TCCS: Trong hai ngày 25 và 26-4-2011 tại Hải Phòng, Viện Triết học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Học viện Chủ nghĩa Mác thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc tổ chức hội thảo khoa học: “Mô hình chủ nghĩa xã hội: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Tham dự hội thảo ngoài học giả của hai nước Việt Nam và Trung Quốc còn có sự tham gia của các học giả đến từ Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào.

Theo báo cáo đề dẫn hội thảo của PGS.TS Phạm Văn Đức, Viện trưởng Viện Triết học, hội thảo này có thể coi là diễn đàn khoa học về chủ nghĩa Mác Việt - Trung lần thứ hai, bởi lẽ 2 năm trước tại Bắc Kinh, hai viện đã phối hợp tổ chức hội thảo “Những đóng góp mới về mặt lý luận của hai Đảng và hai nước”. Tại cuộc hội thảo ở Bắc Kinh, học giả hai nước đã góp phần làm sáng tỏ những thành tựu đạt được về mặt lý luận trong cộng cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc và đổi mới của Việt Nam. Các học giả cũng đã thống nhất khẳng định, sở dĩ công cuộc cải cách, mở cửa và đổi mới của hai nước thu được những thành tựu to lớn như hiện nay là do hai Đảng và hai nước đã vận dụng một cách sáng tạo và thành công chủ nghĩa Mác vào hoàn cảnh thực tiễn của mỗi nước. Các học giả cũng thống nhất chỉ ra rằng, để sự nghiệp cải cách, mở cửa và đổi mới của hai nước thành công hơn nữa cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và phát triển những nguyên lý của chủ nghĩa Mác và tiếp tục áp dụng một cách sáng tạo những nguyên lý đó vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước.

Tham luận tại hội thảo, nhiều tác giả khẳng định trong suốt quá trình cải cách, mở cửa và đổi mới, mô hình chủ nghĩa xã hội luôn là mối quan tâm của hai Đảng và hai nước. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, khi công cuộc cải cách, mở cửa và đổi mới của hai nước đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn và đang bước vào một giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh quốc tế mới thì vấn đề mô hình chủ nghĩa xã hội đang trở thành một vấn đề cấp bách cả về lý luận và thực tiễn.

Chủ đề chính mà các tham luận của học giả ba nước tập trung thảo luận là:

- Những vấn đề lý luận, phương pháp luận của việc nghiên cứu mô hình chủ nghĩa xã hội;

- Những nội dung chính của mô hình tổng quát về chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam và Trung Quốc, Lào đã, đang và sẽ xây dựng;

- Mô hình phát triển của từng lĩnh vực cụ thể (như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội...);

- Mô hình chế độ dân chủ nhân dân mà Đảng nhân dân cách mạng Lào đề xuất có những nội dung gì và quan hệ với mô hình chủ nghĩa xã hội như thế nào.

Các học giả đã giành nhiều thời gian nói về mô hình chủ nghĩa xã hội của Việt Nam do Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển năm 2011) với 8 đặc trưng cơ bản và 10 đặc trưng cơ bản của mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung quốc do Đảng Cộng sản Trung Quốc đề xướng. Bên cạnh đó, các tác giả cũng tập trung thảo luận về mô hình chính trị, đảng cầm quyền, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, phát triển văn hóa và tự do ngôn luận... Một số tham luận cũng bàn về sự phát triển chủ nghĩa xã hội ở Lào, Triều Tiên và các nước Âu Mỹ...

Vấn đề đặc biệt thu hút sự thảo luận của các học giả là 8 đặc trưng cơ bản của mô hình chủ nghĩa xã hội của Việt Nam và 10 đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung quốc là mang tính đặc thù của riêng mỗi nước hay là mang tính phổ biến chung cho mô hình phát triển chủ nghĩa xã hội. Nếu đó chỉ là những đặc trưng riêng thì chỉ phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của riêng các quốc gia đó, còn nếu các đặc trưng này cùng với sự đặc thù của mình lại bao hàm tính phổ biến thì vấn đề kế thừa, vận dụng, áp dụng những đặc trưng đó vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các quốc gia khác nhau là như thế nào.

Do thời gian có hạn, nhiều tham luận chưa có điều kiện trình bày tại hội thảo này. Tuy nhiên, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về mô hình chủ nghĩa xã hội đã được làm sáng tỏ và hội thảo đã thực sự là một diễn đàn thảo luận sội nổi của các học giả 3 nước Viêt - Trung - Lào. Các học giả nhất trí rằng, diễn đàn lý luận và thực tiễn này sẽ tiếp tục được tiến hành luân phiên vào các năm sau và hy vọng sẽ có sự góp mặt của các học giả theo quan điểm mácxít ở nhiều quốc gia khác cùng tham gia thảo luận.