Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: Đối tác chiến lược toàn diện
TCCSĐT - Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân, Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam từ ngày 28-02 đến ngày 05-03-2017.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển tốt đẹp, toàn diện trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng, nông nghiệp, lao động, văn hóa, thể thao, du lịch... Giao lưu, tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao, các cấp, địa phương hai nước và giao lưu nhân dân diễn ra thường xuyên, mật thiết.
Việt Nam và Nhật Bản đã xây dựng được mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp nhất từ trước đến nay, tin tưởng về chính trị, tăng cường hợp tác và hỗ trợ kinh tế, hợp tác tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Đó là nhận định chung được lãnh đạo hai nước đưa ra khi đánh giá về mối quan hệ đã có bề dày gần 45 năm phát triển.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21-9-1973, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển với nội dung hợp tác ngày càng sâu rộng.
Tháng 4-2002, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi đến Việt Nam, hai nước đã thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác tin cậy, ổn định lâu dài.
Đến tháng 4-2009, Việt Nam và Nhật Bản nhất trí xây dựng quan hệ đối tác chiến lược và đến tháng 3-2014, nâng cấp lên mức “đối tác chiến lược toàn diện”, đưa Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Để khẳng định sự phát triển chiều sâu của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, Tuyên bố tầm nhìn chung nhân chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Tokyo hồi tháng 9-2015 đã đánh giá cao “sự phát triển toàn diện và thực chất của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước”.
Có thể khẳng định mối quan hệ hữu nghị thân thiện Việt Nam - Nhật Bản hiện nay là sự nỗ lực và thiện chí của hai chính phủ trong suốt hơn 40 năm qua.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến một yếu tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển bền vững của mối quan hệ này, đó chính là sự kết nối tự nhiên giữa hai quốc gia cùng ở khu vực châu Á - Thái Bình dương, hai dân tộc có nhiều điểm tương đồng, một sự gắn kết được coi là có đặc tính lịch sử.
Về chính trị, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản trong những năm qua liên tục được củng cố và tăng cường, ngày càng đi vào thực chất, trên cơ sở lợi ích chiến lược tương đồng. Quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao và có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế cũng như khu vực.
Hiện hai nước duy trì một số cơ chế đối thoại hiệu quả như: Ủy ban Hợp tác Việt - Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch (từ năm 2007); Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản về ngoại giao - an ninh - quốc phòng (cấp Thứ trưởng ngoại giao, từ năm 2010); Đối thoại chính sách quốc phòng Việt - Nhật cấp thứ trưởng (từ tháng 112012); Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng (từ tháng 11-2013)...
Về lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10-2011).
Đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động và có nhiều tiềm năng phát triển, Nhật Bản xác định quan hệ hợp tác kinh tế với Việt Nam là trọng tâm trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước.
Đến nay, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, đối tác thương mại lớn thứ tư và đối tác lớn thứ 3 về du lịch của Việt Nam. Theo số liệu chính thức, tính đến hết năm 2016, Nhật Bản có hơn 3.200 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 42 tỷ USD, chiếm 15% tổng FDI vào Việt Nam.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2016 đã đạt gần 30 tỷ USD, và phấn đấu tăng gấp đôi đến năm 2020. Bên cạnh đó, Nhật Bản, là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Nhiều dự án của Nhật Bản đã hoàn thành và đưa vào khai thác rất hiệu quả, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Cùng với sự mở rộng quan hệ kinh tế, hợp tác văn hóa, giao lưu giữa nhân dân hai nước cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Học tiếng Nhật, tìm hiểu văn hóa Nhật Bản đang phát triển thành một trào lưu tại Việt Nam. Các sản phẩm văn hóa của Nhật Bản từ cổ điển, như nghệ thuật cắm hoa ikebana, nghệ thuật kiếm đạo kendo, nghệ thuật gấp giấy origami... đến hiện đại như truyện tranh manga, phim hoạt hình anime, thời trang cosplay, ngắm hoa anh đào... được thanh thiếu niên Việt Nam yêu mến.
Đổi lại, ngày càng có nhiều người Nhật Bản học tiếng Việt, tìm đến Việt Nam để tìm hiểu những nét đẹp của con người và đất nước nơi đây. Sự tương đồng về văn hóa, tính cách thân thiện đã tạo thành một mối liên kết tự nhiên giữa người Việt Nam với người Nhật Bản. Sự chân tình, cởi mở, thân thiện là một trong những yếu tố đưa Việt Nam và Nhật Bản trở thành những điểm đến du lịch yêu thích của nhau.
Trong năm 2016, có tới gần 700.000 lượt du khách Nhật Bản sang thăm Việt Nam, trong khi số du khách Việt Nam thăm Nhật Bản trong năm 2016 vượt qua con số 200.000 người.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn là quốc gia có tỷ lệ tăng tu nghiệp sinh kỹ thuật và du học sinh cao nhất tại Nhật Bản. Theo Bộ Tư pháp Nhật Bản, năm 2016, Việt Nam có 58.820 du học sinh và 71.983 tu nghiệp sinh kỹ thuật học tập và làm việc tại Nhật Bản. Sự phát triển mạnh trong giao lưu thương mại, văn hóa và du lịch đã làm bùng nổ nhu cầu đi lại giữa hai nước, đưa Việt Nam và Nhật Bản trở thành các thị trường hàng không trọng điểm của nhau với tần suất các chuyến bay thẳng lên tới hàng chục chuyến mỗi tuần.
Hợp tác mọi mặt giữa Việt Nam với Nhật Bản càng được củng cố mạnh mẽ hơn khi hai nước xây dựng được một mối quan hệ tin cậy về chính trị thông qua các cuộc đối thoại liên chính phủ và hàng loạt các cuộc tiếp xúc, chuyến thăm cấp cao giữa hai nước. Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã khẳng định mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản là đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng châu Á.
Trong xu thế này, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Nhà Vua và Hoàng Hậu Nhật Bản lần này là một sự kiện quan trọng được hai nước chào đón. Với tư cách là biểu tượng cao quý của đất nước, là lãnh đạo tinh thần của dân tộc Nhật Bản, chuyến thăm của Nhà Vua và Hoàng Hậu Nhật Bản đến Việt Nam được coi là mang ý nghĩa biểu tượng, cũng là một dấu mốc lịch sử trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước; thể hiện tình cảm và sự quan tâm của Nhật Bản đối với đất nước và nhân dân Việt Nam; góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển toàn diện, tăng cường sự hiểu biết giữa hai dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước./.
Hội nghị SOM 1 và các cuộc họp bước vào ngày làm việc thứ 10  (27/02/2017)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 20 đến ngày 26-02-2017  (27/02/2017)
Mỹ có thể rút khỏi Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc  (26/02/2017)
Thủ tướng yêu cầu Tuyên Quang tập trung cho kinh tế lâm nghiệp  (26/02/2017)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên