Bước phát triển mới trong Quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia
Hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đã 40 năm (24-6-1967 - 24-6-2007). Trong lịch sử, nhân dân hai nước luôn sát cánh bên nhau chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, viết nên những trang sử vẻ vang của hai dân tộc. Có thể nói quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia là mối quan hệ lịch sử, truyền thống, láng giềng thân thiết, đang ngày càng được củng cố và phát triển.
Từ mối quan hệ truyền thống
Trong gần 10 năm (1979 - 1988), Việt Nam đã đào tạo trong nước hơn 5.000 cán bộ Cam-pu-chia trong mọi ngành nghề; cử hàng vạn lượt chuyên gia giảng dạy sang Cam-pu-chia trong thời hạn từ 1 đến 5 năm để giúp bạn đào tạo tại chỗ hơn 10.000 cán bộ kỹ thuật, gần 6.000 cán bộ có trình độ từ sơ cấp đến đại học. |
Việt Nam và Cam-pu-chia đã có mối quan hệ thân thiết, chia ngọt xẻ bùi; truyền thống đoàn kết chiến đấu của hai dân tộc thấm đượm tinh thần cách mạng. Hai nước cùng nhau trải qua thời kỳ đánh thực dân Pháp, đuổi phát-xít Nhật, chống đế quốc Mỹ, giành được thắng lợi hoàn toàn, mang lại nền độc lập dân tộc. Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác đã được chính phủ Việt Nam và Cam-pu-chia ký ngày 18-2-1979 mở ra trang mới trong quan hệ giữa hai nước.
Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hai nước thực hiện phương châm "tài nguyên của bạn, lao động kỹ thuật Việt Nam, vốn góp chung hoặc vay của nước thứ ba". Từ năm 1983 đến năm 1987, Việt Nam đã giúp Cam-pu-chia nâng cao sản lượng gỗ khai thác lên 340.000 m3, tạo nguồn thu ngoại tệ cho Cam-pu-chia, đồng thời bổ sung nguồn gỗ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa của cả hai nước. Hợp tác gây trồng, khai thác và chế biến cao-su, từ năm 1985 đến năm 1988, Việt Nam giúp Cam-pu-chia khôi phục và chăm sóc 4.000 ha đất, xây dựng nhà máy chế biến mủ cao-su có công suất 4.000 tấn/năm tại tỉnh Rat-ta-na-ki-ri với vốn đóng góp 45 triệu Rien.
Kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nước ngày càng tăng. So với năm 1983, năm 1984 tăng 1,7 lần, năm 1985 tăng hơn 1,8 lần, năm 1986 là 2,8 lần và năm 1987 tăng 3,1 lần. Hợp tác vận tải quá cảnh giữa hai nước giai đoạn 1980 - 1988, bình quân đạt 120.000 tấn.
Việt Nam đã thực hiện ở Cam-pu-chia hơn 700 công trình và hạng mục công trình, bao gồm công trình cầu đường, công trình thủy lợi, đóng ô-tô và xà lan... Chỉ trong 2 năm 1987 - 1988, Thành phố Phnôm-pênh và Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng 8 cơ sở liên doanh thuộc các ngành thủy sản, giao thông - vận tải, du lịch, thương nghiệp và dịch vụ. Từ năm 1985 đến năm 1988, các chuyên gia giao thông - vận tải hai nước đã hoàn thành kế hoạch nghiên cứu vận chuyển đường thủy; cán bộ khoa học hai nước đã hoàn thành công tác đào tạo, tập huấn nghiên cứu bảo vệ môi trường và tài nguyên quý hiếm.
Trong năm 1994, hai bên đã ký kết một số Hiệp định quan trọng như: - Hiệp định về thành lập Ủy ban Hỗn hợp hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia và chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. - Hiệp định về Hợp tác kinh tế - thương mại Cam-pu-chia - Việt Nam - Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Cam-pu-chia và Việt Nam |
Một trong những hoạt động thiết thực nhất trong công tác viện trợ không hoàn lại giữa hai nước là hoạt động kết nghĩa giữa các tỉnh của Việt Nam với Cam-pu-chia. Các tỉnh kết nghĩa của Việt Nam đã giúp đỡ Cam-pu-chia chống nạn đói, cụ thể là 63 nghìn tấn gạo, bột mì, 4 nghìn tấn thực phẩm, 1 nghìn tấn thuốc, 100 nghìn mét vải, 500 nghìn cuốn vở học trò, gần 60 nghìn tấn giống lúa, ngô, đỗ, lạc, gần 50 nghìn con giống gia súc, gia cầm, hàng trăm nghìn dụng cụ sản xuất. Hàng loạt các thiết bị, máy móc, vật tư nhằm khôi phục hệ thống điện, nước, điện thoại, truyền thanh, làm mới hệ thống kho tàng, ngân hàng, cửa hàng, trường học đều được chuyển sang Cam-pu-chia. Chỉ tính trong tháng 1-1979, các bộ, các ngành, địa phương của Việt Nam đã san sẻ, giúp bạn số hàng hóa trị giá 704 triệu đồng. Trong kế hoạch 5 năm (1981 - 1985), Việt Nam đã viện trợ cho Cam-pu-chia 906 triệu đồng. Như vậy giai đoạn 1979 - 1985, Việt Nam đã viện trợ không hoàn lại cho Cam-pu-chia số tiền 1.610 triệu đồng. Từ năm 1986 - 1988, Việt Nam tiếp tục viện trợ không hoàn lại 2.300 triệu đồng.
Đến bước phát triển mới trong giai đoạn hiện nay
Về phương diện chính trị, nhất quán phương châm phát triển quan hệ hai nước theo hướng "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, ổn định", những chuyến thăm ngoại giao của lãnh đạo cấp cao hai nước liên tục được thiết lập và phát triển. Đó là các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Cam-pu-chia như Chủ tịch nước Lê Đức Anh (năm 1995), Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (năm 1999), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (năm 2005), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (năm 2006), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (từ ngày 27-2 đến ngày 1-3-2007), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (tháng 4-2007). Phía Cam-pu-chia có các đoàn lãnh đạo cao cấp sang thăm Việt Nam như chuyến thăm Việt Nam của Quốc Vương Nô-rô-đôm Xi-ha-núc (năm 1998), Chủ tịch Quốc Hội N. Ra-na-rit (năm 1999), Quốc vương Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni (năm 2006).
Trong các cuộc hội kiến giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với các nhà lãnh đạo cấp cao Cam-pu-chia như Chủ tịch Thượng viện Sam-đếch Chi-a Sim, Chủ tịch Quốc hội Sam-đếch Heng Sam-rin và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Sam-đếch Hun Sen, hai bên đã khẳng định quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước là tài sản vô giá của hai dân tộc. Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì sẽ không có đất nước Cam-pu-chia ngày hôm nay. Việt Nam đã giúp đất nước Cam-pu-chia hồi sinh.
Trong tình hình nền chính trị đa đảng ở Cam-pu-chia, Việt Nam chủ trương duy trì, củng cố quan hệ với các đảng phái, tổ chức chính trị của Cam-pu-chia, đặc biệt là hai Đảng CPP và FUNCINPEC. Với CPP, Việt Nam xác định mối quan hệ giữa hai đảng là nền tảng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai chính phủ cũng như nhân dân hai nước. Bên cạnh đó, Việt Nam đã xúc tiến tìm hiểu, mở rộng quan hệ với các tổ chức quần chúng, xã hội khác của Cam-pu-chia; tranh thủ quan hệ hợp tác chính trị giữa hai nhà nước, đặc biệt với các phe phái, lực lượng chính trị của Cam-pu-chia nhằm thể hiện rõ thiện chí của Việt Nam, góp phần đẩy lùi các thế lực thù địch chống Việt Nam.
Tiếp nối quan hệ ngoại giao cấp cao, quan hệ giao lưu hợp tác giữa các tổ chức hữu nghị của nhân dân hai nước cũng có những bước phát triển như sự ra đời của Liên minh xã hội dân sự vì an ninh con người; đoàn kết nhân dân hai nước vì sự phát triển của đất nước Cam-pu-chia; khôi phục Hội hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia.
Hai nước đã ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 và tiến hành cắm cột mốc đầu tiên tại Bà Vẹt - Mộc Bài (tháng 9-2006). Đây là sự kiện quan trọng có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia, góp phần xây dựng tuyến biên giới hòa bình, ổn định và lâu dài.
Về phương diện kinh tế, hai bên đã ký Hiệp định kinh tế - thương mại từ năm 1994. Từ đó đến nay, quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Cam-pu-chia phát triển mạnh với tổng kim ngạch buôn bán hai chiều tăng trung bình trên 30%/năm. Từ chỗ kim ngạch buôn bán giữa hai nước chỉ đạt 117 triệu USD (năm 1998), năm 2004 con số này đã tăng gấp 5 lần.
Trong giai đoạn từ 1995 - 2000, chính phủ hai bên đã ký nhiều hiệp định làm cơ sở cho hợp tác song phương: - Bản ghi nhớ giữa Tổng cục Bưu điện Việt Nam và Bộ Bưu điện Cam-pu-chia (năm 1995). - Hiệp định về hợp tác phòng chống tội phạm giữa Bộ Nội vụ Cam-pu-chia và Bộ Nội vụ Việt Nam (năm 1997). - Hiệp định vận tải đường bộ, Hiệp định vận tải đường thủy giữa Cam-pu-chia và Việt Nam (năm 1998). - Nghị định thư về hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nhà nước Việt Nam - Cam-pu-chia (năm 1999). - Hiệp định về việc tìm kiếm hài cốt các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất Cam-pu-chia và Hiệp định hợp tác về nông - lâm - ngư nghiệp giữa hai nước (năm 2000). |
Năm 2005, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước tiếp tục tăng 34% so với năm 2004, đạt trên 700 triệu USD. Riêng 8 tháng đầu năm 2006, kim ngạch xuất khẩu song phương đã tăng 42,3%, đạt 461 triệu USD. Việt Nam hiện là bạn hàng lớn thứ ba của Cam-pu-chia trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Cam-pu-chia.
Tiềm năng phát triển quan hệ thương mại Việt Nam và Cam-pu-chia còn rất lớn, đặc biệt là những nỗ lực của hai nước trong tiến trình hình thành khu mậu dịch tự do của ASEAN (AFTA), các chương trình phát triển liên vùng như Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia, Hành lang Đông- Tây (WEC)...
Tại Hội nghị hợp tác phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam- Cam-pu-chia lần thứ ba (tháng 12-2006), hai bên đã nhất trí tăng cường phối hợp xúc tiến thương mại, xây dựng thêm các chợ biên giới nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và dịch vụ ở khu vực biên giới; tăng cường các biện pháp chống buôn lậu, hàng và tiền giả qua biên giới hai nước.
Trong lĩnh vực đầu tư, tổng số vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tại Cam-pu-chia đạt 25 triệu USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, khách sạn, chế biến gỗ. Tuy nhiên, con số này sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Về phía Cam-pu-chia, tính đến 20-12-2005 có 4 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với số vốn 4 triệu USD, đứng thứ 59 trong tổng số 74 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam(1).
Trong lĩnh vực hợp tác nông nghiệp, hai bên đã gặp gỡ và trao đổi về dự thảo Hiệp định hợp tác về nông - lâm - ngư nghiệp giữa hai nước. Phía Việt Nam hỗ trợ Cam-pu-chia mở lớp học tập kinh nghiệm và thực hiện các dự án về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn.
Tại Hội nghị các nước trong lưu vực sông Mê-công về tuân thủ Luật Nông nghiệp, Việt Nam và Cam-pu-chia cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong ngăn chặn khai thác gỗ và xuất khẩu gỗ trái phép, cũng như hoạt động buôn bán các động vật, thực vật quý hiếm qua biên giới hai nước. Việt Nam giúp Cam-pu-chia trong việc ngăn chặn dịch chuột, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Trong lĩnh vực hợp tác giao thông vận tải và năng lượng - điện, hai nước đã triển khai và thực hiện các hiệp định đã được ký kết. Việt Nam tiến hành nâng cấp tuyến đường bộ xuyên Á từ ngã ba Thủ Đức đến cửa khẩu Mộc Bài dài 80 km. Hiện nay có một số công ty Việt Nam sang thực hiện các công trình giao thông ở Cam-pu-chia như Công ty xây dựng dầu khí (Bộ Xây dựng), Tổng Công ty xây dựng Công trình giao thông số 5 và số 6, Công ty phát triển kinh doanh nhà Cửu Long.
Trên cơ sở Hiệp định thương mại về điện được hai bên ký kết (tháng 7-2000), hợp đồng cung cấp điện cao thế cho thủ đô Phnôm-pênh, hợp đồng cung cấp điện trung thế cho 10 điểm dọc biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia giáp với các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Long An (Việt Nam) đã được thực hiện. Ngoài ra, Việt Nam giúp bạn xây dựng đường dây tải điện, trạm biến thế, nhà máy thủy điện Sê San 1, nhà máy thủy điện Hạ Sê San 2 tại tỉnh Rat-ta-na-ki-ri của Cam-pu-chia.
Trong lĩnh vực hợp tác du lịch, Tổng cục du lịch Việt Nam đã đào tạo cho Cam-pu-chia 30 cán bộ ngành du lịch. Hiện nay có 12 doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam ký hợp đồng với 7 công ty lữ hành Cam-pu-chia. Khách du lịch của hai nước có xu hướng ngày càng tăng. Hai bên thỏa thuận lập văn phòng đại diện ở mỗi nước, xây dựng tuyến du lịch xuyên quốc gia dọc sông Mê-công do ESAP và ADB tài trợ.
Và triển vọng hợp tác
Trong thời gian tới, hai bên tiếp tục duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, tạo nền móng phát triển mới trong quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Chung đường biên giới hơn 1.000 km với Cam-pu-chia, Việt Nam có 7 khu kinh tế cửa khẩu, 43 cửa khẩu và 23 chợ biên giới. Đây là điều kiện thuận lợi cho thương mại chính ngạch và buôn bán tiểu ngạch giữa hai nước. |
Trước mắt, hai bên tập trung ưu tiên hợp tác trong một số lĩnh vực liên quan tới các tỉnh biên giới, như: Tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại; thực hiện các cơ chế ưu đãi về thuế và hải quan; tăng cường các biện pháp kiểm soát và chống buôn lậu hàng giả qua biên giới; nâng cấp các cửa khẩu biên giới, xây dựng các tuyến đường nối giữa các tỉnh hai nước; khuyến khích các doanh nghiệp hai bên hợp tác trồng và chế biến các sản phẩm nông nghiệp tại khu vực biên giới; hợp tác giữ gìn, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ sinh thái; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, du lịch; tăng cường trao đổi các đoàn giao lưu văn hóa, nghệ thuật và giao lưu quần chúng giữa các tỉnh biên giới.
Việt Nam và Cam-pu-chia có chung đường biên giới chạy qua 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Cam-pu-chia. Do vậy, việc phân giới cắm mốc đường biên giới đóng vai trò quan trọng. Hai nước khẳng định quyết tâm hoàn thành kế hoạch phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia vào cuối năm 2008; triển khai phân giới cắm mốc tại sáu cặp cửa khẩu quốc tế là Xa Mat (Tây Ninh) - Tra-ping (Kông Pông Chàm); Bo-nuy (Bình Phước) - Tra-ping Xrê (Kra-ti-ê); Lệ Thanh (Gia Lai) - O Y-a-da (Rat-ta-na-ki-ri); Thường Phước và Vĩnh Xương (Đồng Tháp, An Giang) - Cốc Rô-ka, Ka-oam Xam-no (Prêy Veng, Can-dan); Tịnh Biên (An Giang) - Phnôm Đin (Tà Keo) và Xà Xía (Kiên Giang) - Prếch Chắc (Cam Pốt) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư.
Hai nước còn tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo vệ an ninh khu vực biên giới, tăng cường tuần tra chung trên bộ và trên biển, ngăn chặn các đối tượng vượt biên bất hợp pháp, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm khủng bố ở khu vực biên giới chung.
Trong quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, hai bên phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương đạt 2 tỉ USD vào năm 2010. Phía Việt Nam cam kết phối hợp với Cam-pu-chia khởi công dự án xây dựng đoạn đường 78 từ Ban Lung đi Ô-da-đao vào năm 2007, nghiên cứu dự án xây cầu Long Bình (An Giang) nối với Chrây Thom (Kan-đan). Việt Nam sẽ đầu tư kinh phí cho 3 dự án xây dựng, gồm một ký túc xá tại Rat-ta-na-ki-ri, một khu chợ biên giới và ba trường học giáp biên giới, với tổng kinh phí hơn 3 triệu USD.
Trong hợp tác liên khu vực, Việt Nam - Cam-pu-chia tăng cường thúc đẩy hợp tác thông qua các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng, khu vực ASEAN, ASEM, GMS, CLMV, tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia và các diễn đàn hợp tác quốc tế như Liên hợp quốc, Phong trào không liên kết, tổ chức Pháp ngữ nhằm đáp ứng mong mỏi của nhân dân hai nước vì hòa bình, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
(1) www.mofa.gov.vn, ngày 5-9-2007
Thế giới chao đảo  (18/06/2007)
Về các giải pháp nhằm đổi mới công tác nghiên cứu, phát triển lý luận  (18/06/2007)
Quản lý báo chí trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay  (18/06/2007)
Bàn về lãnh đạo và quản lý trong công cuộc cải cách hành chính  (18/06/2007)
Du lịch Việt Nam dưới góc nhìn của báo chí quốc tế  (15/06/2007)
5 lý do khiến du khách quốc tế đến Việt Nam  (15/06/2007)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển