Công tác kiểm tra, kiểm soát Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngay sau khi thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra những sai lầm, thiếu sót trong các hoạt động của Đảng. Với tư cách đại biểu Quốc tế Cộng sản phụ trách phương Đông, đồng chí Nguyễn Ái Quốc yêu cầu phải sửa chữa ngay những sai lầm thiếu sót đó. Trong những biện pháp để sửa chữa, Người yêu cầu: “Các ban chấp ủy phải quản lý và kiểm soát rất tỉ mỉ việc thi hành các chương trình hành động đó”(1).
Kế thừa những nguyên lý xây dựng Đảng kiểu mới của V. Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra cách thức để duy trì sự hoạt động của các tổ chức Đảng. Người chỉ ra: “Mỗi cấp ủy phải quy định nhiệm vụ cho mỗi chi bộ, mỗi đảng viên. Có như vậy mỗi người mới có một trách nhiệm nhất định”(2) và Bác cũng lưu ý phải đặc biệt làm tốt công tác kiểm tra: “Phải chú ý kiểm tra công tác của các tổ chức Đảng cấp dưới”(3).
Trong thời kỳ Đảng tạm lui vào hoạt động bí mật, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm đến công tác củng cố và xây dựng Đảng. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc viết vào tháng 10-1947, lần đầu tiên Người đưa ra một cách hiểu đầy đủ nhất các quan điểm về kiểm tra. Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi Đảng phải thực hành đầy đủ những điều sau: “Phải nghiêm ngặt kiểm tra, các địa phương kiên quyết thực hành những nghị quyết của Đảng. Kiên quyết chống lại thói nghị quyết một đường, thi hành một nẻo”(4).
Theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Lãnh đạo đúng nghĩa là:
1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng…
2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng…
3. Phải tổ chức sự kiểm soát,…”(5).
Ngay sau khi cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng được thành lập (ngày 06-10-1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi. Tuy nhiên, Người cũng nhận ra rằng, từ nguồn gốc đi đến thắng lợi thực sự, còn phải tổ chức, phải đấu tranh. Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra.
Như vậy, theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi mục đích, nhiệm vụ chính trị đã được xác định, nghị quyết đã được thông qua thì nhiệm vụ tổ chức thực hiện phải được đặt lên hàng đầu. Điều cốt yếu là chuyển trọng tâm từ việc hoạch định chính sách sang việc lựa chọn người lãnh đạo và kiểm tra việc thực hiện. Sự lãnh đạo của Đảng không chỉ là việc đề ra chủ chương, đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị cho đúng, mà điều hết sức quan trọng, có tính quyết định để bảo đảm sự thắng lợi là phải tổ chức thực hiện và kiểm tra thực hiện. Có kiểm tra mới hiểu rõ tình hình thì khi đề ra chính sách mới đúng. Ngược lại, không kiểm tra sẽ không nắm được tình hình và không có cơ sở để xác định chính sách đúng đắn, thiết thực. Vì vậy, kiểm tra, kiểm soát là yêu cầu tất yếu của quá trình lãnh đạo. Bất kỳ nhiệm vụ gì, Đảng phải định phương châm, chính sách, phải có kế hoạch, có tổ chức, có lãnh đạo và có kiểm tra. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ nǎng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”(6).
Về tầm quan trọng của công tác kiểm tra, từ khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền, Người đã nhấn mạnh, công việc của Đảng và Nhà nước ngày càng nhiều. Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng. Để đạt được điều đó, các cấp ủy đảng phải tǎng cường công tác kiểm tra. Vì kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân; do đó góp phần củng cố đảng về tư tưởng, về tổ chức.
Theo Người, “Làm mà không kiểm tra thì không biết kết quả ra sao, không hiểu sai lệch thế nào để kịp thời sửa chữa”(7). Như vậy, có thể thấy, kiểm tra, kiểm soát là một khâu không thể thiếu trong quy trình lãnh đạo của Đảng. Nhưng đó là một khâu có ý nghĩa then chốt vì những lý do sau:
Một là, kiểm tra để quyết định vấn đề cho đúng. Nhờ có công tác kiểm tra, Đảng nắm được tình hình thực tế của đời sống xã hội đang diễn ra. Dựa trên cơ sở đó, Đảng ra quyết định, chỉ thị, nghị quyết, đặt đường lối chính sách, pháp luật mới đúng. “Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là “nồi vuông úp vung tròn”, không ăn khớp gì hết”(8).
Hai là, kiểm tra để biết được đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tổ chức thi hành như thế nào, có thực sự đi vào cuộc sống để mang lại lợi ích cho nhân dân hay không. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi. Song từ nguồn gốc đi đến thắng lợi thực sự, còn phải tổ chức, phải đấu tranh. Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”(9).
Nếu kiểm tra không tốt thì “nghị quyết một đằng, thi hành một nẻo” mà Đảng vẫn không hay biết. Lúc đó, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không những là những lời nói suông vô ích mà còn hại đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Ngay từ năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra rằng, nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó, thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khǎn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. “Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy”(10).
Cũng qua kiểm tra việc tổ chức thực hiện đường lối, chính sách mà biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu, biết ai ra sức làm, ai làm cho qua chuyện.“Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết”(11).
Như vậy, kiểm tra không chỉ nêu ưu điểm mà còn chỉ rõ khuyết điểm, tìm người tốt, tìm cơ quan, đơn vị thực hiện tốt và cũng tìm người, đơn vị làm chưa tốt. Do đó, kiểm tra còn cung cấp những tư liệu quan trọng để uốn nắn, sữa chữa, làm cho cán bộ tốt lên, đồng thời đánh giá đúng người, đúng việc; để tuyển chọn, đề bạt, cất nhắc cán bộ được chính xác, khách quan. Mà công tác cán bộ bao giờ cũng là khâu quyết định sự thành bại của cách mạng. Cũng chính vì kiểm tra góp phần quan trọng vào công tác đánh giá cán bộ nên còn có tác dụng thúc đẩy và giáo dục cán bộ, đảng viên làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng và Nhà nước. Do đó, “kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”(12).
Ba là, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, có kiểm tra “Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết”(13). Người thường xuyên nhắc nhở rằng: “Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình hình, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn hơn vượt đi trước...”(14).
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy rõ, xã hội luôn luôn vận động, biến đổi không ngừng để ngày một phát triển. Cùng với đó, hệ tư tưởng, quan điểm, đường lối cũng phát triển theo. Do đó, theo người, cần luôn xem xét, nắm bắt kỹ cái đang có, xem nó hay, nó dở ở chỗ nào để mà khắc phục. Để từ đó, “năng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta cũng phải luôn luôn phát triển, tiến lên không ngừng. Không tiến, tức là thoái”(15).
Bốn là, việc kiểm tra và thực hành kỷ luật trong Đảng để ngăn chặn khuyết điểm, sai lầm, sửa chữa thói hư, tật xấu, thải loại những kẻ thoái hóa, biến chất, hoặc những kẻ vụ lợi chui vào trong Đảng, để xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh có niềm tin mãnh liệt vào con người, đặc biệt là các đồng chí đảng viên. Nhưng Người cũng thấy được sự không thuần nhất trong Đảng. Người phân tích: “Đảng ta là một đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng. Nhưng không vì thế mà kinh sợ. Ta thấy rõ những bệnh ấy thì ta tìm được cách chữa”(16).
Đặc biệt, Người trăn trở với nguy cơ của Đảng cầm quyền, vì mặt trái của quyền lực sẽ làm thoái hóa đạo đức của người nắm quyền. Vì vậy, khi Đảng lãnh đạo chính quyền, Đảng phải tăng cường công tác kiểm tra để tự chỉnh đốn và đổi mới, để hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi và tẩy trừ mọi tệ nạn do thoái hóa, biến chất gây ra.
Kiểm tra giúp chúng ta biết được: “Ở cấp dưới, ở cơ sở, có những nơi cán bộ phụ trách không tốt, thiếu tinh thần phục vụ nhân dân, làm những điều xấu xa”(17). Cũng chính nhờ có sự đôn đốc, kiểm tra của Đảng và nhân dân thì những phần tử đầu cơ vào Đảng “sẽ bị lật ra và Đảng sẽ thành trong sạch, kiểu mẫu, thành tâm thành ý phục sự nhân dân, cách mạng và tất cả các đảng viên mới thành người kiểu mẫu, đoàn kết, giúp đỡ anh em ngoài Đảng”(18). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nếu tổ chức sự kiểm tra cho chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười, gấp trăm”(19). Kiểm tra đến nơi, đến chốn không chỉ giúp cho lãnh đạo đi sát thực tế, nắm chắc tình hình, cảnh báo, nhắc nhở, ngăn ngừa khuyết điểm, sai lầm, kịp thời phát hiện và phổ biến những kinh nghiệm tốt và kịp thời uốn nắn những nhược điểm, những khuyết điểm; đồng thời, củng cố uy tín, lòng tin tưởng của nhân dân đối với tổ chức Đảng.
Từ những luận điểm phân tích ở trên, có thể nhận thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm sáng tỏ những yêu cầu khách quan trong việc thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát của Đảng. Người khẳng định rằng, đó là một khâu không thể thiếu trong lãnh đạo của Đảng. Xuất phát từ thực tế công tác kiểm tra, Đảng có thể đề ra chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn và tổ chức thực hiện đạt kết quả cao. Trong giai đoạn hiện nay, việc kế thừa tư tưởng của Người để xây dựng đội ngũ cán bộ và hệ thống cơ quan làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, là kiểu mẫu và lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng của dân tộc./.
-------------------------------------------------------------
Chú thích
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 03, tr. 75
(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 03, tr. 574
(4), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 05, tr. 267
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 05, tr. 285
(6), (9), (10), (19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 05, tr. 520 - 521
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 08, tr. 299
(11), (12), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 05, tr. 287 - 288
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 04, tr. 26
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 07, tr. 259
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 05, tr. 261
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 185
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 07, tr. 40
Lao động qua đào tạo nghề chiếm 70% lực lượng lao động vào năm 2020  (11/12/2014)
320 đại biểu dự Đại hội Hội Cựu Thanh niên xung phong lần thứ 3  (11/12/2014)
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030  (11/12/2014)
Chủ tịch nước tiếp Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam  (11/12/2014)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thị trưởng thành phố Busan  (11/12/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay