Dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn và vùng di dời giải phóng mặt bằng
TCCS - Cùng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phụ nữ Việt Nam đang gặp không ít những khó khăn, trở ngại trong lao động, sản xuất, học nghề và tìm việc làm. Giải quyết mâu thuẫn đó, nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho chị em nói chung, trong đó ưu tiên đối tượng phụ nữ nghèo, phụ nữ nông thôn, phụ nữ vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Những nỗ lực từ phía các cấp Hội và một số thành quả bước đầu
Đối với các hộ gia đình ở nông thôn, việc phải di dời không chỉ là đi khỏi ngôi nhà đã gắn bó bao đời của mình, mà còn liên quan đến cả đất canh tác, là đánh mất cái nghề đã gắn bó lâu đời mang lại kế sinh nhai cho bản thân và các thành viên trong gia đình họ bấy lâu nay. Cùng những khó khăn chung đó, phụ nữ với vai trò là người mẹ, người vợ lại chịu ảnh hưởng trực tiếp nhiều hơn.
Từ thực tiễn đó, hằng năm, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam có văn bản chỉ đạo các tỉnh/thành hội, các cơ sở dạy nghề thuộc Hội thực hiện và đăng ký chỉ tiêu dạy nghề, tạo việc làm cho chị em. Nhiệm vụ thực hiện chỉ tiêu dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ trở thành nhiệm vụ chính trị trong phong trào công tác hội. Đây là nét mới nổi bật trong trong công tác chỉ đạo của Hội trong nhiệm kỳ 2007 - 2012, khẳng định sự quan tâm của Hội LHPN các cấp đến công tác hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm. Theo đánh giá giữa nhiệm kỳ Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ X, từ 2008 - 2010, Hội LHPN các tỉnh, thành và các cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống của Hội đã hoàn thành chỉ tiêu dạy nghề do Nghị quyết Đại hội X đề ra, hằng năm đào tạo được 50 ngàn lao động nữ.
Đáng mừng là, sau quá trình xây dựng và hoàn thiện, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam đề xuất, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 26-2-2010, tạo cơ chế chính sách dạy nghề, học nghề, tạo việc làm cho phụ nữ có tính khả thi. Bước đầu các tỉnh, thành Hội triển khai thực hiện đạt kết quả tốt. Nhiều tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với ngành lao động, thương binh và xã hội, tập trung vào các hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình giảm nghèo năm 2010. Theo báo cáo của các cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống hội, năm 2009, đã dạy nghề cho 52.896 học viên, trong đó 50.593 học viên là nữ (95,6%), người dân tộc thiểu số 3.550 học viên, cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho 11.927 học viên, liên kết tuyển mới trung cấp nghề cho 180 học viên, đào tạo và liên kết đào tạo cho 184 học viên tốt nghiệp trung cấp nghề. Năm 2010, các trường, trung tâm dạy nghề cho 55.320 học viên, trong đó nữ 50.214 học viên, người dân tộc thiểu số 5.348 học viên, cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho 8.941 học viên, tốt nghiệp trung cấp nghề 21 học viên; liên kết tuyển mới trung cấp nghề cho 67 học viên.
Việc hình thành và phát triển mạng lưới dạy nghề trong hệ thống Hội tương đối rộng khắp. Tính đến 30-9-2010, mạng lưới dạy nghề thuộc hệ thống có tới 6 cơ sở dạy nghề trực thuộc Trung ương Hội, 26 cơ sở dạy nghề, 10 trung tâm giới thiệu, dịch vụ việc làm có dạy nghề cấp tỉnh.
Các trung tâm dạy nghề đã phối hợp với Hội Phụ nữ cơ sở, các doanh nghiệp sử dụng lao động để tư vấn, tuyển sinh và đào tạo nghề cho chị em. Một số tỉnh, thành phố đã khảo sát được nhu cầu học nghề của phụ nữ và xây dựng dự án đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho phụ nữ. Các cơ sở dạy nghề đã tư vấn nghề cho học viên khi đăng ký tham gia học nghề; tư vấn nghề kết hợp với tư vấn việc làm nhằm hỗ trợ tích cực để học viên có việc làm sau đào tạo.
Nhằm nâng cao năng lực đào tạo nghề, Dự án “Tăng cường năng lực đào tạo nghề” năm 2009 đầu tư 3,5 tỉ đồng dạy nghề cho lao động nông thôn do các trường, trung tâm thực hiện. Qua Dự án, các đơn vị đã dạy nghề cho 5.364 lao động trong đó sơ cấp nghề là 2.592 người, dạy nghề thường xuyên, chứng chỉ nghề cho lao động nông thôn là 2.772 người, giải quyết việc làm sau đào tạo đạt 80% trở lên. Trong năm, đã đầu tư 2,5 tỉ đồng nâng cao năng lực dạy nghề cho 3 trung tâm vùng Yên Bái, Hải Dương và Đắc Nông. Năm 2010, Dự án tiếp tục đầu tư 3,5 tỉ đồng, đồng thời đầu tư kinh phí tăng cường trang thiết bị dạy nghề.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội, Hội các cấp trong cả nước tham gia giải quyết vấn đề lao động cho phụ nữ nói chung, phụ nữ nông thôn, nhất là ở vùng bị thu hồi đất đạt kết quả tốt. Kết quả khá rõ rệt là Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh. Sau các đợt tiếp xúc, cán bộ Hội kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng hội viên, vấn đề quan tâm, gây băn khoăn lo lắng nhất là việc làm khi đến nơi ở mới. Qua đó, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hội thảo, xây dựng đề án đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn, đặc biệt cho phụ nữ vùng giải phóng mặt bằng tái định cư trình UBND tỉnh. Hội xây dựng các tiểu đề án trình Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Giải phóng mặt bằng Phomosa, Công ty Mỏ sắt Thạch Khê... nhằm huy động nguồn lực đào tạo nghề cho phụ nữ tại các vùng dự án với số tiền 1,4 tỉ đồng. Đến nay, Hội đã tổ chức đào tạo được 10 lớp cho 354 chị tại các xã; giới thiệu 234 lao động cho các công ty tại các tỉnh có nhu cầu tuyển dụng; giới thiệu 68 lao động là con em các hộ gia đình nằm trong vùng giải phóng mặt bằng xuất khẩu sang các nước Trung Đông qua Công ty AIC với mức lương từ 6.000.000 - 7.000.000đ/tháng.
Tại Hà Nam, qua khảo sát, mỗi năm có khoảng gần 12.000 lao động có nhu cầu học nghề và chuyển gần 7.000 lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang các lĩnh vực ngành nghề, dịch vụ khác. Do vậy, tỉnh xác định dạy nghề là nhiệm vụ chiến lược phát triển nguồn nhân lực, bên cạnh đó, quan tâm và có chính sách ưu đãi dạy nghề cho lao động vùng thu hồi chuyển mục đích sử dụng đất và dạy nghề cho lao động nghèo. Thực hiện chủ trương của tỉnh, Hội LHPN tỉnh Hà Nam đã có nhiều biện pháp nhằm tham gia giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn và phụ nữ nghèo, đặc biệt tập trung cho phụ nữ vùng bị thu hồi đất cho mục đích đô thị hóa. Theo đó, Tỉnh Hội phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề, chủ động xây dựng đề án dạy nghề cho các đối tượng một cách sát thực, có hiệu quả. Chỉ tính riêng trong năm 2009, Trung tâm Dạy nghề Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 6 lớp dạy nghề may công nghiệp cho 110 lao động trong khu vực thu hồi đất nông nghiệp; 13 lớp tin học, ngoại ngữ cho 269 học sinh, sinh viên các trường chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố Phủ Lý. Năm 2010, được sự phối hợp và hỗ trợ của ngành lao động, thương binh và xã hội tỉnh, Hội LHPN Hà Nam thành lập Trung tâm Dạy nghề miễn phí cho phụ nữ nghèo, lao động các địa phương bị thu hồi nhiều diện tích đất canh tác. Nhờ vậy, trong năm có 894 người được dạy nghề, 1.500 người được giới thiệu và tư vấn việc làm.
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ cần sự quan tâm của toàn xã hội
Tuy đạt được nhiều kết quả nhưng công tác dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ của Hội LHPN các cấp còn có những hạn chế và khó khăn cần được hỗ trợ để duy trì và phát triển trong thời gian tới. Điều dễ nhận thấy là, hệ thống cơ sở dạy nghề của Hội hiện nay chỉ đáp ứng cho việc dạy nghề trình độ thấp, đối với dạy nghề trình độ cao như trung cấp, cao đẳng nghề đang bước đầu được quan tâm xây dựng các Dự án thành lập mới hoặc nâng cấp từ trung tâm vùng thành trường trung cấp nghề.
Việc đáp ứng nhu cầu về dạy nghề còn hạn chế phụ thuộc kinh phí trong khi nhu cầu đào tạo nghề lại phụ thuộc mùa vụ hoặc nhu cầu thị trường lao động nên việc tuyển sinh gặp khó khăn. ở một số địa phương, công tác tuyển sinh còn gặp nhiều trở ngại do hoạt động về xuất khẩu lao động một số thị thường chưa hấp dẫn vì thu nhập thấp như Ma-lai-xi-a, còn những thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan chỉ phù hợp với bộ phận người lao động có trình độ chuyên môn, có tay nghề, ngoại ngữ,...
Một số chính sách ban hành chậm nên có khó khăn cho việc vay vốn dù đã có đủ điều kiện đi xuất khẩu lao động. Chị em chưa nhận thức đầy đủ về công tác xuất khẩu lao động. Mặt khác, một số công ty tuyển dụng lao động chưa thực hiện đúng hợp đồng đối với người lao động nên một số trường hợp phải trở về địa phương trước thời hạn.
Giữa người lao động và người sử dụng lao động còn có những mâu thuẫn về tâm lý, như người học mong muốn có thu nhập ngay, thời gian để được tăng thu nhập ngắn, có việc làm ổn định lâu dài và thu nhập ngày càng cao; trong khi đó người sử dụng lao động lại có nhu cầu trả lương thấp, không tăng hoặc tăng lương rất ít, thời gian làm nghề của lao động ngắn, không phải chi trả các chế độ về bảo hiểm cho người lao động, vì thế, thời gian đào tạo nghề trên 3 tháng ít có học viên tham gia. Như vậy, thời gian làm nghề sau đào tạo ngắn, thiếu bền vững, thiếu lao động có tay nghề cao vẫn diễn ra.
Giảng viên các cơ sở dạy nghề thuộc Hội được đào tạo chưa đầy đủ, chưa chuyên sâu, kinh nghiệm tổ chức quản lý trường/trung tâm dạy nghề còn hạn chế, đặc biệt là thiếu giáo viên hướng dẫn thực hành nhất là đối với các nghề mới, nghề đòi hỏi công nghệ cao, nghề thủ công truyền thống. Nguồn kinh phí của các chương trình đào tạo thường chuyển chậm, ảnh hưởng đến tiến độ mở lớp, cấp chế độ cho học viên; thời gian học nghề ngắn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, chưa đáp ứng yêu cầu đối với những sản phẩm công nghệ mới.
Những năm tới, thực hiện chương trình, mục tiêu quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác dạy nghề cho người nghèo, cho nông dân nói chung và phụ nữ nói riêng cần tiếp tục được quan tâm của các bộ, ngành liên quan, ủy ban nhân dân và các sở, ban ngành các tỉnh/thành phố. Đặc biệt, là sự quan tâm phối hợp trực tiếp từ Tổng cục Dạy nghề, các ngành, các cấp ở các địa phương nhằm tháo gỡ những khó khăn để phụ nữ được thụ hưởng nhiều hơn nữa những ưu đãi từ Đề án 1956.
Về phía Hội các cấp, sẽ tập trung các giải pháp, đó là: Ưu tiên dạy nghề theo đề án mô hình “3 trong 1” - Cơ sở dạy nghề là đơn vị dạy nghề, vừa là đơn vị thực hành nghề, vừa là đơn vị giới thiệu việc làm, hỗ trợ tạo việc làm, tư vấn và hỗ trợ kinh doanh phát triển doanh nghiệp; tăng cường dạy nghề thông qua việc tham gia các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, khuyến nông, khuyến công, dạy nghề cho người nghèo; tăng cường thực hiện các biện pháp hỗ trợ tạo việc làm sau đào tạo nghề cho phụ nữ như: hỗ trợ các cơ sở dạy nghề tham gia ngày tư vấn và tuyển dụng trực tiếp, hội chợ việc làm; xúc tiến thương mại ở nước ngoài; chủ động tiếp cận các dự án phát triển đào tạo nghề cho phụ nữ nghèo, phụ nữ vùng quy hoạch đất đô thị, đất xây dựng khu công nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động dư thừa, tăng thu nhập ổn định cho đời sống; tiếp tục đầu tư, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên của các trung tâm dạy nghề có đủ trình độ hiểu biết chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển dạy nghề, đào tạo nghề và trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển./.
Huyện Núi Thành giải quyết hiệu quả những vấn đề đối với nông dân và nông nghiệp sau khi thu hồi đất phục vụ đô thị hóa, công nghiệp hóa  (18/05/2011)
Chăm lo xây dựng giai cấp công nhân - nguồn lực cơ bản của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa  (18/05/2011)
Thấy gì qua các vụ đình công của công nhân trong những năm gần đây  (18/05/2011)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên