Phát huy vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai
TCCSĐT - Xây dựng nông thôn mới thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa, đổi mới nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân. Do đó, phải phát huy vai trò chủ thể của người dân, gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Năm năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Lào Cai đã huy động được sức mạnh đoàn kết, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Xây dựng nông thôn mới thực sự đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là thay đổi về kết cấu hạ tầng nông thôn, khơi dậy tinh thần tự chủ, tự lực tự cường vươn lên của nông dân. Xã hội nông thôn ngày càng ổn định, dân chủ, có đời sống văn hoá phong phú, tạo thuận lợi cho chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn.
Chỉ khi nào thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân thì công cuộc xây dựng nông thôn mới mới đạt được hiệu quả, mục tiêu đề ra. Chỉ khi nhận thức của người dân được gợi mở, khơi thông, khuyến khích thì người dân mới tự nguyện hăng hái tham gia. Làm cho người dân hiểu, tin và hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công. Đây là những kinh nghiệm rút tra trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai.
Chủ động tuyên truyền, vận động ở cơ sở gắn với việc bàn bạc công khai, dân chủ về tổ chức thực hiện những nhiệm vụ ưu tiên, tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân
Ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân được chú trọng, nhất là về mục đích, ý nghĩa, phương châm, các nội dung và cơ chế, chính sách của Chương trình. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lào Cai, Sở Thông tin và Truyền thông; các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh và các huyện, thành phố đã thường xuyên đăng tải các tin, bài, tăng thời lượng, mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, phổ biến các cách làm hay, mô hình hiệu quả, các tập thể, cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới. Một số sở, ngành, địa phương đã phát động các cuộc thi viết về đề tài xây dựng nông thôn mới; biên soạn bản tin và phát hành sổ tay, tờ rơi, tài liệu “Hỏi - Đáp” và các bộ ảnh tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; lồng ghép công tác tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt đảng, đoàn thể, học tập Nghị quyết, các hội nghị, hội thảo...
Trong giai đoạn 2011 - 2015, các sở, ban, ngành đoàn thể và các đơn vị đã ban hành 3.099 văn bản các loại hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (các huyện, thành phố ban hành 2.958 văn bản các loại về công tác tuyên truyền); ban hành 3.800 cuốn gương người tốt việc tốt; 5.000 cuốn Sổ tay hướng dẫn; 1.000 cuốn tài liệu hỏi - đáp. Tổ chức 5.438 hội nghị tuyên truyền, truyền thông về công tác xây dựng nông thôn mới; 1.200 buổi diễn văn nghệ, 1.000 giải thể thao thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Tổ chức được 3.060 buổi tuyên truyền bằng hình thức biểu diễn văn hóa, văn nghệ; in sao phát cho cơ sở 3.284 đĩa CD có nội dung tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng. Tổ chức 2 cuộc thi về sáng tác tranh tuyên truyền nông thôn mới (thu hút 31.934 bài dự thi và 1.433 tác phẩm dự thi). Tổ chức trên 40 lễ hội văn hóa dân gian ở các địa phương lồng ghép nội dung tuyên truyền xây dựng nông thôn mới. Cấp phát 102.882 tờ rơi, khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới của các cơ quan, đơn vị cấp phát cho nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra, 9 huyện, thành phố đã treo 14.078 băng-zôn, khẩu hiệu, dựng 3.141 pa nô và cụm pa nô (lớn và nhỏ), in và phát hành 92.733 tờ rơi, tờ gấp... Xây dựng cổng chào kiên cố, bán kiên cố tại các xã, thôn, bản để tuyên truyền trực quan về xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra các địa phương còn có các hình thức tuyên truyền đa dạng như: Chiếu bóng lưu động, sáng tác tiểu phẩm, làm phim phóng sự, tuyên truyền miệng, tuyên truyền bằng xe lưu động, tổ chức các hội thi…
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh Lào Cai xây dựng 5 nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển giao thông nông thôn; vệ sinh môi trường nông thôn; an ninh trật tự xã hội nông thôn; phát triển hệ thống giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với xây dựng nông thôn mới ở các cấp. Các đoàn thể phát động nhiều phong trào thi đua gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tiêu biểu như: Phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”; Phong trào “Cựu chiến binh hiến kế, hiến công xây dựng nông thôn mới”; Phong trào “Tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thôn mới”; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không - 3 sạch” “Tổ phụ nữ tự quản đường giao thông nông thôn” của Hôi Phụ nữ tỉnh; phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh...
