TCCS - Đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thời gian qua ngành đường sắt đã nỗ lực đổi mới mạnh mẽ, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, ngày càng đáp ứng nhu cầu vận tải đường sắt.

 

Hệ thống đường sắt Việt Nam với công nghệ đã lỗi thời, hệ thống thông tin tín hiệu lạc hậu _ Ảnh: laodong.vn

Việc nâng cao chất lượng dịch vụ, khai thác hàng loạt đoàn tàu “5 sao”, đưa hệ thống bán vé tự động, nâng cấp các điểm đón khách ở các nhà ga… đã thể hiện nỗ lực đổi mới của ngành đường sắt, thể hiện mong muốn phục vụ người dân được tốt hơn. Tuy nhiên, thực trạng hạ tầng đường sắt Việt Nam với tuổi đời hơn trăm năm chưa được đầu tư đúng mức, ngày càng xuống cấp, bị thu hẹp trước yêu cầu phát triển dân số, kinh tế - xã hội và giao thông bùng nổ đã thực sự trở thành thách thức đối với ngành đường sắt hiện nay, nhất là vấn đề an toàn đường sắt. 

Đường sắt Việt Nam với trên 130 năm hình thành và phát triển, song sự phát triển của ngành đường sắt nước ta chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như không theo kịp sự phát triển của ngành đường sắt trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vẫn đang quản lý, khai thác, vận hành hệ thống đường sắt với công nghệ đã lỗi thời, hệ thống thông tin tín hiệu lạc hậu; hệ thống đầu máy, toa xe cũ kỹ, nhiều chủng loại với tuổi đời bình quân hơn 30 năm; nhiều công đoạn vận hành, sửa chữa chủ yếu vẫn là thủ công…  

Nền kinh tế phát triển kéo theo nhiều nhu cầu, nhất là nhu cầu đi lại của người dân ngày một tăng cao. Do đó, việc có hàng nghìn đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt là điều tất yếu. Song, làm thế nào để quản lý tốt các đường ngang này mới là điều quan trọng trong khi ý thức của người dân, trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua vẫn còn bị buông lỏng và coi nhẹ. Trong khi đó, kết cấu hạ tầng của ngành giao thông đường sắt còn lạc hậu, xuống cấp, ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân còn hạn chế…

Bên cạnh việc ngành đường sắt đã nỗ lực hết sức để nâng cao chất lượng phục vụ, như đưa vào khai thác những đoàn tàu “5 sao”, bảo đảm những dịch vụ tiện ích thuận lợi nhất cho khách hàng, nhưng trong lĩnh vực bảo đảm an toàn giao thông đường sắt vẫn chưa có đột phá. Đơn cử, các nước trên thế giới đã sử dụng hệ thống đóng mở barie tự động, có hệ thống cảnh báo khi đoàn tàu tới gần; còn ở nước ta vẫn là phương pháp thủ công, công nhân ra kéo đóng gác chắn mỗi khi có tàu đến gần. 

Với thực trạng kết cấu hạ tầng đường sắt ở nước ta còn lạc hậu và yếu kém, ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Điều lệ đường ngang của người dân còn hạn chế, cùng với ý thức chủ quan của lái tàu, cho rằng đường sắt là độc đạo, là đường ưu tiên, nên chủ quan, chưa thực hiện đúng chế độ hô - đáp tàu, kéo còi cảnh báo và xử lý hãm tàu khi phát hiện chướng ngại trên đường sắt. Để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông đường sắt, thời gian tới cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, xử lý và gắn trách nhiệm đối với lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương nơi để xảy ra tai nạn; tăng cường cơ sở vật chất cho công tác đào tạo và sát hạch lái tàu; hoàn thiện các quy phạm pháp luật đối với lái tàu như ban hành các văn bản về nội dung chương trình đào tạo lái tàu, tiêu chuẩn sức khỏe lái tàu…

Hai là, hạn chế việc mở đường ngang tự phát, thu hẹp đường ngang để giảm thiểu các phương tiện vận tải lớn đi qua; tăng cường biển báo, đèn tín hiệu, cử người gác tại những “điểm đen”… Đồng thời, ngành đường sắt cần đẩy mạnh nghiên cứu, đưa ra các giải pháp tập trung giải quyết các điểm giao cắt mà ô-tô đi lại được, như làm cầu vượt, đường tránh hoặc đường gom. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua cần thành lập những tổ tự quản, tự nguyện của người dân để phối hợp cảnh báo an toàn giao thông mỗi khi có tàu đi qua.

Ba là, an toàn giao thông đường sắt cũng như sự an toàn của các loại hình giao thông khác, trước tiên phải xuất phát và được quyết định bởi yếu tố con người, tiếp đó là yếu tố về hạ tầng, phương tiện... Do đó, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân đến nâng cấp, cải tạo hạ tầng, các phương tiện tham gia giao thông. Với người dân, thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thay đổi nhận thức, thói quen, hành động khi tham gia giao thông. Với nhân viên ngành đường sắt, cần đào tạo, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, trình độ tay nghề, tác phong tuân thủ nghiêm kỷ luật. 

Bốn là, công tác cứu hộ, cứu nạn của ngành đường sắt hiện nay còn hạn chế. Do vậy, việc thành lập trung tâm cứu hộ, cứu nạn chuyên cho ngành đường sắt, có trang thiết bị chuyên nghiệp, con người được đào tạo, huấn luyện có chuyên môn thành thục là một nhu cầu cấp thiết hiện nay. 

Năm là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát chặt chẽ các điểm giao cắt, ngã giao, đặc biệt là những điểm có lưu lượng giao thông qua lại lớn. Với những ngã giao, điểm giao cắt cần bố trí thêm hệ thống đèn, biển cảnh báo, hệ thống còi và các gác chắn tự động… để tăng cường bảo đảm an toàn giao thông đường sắt./.