Tạo thế vươn lên ở một huyện miền núi

Nguyễn Dương Thái
09:38, ngày 24-08-2007

Nằm ở phía Đông tỉnh Hải Dương, những năm trước, khi nói đến huyện Kinh Môn, người ta liên tưởng đến vùng sản xuất, xuất khẩu tỏi lớn nhất của cả nước và hiện nay lại được mệnh danh là “Kinh đô” sản xuất xi măng! Thực tế thì trồng tỏi đòi hỏi suất đầu tư rất cao, sản phẩm khó bảo quản, xuất khẩu tỏi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Những cơ sở sản xuất xi măng lớn như Công ty Xi măng Hoàng Thạch, Phúc Sơn, Duyên Linh lại không thuộc quyền quản lý của huyện. Do đó, Kinh Môn vẫn là một trong những huyện nghèo của tỉnh Hải Dương, và được Nhà nước xếp vào huyện miền núi; có 2/25 xã nằm trong danh sách các xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05-3-2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Nguyên nhân của cái nghèo

Đi sâu tìm hiểu, có thể thấy nguyên nhân của sự nghèo xuất phát từ chính điều kiện kinh tế - xã hội của huyện. Cụ thể là:

- Diện tích tự nhiên: 16.326,31ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 8.929,4 ha (chiếm 54,7%); đất lâm nghiệp 9,4%; đất chuyên dùng 16,0%; đất chưa sử dụng và đất sông suối, núi đá 12,8%; có mật độ dân số cao, so với mật độ bình quân của các huyện miền núi cả nước (1.003 người/km2) - là nơi đất chật người đông.

- Địa hình: đồi núi xen kẽ đồng bằng, có 4 sông lớn chảy qua chia cắt địa bàn huyện thành 3 vùng địa lý tương đối riêng biệt (phía Nam An Phụ, Bắc An Phụ và 5 xã khu đảo), gây khó khăn cho phát triển nông nghiệp và hệ thống giao thông. Khi chưa có cầu An Thái, bất cứ ai đến với Kinh Môn đều phải qua đò, bởi Kinh Môn là một “huyện đảo” ở vùng đồng bằng Bắc Bộ!

- Có 4 sông lớn chảy qua, nhưng vì ở cuối nguồn của các con sông trong hệ thống sông Thái Bình, nên nguồn nước mặt của huyện Kinh Môn bị ô nhiễm rất nghiêm trọng bởi nước thải công nghiệp từ thượng nguồn, đặc biệt là các khu công nghiệp nằm dọc theo sông Cầu, sông Thương; nguồn nước ngầm nghèo, lại bị nhiễm mặn, hàm lượng sắt rất cao ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

- Những năm trước đây và cho đến bây giờ, Kinh Môn vẫn là địa bàn nằm trong kế hoạch xả lũ, chứa nước khi có nguy cơ vỡ đê để bảo vệ các khu công nghiệp (Nam Sách, Chí Linh) và Thành phố Hải Dương, nên quy hoạch phát triển nông nghiệp không ổn định lâu dài.

- Huyện có 1.812 ha rừng trồng, chủ yếu là rừng môi sinh, đặc dụng và hơn 300 ha cây ăn quả như vải, nhãn trồng trên đồi, năng suất thấp, giá bán lại không cao; khoáng sản chủ yếu là đá vôi, cao lanh, bô xít; tiềm năng du lịch không lớn.

Những nét khái quát trên cho thấy, để tận dụng ưu thế về điều kiện tự nhiên cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện là rất khó khăn.

Tạo thế vươn lên

Cách đây hơn 10 năm, ngày 1-4-1997, huyện Kinh Môn được tái lập (huyện Kim Môn tách ra thành Kim Thành và Kinh Môn). Những ngày đầu, Đảng bộ và nhân dân trong huyện nỗ lực xây dựng quê hương trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Đội ngũ cán bộ đã thiếu, lại yếu. Trước thực tế đó, Đại hội Đảng bộ huyện Kinh Môn lần thứ XX (năm 1997) đã kêu gọi cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong huyện ra sức khắc phục khó khăn, hăng hái thi đua lao động sản xuất để xây dựng quê hương.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện tập trung cho nông nghiệp và công nghiệp, trên cơ sở quy hoạch lại vùng sản xuất chuyên canh để phát triển nông nghiệp hàng hóa, kêu gọi đầu tư để phát triển công nghiệp, tạo thế và lực cho phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.

