Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 16 đến ngày 22-01-2017
Phiên họp thứ 2 của Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công
Chiều 18-01, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ 2 của Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công nhằm thông qua dự thảo Quy chế hoạt động của Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công; thông qua dự thảo danh sách thành viên Tổ Biên tập Luật; thông qua dự kiến phân công trách nhiệm thành viên Ban soạn thảo và thành viên Tổ Biên tập Luật; thông qua dự thảo Kế hoạch xây dựng dự án Luật Hành chính công (2017-2018).
Theo kế hoạch, Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công sẽ tiến hành lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan chuyên môn, truyền thông nhằm làm rõ khái niệm "hành chính công", đối tượng điều chỉnh, phạm vi áp dụng của dự án Luật Hành chính công; tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học nhằm góp phần làm rõ những chính sách, pháp luật còn bất cập, khiếm khuyết trong quản lý, điều hành nền hành chính quốc gia. Từ đó, Ban soạn thảo dự án Luật đưa ra những kiến nghị xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật, khẳng định sự cần thiết xây dựng dự án Luật Hành chính công trong tình hình Việt Nam hiện nay.
Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học về hành chính công để làm rõ khái niệm, đối tượng điều chỉnh, phạm vi áp dụng dự án Luật...
Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công gồm 27 người do đại biểu Quốc hội khóa XIV Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội là Trưởng Ban soạn thảo. Theo kế hoạch, Ban soạn thảo sẽ họp 5 phiên (đến tháng 12-2017) để thảo luận, cho ý kiến; bổ sung, sửa đổi hoàn thiện dự thảo Luật Hành chính công; chuẩn bị kế hoạch xây dựng dự án Luật năm 2018.
Theo Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công Trần Thị Quốc Khánh, Ban soạn thảo có trách nhiệm tổ chức việc soạn thảo và chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ soạn thảo dự án Luật Hành chính công để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật.
Kỷ luật 2 Thứ trưởng Bộ Nội vụ
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định thi hành kỷ luật 2 Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Cụ thể, tại Quyết định 83/QĐ-TTg ngày 18-01-2017, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Tại Quyết định 84/QĐ-TTg ngày 18-01-2017, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Phân công soạn thảo văn bản quy định chi tiết 5 luật, nghị quyết
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo 10 văn bản quy định chi tiết 5 luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
Theo Danh mục, các bộ, ngành được giao dự thảo 9 Nghị định của Chính phủ và 1 Thông tư để quy định chi tiết thi hành 5 luật, nghị quyết: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24-11-2010 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (có hiệu lực từ 01-01-2017); Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 (có hiệu lực từ 01-01-2017); Nghị quyết về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam (có hiệu lực từ 01-02-2017); Luật đấu giá tài sản (có hiệu lực từ 01-7-2017); Luật tín ngưỡng tôn giáo (có hiệu lực từ 01-01-2018).
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24-11-2010 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (khoản 4 Điều 2); Bộ Công an chủ trì soạn thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị (Điều 7 Luật Đầu tư và khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung).
Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô (Điều 7 Luật Đầu tư và khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung). Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì soạn thảo Nghị định quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, trình hoặc ban hành vào tháng 01-2017.
Bộ Công an chủ trì soạn thảo và trình hoặc ban hành vào tháng 01-2017 Nghị định quy định trình tự, thủ tục cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo trình tự thủ tục rút gọn; danh sách các nước có công dân được cấp thí điểm cấp thị thực điện tử, danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài xuất, nhập cảnh bằng thị thực điện tử đưa vào phụ lục kèm theo Nghị định này (khoản 1 Điều 6).
Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo 2 Nghị định: Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (khoản 6 Điều 6, khoản 3 Điều 30, khoản 5 Điều 51, khoản 5 Điều 56); Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo (khoản 2 Điều 64), ban hành trước 15-10-2017.
Thủ tướng yêu cầu, chậm nhất là ngày 25 hàng tháng, các cơ quan chủ trì soạn thảo cập nhật thông tin điện tử hoặc gửi thông tin về tình hình xây dựng văn bản được phân công về Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ.
Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị kiểm điểm việc một sở có 44 lãnh đạo
Tại thời điểm 15-10-2016, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 09 phòng với số lượng Phó Trưởng phòng là 31 người, trong đó có sáu phòng chuyên môn có số lượng Phó Trưởng phòng nhiều hơn số lượng đề xuất tại Đề án xác định vị trí việc làm do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trình UBND tỉnh là tám người.
Đây là kết luận thanh tra đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức, viên chức; bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng; số lượng Phó Trưởng phòng và việc ký hợp đồng làm công tác chuyên môn của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương từ ngày 01-01-2014 đến ngày 15-10-2016, vừa được Thanh tra Bộ Nội vụ công bố.
Theo kết luận này, trong giai đoạn từ ngày 01-01-2014 đến ngày 15-10-2016, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có hai trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức, trong đó có một trường hợp đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và được UBND tỉnh Hải Dương tuyển dụng theo thẩm quyền, một trường hợp không đảm bảo đầy đủ theo quy định (đến nay đã chuyển công tác).
Nhìn chung, việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn có hai công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng phòng khi chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn ngạch công chức hành chính; một số trường hợp có thời gian làm công chức tại Sở chưa đảm bảo để đánh giá, nhận xét về kết quả thực hiện nhiệm vụ, khả năng quy tụ nhưng đã được bổ sung quy hoạch và được bổ nhiệm Phó Trưởng phòng; một số trình tự bổ nhiệm chưa được thể hiện bằng văn bản lưu trong hồ sơ bổ nhiệm.
Tại thời điểm ngày 15-10-2016, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương sử dụng 17 hợp đồng làm công tác chuyên môn tại cơ quan Văn phòng Sở là chưa phù hợp với quy định. Ngày 14-10-2016, Sở này đã ra thông báo về việc chấm dứt hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, đồng thời ban hành phương án sử dụng lao động báo cáo UBND tỉnh về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp nêu trên và được UBND tỉnh nhất trí tại Thông báo số 179/TB-VP ngày 09-11-2016.
Thanh tra Bộ Nội vụ đã yêu cầu Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương rà soát về điều kiện, tiêu chuẩn các trường hợp được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo cấp phòng; miễn nhiệm chức vụ các trường hợp không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn; thu hồi quyết định bổ nhiệm, sắp xếp, điều chuyển số lượng Phó Trưởng phòng các phòng chuyên môn bảo đảm số lượng phù hợp quy định.
Thanh tra Bộ Nội vụ cũng kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương xây dựng, ban hành văn bản quy định về điều kiện, tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo cấp phòng thuộc cấp sở để làm căn cứ thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh; chỉ đạo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng, điều chỉnh Đề án vị trí việc làm phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế và giảm số lượng cấp phó trong cơ quan, tổ chức; thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm công chức theo Đề án vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
“Tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm để có hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến những thiếu sót, tồn tại,” Kết luận thanh tra nêu rõ.
Cà Mau: Từ quản lý sang phục vụ
Những năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Cà Mau liên tục sụt giảm. Năm 2014, tỉnh xếp hạng 58/63, năm 2015 là 59/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau luôn đứng cuối cùng trong danh sách 13 tỉnh, thành phố. Để khắc phục tình trạng này, Cà Mau xác định cải cách hành chính là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết năm 2017, Cà Mau sẽ nâng cao điểm số các chỉ số thành phần có điểm thấp hơn điểm số trung bình cả nước, phấn đấu đưa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Cà Mau lọt vào nhóm trung bình khá cả nước. Từ đó tạo động lực đến năm 2018, tỉnh hoàn thiện các chỉ số thành phần, đưa Cà Mau vào nhóm có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh khá.
Để cụ thể hóa mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định thực hiện kế hoạch cải cách hành chính năm 2017. Theo đó, công tác cải cách hành chính năm 2017 được triển khai thực hiện trên 7 nội dung với 18 nhiệm vụ được phân công cho các cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và quy định cụ thể thời gian thực hiện, hoàn thành. Đặc biệt, Cà Mau rất chú trọng đến mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Ngày 01-01-2017, Cà Mau đã đưa Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính đi vào hoạt động. Trung tâm thực hiện giải quyết thủ tục hành chính ở 19 lĩnh vực với hơn 1.300 thủ tục. Tại đây, thành phần hồ sơ, mức thu phí, các thủ tục hành chính được niêm yết công khai, trả kết quả cho nhân dân, doanh nghiệp đến làm thủ tục đúng thời gian quy định… Qua đó, tỉnh phấn đấu tiến tới giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định về thủ tục đầu tư cũng như sẽ có nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư.
Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, trong năm 2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp nhận trên 1.700 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó gần 1.500 hồ sơ được giải quyết sớm hơn quy định, chỉ có 6 trường hợp trả quá hạn. Hiện số ngày đăng ký doanh nghiệp thành lập mới tại Sở giảm từ 5 ngày xuống còn 3 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định; một số trường hợp thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp khi có đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định được trả ngay trong ngày.
Với việc tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính... từ năm 2016 đến nay, tỉnh có 29 đơn vị công bố danh mục cắt giảm thủ tục hành chính không liên thông; 18 đơn vị có quyết định phê duyệt danh mục cắt giảm từ 20-30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên thông thuộc thẩm quyền giải quyết.
Hà Nội tiếp tục triển khai cung cấp 120 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Phan Lan Tú cho biết, trong quý I-2017, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai cung cấp 120 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, chia thành 3 đợt. Theo đó, đợt 1 thành phố sẽ vận hành chính thức 27 dịch vụ công từ ngày 19-01; đợt 2 vận hành chính thức 20 dịch vụ công từ ngày 01-3 và đợt 3 vận hành chính thức 73 dịch vụ công từ ngày 15-3.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, ngay trong đợt 1, cấp sở đã triển khai 20 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Cụ thể, Sở Tư pháp thực hiện 12 dịch vụ về đăng ký hành nghề luật sư; Sở Văn hóa và Thể thao triển khai 2 dịch vụ về cấp giấy phép thực hiện quảng cáo. Sở Du lịch làm 6 dịch vụ về cấp thẻ hướng dẫn viên. Cấp quận triển khai 1 dịch vụ công “Cấp bản sao trích lục hộ tịch (khai sinh)” trực tuyến mức độ 3 cấp quận tới 12 UBND quận. Cấp phường triển khai 6 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp phường tới 168 UBND phường thuộc 12 quận, bao gồm: 2 dịch vụ về đăng ký kết hôn, 2 dịch vụ về đăng ký giám hộ, 1 dịch vụ “cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân”, 1 dịch vụ “cấp bản sao trích lục hộ tịch”.
Với mục tiêu nhằm rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thành phố Hà Nội khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực sử dụng, khai thác các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 của thành phố, tiến tới xây dựng Công dân điện tử, phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử của thành phố Hà Nội.
Trước đó, thực hiện kế hoạch triển khai dịch vụ công trực tuyến của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 năm 2016, ngày 31/7/2016, thành phố Hà Nội đã tổ chức khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ egov.hanoi.gov.vn và cung cấp chính thức 7 dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực tư pháp (khai sinh, khai tử), liên thông với Công an và Bảo hiểm xã hội. Đến ngày 15-12-2016, hệ thống dịch vụ công đã được triển khai đồng bộ tại 584 xã , phường, thị trấn trên toàn địa bàn thành phố và đạt được những kết quả tích cực với tỷ lệ hồ sơ trực tuyến khoảng 70%, nâng cao chất lượng, hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, từng bước phục vụ người dân được tốt hơn./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gia đình chính sách tỉnh Quảng Nam  (22/01/2017)
Đại sứ quán Việt Nam ở Hoa Kỳ tổ chức mừng Xuân cùng cộng đồng  (22/01/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5  (22/01/2017)
Chủ tịch Mặt trận Nguyễn Thiện Nhân làm việc tại tỉnh Trà Vinh  (22/01/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt nguyên lãnh đạo miền Trung  (22/01/2017)
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên