Ăng-gô-la: Đối tác trọng điểm trong phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi

Nguyễn Mai Phương Ban Đối ngoại Trung ương
10:35, ngày 28-12-2018

TCCS - Ăng-gô-la là đất nước châu Phi rất quen thuộc đối với nhiều người dân Việt Nam. Tình cảm hữu nghị và đoàn kết giữa Việt Nam và Ăng-gô-la được nuôi dưỡng từ những năm tháng cùng sát cánh ủng hộ nhau trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong thập niên 60 - 70 của thế kỷ XX. Kể từ đó đến nay, mối quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống giữa hai nước luôn được duy trì và phát triển, tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ăng-gô-la trên nhiều lĩnh vực.

Ăng-gô-la: Quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển

Nằm ở phía Tây Nam châu Phi, Ăng-gô-la có nhiều ưu thế nổi bật so với các quốc gia khác trong khu vực: một đất nước khá rộng lớn với toàn bộ đường biên ở phía Tây giáp với vùng biển Đại Tây Dương, diện tích lên đến 1.246.700km2, dân số chưa đến 30 triệu người. Bên cạnh đó, lợi thế đa dạng về nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ và kim cương đã giúp Ăng-gô-la trở thành quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển.

Tuy nhiên, trong lịch sử Ăng-gô-la phải trải qua những chặng đường quanh co, khúc khuỷu với những chướng ngại cản trở sự phát triển của đất nước. Thứ nhất, là việc Bồ Đào Nha xâm chiếm và biến Ăng-gô-la trở thành thuộc địa của nước này trong suốt 5 thế kỷ kể từ thế kỷ XV. Đến tháng 4-1974, Bồ Đào Nha mới tuyên bố trao trả độc lập cho Ăng-gô-la. Tháng 11-1975, Ăng-gô-la chính thức tuyên bố độc lập. Thứ hai, cuộc nội chiến kéo dài ngay sau khi Ăng-gô-la giành được độc lập (năm 1975 - 2002) giữa hai phe phái chính là Phong trào nhân dân giải phóng Ăng-gô-la (MPLA) và Liên minh quốc gia vì nền độc lập toàn vẹn Ăng-gô-la (UNITA).

Cơ hội tái thiết và phát triển đất nước Ăng-gô-la được mở ra chỉ sau khi cuộc nội chiến chấm dứt với thắng lợi thuộc về MPLA. Ăng-gô-la xây dựng quốc gia theo chính thể cộng hòa tổng thống, quyền lực tập trung trong tay tổng thống - người đứng đầu quốc gia, đứng đầu đảng cầm quyền, nhà nước và chính phủ. Trong trào lưu chung cải cách dân chủ ở châu Phi những năm 90 của thế kỷ XX, hệ thống đảng chính trị của Ăng-gô-la đã chuyển từ một đảng sang đa đảng vào năm 1992. Tổng thống đương nhiệm Giô-xê Ê-đu-a-đô Đốt Xan-tốt là người nắm quyền liên tục tại quốc gia này từ năm 1979, khi vượt lên giành chiến thắng trong các cuộc tổng tuyển cử.

Là đất nước giàu tài nguyên thiên nhiên nên cơ cấu kinh tế của Ăng-gô-la tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp khai khoáng. Công nghiệp chiếm đến 65,8% GDP của Ăng-gô-la, với các sản phẩm công nghiệp chủ yếu là dầu mỏ, vàng, kim cương, sắt, bô-xít, u-ra-ni-um... Dầu mỏ chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu của Ăng-gô-la với số lượng dự trữ dầu khoảng 3,1 tỷ thùng, còn kim cương là ngành xuất khẩu lớn thứ hai của nước này sau dầu mỏ(1). Để khắc phục tình trạng phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, Ăng-gô-la đã nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế. Nông nghiệp và hàng tiêu dùng đang là những lĩnh vực mà Ăng-gô-la muốn tập trung đầu tư. Mặc dù trước nội chiến Ăng-gô-la từng là nước xuất khẩu cà-phê (đứng thứ 4 thế giới) và nhiều sản phẩm nông sản khác, song những năm tháng nội chiến đã khiến Ăng-gô-la không còn khả năng tự cung, tự cấp. Đến nay, Ăng-gô-la vẫn phải nhập khẩu lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Để giảm độ rủi ro do bất ổn xã hội và phát triển không bền vững đem lại, trong những năm gần đây, Ăng-gô-la tích cực tiến hành đẩy mạnh và đa dạng hóa nền kinh tế. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ Ăng-gô-la đã triển khai một số chương trình nhằm gia tăng sản lượng nông nghiệp, phát triển khu vực hộ sản xuất nhỏ và hoạt động sản xuất tại địa phương. Đơn cử như, Chương trình “Buy National Program” (năm 2011) để khuyến khích các địa phương đẩy mạnh sản xuất, cung ứng nguồn thực phẩm ngay tại chỗ, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn thực phẩm, lương thực nhập khẩu. Hiện nay, nền kinh tế Ăng-gô-la đang từng bước được tái thiết. Năm 2017, GDP của Ăng-gô-la đạt 124 tỷ USD, tăng 1,5 lần so với năm 2016.

Về đối ngoại, Ăng-gô-la theo đường lối không liên kết, đa dạng hóa quan hệ với các nước, đồng thời tham gia nhiều tổ chức quốc tế và khu vực, như Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC), Cộng đồng các nước nói tiếng Bồ Đào Nha (PALOP), Thị trường chung của Đông Nam Phi (COMESA), Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB)... Qua sự tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực của Ăng-gô la, có thể thấy, mục tiêu đối ngoại của Ăng-gô-la tập trung theo ba hướng cơ bản: 1- Ưu tiên hợp tác với các nước cùng tiểu khu vực miền Nam châu Phi và các nước sử dụng tiếng Bồ Đào Nha; 2- Tranh thủ mở rộng quan hệ hợp tác với các nước lớn; 3- Tiếp tục duy trì quan hệ với các nước bạn bè truyền thống. Ăng-gô-la hy vọng rằng, chính sách đối ngoại sẽ phục vụ tốt cho các mục tiêu đối nội, đặc biệt là đối với sự phát triển kinh tế - xã hội sau bao năm chìm đắm trong nội chiến và bạo lực.

Một số kết quả hợp tác nổi bật trong quan hệ Việt Nam và Ăng-gô-la

Việt Nam và Ăng-gô-la chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 12-11-1975, một ngày sau khi Ăng-gô-la giành độc lập. Những điểm tương đồng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước hiện nay đã tạo nên nền tảng vững chắc cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ăng-gô-la, không chỉ về chính trị - ngoại giao mà còn về kinh tế, văn hóa, giáo dục...

Về hợp tác chính trị - ngoại giao, kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp luôn được hai nước gìn giữ, củng cố và phát triển, trên tinh thần hữu nghị hợp tác quốc tế. Tháng 10-2002, Việt Nam đã mở Đại sứ quán tại Thủ đô Lu-an-đa. Tiếp đến, tháng 2-2012, Đại sứ quán Ăng-gô-la được mở tại Thủ đô Hà Nội và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6-2012.

Hai bên thường xuyên trao đổi nhiều đoàn cấp cao và đoàn ngoại giao sang thăm lẫn nhau. Nhiều nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã sang thăm chính thức Ăng-gô-la, trong đó có các đoàn của Chủ tịch nước Trần Đức Lương (tháng 10-2002); Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 4-2008); Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (tháng 8-2013); Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh (tháng 8-2013); Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (tháng 8-2015); Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình (tháng 12-2016)... Phía Ăng-gô-la sang thăm Việt Nam có các đoàn: Chủ tịch Quốc hội Rô-béc-tô Đê An-mây-đa (tháng 10-2004), Phó Tổng thống Phéc-nan-đô Đi-át Đốt Xan-tốt (tháng 2-2012), Quốc Vụ khanh pháp chế Phủ Tổng thống Phlo-be-la Rô-sa (tháng 3-2013), Bộ trưởng Nội vụ Ba-rô-xơ V. Ta-va-rét (tháng 10-2014), Bộ trưởng Ngoại giao G. R. Pin-tô Chi-cô-ti (tháng 4-2017)... Các chuyến thăm không chỉ minh chứng cho tình cảm và sự quan tâm của các bên dành cho nhau mà còn thể hiện quyết tâm chính trị của hai nước mong muốn tăng cường và thúc đẩy sự hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực hiện nay cũng như trong tương lai. Các cơ chế hợp tác, như tham khảo chính trị cấp thứ trưởng ngoại giao, Ủy ban liên Chính phủ, được hai nước duy trì hiệu quả. Đến nay, hai bên đã tổ chức được 6 kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ, kỳ họp gần đây nhất diễn ra vào tháng 10-2013 tại Hà Nội. Hai bên còn phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, như Liên hợp quốc, WTO, IMF, WB,... Ăng-gô-la khẳng định ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Về hợp tác kinh tế, trong nhiều năm qua, quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Ăng-gô-la đã có những bước phát triển quan trọng, đặc biệt kể từ khi hai nước ký Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Ăng-gô-la (tháng 5-1978, ký lại vào tháng 4-2008) và Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học - kỹ thuật (năm 1979). Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 68,5 triệu USD(2), trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ăng-gô-la đạt 37,6 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 30,9 triệu USD(3). Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ăng-gô-la bao gồm gạo (chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu), hàng dệt may, giày dép, máy móc thiết bị phụ tùng, sản phẩm hóa chất, thủy sản, xe máy... Việt Nam nhập khẩu từ Ăng-gô-la chủ yếu các mặt hàng sắt, thép, kính an toàn, thức ăn gia súc và nguyên liệu, trong khi Ăng-gô-la có nhiều mặt hàng khác có thế mạnh trong xuất khẩu, như dầu thô, khí hóa lỏng, quặng kim loại, kim cương,...

Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, tính đến tháng 12-2012, Việt Nam đã đầu tư 6 dự án vào Ăng-gô-la, với tổng giá trị đạt 5,3 triệu USD(4), tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất tấm lợp, xe gắn máy, hàng may mặc, đồ điện tử - điện lạnh, đồ uống đóng chai. Tại Hội thảo về thương mại và đầu tư Việt Nam - Ăng-gô-la diễn ra ở Thủ đô Hà Nội (năm 2013) do hai bên đồng tổ chức, Đại sứ Ăng-gô-la tại Việt Nam Gi. Ma-nu-en Béc-nan-đô đã khẳng định Ăng-gô-la có chính sách đầu tư khá hấp dẫn và cởi mở cho các đối tác nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Ăng-gô-la Đỗ Bá Khải kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào một số lĩnh vực nổi bật của Ăng-gô-la, như y tế, chăm sóc sức khỏe, xây dựng và thương mại. Tại Hội thảo hai bên đã thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Ăng-gô-la nhằm liên kết doanh nghiệp Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam tại Ăng-gô-la để nâng cao quy mô và tăng sức cạnh tranh, đưa ra các ý tưởng kinh doanh trong những lĩnh vực có khả năng tạo lợi nhuận cao ở Ăng-gô-la.

Bên cạnh các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thời gian qua, Việt Nam và Ăng-gô-la đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác song phương quan trọng khác, như Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học - kỹ thuật (năm 1979); các hiệp định về cử chuyên gia Việt Nam sang Ăng-gô-la hợp tác trong lĩnh vực giáo dục (năm 1995), lĩnh vực y tế (năm 1996); Nghị định thư hợp tác hai giữa Bộ Ngoại giao hai nước (năm 2002); Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ (năm 2008); Hiệp định thư hợp tác về chuyên gia giáo dục, Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (năm 2011); Nghị định thư về hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực giáo dục đại học, Nghị định thư về hợp tác văn hóa (năm 2012)... Hai nước cũng đang hướng tới ký kết những hiệp định mới để phục vụ nhu cầu hợp tác đang ngày càng gia tăng của hai bên. Chẳng hạn như, Hiệp định về đào tạo nguồn nhân lực, an sinh xã hội và lao động; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng; Hiệp định hợp tác văn hóa; Hiệp định về người lao động Việt Nam làm việc có thời hạn tại Ăng-gô-la.

Về hợp tác trong lĩnh vực lao động, kể từ năm 1986 Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp cũng như những doanh nhân hoạt động trong các lĩnh vực thương mại và sản xuất, sang công tác tại Ăng-gô-la. Các chuyên gia y tế và giáo dục của Việt Nam ở Ăng-gô-la hiện có khoảng 250 người và Ăng-gô-la vẫn tiếp tục đón nhận các chuyên gia y tế và giáo dục của Việt Nam sang công tác tại các địa phương. Theo số liệu thống kê của Đại sứ quán Việt Nam tại Ăng-gô-la, tính đến năm 2013, cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc ở Ăng-gô-la là cộng đồng lớn nhất tại châu Phi với hơn 30.000 người. Trong số đó có những chuyên gia sau đợt công tác đã ở lại sinh sống tại Ăng-gô-la, do đó có những hiểu biết khá rõ về tập tục, văn hóa, pháp luật và thông thạo địa bàn khu vực châu Phi nói chung cũng như đất nước Ăng-gô-la nói riêng. Tháng 4-2016, Hội người Việt Nam tại Ăng-gô-la đã được Chính phủ Ăng-gô-la cấp phép hoạt động chính thức. Có thể nói, đội ngũ kiều bào tại đây là cơ sở và cầu nối để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống của Việt Nam với Ăng-gô-la trong tương lai.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng, sự hợp tác giữa hai nước thời gian qua cũng được mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, như nông nghiệp, dầu khí, viễn thông, ngân hàng,... và đều đạt những kết quả khả quan.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp của Ăng-gô-la dù đang có những bước phát triển mạnh, song vẫn không đủ để cung cấp lương thực cho nhu cầu của người dân. Hằng năm, Ăng-gô-la phải nhập khẩu khoảng 400.000 tấn gạo, người dân Ăng-gô-la (đặc biệt ở nông thôn) thường xuyên bị nỗi lo thiếu lương thực và bệnh tật đe dọa. Bởi vậy, các doanh nghiệp Ăng-gô-la rất quan tâm đến việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam để có thể bảo đảm được nhu cầu lương thực cho nhân dân. Về phía Việt Nam, bên cạnh việc tăng cường xuất khẩu gạo sang nước bạn, Việt Nam đã cử các chuyên viên sang Ăng-gô-la chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành nông nghiệp. Năm 2010 và 2012, Đoàn khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã sang Ăng-gô-la để thành lập Dự án phát triển lúa gạo tại Ăng-gô-la. Tại phiên họp của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Ăng-gô-la (tháng 10-2013), Dự án tiền khả thi Phát triển lúa nước tại tỉnh Lun-đa No-tơ đã được phía Việt Nam bàn giao cho bạn. Bên cạnh đó, sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vào lĩnh vực nông nghiệp (không chỉ giới hạn trong việc trồng lúa) ở Ăng-gô-la đã mở ra một hướng phát triển mới trong thúc đẩy hợp tác nông nghiệp của hai nước. Chẳng hạn như, việc Tập đoàn Thái Hòa của Việt Nam ký Thỏa thuận hợp tác phát triển cà-phê với Công ty N’gola M’zamba LDA của Ăng-gô-la (tháng 7-2012), với tổng số vốn đầu tư lên đến 225 triệu USD nhằm phát triển 100.000ha cà phê trong vòng 10 năm tại Ăng-gô-la(5), thực hiện chức năng phụ trách kỹ thuật, sử dụng cán bộ kỹ thuật và tổ chức sản xuất.

Về lĩnh vực dầu khí, Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam (PVEP) hiện đang trao đổi để tăng cường hợp tác giữa hai bên. Về lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đang tích cực đẩy mạnh thâm nhập vào thị trường Ăng-gô-la. Phía Ăng-gô-la mong muốn Tập đoàn Viettel thiết lập mạng di dộng mới tại đây cũng như sẽ đầu tư, liên doanh để phát triển công nghệ phần mềm và máy tính ở nước này. Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay đối với các doanh nghiệp và cộng đồng người Việt Nam tại Ăng-gô-la là vấn đề chuyển tiền và thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Hai bên cũng đã trao đổi về việc liên doanh hợp tác với ngân hàng phía bạn theo mong muốn của bạn.

Không ngừng phát triển hợp tác

Nhìn chung, Ăng-gô-la là một trong những địa bàn trọng điểm hợp tác của Việt Nam tại khu vực phía Tây Nam châu Phi. Truyền thống đoàn kết hữu nghị và quan hệ chính trị - ngoại giao tốt đẹp đã được thử thách qua năm tháng là cơ sở quan trọng giúp Việt Nam xác định mục tiêu ưu tiên phát triển hợp tác với Ăng-gô-la không chỉ hiện nay mà còn cả trong tương lai. Lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên cũng như sự đổi mới các chính sách, tầm nhìn... của Ăng-gô-la đang tạo điều kiện để đất nước này có thể vươn lên và phát triển trở lại sau hơn 20 năm nội chiến.

Trải qua hơn 4 thập niên quan hệ hợp tác, gắn bó, Việt Nam và Ăng-gô-la luôn phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Các lĩnh vực hợp tác đều thu được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên hiện nay, khi bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, sự hợp tác của hai nước cần đi vào chiều sâu và thực chất hơn.

Một là, trong thời gian tới, hai nước cần đẩy mạnh trao đổi đoàn cấp cao, đồng thời tăng cường hơn nữa việc trao đổi và hợp tác ở cấp bộ trưởng và lãnh đạo cấp cao giữa các cơ quan liên quan của Chính phủ hai nước, thúc đẩy giao lưu chính đảng, chính quyền địa phương và nhân dân hai nước; sớm tổ chức các kỳ họp tham vấn chính trị lần thứ hai và Ủy ban liên Chính phủ lần thứ bảy để thúc đẩy các dự án hợp tác cụ thể; tích cực ủng hộ việc ứng cử của nhau tại các cơ quan của Liên hợp quốc cũng như các diễn đàn, tổ chức quốc tế khác trên tinh thần xây dựng và tôn trọng lẫn nhau, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các bên.

Hai là, xác định hợp tác kinh tế là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của hai nước trên cơ sở đẩy nhanh việc tìm kiếm và cụ thể hóa các khả năng mới; xúc tiến ký kết Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và những hiệp định quan trọng khác; có lộ trình kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao kim ngạch thương mại giữa hai nước hiện đang ở mức thấp hơn nhiều so với tiềm năng của hai bên; tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Ăng-gô-la để tìm cơ hội hợp tác cùng có lợi, cải thiện môi trường đầu tư.

Ba là, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân hai nước sinh sống, lao động và học tập trên lãnh thổ của nhau, phù hợp với luật pháp hai nước; chú trọng hơn nữa đến hợp tác trong những lĩnh vực có thế mạnh khác, như xây dựng, khai khoáng, viễn thông...

Có thể thấy, sự hợp tác hữu nghị truyền thống của hai nước đang đứng trước những triển vọng tốt đẹp. Tình cảm trong sáng và thủy chung của người dân Ăng-gô-la dành cho Việt Nam với minh chứng đại lộ mang tên Hồ Chí Minh ngay giữa Thủ đô Lu-an-đa, sự gắn bó và lớn mạnh của cộng đồng người Việt Nam tại Ăng-gô-la, cùng với quyết tâm chính trị của lãnh đạo cũng như cộng đồng doanh nghiệp hai nước đang trở thành động lực to lớn thúc đẩy sự hợp tác Việt Nam - Ăng-gô-la tiếp tục tiến lên phía trước vì mong muốn, lợi ích của hai dân tộc, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới. /.

--------------------------------------------------------------

(1) Xem: Đặng Thị Thư: Phát triển kinh tế Ăng-gô-la trong thời gian gần đây, Tạp chí Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, số 6-2013, tr. 4
(2) Xem: http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/cn_vakv/nr040819100948/nr040819114559/ns120815042804
(3) Xem: http://www.vietrade.gov.vn/su-kien/moi-doanh-nghiep-tham-gia-chuong-trinh-xuc-tien-thuong-mai-va-giao-thuong-tai-angola-va-nam-phi
(4) Xem: http://www.moit.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/tiem-nang-xuat-khau-sang-thi-truong-ang-go-la-102269-401.html
(5) Hợp tác phát triển 100.000ha cà-phê tại Ăng-gô-la, http://vov.vn, ngày 12-7-2012