Công tác tuyên truyền, vận động đã tác động rất tích cực, làm thay đổi nhận thức của cán bộ và người dân. Đa số đã chuyển từ thụ động, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước sang chủ động lựa chọn nội dung ưu tiên, đóng góp công sức và tích cực tham gia thực hiện, tạo thành một phong trào có sự hưởng ứng sâu rộng khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong nhân dân, tạo động lực to lớn biến chương trình thành một phong trào ngày càng có sức lan tỏa lớn.
Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư đã vào cuộc. Cụ thể, nhân dân tự nguyện tham gia ủng hộ giá trị 827,136 tỷ đồng, bao gồm (gần 80 tỷ đồng tiền mặt, gần 300 ha đất, 2,6 triệu ngày công lao động, trên 1000 m3 đá, cát, sỏi; vận động nhân dân làm được 59.145 nhà vệ sinh và 34.104 chuồng gia súc, xây dựng và đào mới được 61.393 hố đốt và chôn rác thải, thành lập 519 mô hình nhà sạch vườn đẹp); các cơ quan, doanh nghiệp đã ủng hộ giá trị 461.739 triệu đồng, (gồm 50 tỷ tiền mặt, gần 1.500 con bò; 196 máy trộn bê tông; 3.500 tấn xi măng, xây dựng gần 100km đường giao thông nông thôn; 215 bộ máy vi tính, 500 bộ bàn ghế và nhiều hiện vật khác như quần áo, sách vở...).
Thực hiện thành công Đề án “Thí điểm mô hình Ban Tuyên vận xã, phường, thị trấn và Tổ Tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố” trên địa bàn tỉnh
Mô hình “Ban Tuyên vận cơ sở” được thành lập, đã được nhân rộng trên 144/144 xã được đánh giá là một trong những sáng tạo trong công tác tuyên truyền và được Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Trung ương và các bộ, ngành đánh giá cao. Đề án tuyên vận là một đề án quan trọng, thể hiện sự sáng tạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhằm tạo ra sự chuyển biến trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động trên địa bàn tỉnh. Với phương châm “Đến từng ngõ, rõ từng nhà”, “Thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi” hoạt động của các ban, tổ tuyên vận đã góp phần đưa Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống, thấm tới từng người dân. Việc triển khai Đề án đã thể hiện sự sáng tạo, đổi mới trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh cùng góp sức thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Ban Tuyên vận thực hiện 8.700 hội nghị tuyên vận cơ sở, trên 400 cuộc khảo sát, kiểm tra, tổ chức 92 lớp tập huấn cho trên 6.000 lượt cán bộ tuyên vận, tổ tuyên vận, chỉ đạo 854 hội nghị tuyên vận các cấp, kiểm tra công tác tuyên vận. Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án (từ năm 2012 đến nay), trên địa bàn toàn tỉnh có 100% số xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình tuyên vận, với 1.312 cán bộ tuyên vận thuộc 164 ban tuyên vận xã, phường, thị trấn; thành lập gần 2.000 tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố với gần 6.000 tuyên vận viên. Tổ trưởng tổ tuyên vận thường là Bí thư Chi bộ thôn, bản, tổ dân phố, tuyên vận viên là các chi ủy viên, trưởng hoặc phó các tổ chức đoàn thể, chính quyền tại thôn, bản, tổ dân phố. Với cách thức chủ yếu là tuyên truyền miệng ở mọi lúc, mọi nơi, họp thôn, họp các đoàn thể, trên loa truyền thanh, tại gia đình, trên đồng ruộng, nương rẫy, qua hoạt động văn hóa, văn nghệ, hình ảnh trực quan phù hợp điều kiện thực tế… theo phương châm “Đến từng ngõ, rõ từng nhà”, bộ máy ban tuyên vận xã và tổ tuyên vận thôn nắm thông tin hai chiều, giúp các cấp ủy làm tốt hơn công tác tư tưởng, nhất là trước những vấn đề lớn, phức tạp. Nội dung công tác tuyên vận tập trung trọng tâm vào vấn đề xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,… từ đó, góp phần tạo sự chuyển biến vượt bậc và nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của các địa phương.
Nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện chương trình các cấp; đổi mới các cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn, huy động sức dân và sử dụng nguồn lực đầu tư thực hiện kịp thời, đồng bộ
Trong giai đoạn 2011 - 2015, Lào Cai đã tổ chức 541 lớp tập huấn, trong đó 49 lớp tập huấn về nghiệp vụ xây dựng nông thôn mới; 92 lớp tập huấn về tuyên truyền; và trên 400 lớp tập huấn về các chuyên đề phát triển sản xuất. Ngoài ra tổ chức gần 200 lớp đào tạo nghề cho 5.500 lượt lao động nông thôn. Các đoàn thể trong tỉnh đã tổ chức 68 lớp tập huấn cho cán bộ các cấp về xây dựng nông thôn mới; nội dung tập huấn luôn cập nhật và đáp ứng yêu cầu thực tế triển khai, thực hiện ở các địa phương. Thông qua các lớp tập huấn, thành viên ban chỉ đạo các cấp được trang bị và nâng cao kiến thức chuyên môn, nâng cao năng lực thực thi Chương trình tại cơ sở. Nhiều địa phương đã chủ động tổ chức tham quan, học tập, rút kinh nghiệm về phương pháp xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, chất lượng công tác chỉ đạo, tham mưu trong triển khai thực hiện chương trình ngày càng được nâng cao.
Ủy ban nhân dân tỉnh cùng các huyện, thành phố, các xã thực hiện cơ chế đầu tư đặc thù xây dựng nông thôn mới đối với một số loại công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản và có thể áp dụng mẫu thiết kế điển hình như các công trình đường giao thông nông thôn, trường mầm non, nhà công vụ giáo viên, nhà văn hóa thôn, khu thể thao xã, nghĩa trang nhân dân xã, bãi thu gom rác thải trên địa bàn các xã xây dựng nông thôn mới.
Các văn bản quy định mức hỗ trợ và hướng dẫn triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, từ việc quy định đầu tư xây dựng công trình đường giao thông nông thôn trên địa bàn; quy định các nội dung đầu tư hỗ trợ đến phê duyệt thiết kế mẫu nhà công vụ, nhà bán trú học sinh và các văn bản hướng dẫn thực hiện của các sở và liên sở v.v..
Tổng nguồn vốn đã bố trí thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2011 - 2015 là 9.860,258 tỷ đồng, vượt 11,36% so Đề án; trong đó: vốn trực tiếp cho Chương trình là 1.956,397 tỷ đồng (19,84% tổng nguồn); vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác: 6.394,986 tỷ đồng (64,86%); vốn tín dụng 220 tỷ đồng; doanh nghiệp đóng góp 461,739 tỷ đồng; nhân dân góp 827,136 tỷ đồng.
Có thể nói, nét nổi bật nữa là, Lào Cai là một trong số ít các địa phương trên cả nước không có nợ đọng vốn trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới thời gian qua.
Những kết quả đạt được
Nhờ có có sự tham gia đóng góp tích cực của người dân - chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, hiện nay ở Lào Cai, số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 20/143 (Xã Mường Khương lên Thị trấn) đạt 13,9% (cả nước có 1.298 /9.000 xã đạt 14,4%; khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên mới đạt 7,2%); Thành phố Lào Cai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (5/5 xã đã hoàn thành).
Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn/xã: 9,63 tiêu chí, tăng 6,33 so với năm 2010 (Bình quân của cả nước là 12,9 tiêu chí, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010). Số xã hoàn thành 19 tiêu chí: 20 xã; tăng 20 xã so với năm 2010. Số xã hoàn thành 15 - 18 tiêu chí: 16 xã, tăng 16 xã so với năm 2010. Số xã hoàn thành 10 - 14 tiêu chí: 27 xã, tăng 21 xã so với năm 2010. Số xã hoàn thành 5 - 9 tiêu chí: 72 xã, tăng 27 xã so với năm 2010. Số xã dưới 5 tiêu chí: còn 9 xã, giảm 87 xã so với năm 2010.
Kết cấu hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư nâng cấp. Giao thông nông thôn được đẩy mạnh, tạo thành phong trào lan tỏa đến mọi xóm làng, người dân; đến nay 100% số xã có đường nhựa hoặc bê tông đến trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp giữ được mức tăng trưởng ổn định, tạo được các vùng sản xuất hàng hóa; năng suất chất lượng của cây trồng, vật nuôi được nâng lên. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp trên một đơn vị diện tích đất canh tác tăng cao. Đời sống của người dân khu vực nông thôn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm ... Dân chủ ở cơ sở được phát huy.
Có được kết quả rất đáng khích lệ đó là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể; sự tham gia tích cực của người dân. Có cách làm phù hợp với điều kiện của địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách. Lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước với các nguồn lực khác; trong đó, việc huy động, đóng góp của người dân trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ không gượng ép, quá sức dân là vô cùng quan trọng
Bên cạnh những thành tích đạt được, kết quả xây dựng nông thôn mới tại các địa phương chưa đồng đều. Việc triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm về xây dựng nông thôn mới ở nhiều xã còn hạn chế; một số mục tiêu đề ra, nhưng chưa có kế hoạch đảm bảo nguồn lực, chưa có nhiều giải pháp tích cực, sáng tạo, quyết liệt trong tổ chức thực hiện. Việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân ở nhiều địa phương còn khó khăn chưa được quan tâm đúng mức, kết quả chưa cao. Chưa có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết phát triển sản xuất hàng hóa còn hạn chế. Cơ chế chính sách xây dựng nông thôn mới còn chậm, chưa sát với nhu cầu thực tế tại địa phương, việc lồng ghép, phân bổ nguồn lực còn khó khăn. Một số văn bản hướng dẫn của Trung ương ban hành chậm, thiếu đồng bộ, gây lúng túng cho địa phương trong thực hiện chương trình, do đó, khó khăn trong việc triển khai thực hiện tại địa phương...
Mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới
Việc xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai nhằm hướng tới bảo đảm cho nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường; sức mạnh của hệ thống chính trị được nâng cao, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội. Lào Cai phấn đấu đến hết năm 2020, có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 34,97%, (giai đoạn 2016 - 2020 là 30 xã); 01 huyện đạt chuẩn “Huyện Nông thôn mới” (huyện Bảo Thắng); bình quân mỗi xã đạt 14,1 tiêu chí nông thôn mới; không có xã dưới 5 tiêu chí; hoàn thành 8 tiêu chí nông thôn mới tại 143 xã. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn hằng năm giảm từ 3 - 4%.
Để đạt được mục tiêu trên, phát huy vai trò của người dân, huy động sức dân, tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lào Cai thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới để nhân ra diện rộng.
Thứ hai, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Tập trung đẩy nhanh thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển ngành nghề, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thực hiện phương châm “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ban tuyên vận, tổ tuyên vận; năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ được phân công trực tiếp làm công tác tuyên vận, nhất là vai trò, trách nhiệm của bí thư chi bộ các thôn, bản, tổ dân phố. Hướng dẫn, tập huấn, học tập kinh nghiệm; đổi mới phương thức hoạt động của công tác tuyên vận, phối hợp nhịp nhàng giữa tuyên truyền với vận động, không nên xem nhẹ mặt nào mà phải thống nhất, tuần tự, chặt chẽ.
Thứ tư, tổ chức triển khai thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa cơ sở để đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa của người dân nông thôn. Nghiên cứu, nhân rộng các mô hình tốt về phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của từng vùng, miền, dân tộc...
Thứ năm, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn. Coi trọng các nội dung tổ chức sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển ngành nghề, nâng năng lực sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an ninh trật tự ngày càng tốt hơn để nông thôn mới phát triển bền vững.
Thứ sáu, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới có tỷ lệ hộ nghèo cao, trong đó ưu tiên nhiều hơn cho các xã dưới 5 tiêu chí. Có cơ chế phù hợp để huy động được nhiều nguồn lực ngoài ngân sách: tín dụng, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ quốc tế, vận động đóng góp tự nguyện từ người dân (nhưng tuyệt đối tránh việc huy động quá mức). Việc triển khai đầu tư phải phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực, không để nợ đọng, vượt quá khả năng thanh toán./.
Hình ảnh đoàn đại biểu Việt Nam viếng lãnh tụ Cuba Fidel Castro  (29/11/2016)
Xung quanh vấn đề dân chủ và thực hành dân chủ đại diện trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng  (29/11/2016)
Những vấn đề cơ bản cần giải quyết về công tác dân tộc trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam  (29/11/2016)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Mặt trận Nguyễn Thiện Nhân viếng lãnh tụ Cuba Fidel Castro  (29/11/2016)
Việt Nam - Nhật Bản tiến hành đối thoại chính sách quốc phòng lần 4  (29/11/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên