Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Ninh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng

Nguyễn Tường Văn
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh
20:26, ngày 27-05-2022

Trước hết cần nói về lợi thế của tỉnh Quảng Ninh là tỉnh có tài nguyên khoáng sản lớn, đặc biệt là khoáng sản than, nền công nghiệp tỉnh Quảng Ninh có bề dầy hàng trăm năm gắn với ngành khai thác khoáng sản than, văn hóa người Quảng Ninh cũng được hình thành và gắn liền với hình ảnh người thợ mỏ.

Công nghiệp có vị trí quan trọng, là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế tỉnh Quảng Ninh, được phân nhóm thành 04 ngành kinh tế cấp 1 là: (1) Khai khoáng, (2) Công nghiệp chế biến, chế tạo, (3) Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí, (4) Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải. Trong 10 năm qua, ngành công nghiệp của Quảng Ninh đóng góp từ 43-45% trong tổng GRDP của tỉnh; trong đó: Công nghiệp khai khoáng (chủ yếu là khai thác than) chiếm 35% năm 2010 và đến năm 2020 chiếm 17,1%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện chiếm từ 4,7% năm 2010, đến năm 2020 chiếm 16,1%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 6,7% năm 2010, tăng lên 9,8% năm 2020 (ước đạt 11,8% vào năm 2021).

Nhìn vào cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh có thể nhận thấy ngay sự chiếm ưu thế của công nghiệp khai khoáng (chủ yếu là khai thác than) và công nghiệp sản xuất và phân phối điện. Trong những năm vừa qua, việc lệ thuộc vào hai ngành trên đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường.

Vì vậy, những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế để chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, xác định giảm dần những ngành lệ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản, có tác động lớn đến môi trường, thúc đẩy các ngành có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường. Song song với đó là đẩy mạnh việc thực hiện các đột phá về hạ tầng giao thông; cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, chuyển dịch tích cực cơ cấu lao động theo đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế...

Hai năm qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước và thế giới vẫn có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, một số ngành kinh tế của tỉnh Quảng Ninh chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề như du lịch, dịch vụ,... việc phát triển các ngành có nhiều tiềm năng, thế mạnh của tỉnh là hết sức cấp thiết để duy trì tốc độ tăng trưởng, tạo tiền đề phát triển kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Những bối cảnh trên đã tác động, thúc đẩy tỉnh Quảng Ninh phải chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh và đưa ngành này trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, dần khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Quy mô doanh nghiệp lĩnh vực chế biến, chế tạo tại tỉnh phát triển khá nhanh, bình quân tăng 11,2%/năm. Nếu như năm 2010, Quảng Ninh có 291 doanh nghiệp chế biến, chế tạo, thì đến hết năm 2020 đã tăng lên hơn 800 doanh nghiệp, chiếm hơn 80% số doanh nghiệp trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vào GRDP toàn tỉnh từ 6,7% (năm 2010) tăng lên 9,8% (năm 2020) và ước đạt 11,8% trong năm 2021. Tổng nguồn vốn đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2010 - 2020 đạt gần 69.000 tỷ đồng. Ngành đã tham gia giải quyết việc làm cho hơn 54.000 lao động mỗi năm.

Quảng Ninh đứng trước các cơ hội, thách thức

- Tình hình thế giới và khu vực những năm tới, hòa bình, hợp tác, phát triển sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo, nhưng cạnh tranh chiến lược, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và gay gắt hơn, nhất là giữa các nước lớn ngày càng gia tăng. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang lại cả thời cơ và thách thức với mọi quốc gia; đại dịch COVID-19 đang đẩy nhanh làn sóng dịch chuyển đầu tư giữa các khu vực và quốc gia, Việt Nam đang nổi lên như là điểm đến tiềm năng, là điểm đến cho sự dịch chuyển lại dòng vốn đầu tư. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, EVIPA cũng như việc tiếp tục hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới sẽ có những tác động mạnh tới phát triển kinh tế - xã hội. Dự báo xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo sang các nước EU và nhóm các nước CPTPP sẽ tăng mạnh.

- Trong nước, tình hình chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện theo chiều sâu, xu hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế ngày càng rõ nét. Tuy nhiên, mục tiêu xây dựng đất nước trở thành một nước công nghiệp hiện đại còn rất nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi tiếp tục đổi mới tư duy, sáng tạo để duy trì và phát triển.

Bên cạnh đó, những mâu thuẫn, thách thức tiếp tục đặt ra cho Quảng Ninh trong giai đoạn tiếp theo cần được nhận thức đầy đủ và tập trung giải quyết trong thời gian tới, đó là: (1) Mâu thuẫn giữa tiềm năng lớn chưa được giải phóng toàn diện với một số thể chế, cơ chế, chính sách đang kìm hãm sự phát triển, với nguồn lực có hạn cả về con người và vật chất. (2) Mâu thuẫn giữa phát triển công nghiệp, đặc biệt là khai thác than, đô thị hóa nhanh với phát triển dịch vụ, du lịch trên địa bàn. (3) Thách thức giữa phát triển nhanh, bền vững với gia tăng khoảng cách giàu nghèo và biến đổi khí hậu. (4) Thách thức đồng thời phải thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng: vừa phải phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; vừa phải chủ động góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ một cách thường xuyên, trực tiếp ở một địa bàn tiền tiêu của Tổ quốc, địa phương duy nhất có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường và sự thách thức của những hình thái phức tạp an ninh phi truyền thống.

Quyết tâm đưa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành một trong 3 trụ cột chính trong ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh

Ngay từ những bước khởi đầu của nhiệm kỳ mới, với tinh thần hành động, khẩn trương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Với các nội dung:

- Về quan điểm, định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo:

+ Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ đạo, động lực của khu vực công nghiệp.

+ Phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có trọng tâm, trọng điểm dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh và từng địa phương gắn với các chiến lược, quy hoạch.

+ Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo phải gắn với đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa; kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực và xây dựng thương hiệu của tỉnh, tạo sự liên kết giữa các thành phần kinh tế.

+ Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn liền với phát triển bền vững các khu công nghiệp, khu kinh tế thực sự trở thành những động lực tăng trưởng; chú trọng phát triển khu công nghiệp theo mô hình “3 trong 1” khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ, với kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.

+ Nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực dẫn dắt, gắn kết với phát triển mạnh doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước vững mạnh là nền tảng.

- Mục tiêu của phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo: Cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển nhanh và bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng đóng vai trò động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tạo ra bước đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo về thu hút tổng vốn đầu tư, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP và thu ngân sách địa phương; thu hút lao động chất lượng cao, lao động kỹ năng tay nghề cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số thông qua phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Với các mục tiêu cụ thể:

* Giai đoạn đến năm 2025

          + Tỷ trọng của khu vực công nghiệp - xây dựng trong GRDP đạt 49 - 50%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng trên 15% trong GRDP.

          + Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng bình quân 10%/năm, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng bình quân 17%/năm.

          + Thu hút tổng vốn đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 50.000 tỷ đồng (bình quân trên 10.000 tỷ đồng/năm).

          + Tạo ra trên 30.000 việc làm mới trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

* Định hướng đến năm 2030

          +Tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng trong GRDP đạt 49-50%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng 20% trong GRDP.

          + Tốc độ tăng giá trị gia tăng ngành công nghiệp bình quân 15%/năm, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng bình quân 20%/năm.

          + Thu hút tổng vốn đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 100.000 tỷ đồng (bình quân trên 20.000 tỷ đồng/năm).

          + Tạo ra trên 50.000 việc làm mới trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

- Để thực hiện các quan điểm định hướng và các mục tiêu đã nêu, cần thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp:

Thứ nhất, phát triển nhanh và bền vững các khu kinh tế, khu công nghiệp tạo động lực thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.

Thứ hai, huy động mọi nguồn lực tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể đáp ứng yêu cầu phát triên ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhanh và bên vững.

Thứ ba, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số.

Thứ tư, đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến, hỗ trợ và thu hút đầu tư.

Thứ năm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.

Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ; chú trọng liên kết vùng và hợp tác quốc tế phát triển công nghiêp chế biến, chế tạo.

Thứ bảy, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đối với phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Một số kết quả nổi bật đáng ghi nhận

Đến nay, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả rất khả quan, có tốc độ tăng trưởng tốt, là một trong những trụ cột chính trong nền kinh tế, bù đắp sự sụt giảm đóng góp của ngành du lịch, cụ thể:

(1) Năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh, ước đạt 33,7%, tăng mạnh so với năm 2020 (tốc độ tăng trưởng là 10,05%), là ngành dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong toàn nền kinh tế, ngày càng khẳng định là một trong những ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong cơ cấu GRDP của tỉnh.

(2) Quy mô ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP (theo giá hiện hành) năm 2021 ước đạt 28.905 tỷ đồng, tăng 7.455 tỷ đồng so với năm 2020.

(3) Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 11,8% trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh.

(4) Chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo (IIP) tăng mạnh, đạt 34,35% (gấp 3,72 lần năm 2020 là 9,23%).

(5) Từ tháng 12-2020 đến tháng 11-2021, trên địa bàn tỉnh đã thu hút 13 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (đều nằm trong các khu kinh tế, khu công nghiệp) gồm 10 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký là 1.012,06 triệu USD và 3 dự án vốn đầu tư trong nước với vốn đầu tư đăng ký là 4.468 tỷ đồng); điều chỉnh tăng vốn cho 05 lượt dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (100% là các dự án vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt 113,785 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đầu tư thu hút vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh từ thời điểm Nghị quyết 01-NQ/TU được ban hành đến nay đạt 30.537 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn FDI là 1.125,844 triệu USD). Trong đó, riêng trong năm 2021 là 28.707 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn FDI đạt 1.047 triệu USD), gấp 2,87 lần so với mục tiêu đặt ra (bình quân 10.000 tỷ đồng/năm) và tăng 8.902 tỷ đồng so với năm 2020 (đạt 19.805 tỷ đồng).

 (6) Số lao động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2021 ước đạt trên 60.500 người tăng thêm khoảng 6.300 người so với năm 2020 (54.213 người), số lao động tăng chủ yếu là do các dự án mới đi vào vận hành tại khu công nghiệp Đông Mai. Trong đó, lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn toàn tỉnh là hơn 35.000 người, chiếm gần 58% tổng số lao động toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

 (7) Năm 2021, giá trị xuất khẩu hàng hóa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt xấp xỉ 2.100 triệu USD (tăng trên 250 triệu USD so với năm 2020), chiếm 80% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh. Một số sản phẩm xuất khẩu chủ yếu như: Quần áo các loại ước đạt ước đạt trên 120 triệu USD; Xơ, sợi bông ước đạt trên 600 triệu USD; Dăm gỗ ước đạt 200 triệu USD; Đất hiếm ước đạt 160 triệu USD...

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các thành phần kinh tế trong xã hội, Nghị quyết 01-NQ/TU ra đời là sự đột phá, mở ra hướng phát triển hoàn toàn mới, tạo bứt phá, lợi thế cạnh tranh hơn nữa cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh. Cùng với những lợi thế sẵn có là hệ thống các cảng biển, dịch vụ logistics, các khu công nghiệp, đường cao tốc, nhất là hệ thống các cặp cửa khẩu song phương với Trung Quốc... chắc chắn sẽ tạo ra lực đẩy mạnh mẽ để công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh phát triển nhanh, mạnh, bền vững, thật sự là động lực và có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng bền vững của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và trong các giai đoạn tiếp theo.

Với tinh thần và quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong công tác đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng, tỉnh Quảng Ninh tin tưởng sẽ hoàn thành các mục tiêu đã đề ra./.