Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu: Thực trạng và tác động tới Việt Nam
TCCS - Ngày 29-5-2015, tại Ca-dắc-xtan, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (gồm các nước thành viên là Nga, Ác-mê-ni-a, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan và Cư-rơ-gư-xtan) được ký kết. Theo đánh giá, sau khi Hiệp định này có hiệu lực, cơ hội sẽ rộng mở đối với cả hai bên, trong đó kim ngạch xuất - nhập khẩu hai chiều có khả năng tăng gần 3 lần so với năm 2014. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào khác, bên cạnh cơ hội luôn hiện hữu những khó khăn cần được nhanh chóng tháo gỡ và những thách thức phải vượt qua.
Liên minh kinh tế Á - Âu và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu
Sự chuyển biến từ Liên minh thuế quan Nga - Bê-la-rút - Ca-dắc-xtan sang Liên minh kinh tế Á - Âu
Hiệp định thành lập lãnh thổ hải quan thống nhất và thành lập một Liên minh thuế quan giữa Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan được ký kết vào tháng 10-2007 dựa trên hai hiệp định được ký trước đó vào các năm 1995 và 1999. Hiệp định được ký vào năm 1995 quyết định việc thành lập Liên minh; tiếp đó, năm 1999 hiệp định thứ hai được ký kết đề cập tới cách thức tổ chức Liên minh. Sau đó, vào năm 2007, Hiệp định được ký lần thứ ba, chính thức tuyên bố thành lập một khu vực kinh tế xóa bỏ hàng rào thuế quan và hình thành Liên minh thuế quan Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan.
Trên cơ sở Hiệp định năm 2007, ngày 1-1-2010, Liên minh thuế quan Á - Âu (EACU) được thành lập, thay thế Liên minh thuế quan Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan. Ngày 19-11-2011, các nước thành viên đặt ra một nhiệm vụ chung trong việc liên kết các nền kinh tế, thành lập Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU). Ngày 1-1-2012, ba thành viên đã hình thành một không gian kinh tế chung để tiến tới thành lập một liên minh kinh tế thống nhất. Liên minh kinh tế Á - Âu theo khuôn mẫu của Liên minh châu Âu (EU) được hợp nhất từ EACU và Cộng đồng kinh tế Á - Âu (EAEC) do nguyên thủ ba nước Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan ký vào ngày 29-5-2014, có hiệu lực từ ngày 1-1-2015. Theo đó, ngoài các thỏa thuận đã đạt được trong EACU từ năm 2010, việc kiểm soát biên giới giữa ba nước sẽ được hủy bỏ và hướng tới dùng chung một loại tiền tệ. Tiếp đến, EAEU kết nạp thêm Ác-mê-ni-a và Cư-rơ-gư-xtan (những nước thuộc Liên Xô trước đây).
Lộ trình EAEU đặt ra là: 1- Từ ngày 1-1-2015, thực hiện tự do lưu chuyển lao động (người), hàng hóa, dòng vốn và trao đổi dịch vụ; tự do lựa chọn nơi đào tạo và nơi làm việc; điều phối chung trong các lĩnh vực, như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp và giao thông vận tải; 2- Từ ngày 1-1-2016, hình thành thị trường chung cho mặt hàng dược phẩm và thiết bị y tế; 3- Từ năm 2019, hình thành thị trường chung đối với năng lượng thông thường; 4- Từ năm 2025, hình thành thị trường chung cho dầu mỏ và khí đốt, tạo điều kiện cho thị trường tài chính duy nhất và từng bước sử dụng đồng tiền chung.
Như vậy, sự hình thành EAEU sẽ đưa các nước thành viên tiến đến tầm cao hội nhập mới. Một trung tâm kinh tế hùng mạnh sẽ được hình thành trong không gian hậu Xô-viết. Về hợp tác chính trị, nhân đạo hay các hợp tác song phương nội khối, Thứ trưởng Ngoại giao Ca-dắc-xtan Xa-mát Óc-đa-bây-ép (Samat Ordabayev) cho biết: “Hợp tác chính trị, nhân đạo trong EAEU sẽ được tiếp tục. Nhưng những quan hệ trong lĩnh vực này sẽ được phát triển trong các thiết chế khác, như Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và EAEC cho đến khi EAEU hoàn thiện các chức năng của mình”(1).
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu
Việc nghiên cứu khả năng đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh thuế quan Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan (VCUFTA), tiền thân của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EAEU (VN - EAEU FTA), được bắt đầu thực hiện từ tháng 10-2010. Từ đó cho đến giữa năm 2012, nhóm nghiên cứu chung gồm đại diện của bốn nước Việt Nam, Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan đã tiến hành bốn phiên họp và cơ bản hoàn thành những nội dung nghiên cứu.
Tháng 9-2012, tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở thành phố Vla-đi-vô-xtốc (Nga), các nhà lãnh đạo cấp cao hai bên đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định VCUFTA và thống nhất bắt đầu phiên đàm phán vào quý I-2013. Như vậy, có thể nói trước khi tiến hành đàm phán, Việt Nam và EAEU đã tiến hành nghiên cứu tính khả thi trong một thời gian khá dài, sau đó mới khởi động đàm phán. Vì vậy, khi đàm phán, hai bên đều thống nhất tập trung tối đa vào những nhóm hàng thật sự có lợi cho cả hai bên.
Ngày 15-12-2014, sau 8 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ, đàm phán VN - EAEU FTA kết thúc, theo đó Việt Nam và các nước EAEU đã ký Biên bản thỏa thuận về việc kết thúc đàm phán Hiệp định. Đến ngày 29-5-2015, VN - EAEU FTA được Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ban Thường trực và Thủ tướng các quốc gia thành viên EAEU ký kết ở cấp Nhà nước tại thị trấn Bu-ra-bay (Ca-dắc-xtan).
Hiệp định thương mại tự do VN - EAEU khá toàn diện, bao quát nhiều lĩnh vực, bao gồm các nội dung chính là: thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại điện tử, cạnh tranh, pháp lý và thể chế. Trong đó, nội dung quan trọng nhất của Hiệp định là các cam kết mở cửa thị trường cho hàng hóa của cả hai bên, cụ thể: 1- EAEU sẽ dành cho Việt Nam nhiều ưu đãi thuế quan, đặc biệt đối với một số nhóm hàng xuất khẩu có thế mạnh của chúng ta, như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày và đồ gỗ; 2- Việt Nam cũng mở cửa đối với nhiều mặt hàng cho EAEU, như chăn nuôi, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải. Trong đó, đặc biệt hạng mục “mua sắm chính phủ” được mở để có thể bổ sung phát triển thêm.
Theo VN - EAEU FTA, hai bên cam kết: 1- Mở cửa thị trường với 9.927 dòng thuế (chiếm 87,4% - 95,7%); 2- Nhóm không cam kết mở cửa thị trường với 1.433 dòng thuế (chiếm 12,6% - 4,3%); 3- 59,3% trong số 9.927 dòng thuế cam kết cắt bỏ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đây có thể là lợi thế rất lớn đối với Việt Nam trong việc cạnh tranh với các nước khác trên thế giới. Theo Hiệp định, Việt Nam bảo đảm được tất cả lợi ích tối đa từ các mặt hàng thế mạnh, như dệt may, da giày, thủy sản,... và cả những mặt hàng tiềm năng, như đồ gỗ, hàng điện tử. Việt Nam cũng bảo đảm lợi ích đối với một số mặt hàng thế mạnh của EAEU, như sắt thép..., đồng thời trao đổi rất cẩn thận với các doanh nghiệp thép trong nước để có kế hoạch, lộ trình chuẩn bị. Hiệp định thương mại tự do VN - EAEU mở ra cho Việt Nam cơ hội tiếp cận một thị trường lớn khoảng 182 triệu dân, GDP năm 2014 đạt khoảng hơn 2.200 tỷ USD.
Đối với cả hai phía, VN - EAEU FTA đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi:
Thứ nhất, đối với Việt Nam, đây là FTA đầu tiên chúng ta ký với một số nước trong không gian hậu Xô-viết. Còn đối với EAEU, Việt Nam là nước đầu tiên ngoài khối mà Liên minh này đàm phán, ký kết FTA.
Thứ hai, qua đàm phán, hai bên hiểu rõ những mong muốn và sự quan tâm của mỗi bên trong từng lĩnh vực, hiểu được những yêu cầu cần thiết mà mỗi bên đặt ra cho nhau. Sự quan tâm của hai bên về những thế mạnh của nhau là cơ sở để hỗ trợ, bổ sung cho nhau.
Thứ ba, các thành viên của EAEU, đặc biệt là Liên bang Nga có thế mạnh về khoa học - công nghệ và cơ khí chế tạo. Nếu các dự án đầu tư trong lĩnh vực này của Liên minh hoạt động tại Việt Nam, chúng ta có thể tranh thủ được cơ hội để tiếp thu công nghệ và tiếp cận với dự án đầu tư có trình độ tiên tiến trên khu vực và thế giới. Ngược lại, Việt Nam có thế mạnh đầu tư trong một số lĩnh vực về chế biến, sản xuất hàng dệt may, giày dép và chế biến thủy sản. Liên minh kinh tế Á - Âu không chỉ nhập khẩu các sản phẩm này từ Việt Nam mà còn mong muốn chúng ta đặt các nhà máy sản xuất chế biến tại các nước EAEU. Các sản phẩm được sản xuất tại các nhà máy này sẽ có khả năng vươn ra thị trường các nước xung quanh. Nếu cơ hội này được khai thác tốt, hợp tác thương mại đầu tư của Việt Nam với các nước EAEU sẽ có quy mô lớn hơn và chất lượng cao hơn trong thời gian tới.
Tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EAEU tới Việt Nam
Tác động tích cực
Doanh nghiệp Việt Nam rất kỳ vọng vào VN - EAEU FTA bởi ba lý do: Một là, EAEU là một thị trường rộng lớn song hiện vẫn tương đối đóng với hàng hóa nước ngoài. Dù đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhưng mức thuế suất thuế nhập khẩu trung bình vào Nga vẫn còn cao, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, vì thế thông qua VN - EAEU FTA có thể khai thông hàng rào thuế quan cao này. Hai là, với việc ký kết VN - EAEU FTA, hàng hóa Việt Nam được kỳ vọng sẽ có lợi thế đặc biệt trong việc thâm nhập vào thị trường các nước EAEU. Ba là, cơ cấu sản phẩm giữa Việt Nam và EAEU tương đối bổ sung cho nhau, mang tính bổ trợ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của mỗi bên chứ không cạnh tranh trực tiếp nên những tác động bất lợi truyền thống của việc mở cửa thị trường Việt Nam cho đối tác qua FTA sẽ được giảm bớt.
Trong quan hệ thương mại với EAEU, những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao của Việt Nam là thủy sản, gạo, các mặt hàng thực phẩm, may mặc, đồ da, đồ gỗ. Theo báo cáo của Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), mặt hàng thủy sản và thủy sản chế biến được EAEU mở cửa có lộ trình tối đa trong 10 năm với 95% tổng số dòng thuế, trong đó hơn 71% dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực (tương đương 100% tổng kim ngạch xuất khẩu trung bình trong 3 năm (2010 - 2012) của Việt Nam vào EAEU), 5% số dòng thuế còn lại là các mặt hàng Việt Nam không có thế mạnh xuất khẩu. Do đó, có thể thấy trước khi có VN - EAEU FTA, mức thuế trung bình của hàng thủy sản và thủy sản chế biến vào khoảng 35% nay về bằng 0% là một lợi thế có thể giúp hàng thủy sản Việt Nam có sức cạnh tranh lớn với các nước khác.
Mặt hàng gạo được nhận định là “nhạy cảm” vì giới hạn sang thị trường EAEU là 10.000 tấn/năm, nhưng EAEU và Việt Nam đã cam kết sau 3 năm sẽ xem xét lại con số này. Đối với hàng dệt may, theo dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngay sau khi VN - EAEU FTA có hiệu lực, kim ngạch hàng dệt may giữa hai bên sẽ tăng trưởng 50% ngay trong năm đầu tiên và tăng trung bình 20%/năm trong 5 năm tiếp theo. Giá trị kim ngạch hàng dệt may sẽ tăng từ 700 triệu USD hiện nay lên 1 tỷ USD trong 1 - 2 năm tới, đưa Việt Nam từ vị trí nhà cung cấp hàng dệt may thứ 8 tiến lên vị trí thứ 4 tại thị trường này. Còn đối với mặt hàng da giày, có 77% tổng số dòng thuế được cam kết cắt, giảm, trong đó 73% được xóa bỏ hoàn toàn theo lộ trình tối đa 5 năm, tương đương hơn 99% tổng kim ngạch xuất khẩu trung bình trong 3 năm (2010 - 2012) của Việt Nam vào thị trường này. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, 55,7% số doanh nghiệp ngành da giầy có đơn hàng xuất khẩu tăng trong năm 2015 do tác động của VN – EAEU FTA.
Hàng xuất khẩu của EAEU sang Việt Nam gồm có dầu mỏ và khí đốt, thịt (bò, ngựa, cừu, dê), các sản phẩm sữa, ô-tô và phụ tùng (từ Nga); hàng may mặc, ô-tô và phụ tùng, thiết bị vận tải (từ Bê-la-rút); hàng may mặc, đồ da, các sản phẩm dầu mỏ, than đá (từ Ca-dắc-xtan). Tuy nhiên, ngay cả những mặt hàng của EAEU mà Việt Nam đưa về mức thuế bằng 0% và đang nhập nhiều, như thịt bò và sữa, cũng là những mặt hàng mà theo đánh giá của EAEU trong vòng 5 năm tới Liên minh này chưa có khả năng gia tăng xuất khẩu. Vì thế, mức độ cạnh tranh của Việt Nam với các nước EAEU trong lĩnh vực nông nghiệp là không đáng kể.
Việc cắt giảm/xóa bỏ thuế quan sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng chủng loại hàng hóa xuất khẩu, tận dụng các lợi thế so sánh của Việt Nam, như hàng may mặc, thủy sản, điện tử, đồ gỗ và các hàng hóa khác. Cũng nhờ tính bổ sung cho nhau trong cơ cấu hàng xuất, nhập khẩu mà việc nhập khẩu các mặt hàng từ EAEU sẽ giúp cải thiện cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam, trong khi không làm ảnh hưởng nhiều đến khả năng cạnh tranh ngành của Việt Nam. Thông qua VN - EAEU FTA, việc hợp tác sẽ hiệu quả hơn khi hai bên tận dụng các lợi thế không chỉ trong lĩnh vực thương mại hàng hóa mà cả trong các lĩnh vực dịch vụ và đầu tư.
Theo đánh giá, sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt khoảng 10 - 12 tỷ USD vào năm 2020, gần gấp 3 lần so với năm 2014 (đạt khoảng 4 tỷ USD). Theo ước tính của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh này sẽ tăng khoảng 18% - 20% hằng năm.
Khó khăn và thách thức
Với việc thực thi VN - EAEU FTA, Việt Nam cũng phải đối mặt với một số thách thức:
Thứ nhất, Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường cho các nước EAEU theo VN - EAEU FTA và chắc chắn là các sản phẩm thế mạnh của Liên minh, như phụ tùng - thiết bị - máy móc, kim loại, phân bón, dầu thô, khí hóa lỏng,... sẽ vào thị trường Việt Nam với giá cả cạnh tranh hơn. Thứ hai, EAEU là thị trường khu vực hiện tại vẫn tương đối “đóng” với hàng hóa nước ngoài. Đây là khó khăn chính của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này. Khái niệm “đóng” ở đây bao gồm cả hai nghĩa: 1- “Đóng” do thuế quan với hàng hóa nhập khẩu còn tương đối cao; 2- “Đóng” do rất nhiều những rào cản phi thuế khác, như yêu cầu về chất lượng sản phẩm tương đối cao; quy trình, thủ tục nhập khẩu tương đối phức tạp và còn thiếu rõ ràng, không nhất quán ngay giữa các nước EAEU.
Thứ ba, các khó khăn khác, như phương tiện thanh toán (nhất là trong bối cảnh Nga bị cấm vận như hiện nay khiến Việt Nam phải tìm cách thanh toán bằng nội tệ)(2), ngôn ngữ tiếng Nga không thông dụng, thiếu thông tin về đối tác bạn hàng, khoảng cách địa lý);...
Ngoài ra còn có những khó khăn và thách thức nhất định đối với việc xuất khẩu một số mặt hàng cụ thể như thủy sản vào Liên minh. Ngành thủy sản Việt Nam luôn xác định đây là thị trường đầy tiềm năng, Nga và các nước trong EAEU có sức tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, các quy định tiếp cận hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch (SPS) của Nga và khối Á - Âu rất chặt chẽ. Trong khi đó, sự hiểu biết của doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam về quy định của Nga về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật chưa tốt. Thêm vào đó, mặc dù nhiều doanh nghiệp Việt Nam tuy đã quen với việc xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn khác, như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu nhưng thị trường Á - Âu lại có hệ thống kiểm soát chất lượng khác do có sự kế thừa từ Liên Xô trước đây(3).
Hoặc với ngành hàng thép, khi thép giá rẻ của Nga được nhập vào Việt Nam, ngành thép sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Hiện tổng lượng sản xuất thép của Nga đứng thứ năm trên toàn cầu (đạt khoảng 70 triệu tấn/năm). Thép của Nga được đánh giá là có chi phí sản xuất thuộc loại thấp nhất thế giới(4). Tuy nhiên, các dòng thuế nhạy cảm với chúng ta chủ yếu liên quan đến thép xây dựng mà mặt hàng này Việt Nam có thể cạnh tranh được, bởi Nga sản xuất thép ở miền Trung Nga, khi vận chuyển sang Việt Nam, chi phí vận chuyển rất lớn. Hơn nữa, chúng ta đàm phán được lộ trình thích hợp với sản phẩm thép xây dựng, còn các dòng thép khác Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu của các nước, nếu nhập được từ Nga sẽ đẩy lùi được thép kém chất lượng.
Sau khi VN - EAEU FTA có hiệu lực, trên thị trường sẽ có khoảng 53% trong tổng số các dòng thuế hạ ngay xuống mức 0% và tạo cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm thế nào đáp ứng các quy tắc xuất xứ, quy tắc về vệ sinh, an toàn thực phẩm... để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được các chế độ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định.
Để tận dụng và tiếp cận được các cơ hội thâm nhập thị trường Á - Âu do VN - EAEU FTA mang lại, cộng đồng doanh nghiệp trong nước cần cập nhật đầy đủ, chính xác các thông tin từ Hiệp định cũng như quy định từ phía đối tác. Điều đó có nghĩa rằng, việc cần nhất mà doanh nghiệp Việt Nam cần làm là tăng cường tính chủ động. Khi Hiệp định có hiệu lực, cần chủ động tìm hiểu các nội dung cam kết và tìm cách vận dụng sao cho có lợi nhất, đồng thời cần chủ động cải thiện năng lực cạnh tranh của chính mình.
Trong khi đó về phía Chính phủ, công tác thông tin, tuyên truyền cần được chú trọng hơn để các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ và chuẩn bị sẵn sàng đón cơ hội, đối phó với những thách thức từ các FTA. Bên cạnh đó, hai bên cần trao đổi với nhau về phương tiện thanh toán, khả năng trao đổi giữa đồng rúp và VND. Nếu không, hiệu quả xuất nhập khẩu sẽ không đạt kết quả như mong đợi(5). Đối với Việt Nam, sở dĩ trong thời gian vừa qua nhiều doanh nghiệp chưa đẩy mạnh xuất khẩu vào Nga do còn vướng mắc trong vấn đề thanh toán. Việt Nam chỉ công nhận đồng USD chứ chưa công nhận đồng rúp, điều này khiến các nhà nhập khẩu Nga khi mua hàng từ Việt Nam phải chuyển đổi từ đồng rúp sang đồng USD để thanh toán. Làm như vậy vừa mất khả năng cạnh tranh, vừa bỏ lỡ cơ hội trong hoạt động xuất khẩu. Bởi vậy, ngoài cơ chế hưởng thuế suất ưu đãi từ Hiệp định này, Việt Nam cần có cơ chế thông thoáng về thủ tục tài chính. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương Nga cần có sự hợp tác, công nhận chuyển đổi giữa đồng rúp và VND để khai thông thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu, khai thác cơ hội và tiềm năng của mỗi bên mà VN - EAEU FTA mang lại./.
----------------------------------------------
(1) “Nga, Ca-dắc-xtan, Bê-la-rút ký Hiệp định Liên minh thuế quan Á - Âu”, RIR, ngày 27-5-2014
(2) Hiện nay, các hợp đồng lớn thanh toán theo phương thức L/C bằng đồng USD đang không thực hiện được do việc Nga bị cấm vận. Vì vậy, rất nhiều đơn hàng thuỷ sản phải thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt. Liên quan đến vấn đề này, mặc dù Việt Nam đã có Hiệp định trao đổi ngoại tệ với Nga nhưng chưa đầy đủ về mặt pháp lý nên chưa thể đưa ra nguyên tắc về thanh toán bằng đồng nội tệ, các doanh nghiệp cũng chưa áp dụng được. Hiện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã vào cuộc và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc này. Chắc chắn trong tương lai, Việt Nam sẽ phải thực hiện bằng được để hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp
(3) Chính vì vậy, nên khi đàm phán, Việt Nam đã đưa chương trình quy định tiếp cận hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch (SPS) dựa trên nguyên tắc của tổ chức WTO nhằm tạo sự minh bạch. Nội dung tiến tới công nhận tương đương lẫn nhau về hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông - lâm - thủy sản. Theo quy định của khối Á - Âu khi chấp nhận một quốc gia có hệ thống quản lý chất lượng tương đương hoặc bằng thì doanh nghiệp cần phải được cơ quan quản lý của phía bạn xác nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào khu vực (Xem: “Tận dụng ưu đãi thuế tại FTA giữa Việt Nam - EAEU không dễ”, Vietnam Plus, ngày 19-8-2015)
(4) “Ký FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu: Ngành nào lợi nhất?”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 3-6-2015
(5) Hiện nay, Thái Lan, Trung Quốc và các nước châu Âu xuất khẩu vào Nga đều thành lập hệ thống ngân hàng sở tại nhằm hỗ trợ thanh toán trong vấn đề tài chính, do đó hàng hóa của họ thuận lợi khi xuất khẩu vào Nga. Trung Quốc và Nga cũng đạt được thỏa thuận công nhận hai đồng tiền rúp và nhân dân tệ (NDT) trong thanh toán
Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, vững mạnh về chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng  (15/12/2016)
“Giờ Vàng” cho chủ thẻ tín dụng JCB VietinBank  (14/12/2016)
“Giờ Vàng” cho chủ thẻ tín dụng JCB VietinBank  (14/12/2016)
Việt Nam coi trọng hợp tác kinh tế, thương mại với Venezuela  (14/12/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay