Nâng tầm công tác quản lý nhà nước về du lịch tại Đồng Tháp
Vẫn là “vùng trũng” trên bản đồ du lịch
Mặc dù là một trong những địa danh có tiếng trên thị trường du lịch nội địa cũng như quốc tế, nhưng cho tới thời điểm hiện tại, Đồng Tháp vẫn được xem là “vùng trũng” trong bản đồ du lịch của cả nước.
Theo các nhà chuyên môn đánh giá, nếu so sánh trong vùng, tiềm năng du lịch của Đồng Tháp chỉ ở mức trung bình. Tuy nhiên, đó là khi những tiềm năng đặc thù của tỉnh chưa được phát huy hết. Khi các tiềm năng này được tận dụng, đặc biệt là tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch nhân văn, mà tiêu biểu là các địa danh, như: vùng đất ngập nước Vườn quốc gia Tràm Chim - Tam Nông, khu di tích Gò Tháp, Xẻo Quýt, khu mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc, khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, làng hoa kiểng Sa Đéc, bãi tắm An Hoà, Cồn Tiên, hơn 44 làng nghề nằm trải dài qua các huyện: Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành, Tân Hồng, Hồng Ngự; các lễ hội truyền thống như: lễ giỗ Đốc Binh Vàng, lễ vía bà Chúa Xứ; các món ăn đặc sắc như: nem Lai Vung, hủ tiếu Sa Đéc, bánh phồng tôm Sa Giang, quít hồng Lai Vung, chuột đồng Cao Lãnh..., thì ngành du lịch của tỉnh hoàn toàn có sơ sở để phát triển mạnh. Vấn đề còn lại là công tác quản lý nhà nước nhằm khơi thức và phát huy các tiềm năng này.
Tận dụng lợi thế tiềm năng đặc thù trên, Đồng Tháp đã lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch và các dự án đầu tư cơ sở vật chất, các khu du lịch trọng điểm. Theo đó, tập trung vào 19 khu, điểm du lịch, trong đó 5 khu, điểm du lịch trọng điểm thuộc cấp tỉnh quản lý và ưu tiên đầu tư. Ngoài ra là các khu, điểm du lịch thuộc huyện, thị quản lý, tuy chưa hoàn chỉnh nhưng bước đầu một số đã khai thác và đón khách du lịch.
Từ năm 2003 đến nay, hiệu quả kinh tế xã hội của hoạt động du lịch ngày càng rõ nét, không chỉ mang lại thu nhập cho đối tượng trực tiếp kinh doanh du lịch mà cho cả cộng đồng dân cư địa phương. Sự phát triển của du lịch kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề hỗ trợ khác, đặc biệt, văn hóa bản địa đặc thù của Đồng Tháp có cơ hội được quảng bá, giao lưu với văn hóa vùng, miền trong cả nước và khu vực.
Tuy nhiên, du lịch Đồng Tháp cũng còn một số vấn đề tồn tại đã nhiều năm, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của hoạt động du lịch cũng như hoạt động quản lý nhà nước về du lịch.
Về cơ sở lưu trú du lịch, hiện nay trên địa bàn Đồng Tháp có 23 khách sạn đang hoạt động, trong đó chỉ có 1 khách sạn 3 sao; 11 khách sạn từ 1 đến 2 sao và 752 phòng, trong đó 561 phòng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách quốc tế. Ngoài ra, còn có gần 1.000 nhà nghỉ, nhà khách, nhà trọ với tổng số là gần 8.000 phòng ở, trang thiết bị ở mức bình thường. Công suất sử dụng phòng bình quân hàng năm đã tăng lên, song vẫn là thấp (năm 2007 đạt 47%, năm 2008 đạt 52,83%, và tới tháng 11 năm 2010, tổng doanh thu đạt 72 tỉ đồng, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2000).
Về hệ thống cơ sở ăn uống, tỉnh chỉ có 6 nhà hàng nằm trong khách sạn, 2 nhà hàng tại 2 khu du lịch, ngoài ra là hệ thống cơ sở ăn uống chuyên doanh nằm ngoài hệ thống du lịch, với 471 nhà hàng, quán ăn, tiệm ăn có sức chứa là 20.770 chỗ ngồi. Nhìn chung, các cơ sở này phát triển mạnh chủ yếu ở trung tâm thị xã Sa Đéc và thành phố Cao Lãnh; hầu hết các chủ cơ sở và nhân viên phục vụ chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ nhà hàng, làm theo kinh nghiệm thực tế nên chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng phục vụ du lịch chất lượng cao.
Công tác quản lý nhà nước về du lịch phải tạo một môi trường thuận lợi để du lịch phát triển như một ngành công nghiệp mũi nhọn. Quản lý theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, bị động, thiếu minh bạch sẽ làm cho du lịch khó phát triển. Đào tạo nghề “quản lý du lịch” bài bản, để có nguồn nhân lực quản lý có trình độ là một đòi hỏi cấp bách hiện nay.
Rõ ràng, việc phát triển du lịch ở Đồng Tháp còn gặp không ít khó khăn, mà trước hết là hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch thiếu thốn, gây khó khăn cho việc hình thành các tour du lịch khép kín. Nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển du lịch hạn chế, nên bản thân các khu di tích và nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian, như: lễ hội, hoạt động của các làng nghề thủ công truyền thống..., cũng chưa được đầu tư, tôn tạo và phát triển đúng mức. Cơ chế quản lý khai thác các khu di tích, văn hóa, điểm du lịch thiếu đồng bộ và chưa chú trọng đến việc khai thác các dịch vụ du lịch nên chất lượng dịch vụ thấp, sản phẩm du lịch không được bổ sung và đổi mới, do đó chưa mang lại hiệu quả thiết thực, chưa thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
Mặt khác, hệ thống giao thông dẫn đến các khu, điểm du lịch chưa đồng bộ (cầu yếu, mặt đường hẹp) đã cản trở hoạt động du lịch, giảm hấp dẫn khi kêu gọi các nguồn vốn đầu tư. Vấn đề vệ sinh môi trường, nước sạch sinh hoạt còn bất cập, thực trạng thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có trình độ quản lý, tổ chức, phục vụ du lịch... cũng ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của ngành du lịch Đồng Tháp.
Tháo gỡ khó khăn để tiếp tục phát triển
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, những thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về du lịch của tỉnh là, việc quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2001 - 2010 và định hướng đến 2020, được ủy ban nhân dân tỉnh ban hành năm 2003, đã tạo tính chủ động và cơ sở cho công tác lập quy hoạch dự án và kêu gọi đầu tư vào các khu, điểm du lịch trên địa bàn.
Tuy nhiên, công tác quản lý xuất, nhập cảnh chưa thông thoáng, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư vào các khu du lịch còn nhiều hạn chế, hệ thống giao thông không đồng bộ với trọng tải các cầu nhỏ (8 tấn), việc huy động vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư, kinh doanh du lịch chưa hiệu quả... đã trở thành những thách thức không nhỏ đối với sự phát triển ngành du lịch và công tác quản lý nhà nước về du lịch.
Ông Đặng Văn Hoàng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cho rằng, tác động từ công tác quản lý nhà nước vào ngành du lịch Đồng Tháp chưa đủ mạnh để ngành này có thể phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế của nó, chẳng hạn: Những bất cập về cơ chế thu hút đầu tư, chính sách thuế, xúc tiến, quảng bá, phát triển nguồn nhân lực; việc đầu tư phát triển chưa tập trung, thiếu tính khoa học, mang nặng tính tự phát; việc nhiều thành phần kinh tế được phép tham gia kinh doanh các dịch vụ du lịch song không theo một quy chuẩn thống nhất đã tạo nên sản phẩm du lịch không đồng đều, chất lượng kém; việc chấp hành luật pháp và các quy định của các cơ sở kinh doanh du lịch chưa nghiêm.
Nâng tầm và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch ở Đồng Tháp do đó được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết. Theo ông Đặng Văn Hoàng, trước hết, du lịch Đồng Tháp cần phát triển theo tổ chức không gian du lịch (cụm du lịch) trong quy hoạch tổng thể và theo 3 vùng kinh tế của tỉnh: Vùng I gồm thành phố Cao Lãnh và các huyện lân cận, hạt nhân là thành phố Cao Lãnh; vùng II gồm các huyện bờ Nam sông Tiền, hạt nhân là thị xã Sa Đéc; vùng III là khu vực biên giới gồm thị xã Hồng Ngự và huyện Tân Hồng, hạt nhân là Hồng Ngự.
Tỉnh Đồng Tháp cũng sẽ tập trung chỉ đạo và tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp khai thác có hiệu quả thị trường khách Căm-pu-chia bằng hai tuyến đường bộ và đường thủy. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải tập trung ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông bảo đảm xe 50 chỗ đi đến được các khu, điểm du lịch, qua đó thúc đẩy các tour du lịch nội tỉnh.
Công tác quản lý nhà nước về du lịch của tỉnh hướng tới mục tiêu vừa tạo sự thống nhất, khoa học trong phát triển, vừa xây dựng hành lang pháp lý và những điều kiện thuận lợi, dễ dàng nhất để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho ngành du lịch. Xây dựng du lịch của Đồng Tháp trở thành một thương hiệu có đẳng cấp không chỉ ở thị trường nội địa, mà còn quảng bá rộng rãi ra thị trường quốc tế, gắn với hạ tầng du lịch hiện đại, dựa trên nền văn hóa bản địa truyền thống để nhân cấy và tạo dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao.
Tất nhiên, ngoài việc phát huy và tận dụng những lợi thế sẵn có và nội lực, Đồng Tháp cũng đang mở rộng cánh cửa để đón các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài vào du lịch, nhằm từng bước đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh và phát triển mạnh tại vùng đồng bằng sông Cửu Long./.
Những vấn đề đặt ra trong phân cấp nhà nước về quản lý kinh tế - xã hội  (18/05/2011)
Công bố danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII  (17/05/2011)
Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội khóa XIII  (17/05/2011)
Trách nhiệm của đảng viên trước cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016  (17/05/2011)
Tổng quan kinh tế năm 2010  (17/05/2011)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay