Lào Cai sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ
Xóa đói, giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư. Thời gian qua, công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở Lào Cai đã có những chuyển biến mới.
Những kết quả bước đầu
Tỉnh Lào Cai có 3 huyện là Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai nằm trong 61 huyện nghèo của cả nước. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Lào Cai đã tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết một cách quyết liệt. Vì vậy, mới qua một năm nhưng kết quả đạt được là rất ấn tượng, tạo niềm tin vững chắc của người dân vùng sâu, vùng xa đối với Đảng và Nhà nước.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả ngay từ ngày đầu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai đã mở hội nghị với đối tượng là cán bộ chủ chốt của 3 huyện, lãnh đạo các sở, ngành liên quan cấp tỉnh quán triệt sâu sắc các quan điểm, làm rõ cơ chế chính sách, thảo luận kỹ các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo ở 3 huyện. Các huyện đều thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 30a theo đúng hướng dẫn của Trung ương. UBND tỉnh và các ngành chức năng hướng dẫn cụ thể việc xây dựng đề án giảm nghèo nhanh và bền vững. Ban chỉ đạo các huyện tổ chức hội nghị với cán bộ chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn để quán triệt nội dung Nghị quyết và hướng dẫn xây dựng đề án giảm nghèo của từng xã, thị trấn, sau đó phân công thành viên Ban chỉ đạo huyện xuống cơ sở phối hợp cùng chủ tịch UBND xã rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực trạng các hộ nghèo, nguyên nhân nghèo đói của từng hộ, tổ chức họp dân để thống kê nhu cầu từng hộ, điều đó vừa đảm bảo tính khách quan, trung thực, chính xác vừa làm rõ trách nhiệm và thái độ phối hợp của người dân khi triển khai thực hiện Nghị quyết. Trên cơ sở đó xây dựng đề án cụ thể của từng xã, tổng hợp xây dựng đề án của huyện, trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi đề án được duyệt, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng tháng, từng quý.
Công tác tuyên truyền để cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, người dân hiểu đúng ý nghĩa, tầm quan trọng, các cơ chế, chính sách đề ra trong Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP được coi trọng, nhất là qua hoạt động tuyên truyền của cán bộ, qua các buổi họp thôn… tạo ra sự đồng thuận, sự phối, kết hợp giữa người dân với các cơ quan chức năng nên các dự án triển khai đều khá thuận lợi, sớm mang lại hiệu quả.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo của các huyện tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án giảm nghèo. Trong tháng 10,11-2010 các đồng chí bí thư, phó bí thư, ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy cùng các ngành chức năng của tỉnh trực tiếp đi kiểm tra tình hình ở các thôn bản; cấp huyện thành lập các đoàn kiểm tra do các đồng chí thường trực huyện ủy, UBND huyện làm trưởng đoàn thường xuyên kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn cho các xã, thị trấn nếu có trong giải ngân, giải phóng mặt bằng, khởi công, thi công các công trình...Vì vậy, hàng trăm dự án được tiến hành đồng thời ở cả 3 huyện, tạo ra không khí hồ hởi, phấn khởi tấn công đẩy lùi đói nghèo trong cán bộ, đảng viên, nhân dân; các dự án cơ bản thực hiện đúng tiến độ đã tạo nên sự chuyển biến bước đầu rất đáng ghi nhận.
Kết quả rõ nét nhất là việc triển khai thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg, ngày 12-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Theo thống kê, 3 huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương có 1.598 hộ không có nhà ở hoặc ở nhà tạm thuộc diện được hỗ trợ làm mới. Năm 2010 đã khởi công 1.474 nhà, đã hoàn thành 813 nhà.
Các huyện đều triển khai thực hiện quyết định này rất khẩn trương, bài bản. Huyện Mường Khương thành lập các tổ công tác xuống giúp đỡ các xã rà soát, thống kê rõ nhu cầu của từng hộ, từng thôn bản; phát động phong trào thi đua phấn đấu thực hiện, hoàn thành xuất sắc chương trình hỗ trợ nhà ở cho dân; tổ chức làm điểm tại xã Bản Sen; tổ chức rút kinh nghiệm cho các xã trong huyện; quá trình triển khai thực hiện huyện thành lập các đoàn kiểm tra do các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy, UBND huyện làm trưởng đoàn thường xuyên kiểm tra tiến độ ở cả 16/16 xã của huyện; Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện cho vay vốn hỗ trợ lãi suất theo đúng qui định, các ngành chức năng thực hiện giải ngân đảm bảo yêu cầu tiến độ. Vì vậy, chỉ trong vòng 8 tháng đã có 482 nhà được làm mới, 63 nhà tận dụng cột cũ còn tốt, 78 nhà xây cấp 4 đã được khởi công, xây dựng và hoàn thành.
Lào Cai chủ trương xóa nhà tạm theo phương châm “3 cứng”: Mái cứng (mái nhà lợp ngói hoặc tấm lợp Prô-xi măng); tường cứng (tường xây, ốp ván gỗ hoặc toóc xi); nền cứng (nền nhà lát gạch hoặc láng xi măng). Vì vậy, những ngôi nhà mới được làm theo Quyết định 167 hoàn toàn vững chắc, đảm bảo sự cư trú lâu dài cho người dân.
Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được triển khai đồng loạt hơn 100 danh mục công trình, trong đó, huyện Bắc Hà 40 công trình, huyện Mường Khương 33 công trình, huyện Si Ma Cai 33 công trình. Bao gồm: 19 công trình thủy lợi; 11 công trình cấp nước sinh hoạt cho dân; 11 công trình đưa điện từ trung tâm xã về các thôn bản; 25 công trình giao thông, chủ yếu là nâng cấp, mở mới đường liên thôn, liên xã; 23 công trình giáo dục, gồm xây dựng trung tâm dạy nghề cấp huyện, xây nhà ở cho giáo viên, trường, lớp học nội trú, bán trú, 4 trạm y tế xã… với số vốn đầu tư lên tới trên 63.000 triệu đồng.
Việc triển khai các nguồn vốn sự nghiệp được triển khai rất khẩn trương, kịp thời, đúng đối tượng. Trong đó, phải kể đến vốn khoán bảo vệ rừng theo định mức 200.000đ/ha/năm. Ba huyện nghèo của Lào Cai đã giao khoán bảo vệ 21.935 ha, với số vốn trên 43.000 triệu đồng. Đây là dự án cực kỳ quan trọng nó góp phần trực tiếp khôi phục và bảo vệ diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ của tỉnh, bảo vệ môi trường sinh thái. Huyện Mường Khương đã thực hiện hỗ trợ giống cây trồng rừng mới trên diện tích 500 ha.
Các huyện căn cứ vào nhu cầu thực tế hỗ trợ nông dân sản xuất mang lại hiệu quả cao như huyện Mường Khương hỗ trợ nông dân tăng vụ trên 300 triệu đồng, trồng chè và thâm canh chè chất lượng cao trên 500 triệu đồng; hỗ trợ trồng cây thuốc lá, xây dựng 300 lò sấy thuốc lá với định mức 12 triệu/lò với số vốn hỗ trợ 1.800 triệu đồng. Huyện Si Ma Cai hỗ trợ chăm sóc trâu bò, trồng cây thuốc lá và hỗ trợ xây 50 lò sấy thuốc lá với số tiền gần 400 triệu đồng. Năm 2010, Lào Cai đã có 220 ha cây thuốc lá trồng tại 3 huyện nghèo của tỉnh, đây là một hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với đồng bào dân tộc vùng cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Các chính sách hỗ trợ tín dụng được triển khai tích cực như chính sách cho vay 5 triệu đồng/hộ với lãi suất 0% trong thời gian 2 năm để nông dân mua giống gia súc, gia cầm, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; chính sách hỗ trợ 50% lãi suất thương mại cho vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp. Huyện Mường Khương đã có 1.954 hộ được vay với số vốn 9.768 triệu đồng. Huyện Si Ma Cai đã có 2.200 hộ nghèo vay vốn ưu đãi với số vốn 11.000 triệu đồng. Nội dung hỗ trợ về y tế, ngoài các dự án nâng cấp, xây mới một số phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã, các huyện đều tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở các xã, thị trấn.
