TCCS - Hệ thống đường sắt ở Việt Nam được hình thành và tồn tại qua hàng trăm năm trong trạng thái tương tác trực tiếp với đường bộ, cũng như các địa bàn cư dân tập trung. Do vậy, trên thực tế, ngành đường sắt không thể kiểm soát hệ thống hạ tầng của mình như một thiết chế độc lập. Hàng nghìn đường ngang, lối đi dân sinh luôn tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt nếu chính quyền địa phương không vào cuộc quyết liệt. 

Đường ngang dân sinh là những "điểm đen" về tai nạn giao thông _ Ảnh minh họa

Bảo đảm hành lang an toàn giao thông đường sắt là trách nhiệm của mỗi chính quyền địa phương 

Cả nước hiện có 5.580 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, nhưng chỉ có hơn 1.500 đường ngang hợp pháp, có cảnh giới, rào chắn, còn lại hơn 4.000 lối đi dân sinh tự mở trái phép, khoảng 14.000 vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Ngay cả với số đường ngang hợp pháp thì có đến gần 90% số đường ngang không đủ tiêu chuẩn quy định theo Thông tư số 62/2015/TT-BGTVT, ngày 4-11-2015, của Bộ Giao thông vận tải quy định về đường ngang, như tầm nhìn hạn chế, độ dốc và góc giao cắt của đường bộ qua đường sắt ra vào khu công nghiệp, khu dân cư…; trang thiết bị tại nhiều đường ngang có gác lạc hậu, xuống cấp, phòng vệ đường ngang chủ yếu dùng nhân công. Vì vậy, 70% số vụ tai nạn giao thông đường sắt có nguyên nhân từ lối đi tự mở và đường ngang dân sinh. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông đường sắt liên quan đến hệ thống đường ngang dân sinh. Đó là lỗi khách quan do người tham gia giao thông cố tình vượt qua đường sắt không chú ý quan sát, hoặc cố tình phóng nhanh, vượt ẩu qua đường sắt khi tàu đến; do nhân viên đường sắt chưa chấp hành nghiêm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các quy trình liên quan trong bảo đảm an toàn giao thông đường sắt; chất lượng bảo trì kết hạ tầng đường sắt, vật tư, phụ tùng; công tác sửa chữa, nâng cấp các phương tiện vận tải chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định dẫn đến tai nạn, sự cố. 

Đặc biệt, việc phối hợp giữa các địa phương trong việc cảnh giới cũng như ngăn chặn lối đi tự mở còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương chưa triển khai đầy đủ các nội dung quy chế phối hợp đã ký kết với Bộ Giao thông vận tải. Việc cắm biển báo hiệu đường bộ tại các đường ngang chưa được thực hiện đầy đủ; cự ly lắp đặt biển báo chưa đúng theo Thông tư số 62; một số vị trí cắm sai, thừa biển báo hiệu gây hiểu nhầm cho người tham gia giao thông và cho lái tàu khi xác định loại giao cắt; việc duy tu, bảo dưỡng biển báo chưa được đơn vị quản lý đường bộ thực hiện thường xuyên; việc chủ trì giải tỏa, cưỡng chế vi phạm hành lang, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt ở một số địa phương thiếu quyết liệt; các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt chưa được kịp thời xử lý; trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý đường ngang dân sinh qua đường sắt chưa rõ ràng, cụ thể. 

Một số giải pháp nhằm hạn chế tai nạn giao thông đường sắt

Để góp phần hạn chế tai nạn giao thông đường sắt, trong thời gian tới, chính quyền địa phương cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, thực tế hiện nay một số chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo đảm trật tự an toàn đường sắt trên địa bàn mình quản lý. Việc quản lý lối đi tự mở đã được đóng, thu hẹp gặp nhiều khó khăn do tình trạng người dân cố tình phá hoại, vi phạm hành lang, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và tái lấn chiếm trở lại vẫn xảy ra. Việc đóng các đường dân sinh phụ thuộc vào việc người dân có lối đi khác hay không, tức là phải tạo cho họ lối đi hợp pháp thì mới đóng được đường dân sinh. Một số điểm không đóng được do không có đường gom cho dân đi. Ngành đường sắt phải thống nhất với địa phương để cho tồn tại đường ngang dân sinh, song địa phương phải tổ chức cảnh giới và đặc biệt thu hẹp lối đi lại, không cho phương tiện cơ giới qua lại, giảm thiểu nguy cơ tai nạn. Đồng thời, xây dựng thêm các gờ giảm tốc cưỡng bức ở một số vị trí đường bộ trước khi vào đường sắt để giảm thiểu tai nạn đường sắt có thể xảy ra. 

Hai là, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức cưỡng chế, giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn đường sắt, công trình tái lấn chiếm, cương quyết không để phát sinh thêm các vi phạm hành lang an toàn đường sắt và các đường ngang trái phép. Đồng thời, tổ chức cảnh giới bảo đảm an toàn giao thông tại các lối đi dân sinh có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. 

Ba là, bố trí lực lượng trực cảnh giới tại một số đường ngang có nguy cơ tai nạn cao; thông báo lịch trình chạy tàu thường xuyên cũng như vào dịp cao điểm để các địa phương chủ động bố trí cảnh giới tại các đường ngang do địa phương đảm trách theo quy chế phối hợp; tăng cường tuyên truyền, cảnh báo... nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. 

Bốn là, các địa phương có đường sắt đi qua chỉ đạo các lực lượng chức năng kiên quyết không để phát sinh lối đi tự mở; lập kế hoạch và lộ trình để xóa bỏ các lối đi này. Trong thời gian chờ xóa bỏ, cần bố trí nhân lực cảnh giới tại các điểm mở có nguy cơ cao về tai nạn giao thông; phối hợp với cơ quan liên quan giải tỏa hành lang an toàn giao thông; tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm trên địa bàn quản lý...

Năm là, nâng cao và làm rõ trách nhiệm người đứng đầu địa phương nơi có đường sắt đi qua, để việc quản lý hành lang an toàn đường sắt được bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định và an toàn. Nếu không xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm hành lang đường sắt thì nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt vẫn còn xảy ra./.