Gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm
Công tác quản lý, tổ chức đào tạo nghề nghiệp
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp tổ chức thực hiện tuyển sinh, đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội thông qua ngày 27-11-2014, có hiệu lực từ ngày 01-7-2015. Triển khai thực hiện Luật, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo. Công tác quản lý, tổ chức đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cơ bản được thực hiện tốt, phát triển ổn định, đi vào nề nếp và đảm bảo theo các quy định hiện hành về tổ chức đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện nghiêm túc Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH, ngày 01-3-2017 quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình; tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng. Trên cơ sở Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH, ngày 13-3-2017, quy định tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp, mỗi trường đã xây dựng, cụ thể hóa bằng quy chế tổ chức đào tạo của mình.
Đổi mới phương pháp giảng dạy được các trường đặc biệt quan tâm. Giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã áp dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy nhằm phát huy tính tích cực của người học; phổ biến nhất là phương pháp kết hợp giảng dạy lý thuyết, thực hành cơ bản ở trường với thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp, một số trường nghiên cứu và áp dụng mô hình "đào tạo kép" phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo tại trường và đào tạo tại doanh nghiệp, thường xuyên mời các chuyên gia từ doanh nghiệp đến trường để chia sẻ kinh nghiệp nghề nghiệp cập nhật cho giáo viên và sinh viên các kỹ năng mới, công nghệ mới. Ngoài ra, phương pháp giảng dạy lý thuyết kết hợp thảo luận, thuyết trình, nêu các vấn đề để người học tư duy, giải quyết,...; kết hợp giảng dạy chính khóa với các hoạt động ngoại khóa (đi tham quan các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, tổ chức các cuộc thi, thành lập các câu lạc bộ,...) để tạo sân chơi, cơ hội cho người học trao đổi, tiếp cận với thực tế sản xuất nhằm nâng cao trình độ, nhận thức của người học về lĩnh vực được đào tạo giúp sinh viên, học viên yên tâm học tập, yêu ngành, yêu nghề đã chọn.
Hầu hết các trường đã ứng dụng các phần mềm tin học trong công tác quản lý đào tạo (từ khâu quản lý công tác tuyển sinh; xây dựng, quản lý kế hoạch đào tạo; quản lý kết quả đào tạo; quản lý văn bằng tốt nghiệp,....). Một số trường đã áp dụng tuyển sinh online, quản lý kết quả đào tạo online... trên website của trường. Công nghệ thông tin cũng được các giáo viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ứng dụng mạnh mẽ từ việc biên soạn giáo án, bài giảng đến ứng dụng các phần mềm chuyên ngành để thiết kế các bài giảng.
Gắn kết đào tạo với doanh nghiệp để giải quyết việc làm
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đề xuất tăng cường hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; thành lập Tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững, nhằm thúc đẩy các hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, gắn đào tạo với việc làm. Nhiều địa phương đã có biện pháp khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp.
Thông qua các hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp bắt đầu hình thành và vận hành khá tốt trong thực tiễn. Các địa phương đã quan tâm đến hoạt động gắn kết với doanh nghiệp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động hơn, thuận lợi hơn khi tìm đến doanh nghiệp; các doanh nghiệp đã tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường; mô hình đào tạo tại doanh nghiệp được hình thành.
Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đã thực hiện tốt nội dung gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động, với các doanh nghiệp thông qua việc ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Nhiều trường mời doanh nghiệp tham dự lễ tốt nghiệp để ký kết hợp đồng tuyển dụng trực tiếp với học sinh, sinh viên tốt nghiệp. Một số trường tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên; cam kết giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp. Tính trung bình, năm 2018 tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 85%, trong đó tỷ lệ sinh viên cao đẳng ra trường có việc làm đạt 87%, trung cấp đạt 82%. Mức lương khởi điểm bình quân của sinh viên cao đẳng sau khi tốt nghiệp đạt 6,0 triệu đồng/tháng, học sinh trung cấp sau khi tốt nghiệp đạt 5,5 triệu đồng/tháng. Một số ngành, nghề có mức lương khá cao, có những nghề ở một số trường sinh viên tốt nghiệp ra trường có mức lương lên đến 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Khả năng có việc làm, thu nhập ổn định của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, trung cấp, dạy nghề đã góp phần định hướng, thay đổi dần nhận thức của xã hội về vai trò của giáo dục nghề nghiệp. Số lượng tuyển sinh tăng lên. Năm 2018, cả nước đã tuyển sinh được 2.210.000 người, đạt 100,5% so với kế hoạch năm. Trong đó: Trình độ cao đẳng khoảng 230.000 sinh viên (chiếm 10,4 %); trình độ trung cấp khoảng 315.000 học sinh (chiếm 14,3 %); trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1.665.000 người; hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 800.000 lao động nông thôn theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg và gần 19.000 người khuyết tật.
Kết quả tuyển sinh năm 2018 cho thấy nhận thức của xã hội về vai trò của giáo dục nghề nghiệp đã được nâng lên, công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở so với tốt nghiệp trung học phổ thông vào học trình độ trung cấp không ngừng tăng trong những năm gần đây.
Giải pháp tiếp tục đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp
Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển đất nước trong thời gian tới hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo nhằm trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động để tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, dịch vụ, góp phần xây dựng nông thôn mới; ưu tiên đào tạo, đào tạo lại nhân lực đáp ứng yêu cầu cách mạng Công nghiệp 4.0.
Đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nội dung thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; đào tạo online gắn với phát triển hệ thống giáo dục mở và học tập suốt đời; khuyến khích tổ chức quản lý đào tạo theo phương thức tích lũy mô đun, tín chỉ.
Tiếp tục đẩy mạnh, gắn tuyển sinh với tuyển dụng, gắn với việc làm bền vững, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp, để doanh nghiệp tham gia ngày càng sâu vào giáo dục nghề nghiệp. Đây vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn có nhân lực kỹ năng nghề có chất lượng thì cần tham gia đặt hàng, phối hợp và tham gia đào tạo.
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức, quản lý đào tạo; ứng dụng các phần mềm chuyên ngành trong việc thiết kế các bài giảng; tích cực áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến,...
Để thực hiện tốt các mục tiêu nêu trên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó, chú trọng vào các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp.
Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí ở trung ương, địa phương mở các chiến dịch truyền thông hiệu quả về giáo dục nghề nghiệp, thông qua việc xây dựng các phóng sự, viết tin, bài; hướng dẫn địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở rộng các phương thức, hình thức tuyên truyền, quảng bá về hoạt động giáo dục nghề nghiệp ngay tại các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đầu tư thỏa đáng và có nhiều giải pháp phối hợp với các cơ quan truyền thông, website, mạng xã hội để tuyên truyền phục vụ cho công tác tuyển sinh và quảng bá về hình ảnh của nhà trường.
Tiếp tục thông tin cho xã hội về tuyển sinh trong giáo dục nghề nghiệp, kết quả và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; tổ chức tư vấn về học nghề - việc làm trên các trang tin điện tử, đài phát thanh, đài truyền hình; tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp trong nhà trường; hình thành bộ phận chuyên trách làm công tác tư vấn, hướng nghiệp cho người học.
Tăng cường thông tin về chính sách của Nhà nước đến với doanh nghiệp, nhất là các chính sách thuế cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; hoàn thiện kênh thông tin (website, email, điện thoại,...) về hợp tác với các doanh nghiệp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cung cấp thông tin về năng lực đào tạo, thông tin tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tỷ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm; thông tin về nhu cầu việc làm, thị trường lao động theo định kỳ.
Hai là, tổ chức tốt công tác đào tạo nghề nghiệp.
Thực hiện tốt quy định về tổ chức đào tạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo; mở rộng tuyển sinh, đào tạo theo các phương thức trong đào tạo thường xuyên (vừa làm vừa học; đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến) đối với toàn bộ chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp hoặc đào tạo một số môn học, mô đun, tín chỉ trong chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp để đáp ứng nhu cầu học tập liên tục, học suốt đời của mọi người lao động.
Phối hợp với doanh nghiệp cùng tham gia tuyển sinh theo nhu cầu lao động của doanh nghiệp, coi tuyển sinh của trường là tuyển dụng của doanh nghiệp; ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo gắn với giải quyết việc làm sau tốt nghiệp cho người học (các hợp đồng liên kết đào tạo với doanh nghiệp; đặt hàng đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp...).
Tổ chức đào tạo có hiệu quả các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là thí điểm đào tạo theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài; thí điểm tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đào tạo lại người lao động đáp ứng nhu cầu Cách mạng 4.0, trong đó ưu tiên đào tạo lại cho những người từ 30 - 45 tuổi để có năng lực tiếp cận các nghề mới.
Tăng cường đào tạo kỹ năng dạy học (phương pháp sư phạm) cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp tham gia đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nhằm thúc đẩy và tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích, nhân rộng mô hình các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cam kết trả lại học phí nếu học sinh không có được việc làm đúng ngành, nghề với mức thu nhập thỏa đáng sau khi tốt nghiệp; khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài; mở rộng kênh tuyển sinh kết hợp đào tạo trong nước, nước ngoài.
Đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của người học; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tổ chức đào tạo.
Ba là, gắn kết tuyển sinh, đào tạo với thị trường lao động, việc làm.
Tăng cường công tác thống kê; thiết lập hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp với dự báo về thị trường lao động, việc làm. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý giáo dục nghề nghiệp, việc làm, thị trường lao động từ trung ương đến địa phương; phối hợp chặt chẽ giữa tuyển sinh, đào tạo và sử dụng sau đào tạo để tránh học sinh ra trường không có việc làm gây lãng phí cho gia đình và xã hội.
Tiếp tục triển khai cơ chế 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp thông qua chương trình hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có sử dụng nhiều nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là những lĩnh vực thiếu nhân lực (công nghệ thông tin, du lịch,…); triển khai thí điểm một số mô hình gắn kết thông qua cơ chế này.
Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động tiếp cận và tìm đến các doanh nghiệp trên địa bàn để đề xuất và ký kết các chương trình hợp tác (hợp đồng liên kết đào tạo, hợp đồng đặt hàng đào tạo hoặc các thỏa thuận hợp tác khác...); xây dựng mạng lưới doanh nghiệp đối tác đào tạo và tuyển dụng thường xuyên.
Bốn là, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh, đào tạo.
Tiếp tục xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách cho người học, tạo nhiều thuận lợi, ưu đãi, hấp dẫn người học đến với giáo dục nghề nghiệp, tạo nên sự phân luồng tự động (phân luồng người học bằng chính sách).
Phối hợp xây dựng, ban hành các danh mục ngành nghề lao động phải qua đào tạo, làm cơ sở tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục hoàn thiện các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hợp tác hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam./.
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh - thực tiễn và kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình đổi mới  (02/04/2019)
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh - thực tiễn và kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình đổi mới  (02/04/2019)
Gắn bó mật thiết với nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh - nét đặc sắc trong văn hóa cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam  (02/04/2019)
Gắn bó mật thiết với nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh - nét đặc sắc trong văn hóa cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam  (02/04/2019)
Mong doanh nghiệp Pháp mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam  (01/04/2019)
Hoạt động của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 01-4-2019  (01/04/2019)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay