TCCSĐT - Ngày 30-6-2009, các đơn vị chiến đấu của Mỹ rút khỏi các thành phố I-rắc và trao lại quyền kiểm soát các căn cứ quân sự mà họ vừa rời khỏi cho các đơn vị quân đội và an ninh nước sở tại. Sự kiện này đã được hết thảy các đảng phái, giáo phái, các thế lực theo các xu hướng chính trị và tôn giáo, xã hội khác nhau ở I-rắc hân hoan đón nhận, không khí tưng bừng bao trùm khắp đất nước I-rắc. Ngày 30-6-2009 được người dân I-rắc coi là “Ngày chủ quyền quốc gia”.

Mỹ thu được gì sau 6 năm truy tìm “vũ khí hủy diệt hàng loạt" và "tiêu diệt khủng bố” ở I-rắc?

Ngày 20-3-2003, lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu đã ồ ạt tiến công I-rắc với cớ "truy tìm vũ khí hủy diệt hàng loạt" và "tiêu diệt khủng bố". Khi đó, các tướng lĩnh Mỹ tuyên bố với binh sỹ rằng, họ sẽ được người dân tại đây chào đón bằng hoa hồng, nhưng trái lại, trên thực tế, lính Mỹ và liên quân được đón tiếp bằng hoả lực súng chống tăng và các trận đánh du kích từ các khu phố và hầm cố thủ.

Sau 6 năm Mỹ tiến hành cuộc chiến ở quốc gia này, những tổn thất mà người dân I-rắc phải gánh chịu thật nặng nề: trong số 28 triệu dân I-rắc có tới 5 triệu trẻ mồ côi; 1 triệu phụ nữ rơi vào cảnh góa bụa; 70% dân chúng I-rắc thất nghiệp; 3,3 triệu nhân viên nhà nước nghỉ hưu cần được trả lương; 2 triệu người I-rắc không có nhà ở; 4 triệu người I-rắc phải chạy tị nạn sang các nước láng giềng; gần 1 triệu người I-rắc bị thiệt mạng trong 6 năm Mỹ chiếm đóng.

Dầu mỏ - nguồn vàng đen của đất nước, đã không thể vực dậy nền kinh tế. Bạo lực và mâu thuẫn chính trị đã kìm hãm những cơ sở lọc dầu cùng các hạ tầng khác của nền kinh tế. Mặc dù Chính phủ I-rắc đã mời các nhà đầu tư nước ngoài vào khai thác, nhưng những căng thẳng, xung đột, bạo lực triền miên đã làm các nhà đầu tư nản lòng, chùn bước.

Đối với Mỹ, cuộc chiến tranh I-rắc là chiến dịch quân sự tốn kém nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ II và là cuộc xung đột ở nước ngoài lâu dài thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, sau chiến tranh Việt Nam.

Hơn sáu năm qua, Mỹ đã tiêu tốn khoảng 700 tỉ USD, trong khi ban đầu, cựu Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ chỉ dự tính hơn 70 tỉ USD cho cuộc chiến. Thực tế trên chiến trường đã buộc Mỹ hằng năm phải bổ sung kinh phí 40 - 50 tỉ USD cho cuộc chiến này. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế thế giới, nếu tính cả các khoản chi bí mật cho việc thay vũ khí và bồi thường cho các binh lính Mỹ, tổng chi phí cho cuộc chiến tranh I-rắc sẽ vào khoảng 2-3 nghìn tỉ USD và những tác động đối với nền kinh tế sẽ kéo dài hơn nhiều so với thời gian xảy ra chiến tranh. Trong 6 năm qua, hơn 4.200 binh lính Mỹ đã bị thiệt mạng và sẽ có thêm nhiều thương vong hơn vì cuộc chiến tranh này chưa kết thúc, ít nhất là trong 18 tháng tới (1).

Những hậu quả nặng nề sau 6 năm mà quốc gia này phải gánh chịu đã lý giải vì sao khi “chia tay” với quân đội Mỹ, người dân của đất nước này lại vui như hội.

Không thể dùng sức mạnh quân sự để áp đặt nền dân chủ

Chủ trương phá bỏ tận gốc chế độ cầm quyền khi đó ở Bat-đa, xây dựng chế độ mới, áp đặt cái gọi là tự do, dân chủ và các giá trị Mỹ lên quốc gia này, Mỹ tin rằng, chỉ cần lật đổ chế độ của Tổng thống Xat-đam Hút-xen, thì dân chủ “sẽ tự đơm hoa kết trái”. Nhưng sự việc diễn ra không như họ mong đợi.

Đa số cộng đồng quốc tế không ủng hộ cuộc chiến của Mỹ ở I-rắc, coi đó là hành động xâm lược một quốc gia có chủ quyền. Trong số những nước không ủng hộ có cả những nước mà quân đội của họ đã từng tích cực chiến đấu chống lại chính quyền Hút-xen 12 năm về trước. Điều đó giải thích vì sao ở I-rắc không ai đón chào người Mỹ, thậm chí ngay cả những người vui mừng trước việc ông Xat-đam Hút-xen bị lật đổ.

Oa-sinh-tơn giờ đây công khai thú nhận rằng, họ không có bất kỳ kế hoạch hành động nào sau khi lật đổ Xat-đam Hút-xen. Để tái thiết I-rắc, Mỹ đã không có những nội dung giống như "Kế hoạch Marshall". Mỹ cũng tỏ ra không thấy hết tính chất phức tạp của các mâu thuẫn giữa các sắc tộc, tôn giáo và các phe phái ở I-rắc, cũng như không hiểu bản sắc, tính chất văn hoá của người A-rập.

Người I-rắc tuy thua cuộc trên chiến trường nhưng sau đó đã tiến hành một cuộc chiến tranh du kích - khủng bố rộng khắp nhất không chỉ chống lại các lực lượng chiếm đóng mà còn tiến hành cuộc chiến tranh "huynh đệ tương tàn". Chính cựu Tổng thống R.W.Bu-sơ cũng phải công nhận những sai lầm đã mắc phải trong chiến dịch quân sự ở I-rắc và hoàn toàn nhận trách nhiệm về phía mình (2,3).

Liệu I-rắc có tự đứng vững?

Sau niềm vui bắt đầu thoát khỏi thời kỳ chiếm đóng của quân đội nước ngoài, I-rắc phải đối mặt với những vấn đề không dễ giải quyết êm thấm trong một sớm, một chiều để bảo đảm ổn định xã hội và phát triển.

Thứ nhất, những nguy cơ tiềm ẩn gây xung đột sắc tộc, tôn giáo trong cuộc chạy đua giành quyền lực ở Bat-đa trong thời gian tới. Tháng 1-2010, ở I-rắc sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội, sự kiện Mỹ rút quân được coi là “thắng lợi lớn trong sự nghiệp giải phóng I-rắc khỏi sự chiếm đóng của quân xâm lược nước ngoài” sẽ mang lại lá phiếu nặng ký cho Thủ tướng Chính phủ I-rắc Ma-la-ki và là Tổng bí thư Đảng “Al Đa-va” của người Xi-ai.

Đối thủ của Thủ tướng Ma-la-ki và chính phủ của ông, trong đó có những thế lực tôn giáo cực đoan theo dòng Xi-ai, gần đây cũng bước vào cuộc tranh giành quyền lực ở Bat-đa. Quân Mỹ rút đi, người Xi-ai như được giải thoát và được tự do hơn trong cuộc chạy đua sắp tới.

Các tổ chức khủng bố, trước hết là mạng lưới “Al-Qaeda” và các thế lực cực đoan khác đã từng tuyên bố, ngay cả khi Mỹ điều đến I-rắc hàng triệu quân cũng không thể chiến thắng được “Al-Qaeda”.

Thứ hai, Mỹ rút quân, nhưng vẫn tiếp tục hiện diện ở I-rắc dưới dạng cố vấn quân sự. Trong thời gian qua, Mỹ đã huấn luyện và trang bị cho quân đội, cảnh sát và các cơ quan mật vụ của I-rắc, và tới đây, Mỹ và Anh sẽ tiếp tục giúp đỡ cho I-rắc dưới dạng cố vấn quân sự...

Hiện tại, chỉ có các đơn vị chiến đấu trong số hơn 130.000 quân Mỹ rút khỏi các thành phố. Còn các cố vấn quân sự Mỹ và nhiều đơn vị chiến đấu vẫn được duy trì trong các vùng ngoại vi các thành phố.

Tướng Đa-vít Pê-trê-út, Tư lệnh các lực lượng của Mỹ ở Trung Đông, tuyên bố, tại 3 thành phố lớn nhất I-rắc là Bat-đa, Mô-xun và Ba-xra sẽ thành lập các trung tâm phối hợp hoạt động giữa Mỹ với các cơ quan an ninh của I-rắc. Các đơn vị chiến đấu của Mỹ sẽ bố trí ở một số căn cứ quân sự bên ngoài thành phố. Họ có thể trực tiếp tham gia chiến đấu theo đề nghị chính thức của Chính phủ I-rắc.

Ông Cri-xtốp-phơ Hin, Đại sứ Mỹ ở I-rắc, bày tỏ quan điểm chính thức của Oa-sinh-tơn về khả năng chiến đấu của các lực lượng an ninh I-rắc như sau: “Chúng tôi cho rằng, I-rắc đã sẵn sàng cho khả năng tự vệ và phía I-rắc cũng cho là như vậy”. Còn tướng Giooc-giơ Cây-xi, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ có quan điểm hơi khác: quân Mỹ sẽ có thể ở lại I-rắc tới 10 năm nữa và các kế hoạch tương tự đang được soạn thảo.

Giả thuyết này về cơ bản không mâu thuẫn với kế hoạch của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma được công bố vào tháng 2-2009, theo đó, quân Mỹ sẽ phải rút khỏi I-rắc vào cuối năm 2011. Đến tháng 9-2010, số quân Mỹ ở I-rắc sẽ giảm xuống còn 50.000 người. Đến thời điểm đó, quân Mỹ sẽ chấm dứt các chiến dịch quân sự quy mô lớn trên lãnh thổ I-rắc. Dư luận gọi các biện pháp đó là “Kế hoạch I-rắc của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma”.

Tuy nhiên, trong Hiệp định về quy chế quân Mỹ ở I-rắc đã được Tổng thống G.W.Bu-sơ và chính phủ I-rắc ký kết vào tháng 11-2008 có một điều khoản quy định quân Mỹ rút khỏi I-rắc ngày 30-6-2009. Chính phủ của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma không thể đơn phương thay đổi nội dung của Hiệp định. Còn phía I-rắc cũng rất chăm chú theo dõi quá trình thực hiện Hiệp định và đã từng kịch liệt phê phán Bộ chỉ huy quân sự Mỹ vi phạm các thoả thuận ghi trong Hiệp định. Ngoài việc rút quân Mỹ, Hiệp định còn ghi rõ quân Mỹ không được phép tiến hành các chiến dịch quân sự trên lãnh thổ I-rắc.

Thứ ba, nhưng quan điểm khác nhau về khả năng tự đứng vững của các đơn vị an ninh của I-rắc vừa được thành lập. Nếu Thủ tướng Ma-la-ki và Oa-sinh-tơn cho rằng, quân đội và cảnh sát I-rắc đã trưởng thành và đủ sức tự bảo đảm an ninh thì đại diện của những người theo dòng Xun-ni thiểu số, như Phó Tổng thống Ta-ric An Ha-si-mi, tuyên bố, mức độ an toàn của dân chúng giảm đến mức đáng lo ngại và kêu gọi mọi người hãy cảnh giác cao độ.

Nhiều tướng lĩnh cũng có ý kiến tương tự. Thí dụ, tướng Ma-hơ-mút Mu-xây, cho rằng việc quân Mỹ rút khỏi các khu vực dân cư đông đúc sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các cuộc xung đột đẫm máu giữa người Xi-ai và người Xun-ni. Theo nhận xét của một trong những cố vấn của cựu Tổng thống Ca-xim Đao-đơ, ở I-rắc hiện nay không có các lực lượng an ninh đủ mạnh.

Nhiều chuyên gia bình luận chính trị thế giới cho rằng, việc Mỹ rút quân khỏi các thành phố của I-rắc là “phép thử”, là “kỳ sát hạch” nghiệt ngã nhất đối với Mỹ - tác giả của một hệ thống chính trị mà Oa-sinh-tơn đã tổn hao không ít tiền của và xương máu của binh lính Mỹ và cả của hàng ngàn sinh mạng người dân lương thiện của I-rắc để dựng lên. Trong kỳ sát hạch này, người Mỹ không có cơ hội để “thi lại”. Nếu ở I-rắc bùng nổ nội chiến và quân Mỹ phải quay trở lại I-rắc thì nó sẽ hoàn toàn khác với chiến dịch quân sự mà Oa-sinh-tơn tiến hành vào ngày 20-3-2003. Đó cũng có thể sẽ là một thảm kịch ngay từ đầu đối với nước Mỹ.

Hoà giải dân tộc - giải pháp duy nhất để ổn định tình hình ở I-rắc

Tính chất đặc biệt phức tạp và rất khó hoá giải ở I-rắc hiện nay là do sự đan xen của các yếu tố như sự đối đầu giữa hai giáo phái dòng Xi-ai ít và Xun-ni; khát vọng giành quyền tự trị của người Cuốc; ảnh hưởng của nước láng giềng; các thế lực Hồi giáo cực đoan; chủ nghĩa khủng bố; nguồn lợi từ tài nguyên dầu mỏ được phân chia không đều v.v.. Ngay cả trong hàng ngũ những người cùng một giáo phái như người Xi-ai cũng bị phân chia thành phái ôn hoà và cực đoan, đã từng giao tranh đẫm máu trong nhiều năm.

Tất cả những yếu tố này phụ thuộc hầu như rất không đáng kể vào trình độ chuyên nghiệp cao của quân đội và cảnh sát. Do đó, vấn đề sức mạnh hay khả năng chiến đấu của các đơn vị quân đội và cảnh sát I-rắc có lẽ không phải là yếu tố quyết định. Trong tình hình hiện nay, khó có một lực lượng quân sự và an ninh nào có thể ngăn chặn được cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” ở I-rắc nếu không xây dựng được ở đây một thể chế chính trị đủ mạnh, có khả năng làm trọng tài để các bên đối địch nhau có thể đối thoại, hợp lực giải quyết nhiều vấn đề nổi cộm, tích tụ bấy lâu nay ở I-rắc. Do đó, lời giải cho bài toán vô cùng phức tạp này, nếu quả thực có thể tìm ra được, sẽ nằm ở các giải pháp chính trị và đối thoại, chứ không phải bạo lực./.


1. A-lếch-xây Đê-mi-a-nốp. Chiến tranh vẫn còn tiếp diễn ở I-rắc. http://lenta.ru/articles/2009/03/02/iraq/

2. Chiến lược mới của G.W.Bu-sơ ở I-rắc. http://www.lenta.ru/news/2007/01/11/speech/

3. Báo "Bình luận quân sự độc lập" số 32, năm 2006.