TCCS - Những năm qua, Công ty 74, Binh đoàn 15 có nhiều cách làm mới nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ gắn phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh trên địa bàn, trong đó mô hình gắn kết giữa hộ công nhân đồng bào Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số (gọi chung là gắn kết hộ) của Công ty đang trở thành điển hình tiêu biểu cho các đơn vị trong Binh đoàn học tập và làm theo.

Công ty 74 làm nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh trên địa bàn 24 thôn, làng của 5 xã và 1 thị trấn thuộc 2 huyện Đức Cơ và Iagrai, tỉnh Gia Lai, có 12 km đường biên giới chung với Vương quốc Cam-pu-chia. Trên cơ sở quán triệt và thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên; các nghị quyết, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên, đồng thời, vận dụng phương châm "Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; Công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng" và thực tế hoạt động của đơn vị, đầu năm 2006, Công ty xây dựng mô hình "gắn kết hộ" với mục tiêu vừa xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, vừa xây dựng cơ sở chính trị ổn định, xây dựng thế trận lòng dân trên địa bàn...

Đảng ủy Công ty ra Nghị quyết chuyên đề và kế hoạch triển khai gắn kết hộ với yêu cầu: Vừa tổ chức gắn kết vừa rút kinh nghiệm; gắn kết từ ít hộ đến nhiều hộ, từ đơn vị và làng có điều kiện đến những đơn vị và làng còn khó khăn; các gia đình công nhân đồng bào Kinh được lựa chọn gắn kết là các gia đình tiêu biểu trong phong trào thi đua lao động sản xuất và phong trào thi đua quyết thắng của đơn vị. Theo đó, chỉ đạo các đội sản xuất tiến hành xây dựng và làm lễ gắn kết các hộ gia đình với nhau và lễ gắn kết được tổ chức vừa tại đơn vị, vừa tại địa phương, dựa trên cơ sở phong tục, tập quán của đồng bào và quy định của Công ty. Sau đó, các đội sản xuất xây dựng kế hoạch cụ thể, hướng dẫn và hỗ trợ cho các gia đình gắn kết hoạt động; hằng tháng kiểm tra, theo dõi về hiệu quả của công tác gắn kết hộ. Năm đầu tiên 2006, đơn vị tổ chức thí điểm 40 hộ, sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng, đến nay, Công ty tổ chức 4 đợt với tổng số 1.310 hộ (năm 2007: 608 hộ, năm 2008: 540 hộ, năm 2009: 122 hộ) và thu được một số kết quả:

Trước hết, thông qua gắn kết hộ, Công ty thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động lao động là đồng bào địa phương về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của Công ty và đội sản xuất (năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009, đơn vị tổ chức quán triệt cho hơn 2.125 lượt người) vận động bà con không theo đạo "Tin lành Đề-ga", không tham gia các hoạt động gây rối, không nghe kẻ xấu xúi giục vượt biên; thông tin trao đổi kịp thời về những phần tử xấu, lạ mặt ở trên địa bàn cho mỗi gia đình biết để đề phòng những tình huống không tốt có thể xảy ra, đồng thời báo cáo kịp thời cho đơn vị và địa phương biết để có biện pháp ngăn chặn. Qua hoạt động gắn kết hộ, Công ty và các gia đình công nhân đồng bào Kinh còn vận động và giúp đỡ các cháu học sinh trong độ tuổi đến trường, không bỏ học theo bố, mẹ ra nương rẫy, không rủ nhau đi vào lô cao-su mót, vét mủ. Hiện nay, tình trạng các cháu vào lô cao-su đã giảm, thậm chí ở số đơn vị hầu như không còn; 54/54 cháu bỏ học của các hộ gắn kết người địa phương đã quay trở lại trường.

Thứ hai, thông qua gắn kết hộ, các gia đình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế. Các gia đình công nhân đồng bào Kinh hướng dẫn bà con các dân tộc cách trồng sắn, trồng bắp, trồng rau xanh, cách chăm sóc cây cao-su, cà-phê, cây tiêu, cây điều, cách chăn nuôi... Hộ lao động đồng bào dân tộc giúp các hộ công nhân về lao động cũng tạo mối quan hệ thân thiết với họ hàng và cộng đồng dân cư ở địa phương. Tiêu biểu như cặp gia đình Kpuih Vân và Đào Thị Hà ở đội 2, làng Ghè, xã Ia Dơk. Qua gắn kết, hộ chị Hà giúp hộ anh Kpuih Vân cung cách làm ăn, cách trồng, chăm sóc cây cao-su, cà-phê... từng bước đưa gia đình anh Kpuih Vân từ chỗ thiếu ăn, đến nay ngoài gần 3 ha cao-su nhận khoán, còn có thêm 6 sào cây cà-phê, 1 ha cao-su, thu nhập bình quân hằng tháng trên 5 triệu đồng. Và hộ chị Hà nhờ gia đình và họ hàng của anh Kpuih Vân hỗ trợ, bảo vệ nên công việc làm ăn thuận lợi hơn, không còn lo bị cạo trộm mủ cao-su. Nhiều hộ gia đình gắn kết còn góp vốn đầu tư trồng và chăm sóc cao-su, tiêu biểu như gia đình Nguyễn Văn Quyến - Rơ Mah Síu ở đội 16, đã góp vốn đầu tư trồng và chăm sóc 2 ha cây cao-su.

Thông qua gắn kết, Công ty cũng như gia đình công nhân đồng bào Kinh còn tuyên truyền, vận động những thợ cạo là người địa phương đã bỏ nghề, trở lại làm việc với Công ty, đồng thời tổ chức tập huấn, đào tạo nghề cho bà con. Từ năm 2006 đến đầu năm 2009, Công ty vận động được 128 thợ là người địa phương bỏ nghề trở lại Công ty làm việc và tổ chức 6 đợt đào tạo thợ cạo mủ cao-su cho 615 lao động địa phương, chiếm 37,2% trong tổng số thợ đào tạo mới của Công ty. Nhờ đó, tay nghề và thu nhập của bà con không ngừng được nâng lên. Tại Hội thao Kỹ thuật toàn Công ty năm 2008, 100% số thợ cạo người địa phương đều đạt tay nghề khá trở lên. Năm 2008, tiền lương bình quân của các hộ đồng bào thiểu số là 3.200.000đ/tháng, có tháng nhiều hộ đạt 7,3 triệu đồng ; 9 tháng năm 2009, gần 3.000.000đ/tháng.

Ngoài ra, các hộ đồng bào địa phương còn được Công ty và các gia đình hộ công nhân đồng bào Kinh giúp đỡ vật tư, phân bón, công thu dọn vật tư cuối mùa, cạo choàng... Tính đến tháng 9-2009, Công ty và các hộ công nhân người Kinh đã giúp được 92 con gà giống, làm mới và tu sửa 138 chuồng gà, lập 142 vườn rau xanh với tổng diện tích 2.340m2, trồng 1.397 cây các loại, mua tặng nhiều vật dụng cần thiết cho sinh hoạt gia đình... Những việc làm đó đã giúp các hộ đồng bào thiểu số dần biết làm kinh tế hộ, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Đến tháng 9-2009, không còn hộ gắn kết nào nằm trong diện hộ đói và số hộ nghèo giảm 184 hộ so với năm 2006.

Thứ ba, thông qua hoạt động gắn kết hộ, Công ty phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành của huyện, của các xã và các già làng, trưởng thôn ở 2 huyện Đức Cơ và Iagrai tổ chức tuyên truyền, vận động bà con nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả âm mưu "diễn biến hòa bình", xúi giục gây bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, không nghe bọn phản động và kẻ xấu xúi giục, kích động vượt biên trái phép. Tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất cũng như trong đời sống để tạo mối quan hệ thân thiết hơn giữa công nhân đồng bào Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết kịp thời các mâu thuẫn và những vấn đề vướng mắc xảy ra. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững và ổn định, từ giữa năm 2007 đến nay không có những vướng mắc xảy ra.

Qua 4 năm thực hiện (từ năm 2006 đến nay), mô hình gắn kết hộ giữa đồng bào Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số, Công ty 74 đã tổ chức được 4 đợt, gồm 1.310 hộ. Việc làm này đã giúp các hộ đồng bào dân tộc biết làm kinh tế, ổn định cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo và củng cố an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Công ty còn phối hợp với chính quyền địa phương xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm nội dung cam kết gắn kết hộ, các trường hợp vào lô mót, vét mủ cao-su; giáo dục, cảm hóa các cháu thanh, thiếu niên hư hỏng... Đến nay, tình trạng vi phạm trật tự, an toàn xã hội, mót, vét mủ cao-su giảm nhiều so với trước, thậm chí có địa phương, không còn tình trạng này như làng Mới - xã Ia Dơk.

Trao đổi với chúng tôi về mô hình gắn kết hộ, Đại tá Võ Phước Nguyên, Phó Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Công ty cho biết: Sau 3 năm thực hiện, mô hình này đã trực tiếp làm chuyển đổi nhận thức của đồng bào địa phương trong đời sống, sinh hoạt và lao động sản xuất; trong xây dựng và bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Hiệu quả sản xuất - kinh doanh của đơn vị không ngừng nâng lên, sản lượng và doanh thu hằng năm đều tăng. Riêng 9 tháng năm 2009, sản lượng mủ cao-su của đơn vị đã tăng 189% và doanh thu tăng 141% so với cùng kỳ năm 2008. Để đạt được kết quả đó, theo Đại tá Nguyên: Trước hết, phải hiểu được bà con các dân tộc, coi bà con như là hàng xóm của mình. Thứ hai, trong công tác gắn kết phải tạo được sự đồng thuận giữa cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, các già làng, trưởng bản với các đội. Và điều quan trọng hơn là trong gắn kết phải chú trọng nâng cao đời sống cho bà con. Đồng chí Ksor Giao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Kla, huyện Đức Cơ, rất tâm đắc với mô hình gắn kết hộ, và cho rằng, mô hình đã góp phần lớn vào công tác xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn, cần mở rộng mô hình này ra cho tất cả hộ đồng bào thiểu số ở địa phương.

Tuy nhiên, theo Đại tá Võ Phước Nguyên, xét về tổng thể mô hình gắn kết hộ vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm:

- Một số chỉ huy trong Công ty chưa quán triệt kỹ mục đích, yêu cầu, nội dung cũng như ý nghĩa của công tác gắn kết hộ, xem đây cũng như các hoạt động dận vận bình thường khác nên ít quan tâm, chỉ đạo.

- Một số hộ gắn kết (nhất là các hộ đồng bào Kinh) thiếu chủ động, ngại khó nên trong quá trình gắn kết chưa tiếp xúc thường xuyên với hộ gia đình đồng bào dân tộc tại địa phương, thậm chí có hộ chưa hiểu biết phong tục, tập quán và hoàn cảnh gia đình của nhau.

- Có đơn vị xác định đối tượng gắn kết chưa đúng (đội trưởng gắn kết với trưởng thôn, bí thư chi bộ; gắn kết với những gia đình đã làm tốt và có điều kiện kinh tế khá) nên kết quả đạt được còn hạn chế.

- Sự phối hợp giữa các đội với các thôn, làng và các xã thiếu chặt chẽ, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp giữa các tổ chức quần chúng trong quá trình thực hiện công tác gắn kết.

Với kết quả và bài học kinh nghiệm rút ra được sau hơn 3 năm thực hiện mô hình gắn kết hộ, những năm tới Công ty 74 tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác gắn kết - kết nghĩa, nhất là gắn kết hộ trên địa bàn đơn vị đứng chân. Đảng ủy và Ban Giám đốc Công ty đã và đang yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục quán triệt trong đơn vị chủ trương của Binh đoàn về công tác gắn kết, xem công tác kết nghĩa - gắn kết là một nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp với đối tượng và tình hình thực tiễn ở địa phương. Đồng thời, có kế hoạch, chương trình cụ thể, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành đoàn thể địa phương, các già làng, trưởng thôn đẩy mạnh công tác gắn kết giữa các đơn vị với các thôn, làng, giữa các hộ gia đình với nhau.

Cuối năm 2009, Công ty sẽ tổ chức gắn kết thêm 100 hộ và nhân rộng vào những năm tới nhằm tăng cường hơn nữa tinh thần đoàn kết Kinh - Thượng, cùng nhau xây dựng làng, xã và đơn vị phát triển về kinh tế - xã hội, vững mạnh về quốc phòng - an ninh, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch và lực lượng phản động trên địa bàn đơn vị đứng chân./.