thể chế do Trung ương ban hành cũng như những chính sách mang tính đặc thù địa phương do cấp tỉnh ban hành. Mặt khác, hiện nay không có doanh nghiệp nhà nước do cấp huyện và cơ sở quản lý, nên không nhất thiết xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, mà cần quán triệt thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, để họ hiểu và tham gia theo mức độ, phạm vi, thẩm quyền trong công tác, làm việc của bản thân.
Về kết cấu
Chương trình hành động không phải là nghị quyết nên kết cấu không thể giống nghị quyết, mà nên gồm những nội dung cơ bản như: tên chương trình hoặc kế hoạch hành động; mục tiêu cần đạt được; các giải pháp; các điều kiện để thực hiện mục tiêu đã xác định; lộ trình thực hiện các công việc; công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết; phân công các bộ phận, cá nhân thực hiện. Các mục như: đánh giá thực trạng, quan điểm, mục đích, yêu cầu, phương hướng,... không nhất thiết phải ghi trong chương trình hành động. Bởi lẽ, các quan điểm đó đã nêu trong nghị quyết của Trung ương, nếu có nêu thì đó là quan điểm riêng của địa phương, ngành nhưng điều đó không thể trái với các quan điểm của Trung ương. Hoặc không cần thiết phải nêu phương hướng, vì chương trình hành động bản thân nó đã xác định những việc cần thực hiện, chứ không phải nêu phương hướng như nghị quyết.
Về nội dung
Cần hướng dẫn theo hướng viết cụ thể, rõ việc. Chẳng hạn thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thì tỉnh, huyện, xã phải đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2020 tỉnh, huyện, phường, xã, thị trấn mình sẽ tăng số hộ kinh doanh cá thể lên bao nhiêu? Có bao nhiêu hộ kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp tư nhân? Bao nhiêu hộ làm kinh tế trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao... Hoặc về giải pháp cần nêu rõ: tiếp tục tuyên truyền các quan điểm, nhận thức mới của Đảng về kinh tế tư nhân đến các hộ kinh doanh cá thể và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thế nào? Làm gì để hướng dẫn hộ kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp tư nhân? Tổ chức bồi dưỡng kiến thức về chính trị, văn hóa cho đội ngũ doanh nhân như thế nào? Những điều chỉnh trong quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh tế tư nhân,... phải cụ thể chứ không chỉ nói chung chung, định hướng như nghị quyết của Trung ương.
Về yêu cầu
Việc xây dựng chương trình hành động phải được thảo luận dân chủ, rộng rãi, bởi đó là những việc cần làm, sẽ làm của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, ngành. Mặt khác, cần hướng dẫn cấp ủy các cấp xây dựng kế hoạch tuyên truyền chương trình hành động thực hiện nghị quyết; định kỳ kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình hành động để điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết, sao cho nghị quyết sớm đi vào cuộc sống thông qua các chương trình hành động thực hiện nghị quyết.
Cần căn cứ vào nội dung, tính chất từng nghị quyết để hướng dẫn việc xây dựng chương trình hành động cho phù hợp. Thiết nghĩ, không nhất thiết nghị quyết nào cũng yêu cầu cấp ủy các cấp phải xây dựng chương trình hành động. Chẳng hạn thực hiện nghị quyết về chính trị - tư tưởng thì tất cả cấp ủy các cấp đều phải xây dựng chương trình hành động là xác đáng, nhưng thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thì cấp ủy cơ sở trong lực lượng vũ trang, cơ quan hành chính sự nghiệp (bệnh viện, trường học công lập...) không nhất thiết phải xây dựng chương trình hành động, nếu xây dựng thì phải hướng dẫn cụ thể. Vì, ở đó không quản lý trực tiếp, cũng như không tồn tại hoạt động kinh tế tư nhân.
Cần hướng dẫn cấp ủy các cấp sớm khắc phục tình trạng chỉ chú ý đến số lượng người đến học nghị quyết sao cho đạt tỷ lệ cao, mà ít quan tâm đến xây dựng và thực hiện chương trình hành động thực hiện nghị quyết.
Để chuyển hóa những tư tưởng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong nghị quyết của Đảng thành sự chuyển biến trong thực tiễn cuộc sống, cần sự kết hợp đồng bộ của nhiều yếu tố, trong đó hướng dẫn cụ thể hơn, tăng cường kiểm tra, giám sát việc xây dựng, thực hiện các chương trình hành động thực hiện nghị quyết là việc làm quan trọng, mở đầu cho nghị quyết sớm đi vào cuộc sống./.
Thực thi đồng bộ các giải pháp để tái cấu trúc thành công  (06/09/2017)
Bản lĩnh PVOIL  (06/09/2017)
Việt Nam là ưu tiên trong chính sách hướng Đông của Ai Cập  (05/09/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt thân mật Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 29  (05/09/2017)
IPU: Việt Nam hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững  (05/09/2017)
Triều Tiên vi phạm nghiêm trọng Nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc  (05/09/2017)
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên