Phát triển làng nghề ở Bắc Ninh theo hướng bền vững
TCCS - Phát triển các làng nghề là một trong những hướng đi quan trọng nhằm phát triển công nghiệp nông thôn, xóa đói giảm nghèo ở Bắc Ninh. Tuy nhiên, để làng nghề phát triển bền vững, cần nghiên cứu và có những phương hướng, giải pháp thích hợp...
1. Thực trạng phát triển làng nghề ở Bắc Ninh
Làng nghề ở Bắc Ninh có lịch sử tồn tại từ hàng trăm năm nay, được phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh và hoạt động hầu hết ở các ngành kinh tế chủ yếu. Trong những năm qua, nhất là khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì hoạt động làng nghề ở Bắc Ninh đã có bước nhảy vọt lớn, sôi động chưa từng thấy. Đến nay, Bắc Ninh có 62 làng nghề, chủ yếu trong các lĩnh vực như đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu, sản xuất giấy, gốm, sắt, thép tái chế, đúc đồng...; trong đó có 31 làng nghề truyền thống và 31 làng nghề mới, chiếm khoảng 10% tổng số làng nghề truyền thống của cả nước. Các làng nghề tập trung chủ yếu ở 3 huyện Từ Sơn, Yên Phong và Gia Bình (3 huyện này có 42 làng nghề, chiếm gần 68% số làng nghề của tỉnh). Nhiều làng nghề của Bắc Ninh như: gỗ Đồng Kỵ, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái, tranh Đông Hồ... có từ lâu đời và nổi tiếng cả trong và ngoài nước.
Trong số 62 làng nghề ở Bắc Ninh, có thể phân thành 3 nhóm như sau: (i) Số làng nghề phát triển tốt: có 20 làng nghề, chiếm 32%; gồm các làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, sắt, thép, đồng, giấy, dệt... Những làng nghề này sản xuất các sản phẩm phù hợp với thị trường, luôn có sự đầu tư tăng cường năng lực sản xuất. (ii) Số làng nghề hoạt động cầm chừng không phát triển được: 26 làng nghề, chiếm 42%, bao gồm những làng nghề sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp như chế biến từ gạo (mì, bún, bánh, nấu rượu...), nuôi trồng, chế biến tơ tằm, mộc dân dụng... (iii) Số làng nghề hoạt động kém, có nguy cơ mai một, mất nghề: 16 làng nghề, chiếm 26%. Đây là những làng nghề mà sản phẩm làm ra không còn thích hợp với thị trường, do sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm công nghiệp như gốm, dụng cụ cầm tay, tranh dân gian, mây tre đan...
Các làng nghề đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân trong tỉnh (trên 72.000 lao động thường xuyên và trên 10.000 lao động thời vụ). Tại các làng nghề, số người giàu và khá giàu ngày càng tăng, 100% số hộ đều có ti-vi, xe máy, mức thu nhập ở các làng nghề cao gấp từ 3 đến 4,5 lần so với các làng thuần nông, nhờ vậy góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo của tỉnh. Đây còn là nơi cung cấp nguồn hàng xuất khẩu quan trọng của tỉnh với kim ngạch từ 1.200 tỉ đến 1.500 tỉ đồng/ năm(1).
Tuy nhiên, hiện nay các làng nghề ở Bắc Ninh đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như sản xuất còn chưa ổn định, khả năng tổ chức quản lý, nguồn thiết bị, tài chính, kiến thức thị trường, kết cấu hạ tầng, công nghệ đều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Do đó chất lượng sản phẩm làm ra thấp, không cạnh tranh được thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, hầu hết các làng nghề trong tỉnh chưa được quy hoạch, vẫn còn mang tính tự phát. Tuy Bắc Ninh có số cơ sở sản xuất lớn, lực lượng lao động đông, nhưng quy mô của từng cơ sở quá nhỏ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, sản xuất thủ công là chính, nên sản phẩm đơn giản, năng suất, chất lượng chưa cao, ít có sản phẩm độc đáo mang tính văn hóa truyền thống, hoặc có phong cách hiện đại dẫn đến sức cạnh tranh yếu. Cộng thêm, công tác quảng bá, tiếp thị sản phẩm, xây dựng thương hiệu yếu kém, vì vậy nhiều làng nghề rất bị động trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề đã trở thành điều bức xúc, không những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dân mà còn làm giảm năng suất cây trồng, vật nuôi, đặc biệt ở các làng nghề sản xuất giấy tại địa phận các xã Phong Khê (Yên Phong), Phú Lâm (Tiên Du). Cuộc sống của người dân nơi đây luôn phải chịu sức ép của khói bụi, tiếng ồn, ô nhiễm khí clo, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng... Theo kết quả xét nghiệm của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường thuộc Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội thì 100% số mẫu nước thải ở các làng nghề đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép, nước mặt, nước ngầm đều có dấu hiệu ô nhiễm. Ô nhiễm không khí lại tập trung chủ yếu ở các làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ, nhựa, sơn mài... Kết quả khảo sát của Sở Tài nguyên - Môi trường Bắc Ninh cho thấy, mỗi ngày các làng nghề của xã Châu Khê thải ra 40 - 50 tấn xỉ than, xỉ kim loại, 2.600 - 2.700 m3 nước, 255 - 260 tấn khí (chủ yếu là CO2) và khoảng 6 tấn bụi. Môi trường đất bị chịu tác động của các chất độc hại từ các nguồn thải đổ bừa bãi và nước mưa bị nhiễm bẩn ngấm xuống. Ước tính trong 5 - 7 năm tới, diện tích mặt nước và đất canh tác liền kề các hộ sản xuất sẽ bị san lấp hoàn toàn hoặc không sử dụng được. Còn hiện tại ở một số ao nuôi cá đã có hiện tượng cá chết hàng loạt sau khi bơm nước từ sông Ngũ Huyện Khê vào. Vì vậy, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hiện đang là vấn đề nan giải nhằm tạo sự cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
2. Một số phương hướng và giải pháp chính để phát triển làng nghề ở Bắc Ninh theo hướng bền vững
Phương hướng
- Phát triển làng nghề ở Bắc Ninh phải đặt trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển công nghiệp của tỉnh. Đồng thời, cần có chính sách đầu tư liên kết, hợp tác giữa các làng nghề với nhau, giữa làng nghề với cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và với các doanh nghiệp công nghiệp lớn để hợp tác gia công và tiêu thụ sản phẩm.
- Xác định phát triển làng nghề là góp phần tạo việc làm cho người lao động ngay tại địa phương, và thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động theo quan điểm "Ly nông bất ly hương".
- Cần hình thành các khu sản xuất tập trung ở các làng nghề để tạo thuận lợi về kết cấu hạ tầng, mặt bằng... cho các cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng quy mô, phát triển sản xuất kinh doanh.
- Phát triển làng nghề cần theo hướng đa dạng hóa hình thức sở hữu, mô hình tổ chức sản xuất, ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, kết hợp với công nghệ cổ truyền trong các làng nghề.
- Song song với phát triển làng nghề, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững; do đó cần tập trung di dời các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm (không khí, nước, tiếng ồn) nằm xen kẽ trong khu dân cư đến các khu sản xuất tập trung để xử lý vấn đề ô nhiễm, bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
- Phát triển làng nghề phải xuất phát từ nhu cầu thị trường, sản phẩm của làng nghề phải có sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại được sản xuất trong nước và sản phẩm nhập khẩu của nước ngoài.
Giải pháp
Việc giữ gìn và phát huy giá trị của các làng nghề ngoài ý nghĩa kinh tế còn có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển du lịch. Do đó, để tiếp tục khai thác tiềm năng và phát triển làng nghề Bắc Ninh theo hướng bền vững, thiết nghĩ cần nhanh chóng thực hiện một số giải pháp sau:
- Tiến hành quy hoạch các làng nghề truyền thống, có các biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho các cơ sở mở rộng sản xuất kinh doanh. Cần quan tâm tới quy hoạch hạ tầng cho các làng nghề phát triển bền vững gắn với làm tốt công tác bảo vệ môi trường.
- Có kế hoạch, lộ trình để từng bước tiến tới thực hiện triệt để việc tách khu sản xuất ra khỏi khu dân cư, quy hoạch xây dựng hợp lý khu công nghiệp làng nghề mới và có kế hoạch quản lý tốt môi trường, như: đề ra những quy định về quản lý bảo vệ môi trường và an toàn lao động trong các làng nghề; định mức và thu lệ phí môi trường đối với các hộ, tổ sản xuất để triển khai và duy trì các hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường của xã. Thành lập đội quản lý vệ sinh môi trường của làng nghề kiểm tra thường xuyên tình trạng môi trường trong khu vực sản xuất, thu gom chất thải, xử lý bụi giao thông. Có chế tài xử lý thật mạnh đối với những cơ sở không tuân thủ nghiêm túc việc bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như cắt điện, không cho vay vốn... đối với các cơ sở này.
- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng cho các chủ sản xuất, người lao động và nhân dân, kết hợp với thanh tra xử phạt thích đáng đối với những trường hợp vi phạm các quy định về môi trường.
- Triển khai áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm lượng chất thải. Từng bước hoàn phục môi trường ở khu dân cư, trả lại cảnh quan sạch đẹp cho làng, xã. Đối với các lò đúc, cán, ủ kim loại, cần xây dựng hệ thống xử lý bụi và khí SO2 bằng tháp rửa, dùng dung dịch nước vôi, quy định các bãi tập kết xỉ than, xỉ kim loại để sử dụng làm vật liệu san nền. Đối với những xưởng mạ kẽm cần xây dựng hệ thống bể xử lý nước thải đơn giản, các thùng chứa a-xít, hóa chất mạ phải được bảo quản đúng quy định, xử lý nước thải mạ theo phương pháp kết tủa, huyền phù sau đó lắng và lọc bùn.
- Xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề theo hướng phải bảo đảm đủ các tiêu chí về điện, nước, hệ thống xử lý chất thải và có diện tích mặt bằng thuận lợi cho việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Liên quan vấn đề này, tỉnh cần có những chính sách ưu đãi như: Hỗ trợ tiền vốn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con em bị thu hồi đất, chú trọng đưa các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là thị trường ngoài nước, tạo điều kiện cho các cơ sở yên tâm làm ăn lâu dài.
- Cuối cùng, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề cho phù hợp với giai đoạn hiện nay. Trong đó chú ý các chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào việc phát triển các làng nghề. Ưu tiên giải quyết mặt bằng phù hợp cho các loại hình sản xuất trong làng nghề gắn với các cụm công nghiệp./.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Tổng Giám đốc WTO P.La-mi  (26/01/2010)
Tổng kết năm 2009, triển khai nhiệm vụ năm 2010 Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  (26/01/2010)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý (từ ngày 18 đến ngày 24-1-2010)  (26/01/2010)
Dân số và vấn đề môi trường rừng ngập mặn ven biển châu thổ sông Hồng  (26/01/2010)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên