TCCSĐT - Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc xây dựng, tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của nhân dân là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Tình hình thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay

Thời gian qua, khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng, củng cố và tăng cường trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước.

Tuy nhiên, Đại hội XII của Đảng cũng chỉ rõ: “Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ, có lúc, có nơi chưa phát huy được vai trò, sức mạnh của nhân dân. Chưa đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến, thay đổi cơ cấu xã hội, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để có chủ trương phù hợp”(1).

Nguyên nhân là do chủ trương, quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền và lợi ích hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa được kịp thời thể chế hóa, hoặc đã thể chế hóa nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có lúc, có nơi chưa sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở, còn có biểu hiện hành chính hóa, chưa thiết thực, hiệu quả. Những hạn chế, khuyết điểm đó là do một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức chưa thật sự tôn trọng, lắng nghe ý kiến để giải quyết kịp thời, có hiệu quả những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thể chế hóa đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân còn thiếu và chưa đồng bộ.

Trong một số trường hợp, chưa giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới.

Các cấp ủy đảng và chính quyền chưa thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; chưa có hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, nhằm trân trọng, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân.

Tiếp tục bảo vệ quyền lợi của nhân dân, nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Một là, tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa các đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước; khắc phục những hạn chế, bảo đảm tác dụng, hiệu quả thực chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong đó, coi trọng việc tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung, nhằm bảo đảm và tăng cường đại đoàn kết các dân tộc; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Đồng thời, coi trọng việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật.

Nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào định cư ở nước ngoài ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng; tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; có cơ chế, chính sách thu hút đồng bào hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Hai là, tiếp tục tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân để phát triển đa dạng các hình thức tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, nhằm động viên mọi nguồn lực góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mối quan hệ giữa Mặt trận với các tổ chức của nhân dân, vừa thông qua các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của mặt trận (thanh niên, phụ nữ, cựu chiến bính, công đoàn, nông dân) vừa thông qua các tổ chức xã hội không phải là thành viên của Mặt trận (các tổ chức kinh tế, nghề nghiệp,...), là quan hệ tự nguyện, được thực hiện theo quy định của pháp luật nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhân dân tham gia các hoạt động của Mặt trận thông qua các tổ chức thành viên của Mặt trận, cá nhân tiêu biểu là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Nhân dân cũng có thể thông qua các tổ chức xã hội không phải là thành viên của Mặt trận để tham gia các hoạt động đại đoàn kết toàn dân do Mặt trận phát động và tổ chức. Nhân dân, thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, có thể tham gia ý kiến, phản ánh, kiến nghị với Mặt trận về những vấn đề nhân dân quan tâm để thông qua đó đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước. Nhân dân giám sát hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để bảo đảm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Mặt trận, do đó, là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; có khả năng mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn kết nhân dân; động viên, hỗ trợ nhân dân thực hiện dân chủ, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thực hiện đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nghĩa vụ của Mặt trận là thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để thực hiện trách nhiệm của mình với nhân dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động ngoại giao nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phù hợp với cách thức tổ chức có “tính mở” của mình, Mặt trận có thể tập hợp nhân dân bằng các hình thức đa dạng, phong phú, như tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc và tham gia trực tiếp các cuộc vận động, phong trào kinh tế, xã hội, văn hóa; phát huy tính tích cực của cá nhân tiêu biểu trong các giai tầng xã hội, dân tộc, tôn giáo; tuyên truyền, vận động người Việt Nam định cư ở nước ngoài đoàn kết cộng đồng, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tôn trọng pháp luật nước sở tại; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc;...

Để đẩy mạnh các hoạt động tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, hiện nay, Mặt trận có thể phối hợp với các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua các hoạt động sau, như tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước mang tính toàn dân, toàn diện, toàn quốc; tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước của địa phương; các tổ chức thành viên của Mặt trận chủ động tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước liên quan đến quyền và trách nhiệm của tổ chức mình; tập hợp, động viên hội viên, đoàn viên và nhân dân tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; tổ chức các hình thức thích hợp nhằm huy động và phát huy vai trò nòng cốt của thành viên là cá nhân tiêu biểu trong hoạt động của Mặt trận.

Ba là, tăng cường hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể nhằm bảo vệ quyền lợi của nhân dân trên thực tế.

- Về tăng cường hoạt động giám sát: Mặt trận phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng chương trình, nội dung, kế hoạch giám sát; quyết định thành lập đoàn giám sát và tổ chức hoạt động giám sát theo kế hoạch hoặc khi cần thiết. Mặt trận yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát báo cáo bằng văn bản, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát. Trên cơ sở đó, Mặt trận xem xét khách quan, khoa học những vấn đề liên quan đến nội dung giám sát; tiếp đó có thể tổ chức đối thoại để làm rõ nội dung kiến nghị sau giám sát khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát. Trên cơ sở kết quả giám sát, Mặt trận ban hành hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan ban hành văn bản về kết quả giám sát; chịu trách nhiệm về những nội dung kiến nghị sau giám sát; kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét áp dụng các biện pháp để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; và đề nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Mặt trận thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định của pháp luật.

Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân,...) các tổ chức xã hội (tổ chức phi chính phủ quốc gia, quốc tế, doanh nghiệp,...) và các công dân có liên quan, có trách nhiệm nghe Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cung cấp thông báo kết quả giám sát; và thực hiện yêu cầu xem xét kiến nghị và giải quyết kiến nghị sau giám sát của Mặt trận. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện và cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho hoạt động giám sát theo yêu cầu của Mặt trận; cử người tham gia giám sát về những nội dung có liên quan; tạo điều kiện để Mặt trận thực hiện giám sát; xem xét, giải quyết kiến nghị sau giám sát của Mặt trận theo quy định của pháp luật.

- Về tăng cường hoạt động phản biện: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của Mặt trận nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước. Phản biện xã hội của Mặt trận mang tính xã hội, khách quan, khoa học, nhằm góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả của dự thảo văn bản được phản biện; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nhằm phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận được thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia của thành viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân; tôn trọng các ý kiến khác nhau nhưng không trái với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc.

Để thực hiện phản biện xã hội, Mặt trận phải xây dựng nội dung, kế hoạch phản biện xã hội; yêu cầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo gửi dự thảo văn bản và thông tin, tài liệu cần thiết; thực hiện các hình thức phản biện xã hội; xây dựng văn bản phản biện và gửi đến cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện; và yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo trả lời bằng văn bản đối với kiến nghị của Mặt trận.

Cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản được phản biện có trách nhiệm gửi dự thảo văn bản được phản biện xã hội đến Mặt trận chậm nhất là 15 ngày trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết; cử người có trách nhiệm tham dự hội nghị phản biện xã hội hoặc tham gia đối thoại; và trả lời bằng văn bản đối với kiến nghị của Mặt trận. Nếu trường hợp không tiếp thu kiến nghị thì phải giải trình và báo cáo ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành văn bản./.

-----------------------------------------------------

Chú thích:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr. 157