TCCSĐT - Ngày 25-1-2010, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết Cuộc vận động năm 2009 gắn với đánh giá cuộc vận động 3 năm qua và triển khai nhiệm vụ năm 2010.

Tham dự và điều hành Hội nghị có các đồng chí: Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, cùng nhiều đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động. Gần hai trăm đại biểu điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng đã tham dự Hội nghị.

Trong phiên họp buổi sáng diễn ra dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị đã nghe đồng chí Tô Huy Rứa trình bày báo cáo tổng kết tình hình và kết quả năm 2009, nhiệm vụ chủ yếu năm 2010 triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đồng chí Tô Huy Rứa khẳng định, trong năm 2009, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động phức tạp, song toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, hội viên đoàn viên các đoàn thể chính trị - xã hội đã triển khai khá sâu rộng Cuộc vận động, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chủ yếu và mục tiêu đặt ra của năm 2009 là:

- Triển khai học tập chủ đề năm 2009 là tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn với kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Phục vụ cho việc học tập, Ban Tuyên giáo Trung ương đã biên soạn và phát hành tài liệu, tổ chức tập huấn báo cáo viên.

- Đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động, gắn với tuyên truyền 40 năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện Di chúc Bác Hồ.

- Đẩy mạnh cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về Bác Hồ và về Cuộc vận động.

- Xây dựng chương trình triển khai thí điểm việc giảng dạy và học tập đạo đức Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong các trường chính trị.

- Tổ chức giao lưu, tọa đàm, biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

- Kiểm tra, chỉ đạo triển khai Cuộc vận động ở các tỉnh, thành phố, ngành, địa phương, đơn vị được chọn làm điểm.

- Hoàn thiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động ở các ngành và địa phương.

Cụ thể, để đẩy mạnh việc làm theo lời Bác, Trung ương đã yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên sau học tập phải đăng ký những công việc cụ thể làm theo tấm gương đạo đức của Bác với chi bộ, đưa nội dung thực hiện Cuộc vận động vào chương trình sinh hoạt chi bộ hằng tháng và định kỳ kiểm điểm việc thực hiện. Đến hết tháng 12-2009, nhiều địa phương đã hoàn thành việc học tập, liên hệ kế hoạch với trên 90% cán bộ, đảng viên, công chức tham gia.

Công tác tuyên truyền Cuộc vận động được đẩy mạnh, gắn với tuyên truyền 40 năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện Di chúc của Bác. Nhiều hoạt động kỷ niệm phong phú như mít-tinh, tọa đàm, trao đổi, liên hoan văn nghệ được tổ chức ở trung ương và địa phương gây được ấn sâu sắc và sự lan tỏa lớn trong xã hội. Nhiều cơ quan, báo, đài đã liên tục đưa tin, đăng tải về những gương điển hình, tiên tiến trong học tập và làm theo lời Bác.

Đánh giá tổng quát năm 2009 và 3 năm triển khai Cuộc vận động, đồng chí Tô Huy Rứa khẳng định, cấp ủy các cấp đã nhận thức rõ hơn mục đích, yêu cầu, nội dung và trách nhiệm triển khai Cuộc vận động, từ đó tăng cường hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trên địa bàn. Ý thức trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong giải quyết các công việc liên quan đến đời sống nhân dân ngày càng tốt lên. Trách nhiệm và tinh thần phục vụ nhân dân của công chức, viên chức có chuyển biến tích cực. Lề lối làm việc của các cấp được chú ý, sửa đổi. Nhiều địa phương, cơ sở đã xây dựng được những thói quen tốt, biểu dương, khuyến khích việc làm tốt, giáo dục ý thức tổ chức, kỷ luật, khôi phục, duy trì nền nếp đi làm, đi học đúng giờ. Các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… đã xác định rõ hơn nhiệm vụ và quyết tâm vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, coi đó là biểu hiện cụ thể nhất trong việc học tập và làm theo Bác.

Qua học tập đạo đức Hồ Chí Minh, ý thức tiết kiệm, chống quan liêu, lãng phí thể hiện ngày càng rõ ở cán bộ, đảng viên. Tinh thần tương thân, tương ái trong xã hội theo truyền thống dân tộc đang ngày càng được phát huy. Trong hoàn cảnh khó khăn, bão lũ, mọi người đã quan tâm đến nhau hơn. Hoạt động từ thiện tự nguyện của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… tăng lên dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn. Các điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh xuất hiện ngày càng nhiều. Công tác xây dựng Đảng được quan tâm hơn và có kết quả tích cực. Các tổ chức cơ sở đảng đã thực sự lấy việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá đảng viên hoàn thành nhiệm vụ. Các vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn, tổ chức đảng và đảng viên vi phạm tiêu chuẩn đạo đức, lối sống bị xử lý kỷ luật có xu hướng giảm. Ở một số nơi, vai trò nêu gương của cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên đã được quan tâm, công bố công khai và có tác dụng tích cực, nhân rộng.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ, nhận thức chung về Cuộc vận động trong Đảng và trong xã hội còn chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc. Kết quả triển khai Cuộc vận động còn chưa đồng đều, bền vững. Công tác tuyên truyền chưa thực sự mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục, nội dung còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn. Tuyên truyền Cuộc vận động trên in-tơ-nét còn nhiều hạn chế.

Riêng về công tác chỉ đạo điểm, đồng chí Ngô Văn Dụ, Bí Thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương, đã báo cáo tổng kết 2 năm chỉ đạo điểm thực hiện Cuộc vận động. Theo đó, 24 đơn vị được lựa chọn đã cho những bài học quý giá và sâu sắc với những kinh nghiệm hay, cách làm tốt, từ đó nhân rộng và lan tỏa, tạo nên sức sống của Cuộc vận động. Các đơn vị làm điểm đã chủ động làm sớm hơn, thực hiện sáng tạo các bước, các nội dung Cuộc vận động để có những kết quả rõ rệt, đúc rút nhiều kinh nghiệm hay, cách làm tốt.

Trong phiên họp buổi chiều do đồng chí Trương Tấn Sang điều khiển, các đại biểu đã tiếp tục trình bày tham luận và thảo luận. Hội nghị nghe đại diện Đảng bộ thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Trung ương Đảng, Đài Truyền hình Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Đồn Biên phòng Tân Thanh (Lạng Sơn); Phòng 4, Cục Bảo vệ Chính trị, Tổng cục An ninh I, Bộ Công an; Đảng bộ phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; Đảng bộ xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang… trình bày tham luận giới thiệu kinh nghiệm chỉ đạo, triển khai Cuộc vận động tại đơn vị, địa phương mình. Bám sát Cuộc vận động, nhiều đơn vị đã cụ thể hóa thực hiện Cuộc vận động cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị của ngành mình, nhấn mạnh trọng tâm làm theo tấm gương đạo đức của Bác dễ hiểu, dễ làm theo. Chẳng hạn, khối nông dân nhấn mạnh “cần, kiệm”; khối hành chính nhấn mạnh “liêm, chính”; khối sự nghiệp nhấn mạnh “yêu thương con người”; công an nhân dân nhấn mạnh “vì nước quên mình, vì dân phục vụ”; ngành y tế nhấn mạnh “lương y như từ mẫu”; ngành giáo dục nhấn mạnh “kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”...

Sau khi nghe báo cáo, tham luận và thảo luận, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã có bài phát biểu nhấn mạnh ý nghĩa của Cuộc vận động. Tổng Bí thư cho rằng, trong thành tựu đạt được của đất nước những năm qua, có sự đóng góp không nhỏ của Cuộc vận động. Cuộc vận động tuy mới bước vào năm thứ 3 nhưng đã thu được những thành tựu quan trọng. Vấn đề đặt ra cho Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp là phải bám sát hơn nữa thực tiễn của Cuộc vận động, nắm bắt nhanh, chính xác những vấn đề mới, nhất là những hạn chế, yếu kém để tháo gỡ, khắc phục, bổ sung những giải pháp phù hợp.

Phân tích thực tiễn sinh động 3 năm triển khai Cuộc vận động, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh, chúng ta phải làm thế nào để nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta về ý nghĩa sâu sắc và tầm quan trọng, tác dụng to lớn, nhiều mặt của Cuộc vận động. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm, tính gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, các đơn vị là vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc huy động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia Cuộc vận động lớn này.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu cần xây dựng chuẩn mực đạo đức, lối sống dễ thực hiện, tránh sơ cứng. Phải coi Cuộc vận động trước hết là vì nhu cầu và quyền lợi tự thân của mỗi người, mỗi gia đình, tổ chức. Bởi Cuộc vận động này thực chất cũng là thực hiện cho sản xuất, cho công tác và học tập, cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi tập thể, cá nhân. Trong triển khai thực hiện tránh cách làm hành chính hóa, hình thức, coi trọng hơn nữa việc làm theo và đặc biệt là phải tránh tâm lý nôn nóng, chủ quan, ôm đồm, kỳ vọng quá nhiều, quá sớm, đồng thời cũng phải khắc phục tư tưởng cầm chừng, thiếu quyết tâm.

Thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Tổng Bí thư yêu cầu, cần phải hướng dẫn và làm rõ chủ đề tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh. Xây dựng Đảng không chỉ là nhiệm vụ của tổ chức đảng và đảng viên mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong Cuộc vận động này, đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đảng viên lãnh đạo phải bàn với dân, cùng với dân tạo thành phong trào tự giác của quần chúng, có như vậy Cuộc vận động mới có tác dụng lớn.

Để bảo đảm thành công và tính lâu dài của Cuộc vận động, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đề nghị Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp chỉ đạo quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc những vấn đề đã được kết luận tại Hội nghị. Tổng Bí thư nêu rõ, đây là cuộc vận động lớn, được tiến hành liên tục, lâu dài, tác động tích cực, nhiều chiều đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống của mỗi tổ chức, mỗi cá nhân, do đó không nên quy định tiến độ thực hiện quá gấp gáp. Hệ thống các văn bản hướng dẫn, đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp cần ngắn gọn, thống nhất, kịp thời, sát đúng với tình hình. Tiếp tục huy động các ban, ngành của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị chủ động, tích cực tham gia Cuộc vận động. Tổ chức đảng các cấp cần đưa việc thực hiện Cuộc vận động vào nội dung sinh hoạt đảng hằng tháng, vào kiểm điểm cuối năm của tổ chức đảng và đảng viên. Các cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội cũng cần quy định việc thực hiện Cuộc vận động là một tiêu chí bắt buộc đối với công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên; coi đó là một trong những tiêu chuẩn bình xét thi đua, khen thưởng hằng tháng, hằng năm. Cần bố trí một nguồn kinh phí hợp lý, chính đáng cho việc thực hiện Cuộc vận động./.