Phát huy vai trò của đầu tư công trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nhanh và bền vững
TCCS - Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm chính trị, kinh tế lớn của cả nước. Trong quá trình phát triển của Hà Nội, nguồn lực đầu tư công có vai trò to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Hà Nội cần thực hiện các giải pháp mạnh mẽ để khơi thông nguồn lực đầu tư công, phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với vai trò, vị thế là Thủ đô của cả nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Khái quát về vai trò của đầu tư công trong phát triển kinh tế - xã hội
Theo Luật Đầu tư công (Luật số 39/2019/QH14), đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và các đối tượng đầu tư công khác theo quy định của Luật này. Như vậy, đầu tư công là một hoạt động đầu tư của Nhà nước, sử dụng nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách nhà nước để thực hiện thiết kế, xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo Điều 5, Luật Đầu tư công, đối tượng đầu tư công bao gồm: 1- Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; 2- Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; 3- Đầu tư và hỗ trợ hoạt động đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội; 4- Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư; 5-Đầu tư phục vụ công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch; 6- Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đầu tư công có vai trò to lớn cho phát triển kinh tế, chính trị, xã hội tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đầu tư công cũng chú trọng vào việc nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan nhà nước, cải thiện quản trị quốc gia, tạo nên môi trường hành chính thông thoáng, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đầu tư công còn là công cụ của Nhà nước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng chậm phát triển, vùng khó khăn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền. Đầu tư công còn có vai trò là “vốn mồi”, dẫn dắt đầu tư tư, góp phần khơi dậy tiềm năng to lớn trong nhân dân cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trước khi có Luật Đầu tư công năm 2014, đầu tư công được thực hiện theo kế hoạch hằng năm do Chính phủ trình Quốc hội. Sau khi Luật Đầu tư công năm 2014 được ban hành, quy trình đầu tư công có sự thay đổi cơ bản, từ kế hoạch hằng năm chuyển sang kế hoạch đầu tư công trung hạn, với kế hoạch 5 năm. Theo đó, việc cân đối vốn hằng năm cũng được chuyển sang cân đối trung hạn 5 năm ở cả tầm quốc gia và chính quyền địa phương, bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất và tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bộ, ngành và địa phương.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã góp phần thực hiện mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, phát huy được vai trò của đầu tư công trong lan tỏa, liên kết các vùng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Đầu tư công trung hạn cũng góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; từng bước khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thúc đẩy cơ cấu lại đầu tư và cơ cấu lại các ngành, vùng lãnh thổ; cơ bản bảo đảm tương quan hợp lý giữa phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội, giữa các ngành, lĩnh vực, các địa phương, vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn khác, chống thất thoát, lãng phí; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 trên địa bàn Hà Nội: Nguồn lực to lớn cho phát triển kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội tập trung thực hiện đầu tư công trung hạn theo 38 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của Hội đồng nhân dân thành phố và 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội đã đề ra. Cụ thể, Chương trình số 03-Ctr/TU của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 và Chương trình số 05-Ctr/TU của Thành ủy về đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, ứng phó với biến đối khí hậu. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức vốn đầu tư công trung hạn khoảng 304.779,7 tỷ đồng, trong đó kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố là 218.962,7 tỷ đồng và cấp huyện là 85.837 tỷ đồng.
Về phương án phân bổ vốn đầu tư, thành phố ưu tiên đầu tư các công trình ngành giao thông và hạ tầng kinh tế - xã hội như các đường Vành đai 2,5, Vành đai 3, Vành đai 3,5, Vành đai 4…; các cầu lớn qua sông (Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Thượng Cát); các trục hướng tâm, liên kết vùng (quốc lộ 6, nâng cấp quốc lộ 32, quốc lộ 1A cũ, quốc lộ 21B, đường nối từ cao tốc Láng - Hòa Lạc với đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình); các trục chính đô thị thuộc kết cấu hạ tầng khung và các đường tỉnh lộ; đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch. Mục tiêu là phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông đồng bộ; đầu tư, nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông đô thị đạt khoảng 12 - 15% diện tích đất đô thị. Tổng nguồn vốn 5 năm cho lĩnh vực giao thông là hơn 83.337 tỷ đồng đề thực hiện 255 dự án.
Trong lĩnh vực thoát nước, chống úng ngập, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, ngân sách thành phố cân đối bố trí hơn 13.704 tỷ đồng đầu tư 24 dự án. Để bảo đảm an toàn đê điều và hồ đập, ngân sách thành phố bố trí gần 9.572 tỷ đồng để thực hiện 138 dự án và dành kinh phí cho 3 dự án lớn bố trí vốn hằng năm theo tiến độ thực tế dự án. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cân đối bố trí vốn 6.200 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi.
Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư công bố trí cho lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo và dạy nghề: 2.286 tỷ đồng để thực hiện 48 dự án; lĩnh vực y tế: 3.001 tỷ đồng để thực hiện 16 dự án; lĩnh vực văn hóa thông tin và thể dục, thể thao: 2.650 tỷ đồng để thực hiện 26 dự án về phát triển văn hóa, thể thao. Ủy ban nhân dân thành phố cũng bố trí nguồn vốn cho các dự án lớn, trọng điểm cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hằng năm theo tiến độ thực tế của dự án đối với 34 dự án và các dự án lớn tại các đề án huyện thành lập quận giai đoạn 5 năm là 36.000 tỷ đồng.
Kế hoạch đầu tư công trong 5 năm tới dự kiến một nguồn lực to lớn của Nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị Hà Nội. Để phát huy hiệu quả nguồn lực to lớn này, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sát sao, liên tục; các cấp, ngành, địa phương, đơn vị của thành phố cần nỗ lực triển khai nhiều giải pháp cụ thể để thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai và giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung khắc phục một bước cơ bản hai điểm yếu của đầu tư công là giải ngân chậm và tình trạng thất thoát, lãng phí, làm cho hiệu quả đầu tư công thấp. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chủ yếu do thủ tục hành chính trong thực hiện đầu tư còn phức tạp; thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương; khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng dự án;… Thất thoát, lãng phí, tham nhũng là hiện tượng khá phổ biến trong các dự án đầu tư công, dẫn đến hiệu quả đầu tư công không cao. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư công thấp còn bị chi phối bởi nhiều nguyên nhân khác, từ việc xác định chủ trương đầu tư (lựa chọn đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch và quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mang tính chủ quan, tiềm ẩn nguy cơ lựa chọn không đúng) đến tình trạng đầu tư dàn trải, dự án kéo dài do vốn nhỏ dọt nên công trình chậm đưa vào sử dụng.
Vì vậy, Hà Nội cần triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là biện pháp quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là các dự án trọng điểm, dự án khởi công mới. Cần khẩn trương phân bổ và giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ, dự án đúng quy định, phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài. Các sở, ngành và địa phương có kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thanh toán vốn cho dự án ngay khi có khối lượng nghiệm thu theo quy định; chủ động điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Công tác giải ngân vốn đầu tư công phải được xem là cơ sở, thước đo đánh giá hoạt động của mỗi đơn vị, địa phương gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Rà soát, sắp xếp dự án theo thứ tự ưu tiên, đề xuất danh mục phù hợp với phân cấp quản lý đầu tư, khả năng cân đối vốn cho từng ngành, lĩnh vực trong tổng thể cân đối chung của thành phố; không chia nhỏ các dự án đầu tư, hạn chế phát sinh đầu mối quản lý, thủ tục đầu tư.
Tập trung rà soát toàn bộ các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm cả dự án chuyển tiếp và dự án mới ở từng cấp, bảo đảm không dàn trải; kiên quyết cắt giảm những dự án khởi công mới chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả; tập trung đầu tư các dự án quan trọng, cần thiết, sớm phát huy hiệu quả, góp phần hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Các dự án khởi công mới dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 phải làm rõ về sự cần thiết và hiệu quả đầu tư.
Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ cần thực hiện thường xuyên, liên tục, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều lĩnh vực. Do vậy, phải tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao, để qua đó, đầu tư công góp phần tích cực vào xây dựng, chỉnh trang đô thị và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô./.
Thủ đô Hà Nội: Xây dựng mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp  (19/10/2022)
Thành phố Hà Nội đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hướng đến sự hài lòng của người dân  (18/10/2022)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên