Tác động của chính sách đối ngoại Australia đối với an ninh quốc gia Việt Nam
TCCSĐT - Với vị thế một quốc gia tầm trung, Australia ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có vai trò và tiếng nói ngày càng tăng đối với các vấn đề khu vực. Chính sách đối ngoại của Australia có những đóng góp tích cực vào việc tăng cường môi trường hòa bình, giữ sự ổn định và thúc đẩy thịnh vượng ở khu vực.
Chính sách của Australia đối với khu vực và Việt Nam
Nằm ở phía Nam Thái Bình Dương, lục địa Australia có vị trí địa lý gần gũi với khu vực châu Á, tuy nhiên cho đến trước những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm vị trí rất nhỏ trong chính sách đối ngoại của Australia. Trong suốt thời gian này, Australia duy trì thái độ “ngờ vực và đề phòng” đối với các nước châu Á láng giềng mà biểu hiện là duy trì chính sách “Nước Úc trắng” (The White Australia Policy) (1) cho đến năm 1972. Quan hệ giữa Australia với các nước châu Á - Thái Bình Dương trong giai đoạn này nhìn chung mờ nhạt và ở mức thấp.
Tình hình thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đầu thập niên 70 của thế kỷ XX có những biến đổi lớn lao đã dẫn đến những điều chỉnh quan trọng trong chính sách đối ngoại của Australia nói chung, chính sách đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam nói riêng. Sự trỗi dậy thần kỳ của các nền kinh tế khu vực trong giai đoạn này, như Hàn Quốc, Hồng Công, Đài Loan, Singapore cùng với sự chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam sau khi Hiệp định Paris được ký kết, đã mở ra giai đoạn mới trong quan hệ giữa Australia và các nước trong khu vực. Chính sách đối ngoại của Australia từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX trở đi đã thể hiện mạnh mẽ tính “hướng Á”, đẩy mạnh thiết lập các mối quan hệ và tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực. Dẫu vậy, quan hệ giữa Australia đối với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX mặc dù đã có những dấu hiệu tích cực nhưng chưa có bước đột phá thực sự.
Chiến tranh lạnh kết thúc mở ra một thời kỳ mới của hòa bình, hợp tác và phát triển, tác động mạnh mẽ đến sự điều chỉnh chính sách của mọi quốc gia, dân tộc và mọi khu vực trên thế giới. Đây cũng là thời điểm đánh dấu bước ngoặt lớn trong chính sách đối ngoại của Australia đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam. Kể từ đây, Australia đẩy mạnh triển khai toàn diện chiến lược hội nhập châu Á, tăng cường hợp tác với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương trên mọi lĩnh vực nhằm đưa Australia trở thành “một quốc gia châu Á - Thái Bình Dương thực thụ”.
Triển khai chính sách mới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Australia đặc biệt coi trọng hợp tác với các quốc gia khu vực Đông Nam Á do tầm quan trọng của khu vực đối với an ninh - phòng thủ của Australia và tiềm năng to lớn đối với sự phát triển kinh tế của nước này. Tại Đông Nam Á, Australia đẩy mạnh thực hiện chính sách “can dự toàn diện” với các quốc gia trong khu vực trên cơ sở bình đẳng trên mọi bình diện quan hệ, từ chính trị, an ninh đến kinh tế, văn hóa và xã hội. An ninh chiến lược cho đến nay vẫn là mối quan tâm chính của Australia ở khu vực, do đó nước này không ngừng phát triển và mở rộng quan hệ toàn diện với các nước ASEAN, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến hợp tác trên lĩnh vực an ninh và phòng thủ. Bên cạnh việc chủ động tham gia các cơ chế hợp tác an ninh ở khu vực, Australia cũng tích cực đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác an ninh, góp phần tích cực vào việc duy trì hòa bình, củng cố và tăng cường môi trường an ninh khu vực, qua đó giúp bảo đảm an ninh từ xa cho Australia. Sách trắng Quốc phòng của Australia năm 2016 tiếp tục nhấn mạnh, bảo đảm an ninh ở Đông Nam Á là lợi ích quốc phòng chiến lược thứ hai của Australia, bất ổn và xung đột ở khu vực này sẽ đe dọa đến an ninh của Australia (2).
Với vị thế và ảnh hưởng ngày càng gia tăng ở khu vực cũng như trên thế giới, Việt Nam chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong chính sách của Australia đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Tăng cường hợp tác với Việt Nam có tầm quan trọng đối với an ninh và phòng thủ của Australia, nhất là liên quan đến an ninh hàng hải và vấn đề Biển Đông đang diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa sự ổn định của môi trường an ninh khu vực. Bên cạnh đó, những tiềm năng to lớn của thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của Australia. Vì vậy, Australia đã chủ động xây dựng và tích cực triển khai các chính sách thúc đẩy quan hệ toàn diện với Việt Nam.
Kể từ khi Australia và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1973) đến nay, quan hệ giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất, chính sách của Australia đối với Việt Nam ngày càng toàn diện hơn. Từ năm 1991, Australia đã nối lại các mối quan hệ với Việt Nam, đẩy mạnh và tăng cường các chính sách hợp tác trên nhiều lĩnh vực từ chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh đến kinh tế - thương mại và đầu tư, giáo dục - đào tạo. Từ năm 1991 đến 2008, hai bên đã tiến hành trao đổi 32 chuyến thăm cấp cao; quan hệ giữa hai nước phát triển mạnh mẽ, sâu sắc và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên bốn lĩnh vực chính: viện trợ phát triển, giáo dục - đào tạo, thương mại - đầu tư, quốc phòng - an ninh (3). Chính sách tăng cường hợp tác toàn diện với Việt Nam tiếp tục được tăng cường mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu khi Australia chính thức nâng cấp quan hệ song phương với Việt Nam thành Đối tác toàn diện (năm 2009) và Đối tác toàn diện tăng cường (năm 2015).
Như vậy, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Australia, chính sách của Australia đối với khu vực và Việt Nam ngày càng toàn diện, sâu sắc và thực chất hơn, mang đến những tác động tích cực đối với an ninh quốc gia của nước ta.
Tác động đến an ninh quốc gia của Việt Nam
Nhận thức về an ninh quốc gia của Việt Nam trong thời gian gần đây ngày càng mở rộng và toàn diện hơn. Những nguy cơ đối với an ninh Việt Nam giờ đây đến từ cả những thách thức của môi trường an ninh khu vực, không chỉ bao gồm những vấn đề an ninh truyền thống mà còn cả những vấn đề an ninh phi truyền thống. Chính sách của Australia đối với khu vực là chất xúc tác giúp duy trì hòa bình, củng cố môi trường an ninh khu vực, đồng thời góp phần nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc ứng phó với các nguy cơ, thách thức về an ninh.
Chính sách của Australia đối với Việt Nam kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay được hiện thực hóa qua nhiều hoạt động hợp tác cụ thể, đặc biệt là thông qua các khoản viện trợ cho Việt Nam. Viện trợ của Australia góp phần hỗ trợ quá trình cải cách, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam, trong đó, xóa đói, giảm nghèo luôn là một trong những mục tiêu quan trọng nhất và xuyên suốt. Việt Nam là một trong những nước nhận viện trợ phát triển lớn nhất của Australia, với 1.548,3 triệu AUD trong giai đoạn 1995 - 2013 (4), một phần lớn trong số đó được dành cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Thời gian tới, Australia cam kết tiếp tục dành 86,6 triệu AUD (2016 - 2017) và 84,2 triệu AUD (2017 - 2018) viện trợ cho Việt Nam (5), trong đó đặc biệt chú trọng đến mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Như vậy, nguồn viện trợ từ Australia góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng xã hội và phát triển bền vững ở Việt Nam. Thông qua các khoản viện trợ, chính sách của Australia góp phần giúp Việt Nam giữ vững ổn định, củng cố môi trường an ninh.
Hợp tác quốc phòng - an ninh với Việt Nam luôn là một trong những trụ cột chính trong chính sách của Australia. Kể từ khi quan hệ quốc phòng giữa hai nước chính thức được thiết lập vào năm 1999 đến nay, Australia không ngừng thúc đẩy hợp tác quốc phòng - an ninh với Việt Nam thông qua những chuyến thăm cấp cao của các bộ trưởng và đoàn đại biểu quân sự cấp cao. Australia trở thành một trong những đối tác lớn nhất cung cấp các khóa đào tạo, huấn luyện chuyên nghiệp về quân sự, quốc phòng cho các sĩ quan, quân nhân của lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình hợp tác quốc phòng (DCP). Trong giai đoạn 2001 - 2011, thông qua DCP, Australia đã tài trợ cho hơn 150 học viên quốc phòng của Việt Nam học tập và nghiên cứu tại nước này, khoảng 1.000 sĩ quan quân đội được đào tạo kết hợp tại Việt Nam và Australia, 96 quân nhân được đào tạo ngoại ngữ tại Việt Nam (6). Bên cạnh đó, Australia cũng tài trợ chi phí tham dự nhiều buổi hội thảo chuyên đề và các khóa học ngắn hạn khác, qua đó góp phần tăng cường hiểu biết, nâng cao năng lực và sức chiến đấu, khả năng ứng phó với các thách thức an ninh của quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, của lực lượng vũ trang Việt Nam nói chung.
Kế hoạch hành động Việt Nam - Australia giai đoạn 2016 - 2019 được ký kết tiếp tục khẳng định chính sách của Australia thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động hợp tác quốc phòng - an ninh với Việt Nam trong thời gian tới. Các hoạt động hợp tác quốc phòng - an ninh giúp Việt Nam nâng cao năng lực và khả năng ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.
Vấn đề Biển Đông tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định, đe dọa môi trường an ninh khu vực, trở thành một trong những thách thức lớn tiềm tàng đối với an ninh quốc gia của Việt Nam. Tranh chấp biển, đảo giữa các quốc gia trong khu vực không chỉ đe dọa đến tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông mà còn tác động xấu đến môi trường an ninh khu vực, đồng thời tạo ra thách thức lớn về an ninh đối với Việt Nam.
Khu vực Đông Nam Á có vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng đối với Australia, do vậy, Australia coi trọng việc tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Sách trắng Quốc phòng Australia năm 2016 tiếp tục khẳng định, Australia có những lợi ích kinh tế và an ninh chiến lược sâu rộng tại khu vực Đông Nam Á. Biển Đông là tuyến đường thương mại lớn nhất và quan trọng nhất của Australia với gần 2/3 tổng lượng xuất khẩu hàng hóa của nước này vận chuyển qua Biển Đông hằng năm, đặc biệt là các hoạt động trao đổi thương mại với ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Australia là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các lợi ích kinh tế và sự gần gũi của Australia với Đông Nam Á khiến mọi biến động về an ninh ở khu vực đều có tác động tiềm tàng đối với an ninh của Australia. Do vậy, bảo đảm an ninh hàng hải trên Biển Đông và sự ổn định ở khu vực Đông Nam Á là một trong những lợi ích quốc phòng chiến lược của Australia.
Lập trường và chính sách của Australia đối với vấn đề tranh chấp ở Biển Đông tiếp tục được thể hiện rõ trong Sách trắng Quốc phòng năm 2016 và Sách trắng Đối ngoại năm 2017 của nước này. Australia bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hoạt động xây dựng và cải tạo đảo của các bên yêu sách ở Biển Đông, phản đối việc sử dụng các cấu trúc nhân tạo ở Biển Đông vì các mục đích quân sự. Australia cũng bày tỏ sự phản đối các hoạt động làm gia tăng căng thẳng không phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) (7). Theo Sách trắng Đối ngoại 2017, Australia cam kết tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác nhằm duy trì an ninh và ổn định tại khu vực, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Như vậy, chính sách của Australia góp phần giữ vững ổn định, củng cố và tăng cường an ninh tại khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tiếp tục giữ vững và củng cố an ninh quốc gia để phát triển.
Bước tiến mới trong quan hệ Việt Nam - Australia
Quan hệ Việt Nam và Australia gần đây không ngừng được củng cố và phát triển mạnh mẽ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và sự tương đồng về lợi ích. Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia được ký kết nhân chuyến thăm chính thức tới Australia của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (ngày 15-3-2018), đã mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước. Quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Australia được thiết lập không chỉ có ý nghĩa lớn đối với nhân dân hai nước, mang lại những lợi ích thiết thực cho cả hai bên mà còn góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định, củng cố an ninh và thúc đẩy thịnh vượng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Việt Nam và Australia đều mong muốn đa dạng hóa các mối quan hệ, đồng thời có nhiều lợi ích và mục tiêu chung trong việc duy trì ổn định, củng cố môi trường an ninh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở khu vực, đặc biệt là việc đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Một môi trường khu vực ổn định, an ninh được bảo đảm, chủ quyền và luật pháp quốc tế được tôn trọng sẽ mang lại lợi ích chung thiết thực cho cả hai bên. Bên cạnh đó, hai nước đều có chung mục tiêu củng cố và phát triển các cơ chế và thể chế khu vực và quốc tế nhằm thúc đẩy các lợi ích chung về chính trị, an ninh và kinh tế. Đó là điểm khởi đầu tốt đẹp để hai nước tiếp tục thúc đẩy và tăng cường quan hệ song phương theo hướng thực chất, toàn diện và sâu sắc hơn trong thời gian tới.
Việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên tầm Đối tác chiến lược đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Australia trong việc tăng cường và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam trên cả bình diện song phương lẫn khu vực và quốc tế, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên; đồng thời, khẳng định nỗ lực của Australia trong việc đảm nhiệm một vai trò lớn hơn tại khu vực, cùng với Việt Nam có những đóng góp tích cực hơn cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương./.
--------------------------------------------------------
(1) Chính sách liên quan đến vấn đề nhập cư của Australia, được áp dụng từ khi nước này thành lập (năm 1901). Theo đó, Australia dành ưu tiên cho các cư dân gốc Âu da trắng, quyết liệt ngăn chặn cư dân da màu từ châu Á, nhất là từ Trung Quốc nhập cư vào nước này
(2) Australian Department of Defence (2016), 2016 Defence White Paper, http://www.defence.gov.au/whitepaper/Docs/2016-Defence-White-Paper.pdf
(3) Carlyle A. Thayer (2015), Australia - Vietnam Relations: Enhancing the Comprehensive Partnership. Keynote paper II to International Conference on Australia-Asia Relations under Prime Minister Tony Abbott sponsored by the National Cheng Chi University, Taipei, Taiwan, March 31 - April 1, 2015
(4) Australian Department of Foreign Affairs and Trade (2015), Evaluation of the Australia - Vietnam Country Strategy 2010-15, Australian Government, https://dfat.gov.au/aid/how-we-measure-performance/ode/Documents/evaluation-aus-vietnam-country-strategy-2010-15.pdf
(5) Australian Department of Foreign Affairs and Trade (2017), Vietnam Aid fact sheet, Australian Government, https://dfat.gov.au/about-us/publications/Documents/aid-fact-sheet-vietnam.pdf
(6) Carlyle A. Thayer (2015), tlđd
(7) Australian Department of Defence (2016), 2016 Defence White Paper, http://www.defence.gov.au/whitepaper/Docs/2016-Defence-White-Paper.pdf
Quảng Nam: Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh  (19/10/2018)
Quảng Nam: Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh  (19/10/2018)
Các lý thuyết lãnh đạo, quản lý trước yêu cầu đồi mới căn bản, toàn diện giáo dục ở Việt Nam  (19/10/2018)
Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Bắc Ninh  (19/10/2018)
Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Bắc Ninh  (19/10/2018)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên