TCCS - Là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp hạn hẹp, việc phát triển theo hướng hiện đại và tập trung là lựa chọn thích hợp nhất đối với nền sản xuất nông nghiệp của Hưng Yên trên con đường công nghiệp hóa.

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật vàoxây dựng vùng chuyên canh

Trước thực trạng nền nông nghiệp hiệu quả thấp do sản xuất manh mún và theo phương pháp cổ truyền, Hưng Yên đã tập trung xây dựng các vùng chuyên canh, đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật.

Trong sản xuất nông nghiệp của Hưng Yên, lúa vẫn là cây trồng chủ lực. Hằng năm, nông dân trong tỉnh cần khoảng 7.000 tấn thóc giống để gieo cấy. Trước nhu cầu đó, các vùng chuyên canh sản xuất giống lúa nhiều vụ, giống lúa siêu nguyên chủng, nguyên chủng... đã được hình thành ngay tại các địa phương. Với việc quy hoạch vùng chuyên canh tự sản xuất giống lúa, nông dân đã tiết kiệm cho mình được hàng chục tỉ đồng mỗi năm. So với giá thóc giống trên thị trường thì rẻ hơn nhiều, song vẫn bảo đảm chất lượng, năm 2009, năng suất lúa bình quân đạt gần 13 tấn/ha, giá trị sản xuất đạt 60 triệu đồng/ha.

Mặc dù vậy, do vật tư sản xuất giống lúa tăng cao, trong khi định mức hỗ trợ của tỉnh xây dựng từ năm 2006 đã không còn phù hợp, từ đó làm suy giảm sức hút nông dân tham gia. Phân phối thóc giống chủ yếu là tự trao đổi nên khó kiểm soát được số lượng. Không ít hộ nông dân vẫn nặng tâm lý “sính ngoại”, quay lưng với nguồn thóc giống tốt sản xuất tại địa phương... nên đã hạn chế phần nào hiệu quả của các vùng chuyên canh lúa giống.

Bên cạnh những vùng chuyên canh giống lúa, Hưng Yên còn xây dựng vùng chuyên canh đậu tương, lạc, nhãn, hoa..., với nhiều mô hình gắn kết chặt chẽ giữa canh tác tập trung trên diện rộng và áp dụng khoa học - kỹ thuật.

Nhãn là đặc sản của tỉnh, nên việc cần có vùng chuyên canh từ lâu đã là đòi hỏi bức thiết. Theo đó, dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển nhãn lồng Hưng Yên" đã được triển khai và xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên) được chọn để phát triển vùng chuyên canh nhãn. Hiện nay, diện tích trồng nhãn của toàn xã là 250 ha, năm 2009, thu hoạch được 1.200 tấn quả, đạt 8 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Hưng Yên xây dựng mô hình trồng rau an toàn, như: ngô nếp, ngô, dưa chuột bao tử xuất khẩu, khoai tây, bí xanh, thu nhập bình quân đạt 1,5 - 2 triệu đồng/sào; trồng hoa chất lượng cao trong nhà lưới, thu nhập đạt từ 90 - 130 triệu đồng/ha/năm...

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân trong vùng chuyên canh ở Hưng Yên cũng còn không ít khó khăn. Việc tổ chức tập huấn, chuyển giao vào thực tiễn ở một số đơn vị chưa đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng nông dân. Đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật trong tỉnh thiếu. Một số mô hình điểm không bền, tính khả thi hạn chế, nên dù dự án, đề tài được đánh giá đạt chất lượng khi nghiệm thu, song hết thời gian triển khai thí điểm cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước “cạn”, cũng là lúc mô hình dần rơi vào quên lãng. Thêm vào đó, kinh phí thí nghiệm, chuyển giao rất thấp, chính sách về khoa học - công nghệ còn bất cập đã không thật sự khuyến khích người làm khoa học chú tâm đầu tư và phổ biến kiến thức cho bà con nông dân.

Dồn ô, đổi thửa, phát triển trang trại

Diện tích đất nông nghiệp ở Hưng Yên ít, đồng thời lại manh mún, các ruộng liền kề để lãng phí khá nhiều đất làm bờ phân ô, thửa. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Chỉ thị số 29-CT/TU, ngày 8-9-2003, “Về khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh”. Để thực hiện chủ trương này, việc dồn thửa, đổi ruộng là bước đi tiên phong.

Việc dồn điền, đổi thửa, gắn với các chính sách ưu đãi về kỹ thuật, vốn, thủy lợi phí..., bước đầu mang lại hiệu quả. Đất sản xuất tập trung là tiền đề cho kinh tế trang trại phát triển. Đến nay, Hưng Yên đã xuất hiện trên 3.300 mô hình kinh tế trang trại. Điển hình nhất là huyện Khoái Châu, với gần 1.000 trang trại tổng hợp, trong đó trên 400 mô hình đạt tiêu chí liên bộ. Kinh tế trang trại phát triển đã hút một lượng tiền vốn lớn trong nhân dân, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất phát triển như một nhu cầu tự nhiên. Kinh tế trang trại không những thúc đẩy việc khai thác có hiệu quả đất đai, mà còn phát huy được lợi thế của từng địa phương, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động của tỉnh.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng làm tốt việc dồn điền, đổi thửa, phát triển trang trại, theo đó, diện tích đất canh tác tại nhiều nơi đã tập trung hơn nhưng quy mô vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu canh tác. Ruộng đất manh mún là nguyên nhân chính kìm hãm việc áp dụng cơ giới hóa và tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, kìm hãm sức đầu tư dẫn đến hiệu quả kinh tế cũng bị hạn chế. Ông Nguyễn Khắc Cơ, một chủ trang trại ở xã Tiên Tiến (Phù Cừ), nói: “Nếu không có diện tích đủ rộng, chúng tôi không thể mạnh dạn đầu tư lớn được. Đã không đầu tư xứng đáng thì khó mà nói được về hiệu quả kinh tế”.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo thực hiện dồn điền, đổi thửa, khuyến khích tích tụ đất đai trên cơ sở thỏa thuận, góp vốn bằng đất hoặc chuyển nhượng đất để sản xuất nông nghiệp theo đúng pháp luật. Mô hình này đã từng bước giải phóng sức lao động và tư liệu sản xuất của người nông dân.

Chuyển dịch giống cây trồng, vật nuôi, tập trung sản xuất hàng hóa

Hưng Yên tăng diện tích lúa hàng hóa, chất lượng cao lên trên 40% tổng diện tích gieo cấy. Tuy nhiên, lợi nhuận kinh tế do cây lúa đem lại không thực sự lớn. Nhằm tạo hiệu quả kinh tế cao hơn, tỉnh tập trung chuyển dịch giống cây trồng và vật nuôi, giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Dồn điền, đổi thửa là điều kiện cần cho một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, song nếu không có hướng dẫn, định hướng cho người nông dân sản xuất sau khi dồn điền, đổi thửa, thì hiệu quả của công việc trên sẽ hạn chế, thậm chí rơi vào bệnh phong trào.

Một số địa phương trong tỉnh đã thực hiện chuyển đổi giống cây trồng truyền thống sang giống cây mang tính hàng hóa. Từ đây, các mô hình vườn - đồng, mô hình trại cây đặc sản xuất hiện ngày càng nhiều ở các xã, thị trấn của huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ. Điển hình nhất là xã Đông Tảo (Khoái Châu) có 100% diện tích đất canh tác được chuyển thành vườn trồng táo, quất cảnh, quất quả..., mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

Hình thức chăn nuôi trang trại cũng được đổi mới và ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các loại hình trang trại. Trong đó, phần lớn là trang trại nuôi lợn thịt, quy mô mỗi trang trại bình quân có 20 - 30 lợn nái, 200 - 300 lợn thịt. Nhiều vật nuôi có tính thương phẩm và giá trị cao, như: cá sấu, ba ba, thỏ, nhím, đà điểu, kỳ đà, hươu... cũng đã được nông dân mạnh dạn đầu tư, điển hình như trang trại nuôi cá sấu của gia đình anh Dương Văn Huỳnh (xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên), nuôi nhím của anh Nguyễn Văn Siêu, nuôi rắn mồng của anh Nguyễn Văn Việt (xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm)... Tính theo giá thị trường hiện nay, mỗi trang trại đều có thể thu lãi trên 150 triệu đồng.

Mặc dù mang lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm cho nhiều lao động vùng nông thôn, song sự phát triển chăn nuôi, đặc biệt là mô hình trang trại vẫn còn hạn chế. Hầu hết các hộ dân chăn nuôi theo hướng tự phát, phân tán, quy mô nhỏ chiếm trên 80%, nên năng suất, hiệu quả và hệ số quay vòng chăn nuôi thấp. Việc triển khai thực hiện quy hoạch và chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư còn nhiều khó khăn, do vậy, các trạng trại hiện nay phát triển chủ yếu ở gần đường làng, trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Trên địa bàn tỉnh hầu như chưa có cơ sở giết mổ tập trung, gia súc, gia cầm trước khi giết mổ chưa được kiểm dịch chiếm tỷ lệ lớn. Hệ thống cơ sở sản xuất con giống gia súc, gia cầm còn thiếu (hiện tại chưa có cơ sở nào sản xuất giống thuần), dẫn đến bị động nguồn con giống chất lượng và có độ an toàn dịch cao.

Đối với vùng ruộng trũng trồng lúa năng suất thấp, qua thực nghiệm, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp nuôi thả thủy sản tỏ ra hiệu quả hơn cả. Huyện Ân Thi có gần 530 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản. Năm 2009, sản lượng cá toàn huyện ước đạt hơn 5.000 tấn, thu nhập bình quân gần 6 triệu đồng/sào mặt nước. Huyện Ân Thi cũng đã quy hoạch khu sản xuất nông nghiệp với mô hình chuyên canh lúa - cá trên diện tích 117 ha tại 3 xã (Hạ Lễ, Cẩm Ninh, Bắc Sơn). Mô hình này đem lại thu nhập khoảng 8 triệu đồng/sào, cơ cấu đàn cá chuyển đổi tích cực theo hướng năng suất, chất lượng phù hợp với nhu cầu thị trường. Ngoài ra, thủy đặc sản như: ba ba, tôm càng xanh... cũng được nuôi thả rộng rãi. Kinh tế từ thủy sản cho lợi nhuận cao, bình quân từ 70 - 90 triệu đồng/ha/năm, có những hộ thu hơn 150 triệu đồng/ha/năm.

Tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới được đưa vào sản xuất, như: công nghệ sản xuất cá rô phi đơn tính bằng phương pháp lai tạo, công nghệ sinh sản nhân tạo cá trắm đen, cá chim trắng nước ngọt... Tuy nhiên, nhiều diện tích mặt nước đã không đạt hiệu quả như mong muốn, có nhiều trại cá gặp mùa lũ đã thất thu. Việc phòng chống bệnh cho vật nuôi, thả, chưa được nông dân nắm bắt cụ thể, dẫn đến có trại cá dịch bệnh chết hàng loạt. Bên cạnh đó, nhiều khu công nghiệp ở Hưng Yên vẫn xả nước thải chưa qua xử lý, ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái diện tích mặt nước nuôi, trồng.

Tận dụng đất phù sa ven sông để phát triển kinh tế

Đất phù sa ven sông Hồng tuy khó trồng lúa nhưng lại là môi trường đất tốt cho nhiều loại cây trồng khác phát triển. Nắm bắt đặc điểm này, một số địa phương trong tỉnh đã tận dụng đất phù sa ngoài bãi để nuôi trồng các loại cây, vật nuôi có đặc tính sinh trưởng phù hợp. Những diện tích đất phù sa có thể lấy nước trồng lúa một vụ, trồng cây ăn quả, ngập nước được tận dụng trồng đay, khu vực khó lấy nước trồng dâu. Hiện nay, riêng 600 ha đất bãi của thành phố Hưng Yên đã phủ kín lúa một vụ, rau màu ngắn ngày, ngô, dâu tằm. Năm 2009, kén tằm được giá từ 80 - 90 nghìn đồng/kg, người trồng dâu, nuôi tằm thu lãi lớn; những vườn cây ăn quả thu lãi từ 15 - 20 triệu đồng/sào.

Xã Phú Cường (Kim Động) cũng nằm ngoài bãi sông Hồng, kinh tế chủ yếu là trồng cây màu nên lợi nhuận thấp. Sau khi nghiên cứu và khảo sát, một số hộ dân đã đưa hơn 3 nghìn cây cam đường canh, cam Vinh, bưởi Diễn trồng thử trên diện tích 1,8 mẫu, kết hợp nuôi gà Đông Cảo, rắn hổ mang... Mô hình thí điểm trên bước đầu mang lại hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy người dân đất bãi mạnh dạn đầu tư và chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, mô hình nuôi ếch cũng được triển khai. Dù không có ao nên người nuôi ếch ở đây phải xây bể thả bèo, song vốn đầu tư ban đầu không nhiều, lợi nhuận khá cao, hằng năm trung bình thu lãi hơn 40 triệu đồng/hộ.

Tuy nhiên, người dân đất bãi vẫn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, quy mô sản xuất không được lớn, mùa vụ không ổn định. Giao thông đi lại khó khăn nên người mua hàng tiếp cận các trang trại hạn chế, do đó, sản phẩm làm ra nhiều khi bị ép giá. Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật trên các vùng đất này cũng đang là một bài toán khó giải, nếu người nông dân vẫn tự phát làm, mà không được hướng dẫn cụ thể.

Thuận lợi đan xen nhiều khó khăn còn phải tháo gỡ, song chỉ riêng việc thay đổi tư duy của người nông dân từ sản xuất tự cấp, tự túc sang tư duy sản xuất hàng hóa đã là thành công bước đầu của Hưng Yên, cùng với đó là một nền nông nghiệp tập trung, chuyên canh theo hướng công nghiệp hóa đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ./.