Thực hiện nội dung xã hội hóa xóa đói giảm nghèo theo tinh thần Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong tỉnh, trong nước đã tài trợ tiền, vật dụng cho các huyện gồm: Ô tô, quần áo, máy vi tính, bồn chứa nước, xi măng, sách vở học sinh… Ban chỉ đạo các huyện đã tổ chức tiếp nhận, phân phối hợp lý số hàng hóa tài trợ, góp phần giảm bớt khó khăn cho nhiều hộ đồng bào dân tộc.
Mặc dù mới trải qua một năm thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, song tình hình ở 3 huyện nghèo của Lào Cai đã có những chuyển biến mà bất cứ người dân nào cũng cảm nhận được đó là: Hàng nghìn hộ gia đình nhiều năm qua nghèo khó không làm được nhà ở hoặc phải sống trong những căn nhà tạm bợ thì Tết Tân Mão vừa qua được đón tết, vui xuân trong căn nhà mới, khang trang, chắc chắn; 100% xã của 3 huyện đã có điện lưới quốc gia về đến trung tâm, hàng nghìn hộ gia đình được nghe đài, xem ti vi; cái đói, cái nghèo đã bớt đi do được hỗ trợ vốn để mua cây, con giống, phát triển nghề phụ tạo ra thu nhập lớn hơn những năm trước; hàng ngàn đứa trẻ có thêm quần áo ấm, sách bút, đồ dùng học tập để đến trường… niềm tin của nhân dân ở đây với Đảng và Nhà nước tăng lên rõ rệt.
Và một số vấn đề cần tiếp tục giải quyết
Có được kết quả nêu trên là do: Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng cấp tỉnh, huyện ủy, UBND các huyện đã chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức triển khai Nghị quyết 30a; làm tốt công tác tuyên truyền tạo ra sự đồng thuận, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng với cấp cơ sở và người dân; tăng cường công tác kiểm tra giám sát từ cấp tỉnh đến huyện đối với tiến độ thực hiện các dự án; dân chủ trong xây dựng các dự án nên tính khả thi của các dự án cao.
Tuy nhiên cũng xuất hiện một số vấn đề cần tháo gỡ trong thời gian tới:
- Việc hướng dẫn, cụ thể hóa một số nội dung, chính sách, cơ chế trong Nghị quyết của các bộ, ngành trung ương còn chậm, thiếu sự thống nhất làm cho quá trình xây dựng các dự án ở cơ sở lúng túng, chậm tiến độ.
- Một số chính sách đặc thù được nêu trong nghị quyết chưa có hướng dẫn cụ thể như quy định về đầu tư, đấu thầu, xây dựng, chính sách ưu đãi đối với giáo viên, học sinh, y tế…
- Một số định mức hỗ trợ của Trung ương về xây dựng phòng học, nhà ở cho giáo viên… còn thấp xa so với chi phí thực tế, vì địa hình, công vận chuyển nguyên, vật liệu khá cao.
- Các mục tiêu về đào tạo nghề cho người dân, thu hút lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao về phục vụ ở khu vực các huyện nghèo còn gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết tốt mục tiêu này, nhà nước cần phải có cơ chế thích hợp.
- Những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 30a thực hiện đến năm 2020. Vì vậy, phải quan tâm đến tính bền vững của các dự án, tránh tình trạng dân chưa xóa được nghèo mà dự án đã hết tác dụng./.
Thấy gì qua các vụ đình công của công nhân trong những năm gần đây  (18/05/2011)
Đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân  (18/05/2011)
Bình Dương đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp  (18/05/2011)
10 năm Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước  (18/05/2011)
Hội thảo tổng kết thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông  (18/05/2011)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên