Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, ngừa tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong xuất khẩu lao động
TCCSĐT - Xuất khẩu lao động là hoạt động kinh tế góp phần giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều người dân, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong xuất khẩu lao động thời gian qua có diễn biến phức tạp. Do đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng, ngừa tội phạm trong lĩnh vực này đang được đặt ra bức thiết.
Hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong xuất khẩu lao động
Theo các cơ quan điều tra, hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong xuất khẩu lao động thời gian qua có chiều hướng gia tăng cả về số vụ, số đối tượng, nạn nhân và hậu quả thiệt hại. Báo cáo tổng kết công tác năm của Cục Cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an), từ năm 2012 đến hết năm 2016, trên cả nước đã xảy ra 3.450 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong xuất khẩu lao động, 4.219 đối tượng, gây thiệt hại 10.635 tỷ đồng của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Qua nghiên cứu, tổng kết các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong xuất khẩu lao động cho thấy, thủ đoạn của loại tội phạm này luôn thay đổi, ngày càng tinh vi, xảo quyệt, như thành lập các công ty, doanh nghiệp quảng cáo đưa người đi lao động ở nước ngoài nhưng thực tế không có chức năng này, thậm chí có những doanh nghiệp đặt trụ sở ngay gần các cơ quan có chức năng đưa người đi lao động ở nước ngoài của Nhà nước để tạo lòng tin đối với các nạn nhân; thành lập công ty, doanh nghiệp làm giả giấy tờ, hồ sơ và giả mạo chữ ký của lãnh đạo Cục Quản lý lao động nước ngoài hoặc Trung tâm lao động nước ngoài; đưa người đi lao động dưới hình thức sử dụng visa, hộ chiếu đi du lịch, học tập… rồi để người lao động ở lại nước ngoài trái phép; quảng cáo không có thật về liên kết với các công ty nước ngoài đưa người đi xuất khẩu lao động…
Thống kê của Cục Cảnh sát Kinh tế nạn nhân cho thấy, trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có đến 85% số nạn nhân là những người nông dân nghèo, không có công ăn việc làm hoặc có việc làm không thường xuyên, nôn nóng được đi lao động ở nước ngoài không cần phải qua đào tạo, thi tuyển. Trong đó có nhiều người lao động không có trình độ hiểu biết hoặc hiểu biết hạn chế về những quy định của Nhà nước liên quan đến xuất khẩu lao động. Do đó, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động để họ tự ý thức cảnh giác trước những thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản đồng thời phát hiện, tố giác những đối tượng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong xuất khẩu lao động với cơ quan chức năng là vô cùng cần thiết.
Công tác tuyên truyền phòng, ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong xuất khẩu lao động thời gian qua
Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động tuyên truyền, giáo dục, trong những năm qua, các cơ quan chức năng, trong đó chủ công, nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này là lực lượng Cảnh sát Kinh tế đã quan tâm thực hiện. Hoạt động này được đẩy mạnh, thể hiện ở số lượng buổi tuyên truyền ngày càng nhiều, chất lượng buổi tuyên truyền ngày càng cao, hình thức tuyên truyền ngày càng đa dạng.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương, chương trình của Nhà nước về xuất khẩu lao động; hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp được Nhà nước cấp phép đưa người đi lao động ở nước ngoài; phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua xuất khẩu lao động; các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua xuất khẩu lao động; cách nhận biết công ty, doanh nghiệp, đối tượng có dấu hiệu hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua xuất khẩu lao động… để người lao động tự biết cách bảo vệ tài sản của mình và thông báo cho cơ quan chức năng.
Lực lượng Cảnh sát Kinh tế phối hợp với các cơ quan, ban ngành tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, như đưa tin trên các phương tiện truyền thông về các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua xuất khẩu lao động, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội; xây dựng chuyên mục đưa tin về hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát Kinh tế còn tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp tại các địa phương; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về xuất khẩu lao động; tập huấn cho các cán bộ làm công tác tuyên truyền của các địa phương; biên tập sách, tài liệu tham khảo phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong xuất khẩu lao động…
Tuy nhiên, thực tế công tác tuyên truyền phòng, ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua xuất khẩu lao động thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Hoạt động tuyên truyền ở một số địa phương còn mang tính hình thức, cán bộ làm công tác tuyên truyền chưa nhận thức một cách sâu sắc về tầm quan trọng của hoạt động này đối với phòng, ngừa tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua xuất khẩu lao động. Chính vì vậy, nhiều buổi tuyên truyền tốn kém mà hiệu quả lại chưa cao. Một số buổi tuyên truyền chưa thực sự tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động, như những thủ tục giấy tờ cần thiết đối với người lao động để được đi xuất khẩu lao động; những cơ quan, tổ chức được cấp phép đưa người đi lao động ở nước ngoài mà người dân có thể đến để được tư vấn… Hoạt động tuyên truyền còn dàn trải, chưa mang tính tập trung, đặc thù của từng vùng miền, địa phương. Một số nội dung tuyên truyền chưa xác định đúng đối tượng cần tuyên truyền, trình độ của đối tượng cần tuyên truyền, đặc điểm văn hóa của địa phương.
Hoạt động tuyên truyền phòng, ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua xuất khẩu lao động ở nhiều địa phương chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục. Hình thức tuyên truyền chủ yếu vẫn chỉ đơn thuần là đưa tin trên các phương tiện truyền thông về các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua xuất khẩu lao động… Hoạt động tuyên truyền của các cơ quan chức năng còn rời rạc, riêng lẻ, chưa có sự phối hợp một cách nhịp nhàng trong công tác tuyên truyền; vì vậy, công tác tuyên truyền nhiều khi bị trùng lặp nội dung, địa bàn, đối tượng.
Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng ngừa tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong xuất khẩu lao động
Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả biện pháp tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân nâng cao ý thức tự bảo quản tài sản, tố giác những hành vi có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua xuất khẩu lao động, các cơ quan chức năng cần làm tốt một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tập huấn, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền trong các cơ quan chức năng. Cần tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ tuyên truyền những kiến thức cơ bản về xuất khẩu lao động, các địa chỉ để người lao động tìm đến khi có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, phương thức thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua xuất khẩu lao động… Bên cạnh đó, những cán bộ này cần thiết được đào tạo qua những khóa học kỹ năng giao tiếp, tuyên truyền, kỹ năng tổ chức các chương trình tuyên truyền quy mô lớn ở những địa bàn trọng điểm phát triển về xuất khẩu lao động. Việc đào tạo, xây dựng cán bộ tuyên truyền tốt, có thế hệ kế cận nhau sẽ nâng cao hiệu quả của biện pháp này, đưa kiến thức về xuất khẩu lao động và cách phòng, tránh lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua xuất khẩu lao động đến gần với người lao động hơn.
Thứ hai, xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền phải phù hợp với từng địa bàn, phong tục tập quán của địa phương. Phải nghiên cứu kỹ về địa bàn, trình độ văn hóa người dân nơi tổ chức tuyên truyền để xác định nội dung, hình thức tuyên truyền. Nạn nhân của các vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua xuất khẩu lao động chủ yếu là những người dân nghèo có nhu cầu đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, chính vì vậy khi sử dụng hình thức tuyên truyền qua in-tơ-nét phải phối hợp với tuyên truyền qua phương tiện truyền thanh, truyền hình, thậm chí trực tiếp đến tận nơi các hộ dân sinh sống… nội dung tuyên truyền phải dễ truyền tải, dễ hiểu, dễ nhớ…
Thứ ba, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, kết hợp các hình thức tuyên truyền với nhau. Tùy từng địa bàn, từng loại nhóm đối tượng để xác định hình thức tuyên truyền: qua phương tiện truyền thông, in-tơ-nét, các buổi sinh hoạt cộng đồng, các buổi tập huấn, hội thảo, viết sách chuyên đề… Thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền, tránh đơn điệu, nhàm chán và tập trung vào các địa bàn trọng điểm, khéo léo lồng ghép các nội dung phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua xuất khẩu lao động đa dạng.
Thứ tư, nội dung tuyên truyền phải chọn lọc, phù hợp với đối tượng cần tuyên truyền. Đối tượng tổ chức, môi giới xuất khẩu lao động và những người dân có nhu cầu xuất khẩu lao động. Các nội dung tuyên truyền cần biên tập có hệ thống, khoa học. Trong đó, trọng tâm là tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua xuất khẩu lao động, cách phòng, tránh không trở thành nạn nhân của tội phạm này.
Thứ năm, hoạt động tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, lực lượng. Do đó, phải tổ chức tốt mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát Kinh tế với các cơ quan trong và ngoài ngành Công an, đặc biệt là với những cơ quan có chức năng, thẩm quyển tổ chức đưa người đi lao động ở nước ngoài, như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Cục Quản lý lao động nước ngoài, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...; các trung tâm xúc tiến việc làm, đào tạo nghề, ngoại ngữ, tin học… Các cơ quan, ban ngành này trong phạm vi quản lý ngành nghề, lĩnh vực của mình sẽ tham gia vào công tác tuyên truyền. Trong quá trình thực hiện, lực lượng Cảnh sát Kinh tế cần có sự trao đổi thông tin về các lĩnh vực chuyên môn, kinh nghiệm trong tổ chức tuyên truyền với các cơ quan, đoàn thể này.
Thứ sáu, hoạt động tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân phục vụ phòng, ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua xuất khẩu lao động cần được tổ chức thường xuyên, liên tục để đạt được hiệu quả cao nhất. Tiến hành sơ kết, tổng kết hoạt động này theo kế hoạch định kỳ, theo năm… để rút kinh nghiệm cũng như thường xuyên bổ sung cập nhật mới vào nội dung tuyên truyền, như phương thức thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua xuất khẩu lao động, các vụ án trong lĩnh vực này được phát hiện mới trong thời gian gần đây./.
Thủ tướng: Dân mất niềm tin vì chậm xử lý cán bộ sai phạm  (15/05/2017)
Thủ tướng: Dân mất niềm tin vì chậm xử lý cán bộ sai phạm  (15/05/2017)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 08 đến ngày 14-5-2017)  (15/05/2017)
Việt Nam tham gia lễ hội Tháng Di sản châu Á-Thái Bình Dương  (14/05/2017)
Bộ Giáo dục chính thức công bố đề thi minh họa theo dạng bài thi thật  (14/05/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay