Cơ cấu lại ngành công nghiệp vùng Đông Nam Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị
TCCS - Là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm… cho cả nước, vùng Đông Nam Bộ trở thành “đầu tàu” phát triển kinh tế của cả nước nói chung và ngành công nghiệp nói riêng. Thời gian tới, cơ cấu lại ngành công nghiệp theo chiều sâu để tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh là định hướng phát triển quan trọng để ngành công nghiệp của vùng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Chủ trương đúng đắn, hiệu quả thiết thực
Nghị quyết số 53-NQ/TW, ngày 29-8-2005, của Bộ Chính trị khóa IX, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” xác định mục tiêu: “Huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng để phát triển nhanh, ổn định và bền vững, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao…; góp phần tích cực vào sự phát triển chung của khu vực phía Nam và cả nước, là địa bàn cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực”. Sau 5 năm triển khai, vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã đạt được những bước phát triển quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng(1). Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Kết luận số 27-KL/TW, ngày 2-8-2012, về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW, ngày 29-8-2005, của Bộ Chính trị khóa IX đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020” với mục tiêu: “Duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tạo chuyển biến rõ rệt về chất, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả các ngành kinh tế, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, đóng góp hiệu quả vào quá trình tái cấu trúc của nền kinh tế”.
Sau 10 năm Kết luận số 27-KL/TW đi vào cuộc sống, diện mạo kinh tế của vùng đã có những bước chuyển tích cực, đặc biệt là ngành công nghiệp. Vùng Đông Nam Bộ đóng góp lớn nhất trong khu vực công nghiệp và xây dựng của cả nước với quy mô ngày càng mở rộng. Năm 2022, quy mô tốc độ tăng trưởng (GRDP) công nghiệp của vùng đạt 1.150.364,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,7% GDP công nghiệp của cả nước, tăng gấp 2 lần so với năm 2011(2). Cơ cấu ngành, sản phẩm công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng; dịch chuyển dần từ các ngành thâm dụng lao động (dệt may, da giày) sang một số ngành sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, ngành sản phẩm có giá trị gia tăng cao, như công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, cơ khí chế tác.
Giai đoạn 2016 - 2020, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển khá, tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 8,4%/năm và đạt 9,8% trong năm 2022. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm trong tổng giá trị gia tăng của công nghiệp vùng được nâng lên, từ 54,4% năm 2011 lên 81,1% năm 2020 và khoảng 77,7% năm 2022. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GDRP vùng tăng từ 24% năm 2011 lên 27,6% năm 2015 và 30,3% năm 2020(3).
Hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ cao của vùng tập trung chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp ứng dụng công nghệ cao nằm ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Các sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao phần lớn hướng vào xuất khẩu với một số mặt hàng chiếm giá trị kim ngạch lớn, tập trung vào các thị trường tiềm năng, như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 93,7 tỷ USD, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của vùng. Đặc biệt, năm 2022, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh có giá trị sản xuất lũy kế đạt 120 tỷ USD, với kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao liên tục tăng (năm 2021 đạt 20,9 tỷ USD, chiếm 51,86% kim ngạch xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2022 đạt khoảng 23 tỷ USD(4)).
Tứ giác kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, góp phần gia tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm, giúp các doanh nghiệp có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số ngành công nghiệp chủ lực của vùng Đông Nam Bộ, như khai thác dầu khí, sản xuất điện, phân bón, hóa chất, dược phẩm, thiết bị thông tin, điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp, nguyên, vật liệu xây dựng… đã có nhiều đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn vùng; tạo việc làm, góp phần giải quyết tình trạng dư thừa lao động trên địa bàn và các vùng lân cận. Năm 2022, GRDP công nghiệp của các địa phương này chiếm đến 93,6% tổng GRDP khu vực công nghiệp của vùng. Nổi bật là Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngành công nghiệp của hai địa phương đóng góp vào tỷ trọng vùng Đông Nam Bộ lần lượt là 30,6% và 19,5%(5).
Số lượng doanh nghiệp công nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước tiếp tục phát triển cả về lượng và chất. Năm 2022, có khoảng 51 nghìn doanh nghiệp công nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng, chiếm 35% tổng số doanh nghiệp công nghiệp trong cả nước. Trong đó, có hơn 48 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 94,1% tổng số doanh nghiệp công nghiệp, còn lại là các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất, phân phối điện, khí đốt, cấp nước. Hệ thống cơ sở công nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp được mở rộng phát triển ở tất cả các địa phương, chủ yếu phân bố tập trung với mật độ ngày càng cao ở các khu vực tập trung dân cư đô thị và tốc độ mở rộng đô thị hóa nhanh, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Bình Dương (thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên), Tây Nam Đồng Nai (thành phố Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom), Tây Nam Bà Rịa - Vũng Tàu (thành phố Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ, thành phố Bà Rịa). Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp công nghiệp nhất với 30.591 doanh nghiệp (chiếm 60% số doanh nghiệp công nghiệp của vùng), tiếp theo là các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai với lần lượt là 9.470 doanh nghiệp và 6.773 doanh nghiệp. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất so với mức trung bình cả nước và cao hơn các vùng kinh tế - xã hội khác, thể hiện sức hút mạnh mẽ của vùng đối với lao động trên khắp cả nước.
Nhận diện tồn tại, hạn chế
Thứ nhất, hiện nay, cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển, một số sản phẩm, dịch vụ mới có hàm lượng công nghệ cao, chất lượng tốt đã khẳng định được vị thế trong ngành công nghiệp vùng. Tuy nhiên, giai đoạn 2011 - 2020, kinh tế vùng nói chung và ngành công nghiệp nói riêng tăng trưởng chậm lại, chưa hợp lý về phân bố không gian phát triển công nghiệp. Hạ tầng công nghiệp các tỉnh trong vùng chưa đồng bộ, phân bố không đều giữa các địa bàn, khu vực.
Thứ hai, giá trị gia tăng các sản phẩm công nghiệp của vùng chưa cao, sản xuất công nghiệp không có thêm nhiều sản phẩm mới với hàm lượng kỹ thuật cao để tiếp tục tạo động lực cho tăng trưởng của vùng. Sản phẩm chủ lực của vùng chủ yếu là may mặc, giày dép, thức ăn gia súc, bột giặt… với tỷ lệ gia công nhiều. Nhìn chung, các sản phẩm cao cấp, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, như: bản vi mạch điện tử, điện thoại di động, ô-tô, dược phẩm, phần mềm… vẫn chiếm tỷ lệ thấp so với vùng đồng bằng sông Hồng. Tiềm năng, lợi thế của từng địa phương của vùng chưa được khai thác triệt để. Hợp tác và liên kết nội, ngoại vùng chưa chặt chẽ từ khâu quy hoạch đến thu hút đầu tư và phân bổ nguồn lực, dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, gây mất cân đối cung - cầu, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
Thứ ba, tăng trưởng công nghiệp và kinh tế của vùng vẫn dựa chủ yếu vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Quá trình nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại mới chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mối liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp nội địa còn hạn chế.
Thứ tư, nguyên, phụ liệu đầu vào cho sản xuất một số ngành hàng xuất khẩu chủ yếu là nhập khẩu. Do đó khi giá cả, chính sách biến động sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu; hạ tầng phục vụ cho dịch vụ xuất khẩu còn yếu và thiếu đồng bộ, như: dịch vụ logistics, kho tàng, bến cảng…, làm tăng chi phí, giá thành xuất khẩu, giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Cơ cấu lại ngành công nghiệp theo chiều sâu để tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh
Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22-3-2018, của Bộ Chính trị, “Về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định “hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu” vào năm 2030, “trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại” vào năm 2045. Đặc biệt, Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 7-10-2022, của Bộ Chính trị”, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định một trong các quan điểm phát triển là: “Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao” và mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 45,3% GRDP của vùng, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 33%. Để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, thời gian tới, ngành công nghiệp vùng Đông Nam Bộ cần cơ cấu lại theo chiều sâu để tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong quá trình đó, các địa phương trong vùng cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh liên kết và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phân bổ nguồn lực của vùng (theo từng địa phương), xây dựng các chỉ tiêu công nghiệp cụ thể, tránh tình trạng xây dựng các chỉ tiêu công nghiệp rập khuôn tạo sức ép không cần thiết khi thực hiện. Chú trọng phát triển mạnh một số ngành công nghiệp trọng điểm, như: cơ khí chế tạo, hóa dầu, sản phẩm hạ nguồn của ngành công nghiệp hóa dầu, chế biến sản phẩm từ dầu, hóa chất. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao, như: điện tử - viễn thông, công nghiệp sản xuất rô-bốt, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghiệp sản xuất phần mềm, sản phẩm số, công nghiệp an toàn thông tin, công nghiệp hóa phẩm, dược phẩm, chế phẩm sinh học, sản xuất thuốc, vắc xin, công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp môi trường và các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Hai là, tăng cường kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất để hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp. Tập trung thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện đại và các khu công nghiệp công nghệ cao. Xây dựng mới một số khu công nghệ thông tin tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh và hình thành vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường; chuyển dịch nhanh những lĩnh vực công nghiệp, sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên, ít hàm lượng giá trị gia tăng sang sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Ba là, phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, các huyện Long Thành và Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), tỉnh Tây Ninh. Tập trung xây dựng trung tâm logistics hàng không gắn với cảng hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước.
Bốn là, chú trọng thu hút đầu tư quy mô lớn từ các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp xuyên quốc gia có năng lực công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi giá trị. Thu hút đầu tư để phát triển nhanh hơn một số ngành, sản phẩm công nghiệp có tính dẫn đường, như: phần mềm, điện tử công nghiệp và dân dụng, cơ khí chính xác… Đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các khu chế xuất và khu công nghiệp theo quy hoạch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp gắn với xây dựng đồng bộ các điểm dân cư mới, phù hợp với phát triển đô thị. Đồng thời nghiên cứu, hạn chế phát triển các ngành công nghiệp hàm lượng giá trị gia tăng thấp, thâm dụng lao động tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.
------------------
(1) Xem: Báo cáo số 1042-BC/BCSĐCP, ngày 19-8-2022, của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW, ngày 29-8-2005, của Bộ Chính trị khóa IX, về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 27-KL, ngày 2-8-2012, của Bộ Chính trị khóa XI, về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW”
(2) Xem: Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê năm 2022, Nxb. Thống kê, 2023, tr. 17 -18
(3) Xem: Bộ Kế hoạch Đầu tư: Dự thảo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội, tháng 11-2023
(4) Xem: Bộ Kế hoạch Đầu tư: Dự thảo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tlđd
(5) Xem: Báo cáo số 1042-BC/BCSĐCP, ngày 19-8-2022, của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Tlđd
Quảng Ninh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng  (24/11/2023)
Tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển công nghiệp, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại  (02/07/2023)
Đột phá từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp chế biến, chế tạo  (26/11/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển