TCCS - Núi Thành là huyện trọng điểm xây dựng và phát triển Khu Kinh tế mở Chu Lai của tỉnh Quảng Nam. Những năm qua việc giải quyết các vấn đề đối với nông dân và nông nghiệp sau khi thu hồi đất để phát triển công nghiệp, phát triển đô thị luôn là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền địa phương

Tính đến nay, huyện đã thu hồi 1.231 ha đất nông nghiệp, chiếm 22,85% diện tích đất canh tác nông nghiệp để đầu tư phát triển công nghiệp. Bình quân mỗi năm thu hồi khoảng 246 ha. Tổng số hộ có đất bị thu hồi là 10.279 hộ, chiếm 29,2% tổng số hộ cả huyện. Việc thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và đô thị tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển công nghiệp, dịch vụ cũng như xây dựng các “khu đô thị mới” và thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài, đã và đang góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa , hiện đại hóa , thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với nhịp độ cao, đời sống của một bộ phận lớn nhân dân được cải thiện.

Tuy nhiên, việc thu hồi số lượng lớn đất nông nghiệp trong một thời gian ngắn làm xuất hiện nhiều vấn đề xã hội bức xúc:

- Hàng trăm hộ với hàng nghìn lao động nông nghiệp không còn đất canh tác, dẫn tới thiếu việc làm phải chuyển đổi nghề mới phi nông nghiệp trong khi họ chưa có sự chuẩn bị, hay nói cách khác là bị động trong tìm kiếm việc làm mới.

- Hầu hết lao động nông nghiệp không có tay nghề, trình độ văn hóa thấp, tuổi cao nên số lượng lao động được tuyển vào làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn thấp, số còn lại gặp khó khăn.

- Các hộ rất lúng túng khi sử dụng một số tiền đền bù lớn; việc sử dụng còn bất hợp lý, chủ yếu dùng để mua sắm vật dụng sinh hoạt và xây dựng nhà ở, việc đầu tư cho phương tiện sản xuất tiếp cận học nghề, mở mang ngành nghề mới còn rất ít nên một bộ phận có thu nhập không ổn định so với trước khi bị di dời.

- Tình trạng khiếu kiện về đất đai vẫn thường xuất hiện, thậm chí có trường hợp kéo dài. Bản chất của vấn đề là do có sự bất cập giữa giá được bồi thường cho nông dân với giá trên thị trường.

- Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các địa phương có khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu tái định cư như tiếng ồn, rác thải, nước thải... chưa được quan tâm xử lý từ đầu nên làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Khắc phục thực trạng đó, đồng thời hướng đến mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đề ra, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản trở thành một huyện công nghiệp, góp phần xây dựng thành công Khu Kinh tế mở Chu Lai, những năm qua, Đảng bộ và Chính quyền Núi Thành luôn đặt mục tiêu ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực nông thôn lên hàng đầu, tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

- Tư vấn, hỗ trợ bà con nông dân có đất nông nghiệp bị thu hồi chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng, con vật nuôi như: chuyển sang trồng hoặc chăm sóc hoa, cây cảnh, chăn nuôi, khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản hoặc làm dịch vụ nhà trọ, dịch vụ ăn uống... tạo ra thu nhập ổn định cho người dân, nhất là số lao động trong độ tuổi lớn hoặc không vào được các nhà máy, xí nghiệp.

- Đầu tư xây dựng, củng cố, tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là thủy lợi, giao thông, nhằm thúc đẩy nhanh phát triển sản xuất, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

- Tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn; phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho cư dân nông thôn. Đầu tư phát triển mạnh kinh tế vườn, kinh tế trang trại.

- Xây dựng đề án hỗ trợ người hết tuổi lao động trong vùng di dời giải tỏa không có thu nhập nhằm giúp cho các đối tượng này ổn định cuộc sống.

Những nỗ lực trên đã góp phần làm cho kinh tế của huyện phát triển khá nhanh và toàn diện, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất 5 năm (2005 - 2009) đạt 21,56%. Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có tốc độ tăng bình quân năm đạt 31,75%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tích cực. Tỷ trọng cơ cấu các ngành năm 2009 là: công nghiệp - xây dựng chiếm 59,78%, dịch vụ là 15,76%, nông - lâm - thủy sản chiếm 24,45%. Nông nghiệp tiếp tục phát triển với nhịp độ khá cao, ổn định theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm qua (2005 - 2009) là 8,54%/năm. Trong sản xuất nông nghiệp, sản lượng lương thực có hạt trong nhiều năm luôn ổn định ở mức 3.200 tấn và có xu hướng tăng nhờ áp dụng các giống mới năng suất cao và các biện pháp kỹ thuật thâm canh. Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện; xóa đói giảm nghèo đạt kết quả. Năm 2009 thu nhập bình quân đầu người 13.120.00 đồng/năm tăng 2,5 lần so với năm 2005, đặc biệt là về cơ bản đã xóa được đói, tỷ lệ hộ nghèo hạ xuống còn 13,95%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết:

- Nông nghiệp phát triển kém bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt các nguồn lực; chuyển dịch cơ cấu và đổi mới phương thức sản xuất còn chậm; phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ.

- Công nghiệp, dịch vụ nông thôn phát triển chậm chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn. Các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn đổi mới chậm, chưa đủ sức phát triển mạnh sản xuất hàng hóa.

- Nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp, năng lực thích ứng đối phó với thiên nhiên thấp. Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn cải thiện chậm, chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng còn lớn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Vấn đề giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững, khả năng tái nghèo đối với một số đối tượng còn cao nhất là các đối tượng thu hồi đất phục vụ cho quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa.

Hướng tới mục tiêu công bằng và ổn định xã hội, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là khu vực nông nghiệp có đất bị thu hồi, thời gian tới huyện tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả cộng đồng trong việc quan tâm, chăm lo tạo việc làm và đời sống cho người nông dân thuộc diện khi thu hồi đất để phát triển công nghiệp và đô thị là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội kể cả trước mắt cũng như lâu dài.

2. Khi xây dựng kế hoạch thu hồi đất, phải đồng thời lập kế hoạch chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho số lao động nông nghiệp thuộc diện thu hồi đất. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cần xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để đưa vào kế hoạch tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc.

3. Việc tổ chức thu hồi đất nông nghiệp phải có kế hoạch cụ thể, bảo đảm dân chủ, công khai, cố gắng tổ chức thu hồi từng bước không để xảy ra tình trạng thu hồi hết đất một lần, nhưng không bố trí đất cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất mà còn bỏ lãng phí dẫn tới sự hẫng hụt, bị động, không kịp chuyển đổi nghề cho nông dân.

4. Tổ chức điều tra khảo sát tình hình đời sống và việc làm của người nông dân khu vực đã thu hồi đất để phân loại lao động, tổ chức đào tạo nghề gắn với sử dụng (cầu lao động) một cách tích cực, đồng bộ, toàn diện cho mọi đối tượng.

5. Tổ chức quy hoạch lại kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng văn minh, tạo nguồn lực đầu tư, xây dựng theo quy hoạch, bảo đảm người nông dân sớm được thụ hưởng thành quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân vùng sau khi đất canh tác được thu hồi.

6. Xây dựng Đề án quỹ hỗ trợ lao động ngoài độ tuổi nằm trong các vùng bị di dời giải tỏa mất đất sản xuất, kể cả mất nghề truyền thống nhưng lại không được bố trí lao động vào các doanh nghiệp.

7. Có chính sách ưu tiên cho việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu lao động của các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, đặc biệt chú trọng đến lực lượng lao động không còn đất sản xuất, mất nghề.

8. Hỗ trợ việc tận dụng quỹ đất nông nghiệp còn lại chuyển sang phát triển nông nghiệp hàng hóa phục vụ đô thị, đạt giá trị và hiệu quả cao; khuyến khích các khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn xây dựng cơ sở dạy nghề tại chỗ; phát triển mạnh các doanh nghiệp phục vụ nông nghiệp. ./.