Giữ gìn “cái nóc” của mỗi một nhà
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “... xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình, chính vì vậy muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý xây dựng hạt nhân cho tốt”. Cách đây hơn 10 năm, vào năm 2001, Nhà nước ta đã quyết định lấy ngày 28-6 hằng năm là “Ngày gia đình Việt Nam”. Ngày 16-5-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 106/2005/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010. Và năm 2013 này được Thủ tướng Chính phủ chọn làm “Năm gia đình Việt Nam”.
Trong những năm qua, những mặt tích cực cũng như sự tiến bộ, phát triển xã hội, đời sống của phần lớn người dân được cải thiện đã góp phần củng cố, xây dựng gia đình Việt Nam ngày càng tiến bộ, văn minh, hiện đại. Những mô hình gia đình của thế hệ trẻ đã phát huy được những giá trị truyền thống của mô hình gia đình trước đây, góp phần lưu giữ, làm phong phú thêm truyền thống, giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự tác động của mặt tiêu cực của cơ chế kinh tế thị trường cũng như của xu hướng “mở cửa”, hội nhập, gia đình Việt Nam đã và đang đứng trước những thách thức to lớn. Mối quan hệ giữa các thành viên trong từng gia đình đang có xu hướng lỏng lẻo, suy giảm, xuống cấp, có khi rất nghiêm trọng. Đạo đức xã hội, các giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống đang bị phai nhạt, đảo lộn, trong đó có trách nhiệm của không ít cá nhân vừa là người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị, vừa là chủ gia đình. Đặc biệt, tình trạng “nhà dột từ nóc dột xuống” không còn là hiện tượng cá biệt.
Có lẽ xuất phát từ quan niệm rằng, trong một đất nước, bao giờ cũng có một nguyên thủ; một nghĩa quân, phường, hội bao giờ cũng có một thủ lĩnh và một tổ chức xã hội, cơ quan, đơn vị bao giờ cũng có một người đứng đầu thì trong một gia đình nhất thiết bao giờ cũng có một người chủ nhà. Dù rằng trong thời đại ngày nay, quyền bình đẳng nam - nữ, với khía cạnh gia đình thì đó là bình đẳng giữa người chồng và người vợ, nhưng xét về khía cạnh người chủ gia đình (dù là gia đình theo chế độ phụ hệ hay gia đình theo chế độ mẫu hệ) thì chỉ có một người chủ, cũng như một ngôi nhà chỉ có một cái nóc vậy. Vì thế, nếu như công tác phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực nhằm trước hết vào trách nhiệm từ những người đứng đầu tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị thì việc bảo vệ gia đình Việt Nam cũng cần nhằm vào cái “cái nóc” của mỗi nhà, tức là người chủ nhà. Khi người ta nói “nhà dột từ nóc dột xuống” có nghĩa là chế độ xã hội đó, tổ chức, cơ quan, đơn vị đó có người đứng đầu không còn giữ được uy tín, vị thế lãnh đạo, không đoàn kết, quy tụ được cấp dưới. Và như vậy thì nguy cơ đổ vỡ sẽ xảy ra. Đối với một gia đình cũng vậy.
Những hiện tượng làm rạn nứt, băng hoại đạo đức, giá trị gia đình Việt Nam trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có nguyên nhân chính từ người chủ gia đình, tức là “nóc nhà” có vấn đề. Với ý nghĩa đó, thật là đúng đắn và có lý khi Đảng đề ra phương châm phấn đấu là “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, tức là phấn đấu để giữ gìn, bảo vệ các “nóc” của mỗi “nhà”. Vậy cần giữ gìn “cái nóc” của mỗi nhà như thế nào? Có nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số khía cạnh chính như sau:
Một là, mỗi chủ gia đình ít nhiều đều là thành viên, hội viên, đoàn viên của một tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp,... Do vậy, các tổ chức này cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi đoàn viên, hội viên, thành viên trong gương mẫu xây dựng, bảo vệ chính gia đình mình, giữ cho “tế bào xã hội” không bị bệnh tật, ung thư hủy hoại. Làm rõ những nội hàm của văn hóa gia đình trước khi xây dựng “gia đình văn hóa” một cách thực chất, hiệu quả. Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các tổ chức chính trị - xã hội, vấn đề nêu gương, mẫu mực trong xây dựng gia đình êm ấm, hạnh phúc cũng cần đưa vào nội dung tự phê bình, phê bình và là một tiêu chuẩn thi đua của mỗi tổ chức, cá nhân cán bộ lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở, cũng như trong tất cả mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, chứ không còn là vấn đề riêng tư nữa.
Hai là, với tư cách, vai trò là “đòn nóc”, người chủ gia đình phải biết phấn đấu, hy sinh vì gia đình của mình, thậm chí kiềm chế khát vọng quyền lực, vật chất, dục vọng, tự do cá nhân (cả những điều mà quy định, pháp luật không cấm làm) để bảo vệ, giữ gìn sự êm ấm, hạnh phúc của gia đình; đừng đánh đổi sự an toàn, hạnh phúc gia đình bằng những thứ hư danh, phù du, hào nhoáng, kể cả quyền lực, sự giàu sang, phú quý và sắc đẹp. Nhiều khi chỉ bớt đi một bữa nhậu để về ăn bữa tối với vợ con; nhiều khi chỉ cần kiềm chế để không sa vào những thú vui, sự “thư giãn” thái quá cũng có thể giữ cho gia đình êm ấm, hạnh phúc, tránh sự đổ vỡ. Bởi vì trong bất cứ trường hợp nào, gia đình luôn luôn là tổ ấm, là bến đậu, là nguồn động viên, an ủi vô bờ bến và là nguồn hạnh phúc của mỗi con người khi mà công danh sự nghiệp, tham vọng làm giàu, thú vui đã trôi qua.
Ba là, hiện nay, hệ giá trị của cuộc sống gia đình tạm thời có sự đảo lộn, thậm chí có hiện tượng lẫn lộn vàng - thau, thế nhưng những giá trị mãi mãi vĩnh hằng là Chân - Thiện - Mỹ. Nếu như người chủ của mỗi gia đình luôn luôn sống, rèn luyện, phấn đấu và ý thức theo những giá trị đó thì “cái nóc” của từng nhà mãi mãi không bao giờ bị “dột”. Như thế tức là đã góp phần làm cho xã hội, đất nước phát triển bền vững./.
Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức kỳ họp thứ 8 nhiệm kỳ 2011 - 2015  (28/06/2013)
Thực hiện bình đẳng giới góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình và tiến bộ xã hội  (28/06/2013)
Đạt đồng thuận nhưng không đột phá  (28/06/2013)
Khoa học tổ chức và vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước  (28/06/2013)
Tổng Bí thư gửi điện cảm ơn tới Thủ tướng Thái Lan  (27/06/2013)
Tổng Bí thư kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Thái Lan  (27/06/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay