Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 17 đến 23-7-2017)
TCCSĐT - Ngày 19-7, tại thủ đô Washington (Mỹ) đã diễn ra Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ - Trung Quốc lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ D. Trump nhậm chức hồi tháng 01-2017 với mục đích tìm cách thúc đẩy dỡ bỏ các rào cản thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, song Đối thoại lần này đã không có đột phá.
Không có bước đột phá
Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ - Trung. Ảnh: Xinhuanet
Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ - Trung lần này là sự tiếp nối của tiến trình đối thoại được tổ chức dưới thời các chính phủ tiền nhiệm của hai nước và diễn ra đúng thời điểm kết thúc nỗ lực 100 ngày như đã được nhất trí giữa Tổng thống Mỹ D. Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại bang Florida, Mỹ hồi tháng 4-2017 vừa qua.
Kế hoạch trong 100 ngày này bao gồm nối lại việc xuất khẩu thịt bò Mỹ sang Trung Quốc sau 14 năm gián đoạn, cam kết trao quyền tiếp cận hạn chế với một số lĩnh vực tài chính của Trung Quốc. Theo đó, tại cuộc đối thoại, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã thảo luận về các vấn đề kinh tế quan trọng như xuất nhập khẩu, rào cản thương mại song phương, đầu tư, tài chính, hợp tác trong các lĩnh vực như sản xuất sản phẩm công nghệ cao và dịch vụ…
Phát biểu tại đối thoại, Bộ trưởng Thương mại Mỹ W. Ross cho biết, trong 15 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng tới hơn 200%, tạo ra mức thâm hụt thương mại 347,29 tỷ USD trong năm 2016, do đó một sự thay đổi là cần thiết. Ông W. Ross nhấn mạnh đây là thời điểm để tái cân bằng mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa 2 nước theo cách “công bằng và tương hỗ hơn”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ S. Mnuchin cho rằng, hợp tác để tối đa hóa những lợi ích của hai bên chỉ khả thi nếu tồn tại mối quan hệ kinh tế công bằng và cân bằng hơn. Ông S. Mnuchin cho biết các cuộc thảo luận trong khuôn khổ cuộc đối thoại về kinh tế Mỹ - Trung sẽ tập trung vào các bước đi cụ thể để mang lại cách tiếp cận tốt hơn và “sân chơi bình đẳng” cho các doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư tại thị trường kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Ông khẳng định một mối quan hệ kinh tế cân bằng hơn sẽ đem lại thịnh vượng cho Mỹ và Trung Quốc, cũng như các nước trên thế giới.
Tuy nhiên kết thúc đối thoại, Mỹ và Trung Quốc chỉ nhất trí hợp tác giảm thâm hụt thương mại mà không đạt được sự đột phá nào. Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ - Trung đã không có tuyên bố chung, không có họp báo hay thông báo về việc tiếp cận thị trường Trung Quốc của Mỹ. Một quan chức giấu tên trong chính quyền Tổng thống D. Trump cho biết, hai bên đã bất đồng trong phần lớn các lĩnh vực quan trọng, trong đó có các yêu cầu của Mỹ về việc tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính của Trung Quốc, giảm lượng thép dư thừa của Trung Quốc, giảm thuế ô tô, cắt giảm trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, chấm dứt các quy định của Trung Quốc về khoanh vùng số liệu và mức sở hữu trần của doanh nghiệp nước ngoài.
Là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, có vị thế quan trọng trên trường quốc tế, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc được đánh giá không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước, mà còn có thể góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới. Song, mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã trải qua không ít thăng trầm, có lúc tưởng chừng đứng trước ngã rẽ trở thành đối thủ nhiều hơn là đối tác cạnh tranh. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, hai nước thường xuyên tồn tại những bất đồng về vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ, Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng đến từ Trung Quốc, vấn đề thâm hụt thương mại, dịch vụ tài chính…
Với việc Mỹ và Trung Quốc không đạt được đột phá tại Đối thoại kinh tế toàn diện lần này, giới chuyên gia cho rằng, chính phủ hai nước cần tích cực hơn trong việc trao đổi và hợp tác để xây dựng chính sách hiệu quả, giúp tạo ra cầu nối, thu hẹp khác biệt, mở rộng hợp tác cùng có lợi.
Quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục đứng trước thử thách mới
Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters UK
Quan hệ giữa Mỹ và Iran tiếp tục trở nên căng thẳng khi Mỹ công bố lệnh trừng phạt mới đối với Iran. Một điều đặc biệt là động thái này lại diễn ra ngay sau khi Mỹ tuyên bố Iran đã tôn trọng Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Ngày 18-7, Mỹ công bố những biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Iran liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của nước này cũng như các hoạt động mà Washington coi là Tehran “hỗ trợ các nhóm khủng bố” ở Trung Đông.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các biện pháp trừng phạt này sẽ được áp đặt đối với 18 cá nhân và thực thể của Iran bị coi là ủng hộ chương trình tên lửa đạn đạo và có quan hệ chặt chẽ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thông qua việc phát triển máy bay không người lái và thiết bị quân sự, sản xuất, bảo trì tàu thuyền, thu mua những thiết bị điện. Một số còn bị trừng phạt do “dàn xếp các vụ trộm cắp các chương trình phần mềm của Mỹ và phương Tây”, bán cho Iran. 18 cá nhân và thực thể này sẽ bị phong tỏa mọi tài sản tại Mỹ và người dân Mỹ cũng sẽ không được phép giao dịch với các đối tượng trên.
Phía Mỹ cho rằng, cho dù Iran đã tôn trọng Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), thỏa thuận hạt nhân mà quốc gia này đạt được với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng Đức) hồi năm 2015, song Tehran vẫn “chưa hoàn toàn” thể hiện thiện chí ngăn chặn vũ khí hạt nhân và do đó Washington sẽ tìm cách để gia tăng sức ép.
Bộ Ngoại giao Iran đã lên án “các hành động vô nghĩa của Mỹ trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt phi lý” đối với những cá nhân có liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Bộ Ngoại giao Iran cho biết sẽ “đáp lại bằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với cá nhân và thực thể Mỹ có hành động chống lại người dân Iran và người Hồi giáo trong khu vực”.
Kể từ khi Tổng thống theo đường lối ôn hòa H. Rouhani lên nắm quyền vào tháng 8-2013, ông đã chủ trương theo đuổi mục tiêu đạt được một thỏa thuận cuối cùng về hạt nhân Iran nhằm đưa Iran thoát khỏi lệnh cấm vận kinh tế mà Mỹ và phương Tây áp đặt trong nhiều thập niên qua. Thêm vào đó, sự thay đổi của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ B. Obama trong cách tiếp cận vấn đề hạt nhân của Iran cũng đã giúp cho các nỗ lực đàm phán giữa các nước phương Tây và Iran đạt được nhiều tiến triển. Tiến trình đàm phán kéo dài 13 năm đã kết thúc khi tháng 7-2015, Iran và Nhóm P5+1 đạt được một thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên JCPOA. Sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện, các lệnh trừng phạt Iran đã chính thức được gỡ bỏ vào tháng 01-2016. Tuy gỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến vấn đề hạt nhân, nhưng Mỹ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt liên quan trực tiếp tới chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Iran.
Không những thế, động thái gần đây của chính quyền Mỹ đang làm dấy lên những hoài nghi về số phận của thỏa thuận hạt nhân khi Tổng thống D. Trump không ít lần công kích thỏa thuận quốc tế quan trọng này, gọi đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất chưa từng có”. Tháng 4 vừa qua, Washington cũng đã thông báo sẽ tiến hành đánh giá lại liệu việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt Iran có phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia Mỹ hay không. Trong khi đó, Iran từng cảnh báo nếu chính quyền mới của Mỹ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử này, mọi thứ sẽ trở lại “điểm xuất phát”.
Các nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ tiếp tục trừng phạt Iran cho thấy quan hệ hai nước đang đứng trước những thách thức mới.
Còn nhiều bất đồng trong vòng đàm phán thứ hai về Brexit
Vòng đàm phán về Brexit tại Brussel (Bỉ). Ảnh: TTXVN
Gần một tháng sau khi diễn ra vòng đàm phán đầu tiên về Brexit, trong bốn ngày từ 17 đến 20-7-2017, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã tiếp tục tiến hành vòng đàm phán mới tại thủ đô Brussels (Bỉ). Đây cũng vòng đàm phán đầy đủ đầu tiên giữa hai bên.
Tại cuộc đàm phán, các nhà điều phối và các nhóm thương lượng của hai bên đã tiến hành thảo luận 4 vấn đề ưu tiên chính bao gồm: quyền công dân; việc EU yêu cầu Anh trả khoảng 60 tỷ euro - khoản nghĩa vụ ngân sách mà Anh đã cam kết đóng góp cho EU với tư cách là thành viên; các vấn đề liên quan đến đường biên giới với Cộng hòa Ireland, số phận của các loại hàng hóa Anh trên các cửa hàng của EU sau thời điểm Brexit có hiệu lực và một số vấn đề khác. Tuy nhiên sau 4 ngày đàm phán, hai bên chưa đạt được bước đột phá do vẫn bất đồng về một số vấn đề quan trọng.
Về việc EU yêu cầu Anh trả khoảng 60 tỷ euro, vấn đề bế tắc hiện nay là mức độ và hình thức đóng góp tài chính của Anh cho EU hậu Brexit. Trong khi EU kỳ vọng Anh sẽ chi trả cho việc nước này rời khỏi khối thì Anh vẫn chưa chấp nhận con số đề nghị của EU. Quan điểm mới nhất của Chính phủ Anh là cố gắng thuyết phục các nhà đàm phán EU rằng, phía Anh cam kết tôn trọng các nguyên tắc về giải quyết tài chính nhưng sẽ không đưa ra lời hứa cụ thể. Anh đang muốn kéo dài thời gian càng lâu càng tốt trong vấn đề thanh toán tài chính và sẽ không đưa ra bất kỳ cam kết ràng buộc nào cho đến khi ký một thỏa thuận tổng thể về Brexit.
Trong khi đó, bất đồng quan điểm giữa Anh và EU đối với quyền công dân khiến 3 triệu người EU đang sống ở Anh và 1,2 triệu người Anh sống tại EU vẫn chưa có hướng giải quyết. Chính phủ Anh đưa ra đề xuất công dân EU có thể mất quyền được cư trú vĩnh viễn tại Anh nếu như người này ra khỏi Anh quá 2 năm và không chứng minh được họ có những mối quan hệ thân thiết gắn bó tại Anh. Còn EU thì đang muốn Anh bảo đảm cho phép các công dân EU được tái định cư tại Anh cho dù những công dân này sống nhiều năm tại một nước khác. Vì thế, sau khi Anh đưa ra đề xuất trên, EU trả đũa bằng cách đưa ra cảnh báo các công dân Anh sống tại một nước EU sẽ có thể không được phép di chuyển sang sinh sống tại một nước khác trong EU.
Kết thúc vòng đàm phán thứ hai, Trưởng đoàn đàm phán về Brexit của EU M. Barnier kêu gọi Anh làm rõ quan điểm của mình về các vấn đề chủ chốt, như số tiền phải trả khi Anh rời “mái nhà chung”, các quyền lợi của công dân EU tại Anh sau Brexit và vấn đề biên giới với Cộng hòa Ireland. Ông M. Barnier cũng cho rằng, cần giải quyết các vấn đề quan trọng của Brexit trước khi tiến hành các cuộc đàm phán thương mại. Đồng thời hy vọng tại các cuộc đàm phán sắp tới, các nhà lãnh đạo EU có thể đạt “tiến triển quan trọng” đối với các ưu tiên trong tiến trình Brexit. Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh Davis nhấn mạnh quá trình đàm phán nếu đạt được tiến bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nước Anh. Ông bày tỏ mong muốn thông qua cuộc đàm phán này, Anh và EU có thể tìm ra những điểm tương thích để tiếp tục phát huy và cả bất đồng để thương thảo tìm hướng giải quyết.
Đánh giá về vòng đàm phán lần này, các nhà phân tích cho rằng, thực tế cho thấy không bên nào kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng đối với vấn đề đóng góp tài chính và quyền công dân tại vòng đàm phán thứ hai vì đây là vòng đàm phán đầu tiên mà Anh và EU đi vào bàn thảo các vấn đề một cách chi tiết. Mục đích chính của vòng đàm phán này đó là hai bên xác định được những bất đồng và đưa ra lộ trình để đi đến các thỏa thuận sau này. Mặc dù vậy, đàm phán vòng 2 cũng được đánh giá là diễn ra trong bầu không khí thiện chí, ranh giới khác biệt giữa hai bên đều đã được làm rõ hơn. Điều này sẽ giúp các nhà đàm phán Brexit chuẩn bị nội dung và tìm cách xóa bỏ những khác biệt này trong các vòng đàm phán tiếp theo.
Đại diện 20 khu vực tại Ukraine tuyên bố thành lập nhà nước mới
Người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) A. Zakharchenko. Ảnh: EPA/TTXVN
Đại diện 20 khu vực tại Ukraine đã tuyên bố thành lập nhà nước mới có tên gọi là Malorossia. Động thái này đã vấp phải sự phản đối của chính phủ Ukraine cũng như cộng đồng quốc tế.
Ngày 18-7, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng A. Zakharchenko đã đọc tuyên ngôn thành lập một quốc gia mới có tên gọi là Malorossia, lấy thủ phủ là thành phố Donetsk. Tại Malorossia, thủ đô Kiev của Ukraine sẽ chỉ còn là trung tâm văn hóa - lịch sử và không còn quy chế thủ đô.
Theo tuyên bố của ông A. Zakharchenko, không thể khôi phục được nhà nước Ukraine như trước kia. Với tư cách là đại diện cho các vùng thuộc Ukraine cũ, trừ Crimea, DPR cùng với 19 khu vực khác tuyên bố thành lập nhà nước mới, nhà nước kế thừa của Ukraine. Nhà nước mới sẽ có tên gọi là Malorossia, vì tên gọi cũ Ukraine đã không còn uy tín.
Nhà lãnh đạo của DPR A. Zakharchenko cũng tuyên bố, DPR cùng với Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng là hai vùng lãnh thổ duy nhất của Ukraine (trừ Crimea) có chính quyền hợp pháp. Ông A. Zakharchenko cũng đã đề xuất một giai đoạn chuyển tiếp 3 năm đối với nhà nước mới có tên gọi Malorossiya, như một biện pháp để giải quyết xung đột và cho biết “Hiến pháp Malorossia” đang được soạn thảo và sẽ được đưa ra thảo luận rộng rãi trong các tầng lớp xã hội.
Sau tuyên bố của người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng A. Zakharchenko về việc thành lập một quốc gia mới có tên gọi là Malorossia, Tổng thống Ukraine P. Poroshenko đã cam kết bảo vệ chủ quyền Donbass, đồng thời tuyên bố sẽ khôi phục chủ quyền lãnh thổ đối với các khu vực ở miền Đông Ukraine. Trên mạng xã hội Twitter, người phát ngôn của Tổng thống Ukraine S. Tsegolko dẫn lời ông P. Poroshenko cho biết, “Ukraine sẽ khôi phục chủ quyền đối với Donbass và Crimea”. Trong khi đó, theo Ngoại trưởng Ukraine P. Klimkin, giới chức Kiev sẽ không cho phép việc thành lập một nhà nước độc lập ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine như sự việc xảy ra ở Gruzia hồi năm 2008.
Nga cũng đã phản đối sáng kiến thành lập nhà nước mới ở Ukraine. Đại diện của Nga tại Nhóm tiếp xúc ba bên về Ukraine, B. Gryzlov cho biết tuyên bố của lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng về một nhà nước mới có tên gọi Malorossiya không phù hợp với tiến trình hòa hợp Ukraine như một phần của thỏa thuận hòa bình Minsk. Phát biểu với báo giới, đại diện Nga nêu rõ: “Sáng kiến này không phù hợp với tiến trình Minsk và Moscow chỉ xem đây như một lời mời thảo luận. Tuyên bố này không có những kết quả mang tính xây dựng”. Ngoài ra, Đại diện của Nga tại Nhóm tiếp xúc ba bên về Ukraine, Gryzlov còn quy kết đề xuất của người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng Zakharchenko về việc tạo ra một giai đoạn chuyển tiếp 3 năm cho nhà nước mới có tên gọi Malorossiya là “chiến tranh thông tin”, chứ không phải là một chính sách thực dụng.
Chính phủ Đức và Pháp cũng phản đối tuyên bố thành lập nhà nước Malorossia. Chính phủ Đức cho biết nước này coi đề xuất thành lập một nhà nước mới mang tên Malorossia của người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân D. Zakharchenko là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Trong một thông báo, chính quyền Berlin nêu rõ, “Chính phủ Đức lên án bước đi này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Ông D. Zakharchenko không có quyền hợp pháp để tuyên bố về khu vực này của Ukraine. Chúng tôi hy vọng Nga cũng lên án bước đi này, rằng nước này sẽ không tôn trọng và chấp nhận điều đó”. Berlin cho rằng, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua thương lượng.
Từ Paris, Bộ Ngoại giao Pháp cũng phản đối tuyên bố thành lập nhà nước Malorossia của người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân D. Zakharchenko. Bộ Ngoại giao Pháp đã kêu gọi các nước lên án tuyên bố trên của ông A. Zakharchenko. Phát biểu tại buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp, bà Agnes Romatet - Espagne nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án sự việc này, vốn vi phạm các thỏa thuận hòa bình Minsk và đi ngược lại tinh thần của các cuộc thương lượng trong khuôn khổ Nhóm Normandy. Bộ Ngoại giao Pháp cho rằng Nga cần tăng cường nỗ lực để chấm dứt cuộc xung đột”./.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính thăm, tặng quà Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành  (23/07/2017)
Giao lưu hữu nghị Biên giới Việt Nam-Lào lần thứ nhất năm 2017: Nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực  (23/07/2017)
Hơn 100 thanh niên ra quân sang Lào hoạt động tình nguyện  (23/07/2017)
Những tấm gương thương binh “tàn nhưng không phế”  (23/07/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên