Việt Nam chủ trì thảo luận “Đoàn kết bảo vệ một hành tinh khỏe mạnh”
Theo đặc phái viên TTXVN, Hội nghị thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 11 đã khai mạc sáng 12-12 (giờ địa phương) tại thủ đô Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên thảo luận |
Chiều tối cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có phát biểu tham luận và đồng chủ trì Phiên thảo luận có chủ đề “Đoàn kết bảo vệ một hành tinh lành mạnh”.
Tại phiên thảo luận, các nữ Chủ tịch Quốc hội đã chia sẻ công tác bảo vệ môi trường, trong đó có hoàn thiện pháp luật bảo vệ môi trường, nguồn nước; đề xuất các sáng kiến thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững cũng như Thỏa thuận Paris tại Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) 21 năm 2015; thực hiện chính sách về tái tạo đất, ban hành pháp luật về đất đai; ký kết các thỏa thuận sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình; công tác làm thế nào để “bảo vệ một hành tinh khỏe mạnh”.
Các đại biểu cũng đề cập đến việc cần có hành động quyết liệt, thiết thực hơn nữa trong sản xuất thực phẩm an toàn, tiêu dùng thực phẩm hợp lý vì lợi ích, sức khỏe của cộng đồng.
Các đại biểu cho rằng, Quốc hội đại diện cho ý chí của người dân, có vai trò quan trọng trong hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vững. Các quốc gia cần nâng cao nhận thức thế hệ trẻ để phát triển bền vững nền kinh tế cũng như bảo vệ lợi ích tương lai của thế hệ trẻ; cần phải đoàn kết để đối phó với những thách thức trong tương lai…
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lời chào trân trọng nhất tới Ngài Chủ tịch IPU, Bà Chủ tịch Hội đồng quốc gia liên bang UAE và các vị Chủ tịch 50 cơ quan lập pháp quốc gia trên thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, các cuộc cách mạng công nghiệp đã đem lại sự phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, nhưng cũng để lại những hệ quả vô cùng nghiêm trọng đối với môi trường toàn cầu.
Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt; biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng kéo theo đó là những hiện tượng thời tiết cực đoan…. đang tàn phá hệ sinh thái đa dạng của Trái Đất, thách thức nghiêm trọng hành tinh của chúng ta.
Thực trạng này đòi hỏi mọi quốc gia lớn, nhỏ đoàn kết, hành động có trách nhiệm vì một hành tinh xanh cho thế hệ tương lai.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh những nỗ lực của các quốc gia trong giải quyết và khắc phục hậu quả của ô nhiễm môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; đặc biệt là Thỏa thuận Paris tại Hội nghị COP 21 năm 2015.
Đây là một thỏa thuận lịch sử, là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cùng với Thỏa thuận Paris, các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) liên quan đến môi trường của Liên hợp quốc trong Chương trình Nghị sự phát triển 2030 sẽ mở ra một kỷ nguyên phát triển mới trên toàn cầu; đó là phát triển phát thải cácbon thấp với các mô hình sản xuất, tiêu dùng thân thiện với môi trường; hạn chế, tiến tới xóa bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Trong hơn 10 năm qua, từ một cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới, chúng ta đã hình thành được cơ chế gặp mặt thường niên các nữ Chủ tịch Quốc hội. Đây là cơ hội để chúng ta gặp gỡ, trao đổi và cùng chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi các vấn đề cùng quan tâm. Tôi hoan nghênh chủ đề của Hội nghị lần này đó là 'Đoàn kết để định hình tương lai', nhấn mạnh tinh thần đoàn kết nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh trên toàn thế giới trong đó có vấn đề Đoàn kết để bảo đảm một hành tinh khỏe mạnh”.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong tất cả những vấn đề lớn của thế giới, phụ nữ là chủ thể quan trọng vì tri thức, năng lực của phụ nữ là nguồn lực quý giá, đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, ổn định chính trị, bảo vệ môi trường ở bất kỳ một quốc gia nào.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng, ảnh hưởng tới môi trường và an ninh quốc gia.
Việt Nam đã phê chuẩn Thỏa thuận Paris ngày 03-11-2016, trước khi Thỏa thuận có hiệu lực.
Với tinh thần trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu, và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đang triển khai Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ Môi trường, trong đó có chương riêng về ứng phó với biến đổi khí hậu, Luật Phòng chống thiên tai, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật ứng phó biến đổi khí hậu của các cơ quan Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Hội nghị Thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội Thế giới lần thứ 11 |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, với vai trò đại diện cao nhất của nhân dân, Quốc hội các nước quyết định các vấn đề trọng yếu của quốc gia liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện quyền giám sát triển khai những nội dung này.
Để tăng cường vai trò của nữ giới, đặc biệt là các Nữ nghị sỹ trong việc đoàn kết để bảo vệ một hành tinh khỏe mạnh, một hành tinh xanh, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đại biểu quan tâm tới những vấn đề như sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật; giám sát việc thực thi và tạo điều kiện phân bổ ngân sách thỏa đáng cho việc triển khai các chính sách liên quan đến việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ hai, các cơ quan lập pháp các nước, trong nhiệm vụ quyền hạn của mình, thúc đẩy lồng ghép các Mục tiêu phát triển bền vững vào các chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, ưu tiên thực hiện bình đẳng giới, việc làm bền vững và môi trường bền vững.
Thứ ba, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tập huấn và nâng cao kỹ năng cho phụ nữ để có thể tham gia giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và giảm rủi ro thiên tai.
Thứ tư, cần tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, và tiếp cận các nguồn tài chính để cùng nhau xây dựng những chương trình, dự án tiến tới một nền kinh tế cácbon thấp, ứng phó với biến đổi khí hậu có tính đầy đủ đến thực hiện bình đẳng giới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Hội nghị cùng tiến hành rà soát thường xuyên việc thực hiện các đề xuất đã thông qua hằng năm, đánh giá kết quả đạt được và các hạn chế, tồn tại để đưa ra phương hướng giải quyết tốt nhất; đồng thời tin tưởng rằng, dưới sự chủ trì của bà Chủ tịch Hội đồng quốc gia liên bang UAE, sự hợp tác chặt chẽ của các đại biểu và sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt của Hội đồng quốc gia liên bang, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Hội nghị sẽ thành công tốt đẹp.
Ngay sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu tiếp tục thảo luận về việc làm thế nào nâng cao nhận thức người dân để các chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường thực hiện hiệu quả; về công tác xử lý, sử dụng, bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên nước, tài nguyên rừng ở mỗi quốc gia.
Các đại biểu quốc tế cho rằng, thường người dân không ý thức được mối liên hệ giữa sức khỏe và môi trường, do đó các nhà hoạch định chính sách cần hướng người dân ý thức được vấn đề này…
Đồng quan điểm với những đại biểu về những nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ, Quốc hội Việt Nam rất quan tâm, ủng hộ và theo dõi, giám sát việc thực hiện của Chính phủ với 3 hoạt động.
1. Quốc hội Việt Nam chỉ đạo, rà soát toàn bộ hệ thống chính sách pháp luật cho bảo đảm, phù hợp với những cam kết mà Việt Nam phê chuẩn, cũng như phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam.
2. Với chức năng phê chuẩn ngân sách Nhà nước trung hạn và hằng năm, Quốc hội Việt Nam ưu tiên phân bổ nguồn lực để thực hiện các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như thực hiện các cam kết.
3. Quốc hội Việt Nam thực hiện giám sát việc thực thi của Chính phủ để bảo đảm những cam kết mà Việt Nam tham gia có hiệu lực, hiệu quả và hiện nay, Quốc hội Việt Nam đang “biến lời nói thành hành động” giống như chủ đề Tuyên bố Hà Nội tại Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) năm 2015 - một văn kiện thể hiện nguyện vọng và cam kết của IPU và các nghị viện thành viên trong việc xây dựng và thúc đẩy thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Liên hợp quốc đang xây dựng đến năm 2030./.
Họp báo Hội thảo khoa học: “30 năm đổi mới quân sự, quốc phòng - Thành tựu và kinh nghiệm”  (13/12/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 05 đến 11-12-2016  (13/12/2016)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 05 đến ngày 11-12-2016)  (13/12/2016)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 05-12 đến ngày 11-12-2016)  (13/12/2016)
Đoàn đại biểu Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam thăm Hàn Quốc  (12/12/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay