Chiến lược Quốc phòng mới của Mỹ: Ưu tiên giành những lợi thế
TCCSĐT - Chiến lược Quốc phòng mới của Mỹ và cũng là chiến lược quốc phòng đầu tiên kể từ khi ông Donald Trump lên nhậm chức Tổng thống Mỹ được giới phân tích đánh giá là mang nhiều ưu điểm nhưng cũng chứa không ít thách thức.
Chuyển hướng trọng tâm
Chiến lược Quốc phòng 2018 của Mỹ khẳng định quân đội Mỹ cần giành được những lợi thế chiến lược trước Nga và Trung Quốc, đồng thời ưu tiên việc sẵn sàng cho chiến tranh.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ J. Mattis, Mỹ đang mất lợi thế quân sự cạnh tranh với Trung Quốc và Nga, một thách thức trọng tâm với lực lượng vũ trang Mỹ. Sự cạnh tranh này, chứ không phải là cuộc chiến chống khủng bố, hiện là trọng tâm chính của an ninh quốc gia Mỹ. Mục tiêu của Mỹ là xây dựng lực lượng có tính sát thương hơn trong lúc mở rộng lợi thế cạnh tranh của Mỹ và ưu tiên hóa tính sẵn sàng cho chiến tranh. Bên cạnh việc tăng cường các cơ cấu liên minh và đối tác với Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng J. Mattis cam kết sẽ hiện đại hóa quân đội Mỹ để ngăn chặn xung đột theo đúng lời kêu gọi của Tổng thống D. Trump là “duy trì hòa bình thông qua sức mạnh”. Bộ trưởng Quốc phòng J. Mattis cảnh báo, lợi thế của quân đội Mỹ đang không ngừng giảm đi trong mọi lĩnh vực nên cần có thêm những phương tiện để hiện đại hóa. Chiến lược Quốc phòng mới này được đưa ra sau khi Tổng thống D. Trump công bố Chiến lược An ninh quốc gia hồi tháng 12-2017, trong đó xác định Nga và Trung Quốc “là các đối thủ chính trị có ý đồ thách thức sức mạnh, an ninh và thịnh vượng của Mỹ”.
Liên quan đến vấn đề CHDCND Triều Tiên, Chiến lược Quốc phòng mới coi Bình Nhưỡng là mối đe dọa đến ổn định toàn cầu bằng các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này. Bên cạnh đó, chủ nghĩa khủng bố, vốn được xem là ưu tiên quân sự hàng đầu dưới thời chính quyền trước đây ở Mỹ, hiện vẫn là một mối quan tâm của Washington. Cũng theo Chiến lược Quốc phòng này, các nỗ lực hiện đại hóa sẽ tập trung vào các lực lượng hạt nhân, phòng thủ phi đạn, không gian và không gian mạng. Bộ trưởng J. Mattis cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tập trung làm việc với các đồng minh trong lúc xây dựng các quan hệ đối tác trên toàn cầu.
Tuy nhiên, Chuyên gia về ngân sách quốc phòng T. Harrison tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cảnh báo, “một chiến lược được vạch ra mà không quan tâm tới nguồn lực hạn chế là một chiến lược có nguy cơ không thể thực hiện” trên thực tế. Trong khi đó, khi được hỏi ngân sách thực tế được tính đến trong chiến lược này là bao nhiêu, ông E. Colby, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về phát triển chiến lược và lực lượng, nói rằng văn bản này “sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu cần thiết” nhưng chủ yếu tập trung vào phát triển chiến lược trước tiên.
Ưu và nhược điểm
Các chuyên gia cho rằng, đây là chiến lược quốc phòng thực sự đầu tiên của Mỹ trong vòng một thập niên trở lại đây. Chiến lược này làm rõ quan điểm của chính quyền Mỹ đối với các thách thức mà Washington đang phải đối mặt cũng như đề xuất để giải quyết các lo ngại này. Chiến lược nhiều khả năng sẽ có những tác động đáng kể, góp phần chi phối chính sách và các quyết sách của Lầu Năm Góc trong nhiều năm tới.
Chiến lược Quốc phòng mới có nhiều ưu điểm, cụ thể là: Chiến lược này miêu tả các đối thủ của Mỹ cũng như hiện trạng quân đội Mỹ “một cách thẳng thắn và cụ thể hơn” những tài liệu tương tự, chẳng hạn như Báo cáo Quốc phòng được đưa ra bốn năm một lần. Cùng với sự thẳng thắn này là một cách nhìn hoàn toàn mới đối với chiến lược quốc phòng. Chiến lược nói về việc “mở rộng không gian cạnh tranh”, một ý tưởng mới bao gồm cả khái niệm về việc đặt ra thách thức và đẩy các đối thủ tiềm tàng vào thế khó trong nhiều lĩnh vực. Một điểm mới dễ nhận thấy trong văn bản này là cách hành văn chặt chẽ và thống nhất. Khác với các chiến lược quốc phòng khác, vốn thường khiến người đọc cảm tưởng như có cả một ủy ban đứng đằng sau soạn thảo, văn bản này có một sự mạch lạc và dễ hiểu từ đầu tới cuối, một dấu hiệu cho thấy rất có thể là nó đã được chấp bút bởi chỉ duy nhất một người, hoặc ít nhất cũng không phải là bởi hàng chục tác giả với những quan điểm trái chiều. Ngoài ra, Chiến lược Quốc phòng mới được xây dựng trên nền tảng chủ đề mà Chiến lược An ninh quốc gia đã đề cập tới, cụ thể là sự cần thiết của việc “tái thiết năng lực sẵn sàng cho quân đội” Mỹ.
Tuy nhiên, giới quan sát cũng nhận định, Chiến lược Quốc phòng mới vẫn còn một số điểm “hạn chế”. Thứ nhất và cũng nghiêm trọng nhất là mục tiêu chiến lược của Mỹ đã bị hạ thấp. Văn bản này chỉ kêu gọi Mỹ duy trì khả năng “chống lại các hành vi hung hăng của một cường quốc và ngăn chặn nguy cơ ở khắp mọi nơi”. Tuy nhiên, răn đe là một mục tiêu rất mơ hồ và khó có thể lên kế hoạch cụ thể. Việc thực hiện các biện pháp răn đe cần tới quyết tâm và năng lực, và để có thể thực sự “cảnh cáo” đối phương, Mỹ phải thể hiện được sức mạnh và khả năng giành chiến thắng của mình trong trường hợp nổ ra chiến tranh. Chưa rõ năng lực này có thể khả thi hay không nếu tiêu chuẩn bị hạ xuống quá thấp. Để bảo vệ các lợi ích then chốt của Mỹ trước một mức độ rủi ro có thể chấp nhận được, Mỹ cần phải có khả năng chiến đấu và giành chiến thắng trên hai mặt trận, cụ thể là vừa chiến đấu, vừa ngăn chặn. “Chiến lược chiến tranh song song” đã là một tiêu chuẩn vàng đối với các mục tiêu chiến lược của Mỹ từ Chiến tranh Thế giới thứ hai bởi nó giúp bảo đảm một cách hiệu quả các lợi ích quan trọng của Mỹ, trong khi vẫn cho phép cường quốc này có đủ năng lực để răn đe những đối thủ đang tìm cơ hội và chống đỡ các thiệt hại trong chiến tranh. Tiêu chuẩn này cũng giúp quân đội Mỹ có được các kinh nghiệm chiến đấu, và bảo đảm các hoạt động bền vững trong dài hạn.
Một điểm yếu khác của Chiến lược Quốc phòng là việc văn bản không chú trọng tới kế hoạch tăng quy mô quân đội. Chiến lược An ninh quốc gia mà Tổng thống D. Trump đưa ra nhiều lần đề cập tới mục tiêu tăng quân số, đồng thời nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc “tăng quân để bảo đảm đủ năng lực triển khai ở quy mô lớn và trong thời gian kéo dài nhằm dành chiến thắng trong nhiều trường hợp”. Trong khi đó, Chiến lược Quốc phòng mới có đề cập tới “quy mô lực lượng là việc cần lưu tâm”, song không nhấn mạnh tới việc cần phải tăng quân số tới mức cần thiết để bảo vệ các lợi ích của đất nước. Những “thiếu sót” kể trên có thể là kết quả của khoản ngân sách quốc phòng đang bị siết chặt, dù chiến lược không nói rõ tới những khó khăn về tài chính.
Những thách thức
Kể từ năm 2014, Bộ Quốc phòng Mỹ đã bắt đầu nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tập trung vào vấn đề năng lực. Nói cách khác, xuất phát từ các thách thức mang tên Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran và các quốc gia khác, Mỹ coi trọng hiện đại hóa năng lực chiến đấu trong tình huống chiến tranh hơn là đầu tư nhằm nâng cao số lượng vũ khí và con người. Chiến lược Quốc phòng mới cho rằng, lợi thế cạnh tranh của quân đội Mỹ đang bị xói mòn và cách tiếp cận chiến lược mà tài liệu đưa ra chủ yếu là một lộ trình nhằm ngăn chặn sự xói mòn đó.
Thách thức thực sự đối với chiến lược này là liệu Lầu Năm Góc có thể nhận được các nguồn ngân sách cần thiết để có thể thực hiện được những “thay đổi khẩn cấp trên phạm vi lớn”. Chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa đưa ra đề xuất ngân sách 2019, tuy nhiên khoản chi cho ngân sách Bộ Quốc phòng chắc chắn không nhỏ, do đó sẽ cần phải đàm phán với Quốc hội Mỹ để dỡ bỏ rào cản ngân sách theo quy định của Luật kiểm soát ngân sách. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng, đặc biệt là trong điều kiện chính trị như hiện nay.
Giống như chiến lược quốc phòng trước, Chiến lược mới cho rằng, cải tổ Bộ Quốc phòng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng R. Gates khi còn đương nhiệm mong muốn có thể sử dụng hiệu quả “dòng vốn” đổ vào Lầu Năm Góc. Việc tìm kiếm phương cách nhằm bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả thông qua các hoạt động cải tổ lâu nay vẫn luôn là bài toán chưa có lời giải đối với nhiều đời Bộ trưởng quốc phòng Mỹ. Vấn đề mấu chốt của Bộ trưởng Quốc phòng J. Mattis và các trợ lý đó là họ sẽ làm thế nào để giành được thành công tại chính nơi mà rất nhiều người tiền nhiệm đã thất bại. Trong vấn đề này, Quốc hội Mỹ luôn đóng vai trò hết sức quan trọng. Từ trước đến nay, trong quá trình phối hợp với Quốc hội, Lầu Năm Góc mới chỉ xử lý được một số công việc như đóng cửa các căn cứ ít quan trọng, cung cấp các chương trình tiện ích hiện đại cho các quân nhân, mua các loại vũ khí cần thiết.
Một số chuyên gia chiến lược quốc phòng đã từng được nghiên cứu văn bản chiến lược quốc phòng mới một cách đầy đủ cho biết, chiến lược mới đã xác định được các vấn đề trọng tâm, đặt ra được các ưu tiên, do đó thuyết phục hơn so với bản tóm tắt đã được công bố công khai. Tuy nhiên, để giành được thành công, Bộ trưởng Quốc phòng J. Mattis cần có bước đột phá trong đàm phán với Quốc hội về vấn đề ngân sách, đồng thời phải nắm được quyền thực chất trong việc quản lý cơ quan này./.
Lào đánh giá cao sự hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh Lào  (27/01/2018)
Mối lo dịch sởi đang bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới  (27/01/2018)
Thống nhất kế hoạch Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2018  (27/01/2018)
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Campuchia  (27/01/2018)
Chương trình “Xuân biên giới năm 2018” mang Tết đến với đồng bào các dân tộc Cao Bằng  (27/01/2018)
Vai trò điều phối tích cực của Việt Nam đối với quan hệ ASEAN - Ấn Độ  (27/01/2018)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên