Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 05 đến ngày 11-12-2016)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, vov.vn)
21:14, ngày 13-12-2016

TCCSĐT - Theo kế hoạch kiểm toán năm 2017 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố, đáng chú ý là các dự án trong lĩnh vực hoạt động xây dựng và quản lý sử dụng vốn đầu tư. Tại lĩnh vực này, trong 83 dự án sẽ kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã chọn 20 dự án BOT vào tầm ngắm năm 2017.


Trình Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Để hoàn thiện Đề án và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính bổ sung đánh giá kết quả thực hiện theo nội dung quy định tại Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu đã đề ra; việc thoái vốn nhà nước ở công ty cổ phần mà Nhà nước không cần chi phối; việc hoàn thành nhiệm vụ của doanh nghiệp công ích; nhiệm vụ tái cơ cấu theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý.

Bộ Tài chính bám sát Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01-11-2016 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, đối chiếu với nội dung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nêu trong Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ để bổ sung thêm các đánh giá, nhận định; cụ thể hóa các nội dung về mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính trước ngày 15-12-2016, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Các dự án BOT sẽ kiểm toán trong năm 2017

Theo kế hoạch kiểm toán năm 2017 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố, đáng chú ý là các dự án trong lĩnh vực hoạt động xây dựng và quản lý sử dụng vốn đầu tư. Tại lĩnh vực này, trong 83 dự án sẽ kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã chọn 20 dự án BOT vào tầm ngắm năm 2017.

Một mảng khác luôn nhận được nhiều sự quan tâm là lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng. Đại diện Kiểm toán Nhà nước cho hay, cơ quan chức năng sẽ tập trung kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản, vốn Nhà nước trong đó bao gồm công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Những cái tên lớn được nhắc tới là: Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường Cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX), Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn,… Cũng trong diện này, một số ngân hàng thuộc kế hoạch kiểm toán bao gồm: Ngân hàng thương mại cổ phần: Công Thương Việt Nam (Viettinbank), Ngoại thương Việt Nam (VCB), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

Đặc biệt, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng yếu kém (các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng) cũng sẽ là nội dung được phía Kiểm toán Nhà nước tập trung đánh giá. Cụ thể, theo kế hoạch, hai ngân hàng là Đại Dương (Ocean Bank) và Dầu Khí Toàn Cầu (GP Bank) sẽ được kiểm toán trong năm 2017. Tổng cộng, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết, cơ quan này sẽ thực hiện kiểm toán tại 25 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và 8 ngân hàng và các tổ chức tài chính, tín dụng.

Diễn đàn 3 bên Đông Bắc Á thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực


Ngày 05-12, các cựu quan chức cấp cao và các chuyên gia từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhóm họp tại Shizuoka, Nhật Bản, kêu gọi đẩy mạnh hợp tác ba bên nhằm tăng cường hội nhập kinh tế khu vực. Đề xuất trên được đưa ra tại kỳ họp lần thứ 11 Diễn đàn 3 bên Đông Bắc Á, với sự tham dự của cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Tăng Bồi Viêm, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda và cựu Thủ tướng Hàn Quốc Lee Hong-koo cùng 30 chuyên gia chính trị, kinh doanh và học thuật của ba nước trên.

Phát biểu tại diễn đàn, cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Tăng Bồi Viêm cho rằng toàn cầu hóa và hội nhập khu vực vẫn là xu thế chung trên thế giới và xây dựng Cộng đồng Kinh tế Đông Á là mục tiêu chung của cả ba nước Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc. Ông kêu gọi ba nước láng giềng thúc đẩy hợp tác để xây dựng khu công nghiệp tự do Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc, tăng cường liên kết và truyền thông, cải thiện hợp tác công nghiệp trong các lĩnh vực như kinh tế Internet, chế tạo cao cấp và công nghiệp dịch vụ hiện đại.

Về phần mình, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda nhấn mạnh trong bối cảnh bất ổn đang gia tăng trên thế giới, ba quốc gia cần thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau và hợp tác, đóng góp cho hòa bình và ổn định của thế giới. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Hàn Quốc Lee Hong-koo cho rằng ba nước láng giềng này cần đạt được đột phá về ngoại giao và sáng tạo để xây dựng một cộng đồng Đông Bắc Á.

Quốc hội Nhật Bản thông qua TPP bất chấp viễn cảnh mờ mịt


Theo Kyodo, Quốc hội Nhật Bản ngày 09-12 đã thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong bối cảnh hàng loạt rào cản khiến hiệp định thương mại này sẽ không nhận được sự phê chuẩn của Mỹ để có hiệu lực.

Một dự luật để thông qua TPP và một dự luật liên quan bao gồm các điều khoản thực thi TPP đều đã được Thượng viện Nhật Bản thông qua, đồng nghĩa với việc các thủ tục thông qua trong nước của Nhật Bản sẽ hoàn thành khi Nội các có các bước đi thông qua những dự luật sửa đổi này. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã không ngừng thúc đẩy 12 nước ký kết TPP thông qua hiệp định này, ngay cả khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không ngừng khẳng định cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình rằng ông Trump sẽ rút Mỹ ra khỏi TPP ngay sau khi ông chính thức trở thành ông chủ Nhà Trắng vào tháng Một tới.

ECB sẽ kéo dài chương trình mua tài sản đến hết năm 2017

Ngày 08-12, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố sẽ kéo dài chương trình mua tài sản đến hết năm 2017, tuy nhiên sẽ giảm mức mua trái phiếu từ 80 triệu Euro/tháng hiện nay xuống còn 60 triệu Euro, bắt đầu từ tháng 4-2017. Chương trình mua tài sản nhằm thúc đẩy lạm phát thấp lâu nay và tăng trưởng kinh tế vẫn yếu tại khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết việc kéo dài chương trình thêm 9 tháng (4-2017 - 12-2017) đã gửi đi thông điệp ECB sẽ tiếp tục "hoạt động tích cực" trên các thị trường trong "một thời gian dài". Ông cũng cho biết thêm hiện nay "tình trạng bất ổn định xuất hiện ở khắp mọi nơi".

ECB hiện đang chịu sức ép từ một số nhân vật bảo thủ và các nghị sĩ Đức, những người bắt đầu siết lại sự ủng hộ của mình đối với nền kinh tế của khối đồng tiền chung. Những người này cho rằng chính sách quá nới lỏng tiền tệ đã ảnh hưởng đến người gửi tiết kiệm và làm giảm nhẹ sức ép trách nhiệm của các nước đang vay nợ phải cải cách các nền kinh tế của họ.

Việc tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ trong khối đồng tiền chung châu Âu còn làm tăng sự tương phản đối với chính sách tiền tệ của Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng mức lãi suất trong tuần tới và các tỷ giá thị trường được dự đoán là sẽ chuyển từ nới lỏng tiền tệ sang kích thích tài khóa dưới thời của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Trong khi đó, hiện ECB giữ mức lãi suất không thay đổi là 0% và được cho là sẽ tăng mức phí gửi tiết kiệm ngân hàng là 0,4%.

Quyết định của ECB được cho để tránh phải đưa ra quyết định khó khăn là có nên tiếp tục hay thôi chương trình nới lỏng định lượng của mình trước bầu cử Đức dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9-2017. Ông Draghi giải thích việc ECB giảm mức mua trái phiếu hằng tháng phản ánh một thực tế là "nguy cơ thiểu phát là hầu như không còn nữa". ECB cho rằng việc giảm mức mua trái phiếu hằng tháng xuống 60 triệu Euro nhưng ngân hàng lại kéo dài thêm thời gian mua là 9 tháng nữa, do vậy tổng số tiền mua trái phiếu mà ngân hàng dự định sẽ mua không giảm.

Chủ tịch ECB cũng đưa ra dự báo mức tăng trưởng khu vực đồng Euro là 1,7% trong năm 2016 và 2017, và 1,6% vào năm 2018 và 2019. Dự báo mức lạm phát được cho là không thay đổi so với dự báo trước đây đưa ra ở mức 1,3% năm 2017, 1,5% năm 2018 và 1,7% năm 2019.

Các thành viên WTO chưa đạt được đồng thuận về thỏa thuận EGA

Dù đạt được những tiến bộ nhất định song 18 nước thành viên thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vẫn chưa thu hẹp được bất đồng đang tồn tại cản trở việc đạt được Thỏa thuận tạo thuận lợi cho buôn bán các loại hàng hóa liên quan đến môi trường, gọi tắt là EGA. Đây là thông báo do WTO công bố sau cuộc họp cấp bộ trưởng được tổ chức trong hai ngày 03 và 04-12 tại Geneve, Thụy Sĩ.

Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo nhấn mạnh dù không đạt được đồng thuận nào về EGA song các bên tham gia đàm phán đều đã thể hiện thiện chí rõ ràng, cũng như đạt được một số tiến triển đáng kể hướng tới việc sớm đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Ông Azevedo bày tỏ tin tưởng những nhận thức và hiểu biết thu được trong cuộc thảo luận lần này sẽ giúp các bên có thể đạt sự đồng thuận trong tương lai. Tuy nhiên, ông cũng hối thúc các bên tham gia đàm phán cần thể hiện sự linh hoạt.

Người đứng đầu WTO nhấn mạnh thỏa thuận EGA sẽ có ý nghĩa và đóng góp tích cực hướng tới mục tiêu giải quyết tình trạng suy thoái môi trường, vốn đã được các nước trên thế giới nhất trí trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ tin tưởng rằng EGA tiêu chuẩn cao sẽ giúp đẩy nhanh sự tiếp cận toàn cầu tới các công nghệ sạch, tăng cường bảo vệ môi trường, đem lại lợi ích cho người lao động, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng. 18 nước thành viên WTO tham gia đàm phán về thỏa thuận EGA, bao gồm Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc, hiện chiếm hầu hết kim ngạch thương mại toàn cầu về các loại hàng hóa thân thiện môi trường.

Kể từ tháng 01-2014, các quốc gia này đã tham gia quá trình đàm phán nhằm cắt giảm thuế cho các sản phẩm hàng hóa thân thiện môi trường và có các chức năng bảo vệ môi trường, liên quan đến sản xuất năng lượng sạch và tái tạo, cải thiện hiệu quả nguồn tài nguyên và năng lượng, giảm ô nhiễm nước và không khí, quản lý rác thải rắn và nguy hiểm, giảm tiếng ồn và quản lý chất lượng môi trường sống./.