Từ những chủ trương đó, căn cứ vào điều kiện tự nhiên, xã hội, tập quán và truyền thống lịch sử, huyện đã xây dựng các chương trình mục tiêu trọng điểm: Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn; phát triển công nghiệp nhanh và bền vững; phát triển kinh tế dịch vụ; đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, xã hội; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; an ninh quốc phòng. Các cấp lãnh đạo trong hệ thống chính trị đã bám sát cơ sở, cùng với nhân dân quyết tâm thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu đã đề ra. Những kết quả đáng mừng

Sau 10 năm tái lập, kinh tế - xã hội huyện Kinh Môn đã có những thay đổi đáng kể. Cụ thể:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,98%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ (năm 2005, cơ cấu kinh tế: nông nghiệp; công nghiệp và dịch vụ tương ứng là: 42,29%; 29,25% và 28,46%). Trong nông nghiệp: Tăng trưởng bình quân 5,35%/năm, thu nhập bình quân đạt 37,8 triệu đồng trên 1 ha canh tác, năng suất lúa đạt 110,70tạ/ha/năm, sản lượng lương thực đạt gần 73.000 tấn. Công nghiệp, xây dựng: Tốc độ tăng trưởng bình quân 21,08%/năm, tỷ trọng tăng từ 22,47% (năm 2000) lên 32,49% (năm 2005), giá trị sản xuất (giá so sánh) từ 158.113 triệu đồng lên 356.547 triệu đồng. Đến hết năm 2005 có 4 cụm công nghiệp, 2 làng nghề và trên 3000 cơ sở sản xuất công nghiệp, hộ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; trong đó có 25 công ty trách nhiệm hữu hạn, 10 công ty cổ phần hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực vật liệu xây dựng, cơ khí. Huyện đã huy động được trên 150 tỉ đồng để phát triển giao thông nông thôn, 100% số đường liên thôn, xã được cứng hóa. Về dịch vụ: Tốc độ tăng bình quân đạt 14,58%/năm, thu nhập từ 101,9 tỉ đồng lên 221,4 tỉ đồng, số bưu cục và bưu điện văn hóa xã tăng từ 17 lên 26 điểm và đạt 8 máy điện thoại cố định/100 dân.

- Lĩnh vực văn hóa xã hội được chú ý và có bước phát triển mới. Về giáo dục: Tất cả các loại hình trường học đều được xây dựng kiên cố, đủ diện tích theo quy định, 17/82 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, 4 xã được công nhận là xã giáo dục toàn diện, tỷ lệ học sinh hằng năm tốt nghiệp cao, chất lượng giáo dục tốt. Là huyện miền núi, nhưng Kinh Môn có nhiều học sinh đạt giải quốc gia và quốc tế. Về y tế: Cơ sở vật chất cũng như đội ngũ thầy thuốc, về cơ bản, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, có 13/25 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; do đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm từ 31% xuống 20%. Về văn hóa: Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đạt kết quả tốt; năm 2005 có 54/111 làng văn hóa, cơ quan văn hóa (trước năm tái lập huyện chỉ có 1 làng văn hóa), 80% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Công tác thể dục, thể thao quần chúng phát triển rộng khắp các khu dân cư. Các chính sách xã hội: Mỗi năm tạo việc làm mới cho 2.711 lao động, thực hiện 57 dự án vay vốn quốc gia để hỗ trợ, giải quyết việc làm, nên tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) giảm xuống còn 16, 45%. Các chính sách xã hội, công tác đền ơn đáp nghĩa được thực hiện tốt trong toàn huyện. Do hoàn thành trước thời hạn việc xây dựng nhà tình nghĩa, huyện Kinh Môn được Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Bằng ghi công.

- Công tác an ninh quốc phòng, thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở được tăng cường và thực hiện nghiêm túc trong mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương từ huyện đến xã.

Trong năm 2006, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,86% (toàn tỉnh là 11%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng nông nghiệp là 39,17%; công nghiệp 32,49% và dịch vụ là 28,34%. Trong huyện phát triển mới bốn cụm công nghiệp và hai làng nghề, đẩy nhanh tiến trình đô thị hoá, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Các thành phần kinh tế có điều kiện mở rộng đầu tư tạo sự thay đổi căn bản trong phát triển ngành, nghề, nền kinh tế đa dạng, phong phú hơn và thu nhập bình quân đầu người hằng năm tăng lên đáng kể. Năm 2006 là 4,75 triệu đồng/người, tăng gần gấp hai lần so với năm 2000. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, huyện đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để nâng cấp, làm mới trên 100km đường nhựa, đường bê tông.

Với chủ trương tiếp tục đổi mới, mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII xác định các mục tiêu chủ yếu đến năm 2010: Giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 12%/năm; đạt tỷ trọng nông nghiệp 30,06%, công nghiệp – xây dựng 39,07% và dịch vụ 30,87% trong cơ cấu kinh tế; thu nhập bình quân đầu người đạt 8,6 triệu đồng trở lên, giảm hộ nghèo xuống dưới 10% (theo tiêu chí mới); đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hoá và củng cố an ninh, quốc phòng; tăng tỷ lệ tổ chức Đảng, chính quyền cơ sở và các đoàn thể chính trị xã hội trong sạch, vững mạnh.

Những kết quả đạt được trong thời gian qua phản ánh sự quyết tâm, năng động, tự chủ vượt khó đi lên của nhân dân và tư duy làm kinh tế của đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong hệ thống chính trị các cấp của Kinh Môn.

Một số kinh nghiệm bước đầu

Từ những thành tựu đạt được sau 10 năm tái lập huyện, Kinh Môn rút ra một số kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, để tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo.

Một là, phải giữ vững ổn định chính trị, quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Phát huy truyền thống của một huyện Anh hùng làm nền tảng đạo đức xã hội, động lực phát triển kinh tế. Hoạch định nhiệm vụ trọng tâm cho từng giai đoạn, từng lĩnh vực; xây dựng chương trình hành động cụ thể và có giải pháp phù hợp với thực tế của địa phương; tạo sự đồng thuận cao ở các cấp lãnh đạo trong hệ thống chính trị và toàn dân để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng và nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức, điều hành cho cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt ở cơ sở là việc làm thường xuyên, liên tục. Phát hiện sớm những diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ và giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề nổi cộm để tạo lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Ba là, phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các tệ nạn xã hội phải được coi trọng trong toàn hệ thống chính trị; kết hợp chặt chẽ với công tác thanh tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những sai phạm, giữ vững lòng tin của nhân dân đối với sự điều hành, quản lý của chính quyền các cấp.

Bốn là, tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ về mọi mặt của cấp trên, các cơ quan nghiên cứu và các nhà khoa học; trên cơ sở khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh của địa phương xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội với kết cấu kinh tế: Nông nghiệp, các ngành tiểu thủ công nghiệp, khu, cụm công nghiệp và có chiến lược, các giải pháp hữu hiệu bảo vệ môi trường sinh thái.

Năm là, phải nhận thức được mọi việc làm của cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp phải vì dân; lấy mục tiêu phục vụ nhân dân làm làm thước đo về đạo đức, năng lực, sự rèn luyện, phấn đấu của mỗi cán bộ, đảng viên. Coi trọng công tác vận động quần chúng, để phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Thực hiện Pháp lệnh về dân chủ ở cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia vào việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức Đảng, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội; mở rộng dân chủ phải đi đôi với tăng cường kỷ cương pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Đẩy nhanh công tác cải cách hành chính, song hành với cải cách hành chính phải xây dựng mới, bổ sung, hoàn thiện các quy chế hoạt động của cả hệ thống chính trị, để tạo khuôn khổ pháp lý về điều hành, quản lý xã hội trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.