Từ khi Đảng ta thành lập cho đến khi giành được chính quyền, các tạp chí Đảng đều phải xuất bản bí mật, phần lớn là ở trong nước, nhưng cũng có lúc ở ngoài nước ; với tính chất nội san và nhằm đối tượng chính là cán bộ, đảng viên. Số người làm tạp chí cũng rất ít, và phải chịu đựng nhiều khó khăn, nguy hiểm. Trong hoàn cảnh đó, các quan hệ đối ngoại của tạp chí hầu như không được đặt ra, hoạ chăng chỉ là việc dịch và đăng lại một số bài của các tạp chí của Quốc tế cộng sản, và của các Đảng Cộng sản Liên Xô, Trung Quốc, v.v.. Trong những năm 1946-1954, do hoàn cảnh kháng chiến chống thực dân Pháp, cơ quan tạp chí phải đóng ở vùng chiến khu, điều kiện đi lại khó khăn, số người công tác ở tạp chí cũng ít, tạp chí lại có lúc phải tạm ngừng xuất bản, cho nên cũng chưa có mối liên hệ chính thức với các tạp chí Đảng các nước anh em.

Mãi đến năm 1958, sau khi tạp chí Học tập ra đời được hơn hai năm, tạp chí mới bắt đầu thiết lập quan hệ với các tạp chí lý luận và chính trị của các đảng anh em, trước hết với tạp chí Người cộng sản của Đảng Cộng sản Liên Xô, tạp chí Hồng kỳ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tạp chí Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội, cơ quan lý luận và thông tin của các Đảng cộng sản và công nhân. Tiếp đó, tạp chí lần lượt có quan hệ hợp tác với các tạp chí Đảng các nước anh em khác trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong những năm 1965-1975, trong hoàn cảnh ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, các đoàn đại biểu các tạp chí đảng anh em không thể thường kỳ sang thăm và làm việc với tạp chí Đảng ta. Chỉ sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi hoàn toàn, quan hệ đối ngoại của Tạp chí Cộng sản mới thật sự được mở rộng.

Cho đến trước khi có biến động ở Đông Âu và sự sụp đổ của Liên Xô, Tạp chí Cộng sản có quan hệ hợp tác với các tạp chí sau đây :

- Tạp chí Người cộng sản (Đảng cộng sản Liên Xô).

- Tạp chí Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội (cơ quan lý luận và thông tin của các Đảng cộng sản và công nhân đóng trụ sở tại Praha - Tiệp Khắc).

- Tạp chí Tư tưởng mới (Đảng Cộng sản Tiệp Khắc).

- Tạp chí Thống nhất và tạp chí Con đường mới (Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức - Cộng hòa dân chủ Đức).

- Tạp chí Thời mới (Đảng Cộng sản Bungari).

- Tạp chí Con đường mới (Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan).

- Tạp chí Bình luận xã hội (Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa Hunggari).

- Tạp chí Kỷ nguyên xã hội chủ nghĩa và tạp chí Công tác Đảng (Đảng Cộng sản Rumani).

- Tạp chí Sinh hoạt Đảng (Đảng nhân dân cách mạng Mông Cổ).

- Tạp chí Bình minh (Đảng Nhân dân cách mạng Lào).

Đối với tạp chí Hồng kỳ, cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì từ năm 1978 về trước, tạp chí Đảng ta có quan hệ mật thiết. Năm 1965, tạp chí Học tập đã cử đoàn đại biểu do đồng chí Tổng biên tập Vũ Tuân dẫn đầu đi thăm Trung Quốc theo lời mời của tạp chí Hồng kỳ. Năm 1966, tạp chí Học tập đón đoàn đại biểu tạp chí Hồng kỳ do đồng chí Phó tổng biên tập Phạm Nhược Ngu dẫn đầu sang thăm Việt Nam. Từ 1979 đến 1991, quan hệ giữa hai tạp chí bị gián đoạn. Từ năm 1992, quan hệ giữa Tạp chí Cộng sản và tạp chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc - nay đổi tên là Tạp chí Cầu thị, lại được nối lại và ngày càng mật thiết. Mỗi năm lần lượt Tạp chí Cầu thị Tạp chí Cộng sản cử đoàn cán bộ sang thăm và làm việc lẫn nhau. Từ năm 2003, được sự đồng ý của Ban Bí thư hai Đảng, việc thăm và làm việc giữa Tạp chí Cộng sản và Tạp chí Cầu thị được diễn ra ngay trong cùng 1 năm để tăng thêm sự hợp tác trao đổi lẫn nhau. Tháng 10-2003, Tạp chí Cộng sản và Tạp chí Cầu thị cùng phối hợp tổ chức hội thảo khoa học tại Hà Nội với chủ đề : "Thực hiện dân chủ ở cơ sở qua thực tiễn của Việt Nam và Trung Quốc".

Trong mối quan hệ hợp tác giữa tạp chí đảng các nước anh em, đặc biệt là Liên Xô, các nước Đông Âu và Việt Nam, Bộ biên tạp các tạp chí đó đã thỏa thuận cùng nhau thực hiện chương trình hợp tác gồm các điều chủ yếu sau đây :

- Cử các đoàn đại biểu đi thăm lẫn nhau nhằm tìm hiểu tình hình, trao đổi kinh nghiệm công tác biên tập và thu thập tài liệu để viết bài.

- Trao đổi những số tạp chí và các ấn phẩm mà mỗi bên xuất bản.

- Tổ chức biên tập những bài sẽ đăng trên tạp chí anh em về những đề tài mà tạp chí anh em quan tâm và cần có sự giúp đỡ, phối hợp.

- Cùng nhau tổ chức những cuộc hội thảo hai bên hoặc nhiều bên để trao đổi ý kiến về những vấn đề mà các bên quan tâm.

- Khi thấy cần thiết thì thông báo cho nhau biết những bài quan trọng trên các số tạp chí sẽ ra.

Thực hiện những điều đã thỏa thuận trên đây, Bộ biên tập Tạp chí Cộng sản đã :

- Cử các đoàn đi thăm các nước theo lời mời của Bộ biên tập các tạp chí đảng anh em (nhìn chung, đối với mỗi nước, cứ hai năm đoàn đến thăm một lần).

- Đón tiếp các đoàn đại biểu Bộ biên tập các tạp chí Đảng anh em đến thăm Việt Nam, trong đó có những đoàn do Tổng biên tập dẫn đầu : Các đồng chí Tổng biên tập Vécnơ Sanxơ (tạp chí Con đường mới - Đảng xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức), Xtanilap Vrônxky (tạp chí Con đường mới - Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan), Iarôxlap Kaxe (tạp chí Tư tưởng mới - Đảng Cộng sản Tiệp Khắc), Munkeo Olabun, Phan Đuông Chit và Viêng- xay Sôvalit (tạp chí Bình minh - Đảng Nhân dân cách mạng Lào). N.B. Bêkinnhin (tạp chí Người cộng sản - Đảng Cộng sản Liên Xô), v.v.. đã từng sang thăm Việt Nam và làm việc với Tạp chí Cộng sản. Đồng chí J.Lava, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Philíppin, ủy viên Ban biên tập tạp chí Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội cũng đã từng dẫn đầu đoàn đại biểu của tạp chí đó đến thăm Việt Nam và làm việc với Tạp chí Cộng sản. Sau khi quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc được bình thường hóa, các đồng chí Hữu Lâm, Hình Bôn Tư (Tổng biên tập), Vương Mậu Hoa, Chu Tuấn Phong, Trương Hiểu Lâm (Phó tổng biên tập) và đồng chí xã trưởng tạp chí Cầu thị Cao Minh Quang đã dẫn đầu các đoàn đại biểu của tạp chí sang thăm và làm việc với Tạp chí Cộng sản.

Bộ biên tập Tạp chí Cộng sản đã tổ chức việc biên tập các bài của các tác giả Việt Nam gửi đăng trên các tạp chí anh em theo lời mời của các tạp chí đó, và dịch đăng các bài của các tác giả nước ngoài do Bộ biên tập tạp chí anh em gửi đến để đăng trên Tạp chí Cộng sản. Tạp chí Cộng sản cũng đã theo định kỳ cử các đoàn đại biểu đi dự hội nghị các tổng biên tập tạp chí lý luận của các đảng anh em và các cuộc hội thảo do các tạp chí anh em tổ chức. Bộ biên tập Tạp chí Cộng sản cũng đã gửi cho Bộ biên tập các tạp chí anh em các xuất bản phẩm của mình và đã thông báo cho một số tạp chí anh em biết tóm tắt dự kiến về chương trình biên tập của mình.

Riêng giữa tạp chí Người cộng sản (Liên Xô) và tạp chí Đảng ta, những điều trong các thỏa thuận đã nói ở trên đã được thực hiện ở mức cao, thể hiện mối quan hệ sâu sắc. Hai tạp chí đã có sự phối hợp chặt chẽ để đăng các bài viết quan trọng nhân những ngày lễ lớn và những sự kiện chính trị lớn của mỗi bên. Tạp chí Người cộng sản (Liên Xô) đã đăng nhiều bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng ta. Các kỳ đại hội của Đảng ta, những thắng lợi nổi bật của nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã được tạp chí Người cộng sản (Liên Xô) đề cập kịp thời, theo chức năng của tạp chí. Ngoài việc mời các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta viết bài, tạp chí Người cộng sản có lúc còn cử cán bộ sang Việt Nam để trực tiếp viết bài. Một ví dụ : tháng 10-1979, để chuẩn bị Kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạp chí đã cử một đoàn cán bộ có nhiều kinh nghiệm biên tập sang Việt Nam thu thập tài liệu để viết bài về Bác Hồ.

Tạp chí Cộng sản của Đảng ta cũng đã đăng nhiều bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô nhân dịp các kỳ Đại hội của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Tạp chí Người cộng sản (Liên Xô) cũng đã có sự giúp đỡ tạp chí Đảng ta về mặt nghiệp vụ. Tháng 4-1984, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Phó trưởng ban xây dựng Đảng của Tạp chí Cộng sản, sau khi cùng Đoàn đại biểu của tạp chí Đảng ta sang Liên Xô dự lễ Kỷ niệm lần thứ 60 ngày xuất bản tạp chí Người cộng sản, đã được mời ở lại nghiên cứu kinh nghiệm nghiệp vụ báo chí của tạp chí Người cộng sản (Liên Xô) trong 20 ngày, theo hiệp định được thỏa thuận.

Một số kỳ Đại hội Đảng của mỗi nước đã có mời đại diện tạp chí Đảng anh em đến dự. Tháng 2-1986, Tạp chí Cộng sản đã cử đồng chí Nguyễn Trọng Thụ, Trưởng ban quốc tế của tạp chí sang sự Đại hội 27 Đảng Cộng sản Liên Xô với tư cách nhà báo, khách mời của Đại hội. Tháng 7-1990, đồng chí Hà Xuân Trường, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đã thăm chính thức Liên Xô trong thời gian Đảng Cộng sản Liên Xô tiến hành Đại hội 28, với tư cách là khách mời của tạp chí Người cộng sản (Liên xô) đồng thời hoạt động với tư cách nhà báo trong suốt thời gian đại hội.

Tạp chí Đảng ta cũng đã phối hợp với tạp chí Người cộng sản (Liên Xô) tổ chức hội thảo khoa học tại Việt Nam vào tháng 5-1989 về đề tài "Vai trò của nhân tố con người trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội". Một đoàn đại biểu của phía Liên Xô, gồm bốn đồng chí, do đồng chí Phó tổng biên tập X.V. Côlexnhicốp dẫn đầu đã sang dự, và sau đó hai tạp chí đều đăng những văn bản chủ yếu của cuộc hội thảo.

Đối với tạp chí Bình minh (Lào) tạp chí của Đảng ta cũng có mối quan hệ rất đặc biệt. Tháng 5-1985, theo đề nghị của Ban Tuyên huấn Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Tạp chí Cộng sản đã cử đồng chí Nguyễn Văn Đặng, Phó tổng biên tập sang làm chuyên gia giúp bạn trong việc chuẩn bị xuất bản tạp chí của Đảng bạn. Sau khi tạp chí của Đảng Nhân dân cách mạng Lào ra đời, với tên gọi là tạp chí Bình minh (Alunmay), cũng theo yêu cầu của phía bạn, Tạp chí Cộng sản đã tiếp tục cử nhiều đồng chí có kinh nghiệm công tác biên tập như các đồng chí Nguyễn Văn Lộc, Vũ Xuân Kiều, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Tiến Hải, Bùi Ngọc Trình, Vũ Hiền v.v.. sang làm chuyên gia giúp đỡ tạp chí Bình minh theo từng thời hạn (đồng chí ở lâu nhất là 6 tháng, đồng chí ở ít nhất khoảng 20 ngày). Tháng 10-1990, thực hiện sự thỏa thuận chung giữa hai bên, tạp chí Bình minh (Lào) đã cử hai cán bộ sang nghiên cứu nghiệp vụ tại Tạp chí Cộng sản trong thời gian 20 ngày. Các đồng chí đó đã được đồng chí Tổng biên tập và các đồng chí phụ trách các ban của Tạp chí Cộng sản giới thiệu kỹ những nội dung công tác và những kinh nghiệm tổ chức biên tập của Tạp chí Cộng sản và của các ban trong tạp chí. Từ năm 1990 đến nay, năm nào Tạp chí Cộng sản Tạp chí Bình Minh cũng luân phiên cử đoàn đại biểu thăm nhau, cùng trao đổi kinh nghiệm và giúp nhau tăng cường mối quan hệ giữa hai tạp chí. Năm 2002, Tạp chí Cộng sản đã tổ chức một kỳ bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí ngắn ngày tại Hà Nội cho 3 cán bộ biên tập của Tạp chí Bình Minh.

Tạp chí Đảng ta cũng đã bước đầu có quan hệ với một số tạp chí của các Đảng Cộng sản ở các nước tư bản. Tuy nhiên, mối quan hệ này mới chỉ bó hẹp ở chỗ tạp chí Đảng ta đăng một số bài viết của các đồng chí lãnh đạo của các Đảng anh em đó, mà chưa được mở rộng ra các lĩnh vực hợp tác khác.

Gần đây, thực hiện một chương trình hợp tác với sự tài trợ của Tổ chức viện trợ phát triển quốc tế của Thuỵ Điển, từ ngày 24-10 đến 6-11-1998, Tạp chí Cộng sản đã cử một đoàn nhà báo do Tổng biên tập Hà Đăng dẫn đầu đi thăm và nghiên cứu tại Thụy Điển. Chương trình nghiên cứu của Đoàn gồm các chủ đề : 1) Mô hình nhà nước phúc lợi Thụy Điển và sự quá độ của nó. 2) Nền dân chủ ở Thụy Điển : Tổ chức nhà nước, chức năng và quyền lực của chính quyền các cấp Trung ương, vùng và địa phương, vai trò của các tổ chức chính trị xã hội. 3) Báo chí Thuỵ Điển, vai trò xã hội và quan hệ của báo chí với chính quyền.

Tiếp tục chương trình nghiên cứu của mình, từ ngày 7 đến 13 tháng 11 năm 1998, theo lời mời của Bộ Ngoại giao Đan Mạch, đoàn Tạp chí Cộng sản tham gia đoàn Nhà báo Việt Nam đã thăm Đan Mạch. Chương trình nghiên cứu tại Đan Mạch tập trung vào vấn đề vai trò của báo chí trong xã hội ; báo chí với nhà nước và nhà nước với báo chí. Các đợt nghiên cứu này đã có tác dụng thiết thực cho công tác của tạp chí, đồng thời mở thêm một hướng mới về hoạt động đối ngoại của tạp chí.