TCCS - Hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, lực lượng công nhân và người lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Với gần 900 nghìn công nhân, chiếm 12,6% dân số, gần 25% lực lượng lao động xã hội, song hằng năm đã sản xuất ra khối lượng sản phẩm trên 60% giá trị tổng sản phẩm, đóng góp 62% ngân sách thành phố.

Những vấn đề đặt ra từ thực trạng đội ngũ công nhân lao động ngoài quốc doanh ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28-01-2008 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"; đội ngũ công nhân Thành phố Hồ Chí Minh có chuyển biến rõ rệt cả về số lượng và chất lượng, đang ngày đêm lao động cần cù, sáng tạo trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm ra ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa cho xã hội và xuất khẩu với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xã hội, đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành "đầu tàu" kinh tế của cả nước.

Do khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới và tác động mặt trái của kinh tế thị trường đang ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung, đến công nhân lao động nói riêng. Công nhân Thành phố đang đứng trước những thách thức to lớn: việc làm không ổn định. Trong năm 2008, có 192 doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc di dời khỏi Thành phố làm cho hơn 29.000 công nhân bị mất việc và 10.269 công nhân thiếu việc làm. Thời gian làm việc kéo dài và cường độ làm việc rất cao, điều kiện làm việc ít được cải thiện, tai nạn lao động gia tăng. Đặc biệt là, tiền lương, thu nhập của người lao động chưa tương xứng với cường độ và thời gian lao động. Ngoài thời gian làm việc chính thức, hơn nửa số công nhân phải tăng ca nhưng thu nhập chỉ đạt bình quân từ 1,1 triệu đồng đến 1,4 triệu đồng/ tháng. Với mức thu nhập trên, hầu như công nhân không còn tiền để tích lũy, tiết kiệm... Những khoản chi tiêu lớn nhất của công nhân là tiền thuê nhà (180.000 đồng/ tháng), tiền ăn (450.000 đồng/tháng), các khoản chi tiêu khác (660.000 đồng/tháng)(1).

Điều kiện sinh hoạt tinh thần cũng rất thiếu thốn, hiện các khu công nghiêp - khu chế xuất thành phố có hơn 70% số công nhân là người từ các tỉnh đến làm việc, sinh sống. Qua khảo sát, 80% số công nhân không bao giờ chơi thể thao hoặc hiếm khi chơi, 12% số công nhân thỉnh thoảng chơi và chỉ có 7,8% là thường xuyên chơi. Những dịch vụ văn hóa ở các câu lạc bộ, nhà văn hóa chưa thu hút công nhân. Loại hình văn hóa công nhân thụ hưởng nhiều nhất là... xem ti vi. Chỉ có 2,3% số công nhân thường xuyên đi xem phim, biểu diễn nghệ thuật, 1,2% công nhân đi du lịch, tham quan bảo tàng, 6,2% vào mạng in-tơ-nét... Có đến 74% số công nhân chọn cách thư giãn là... ở nhà nghỉ ngơi(2). Hàng chục vạn công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất phải thuê nhà ở, trong điều kiện tạm bợ, thiếu thốn và không bảo đảm an toàn. Đến nay, Thành phố mới có 6 khu nhà lưu trú cho công nhân, chỉ đáp ứng được 3% số nhu cầu nhà ở cho công nhân, phần lớn công nhân phải thuê phòng ở tại các khu nhà trọ của hộ gia đình, tư nhân bên ngoài. Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động Thành phố, hiện có hơn 18.000 chủ nhà trọ với hơn 414.000 chỗ ở, đang đáp ứng 97 % số nhu cầu chỗ ở của công nhân.

Kết quả một cuộc khảo sát năm 2007 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, độ tuổi của đa số công nhân từ 18 đến 25 tuổi (74,2%). Nhưng, trình độ học vấn của công nhân ở bậc trung học cơ sở chiếm 34,9%, trung học phổ thông là 56,7%; trong khi số có trình độ trung cấp nghề, cao đẳng và đại học chỉ chiếm 5,3%, số lao động đã qua đào tạo chiếm khoảng 30%; có khoảng 40% có chứng chỉ nghề(3).

Công tác xây dựng Đảng, Đoàn Thanh niên trong lực lượng công nhân lao động ngoài quốc doanh, được các cấp ủy quan tâm tổ chức thực hiện, nhưng hiệu quả còn rất thấp so với yêu cầu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 20-NQ/TW đề ra. Thành phố hiện có 42.960 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, tăng khoảng 50% so với năm 2005 và chiếm 98% số doanh nghiệp trên địa bàn; trong đó, 97% là doanh nghiệp cổ phần có vốn trong nước và số còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đến tháng 12-2008, Thành phố có 778 doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổ chức đảng, tăng gấp 10 lần so với trước khi có Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23-11-1996, của Bộ Chính trị và tăng 51,95% so với năm 2005, gồm 198 đảng bộ cơ sở, 460 chi bộ cơ sở, 120 chi bộ trực thuộc với 16.524 đảng viên (đạt 0,0018% so với số công nhân); có 429 chi đoàn với 11.654 đoàn viên thanh niên ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh(4).

Do trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp của một bộ phận công nhân còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, ý thức chính trị, hiểu biết pháp luật còn rất hạn chế, có một bộ phận công nhân sống thiếu lý tưởng, niềm tin, sa vào các tệ nạn xã hội, dẫn đến tha hóa về phẩm chất lối sống, phai nhạt phẩm chất của giai cấp công nhân.

Trong khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính, Đảng bộ, chính quyền, các ngành, các cấp thành phố luôn đồng hành, sát cánh cùng người lao động. Từ đầu năm 2009 đến nay, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 131.485 người; trong đó, số lao động có việc làm ổn định là 109.361 người; tạo thêm chỗ làm mới cho 51.743 người đến tuổi lao động, v.v... Thành phố còn thành lập nhiều trung tâm dạy nghề, tuyển sinh và dạy nghề thường xuyên cho 65 nghìn lượt người lao động. Tổng số tiền tổ chức công đoàn thành phố chăm lo cho 42.039 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Kỷ Sửu 2009 là 12 tỉ 275 triệu đồng)(5).

Nguyên nhân của những hạn chế về công tác vận động công nhân lao động hiện nay

Những vấn đề đặt ra trên đây do nhiều nguyên nhân, song, theo chúng tôi, những nguyên nhân chủ yếu là:

Thứ nhất, những năm qua, một số đảng bộ, chính quyền, các ngành của Thành phố chưa quan tâm thỏa đáng đến xây dựng, phát huy vai trò của công nhân. Qua khảo sát nghiên cứu cho thấy, chính quyền quận, huyện và doanh nghiệp cũng chỉ mới phần nào quan tâm đến người lao động, dừng lại ở chỗ quản lý người lao động trong các khu công nghiệp - khu chế xuất, trong giờ làm việc. Còn vấn đề đời sống của công nhân sau giờ làm việc dường như vẫn còn "bỏ ngỏ".

Thứ hai, kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28-01-2008 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", một số cấp ủy chưa tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện; việc cụ thể hóa, triển khai còn chậm, thậm chí có nơi giao khoán cho tổ chức công đoàn hoặc Ban Tuyên giáo cấp ủy thực hiện. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ công nhân lao động, đào tạo bồi dưỡng cán bộ xuất thân từ những công nhân ưu tú, công tác phát triển Đảng trong công nhân, nhất là trong công nhân lao động khu vực ngoài quốc doanh cũng chưa được quan tâm thực hiện. Các đề án cụ thể triển khai của các ngành của Thành phố còn chậm.

Thứ ba, tác động của khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới làm nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, đời sống công nhân lao động gặp rất nhiều khó khăn, nhưng dù sau hơn một năm triển khai Nghị quyết số 20, một số vấn đề chủ yếu về công nhân chưa có chuyển biến rõ nét, nhất là giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân lao động (nhà ở, tiền lương, thu nhập, nhà trẻ, đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động,...); việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân chưa thật sự được đầu tư đúng mức.

Thứ tư, một số bộ, ngành chậm triển khai chương trình, đề án của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 20 như: Đề án xây dựng nhà ở cho công nhân lao động khu công nghiệp - khu chế xuất; xây dựng các thiết chế văn hóa, nhà trẻ, nhà mẫu giáo, khu vui chơi giải trí, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động. Đặc biệt chưa thực sự quan tâm đến xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật đối với công nhân lao động, nên hệ thống cơ chế, chính sách đối với công nhân lao động chưa đồng bộ; có những chủ trương, chính sách không còn hợp lý, như chính sách tiền lương, chính sách nhà ở, chính sách đào tạo, bồi dưỡng công nhân... nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động vẫn còn diễn ra phổ biến nhưng không được xử lý nghiêm.

Thứ năm, bên cạnh những nguyên nhân trên, bản thân tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh của Thành phố cũng tự nhận thấy một phần trách nhiệm, nội dung và phương thức hành động chậm đổi mới, chưa đáp ứng kịp với đòi hỏi của phong trào công nhân. Đại bộ phận cán bộ công đoàn ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh là người trực tiếp sản xuất, do chủ doanh nghiệp trả lương, không có điều kiện học tập nâng cao trình độ và kỹ năng hoạt động, thậm chí vì "miếng cơm manh áo'' sợ mất việc làm mà thiếu bản lĩnh trong đấu tranh bảo vệ công nhân.

Hướng đi và giải pháp trong thời gian tới

Để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân Thành phố Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Trước hết, tiếp tục quán triệt và thực hiện cụ thể, hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28-01-2008 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Đảng bộ Thành phố xây dựng kế hoạch tổng thể, toàn diện, phát huy vai trò giai cấp công nhân trong giai đoạn mới. Tập trung đầu tư thích đáng cả về vật chất, tinh thần, gắn phát triển kinh tế với bảo đảm các vấn đề xã hội, trước mắt cũng như lâu dài, để tạo điều kiện thuận lợi, phát triển mạnh mẽ giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng. Chủ động và tích cực tham gia giải quyết có hiệu quả những bức xúc của công nhân; trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả chính sách nhà ở cho công nhân có thu nhập thấp theo Quyết định số 20/2009/QĐ của Ủy ban nhân dân Thành phố quy định (các doanh nghiệp xây dựng nhà lưu trú công nhân được ngân sách hỗ trợ toàn bộ lãi vay, thời gian hỗ trợ không quá bảy năm và được vay tối đa 100 tỉ đồng cho một dự án).

Thứ hai, là "đầu tàu" kinh tế của cả nước, Thành phố cần tiếp tục kiên định lập trường và cụ thể hóa trong hoạt động thực tiễn việc tăng cường và giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Vấn đề cốt lõi là, Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, năng lực lãnh đạo công nhân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thành phố.

Thứ ba, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức đảng và các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp (hiện nay hệ thống chính trị rất mỏng, mới chỉ có 1,8% số doanh nghiệp có tổ chức cơ sở đảng). Để việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 20 thực sự có hiệu quả, trong đó, tiếp tục chú trọng tăng cường lãnh đạo và thực thi các chính sách pháp luật để xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của giai cấp công nhân; chăm lo công tác bồi dưỡng, phát triển Đảng trong công nhân, có nhiều hình thức nhằm tăng cường phát triển Đảng tại các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ tư, Thành phố triển khai thực hiện đề án "Gắn sinh hoạt công đoàn với việc ký kết thỏa ước lao động tập thể". Theo đó, tổ chức công đoàn cơ sở sẽ làm việc với doanh nghiệp để thỏa thuận cơ chế dành cho công đoàn ở cơ sở sinh hoạt định kỳ hằng tháng với công nhân, mỗi lần khoảng 1 giờ, để công nhân phát biểu ý kiến, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng về lương bổng, nội quy, chế độ, trình bày những bức xúc và đề xuất với Công đoàn./.

------------------------------------

(1) Khảo sát của đề tài Nghiên cứu Khoa học (Đời sống công nhân KCN - KCX ) năm 2007 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh

(2) Báo cáo công tác năm 2008 của Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh

(3) Khảo sát của đề tài Nghiên cứu Khoa học (Đời sống công nhân KCN - KCX ) năm 2007 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh

(4) Xây dựng, củng cố tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Xây dựng Đảng, ngày 04-05-2009

(5) Báo cáo Lao động, việc làm 6 tháng đầu năm 2009 của Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh