Tấm gương vì lòng nhân ái, khoan dung

Nhân Đăng
09:35, ngày 24-08-2007

Vượt qua tình cảm thương dân, yêu đồng bào của một nhà yêu nước, một lãnh tụ quốc gia đối với dân tộc mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tình yêu bao la đối với nhân loại cần lao, các dân tộc và nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới. Tình yêu thương con người, lòng nhân ái, là đạo đức mang tính bản chất của Người. Ngay từ thủa ra đi tìm đường cứu nước, vào những năm 10 của thế kỷ XX, qua những khảo nghiệm ở nhiều nước Á, Âu, Mỹ, Phi, Người nhận ra rằng không chỉ người da vàng mà cả người da đỏ, da đen, da trắng đều bị sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, đế quốc... Sáng lập ra báo Le Paria - Người cùng khổ - ngay từ khi số 1, Người đã nói đến việc giải phóng con người. Theo Người, người cùng khổ rất rộng bao gồm cả những người dân Việt Nam và nhân dân các nước thuộc địa bị mất nước, “không có tự do công lý”, bị “áp bức bóc lột”, bị “đầu độc”, bị “đẩy vào vòng ngu dốt tối tăm”, bị “bắt làm lao dịch, khổ sai và đi làm lính đánh thuê cho mẫu quốc”, “sống nghèo đói cực khổ”... và cả những người dân lao động ở các nước tư bản và những người trực tiếp sản xuất ra của cải nhưng sống đói nghèo, cùng khổ, thiếu thốn.

Thấm đượm lòng nhân ái, qua các bài báo, trang viết của mình, Người miêu tả một cách sống động hình ảnh người dân da đen ở Đắc-ce (Xê-nê-gan) bị đẩy xuống biển chết trong gió to, sóng lớn; những phụ nữ bị hãm hiếp, trẻ em bị phơi đói ở Đa-hô-mây, và cả những người dân thuộc địa bị bắt lính đi chết thay cho mẫu quốc. Đó còn là hình ảnh về sự phân biệt chủng tộc và đời sống khổ sở, bần cùng của người dân lao động ở các nước tư bản như đời sống của dân da màu ở Mỹ, đời sống lam lũ của “xóm thợ, xóm nghèo, xóm người cùng khổ” Ê-pi-nét ngay giữa thủ đô Pa-ri mà Người đã tận mắt trông thấy.

Bác Hồ nói tới con người, “nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn, nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng hơn nữa là cả loài người”. Là nhà cách mạng đứng về phía người cùng khổ nói về loài người, về con người rộng lớn, Người phân biệt: “Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ... Phải thực hành chữ Bác - Ái”(1).

Người khẳng định: “lòng thương yêu của tôi đối với nhân dân và nhân loại không bao giờ thay đổi”. Tình cảm đó thể hiện sâu sắc phong phú trong suốt cuộc đời của Người. Trong việc giải phóng con người, Người chú ý kết hợp hài hòa giữa cá nhân với tập thể, cộng đồng. Người đặc biệt quan tâm và tôn trọng “tính cách riêng”, “sở trường riêng”, “quyền lợi riêng” của mỗi người, nhằm phát huy đến mức cao nhất vai trò, khả năng của từng người vì lợi ích riêng chính đáng của mỗi người và lợi ích của cả cộng đồng. Đối với những người lầm đường, lạc lối hay phạm sai lầm, lòng thương yêu của Người mở rộng thành lòng khoan dung. Người nói: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ...”(2)

Biết bao câu chuyện thường ngày đã nói lên lòng nhân ái của Bác Hồ. Bác yêu thương công nhân, nông dân, trí thức, các chiến sĩ, bộ đội, công an, phụ nữ, phụ lão, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng... Bác yêu thương đồng bào các dân tộc, đồng bào ta cả lương lẫn giáo. Tổng khởi nghĩa thắng lợi, nước Việt Nam phải trải qua nạn đói khủng khiếp do Pháp, Nhật gây ra, Bác chủ trương tăng gia sản xuất, mỗi tháng, mỗi người nhịn ăn ba lần để góp gạo cứu đói và Bác cũng đóng góp lon gạo của mình như mọi người dân. Để thăm đồng bào nhân ngày Tết, Bác đến nhà một chị công nhân khuân vác ở Văn Điển, chủ nhà chợt nhận ra, ôm Bác khóc òa, không ngờ được Chủ tịch nước đến thăm, Bác nói: “Tôi không đến thăm thím và các cháu thì còn đến thăm ai?”. Làm việc đêm khuya, được bát chè bồi dưỡng, Bác xẻ đôi cho anh chiến sĩ bảo vệ cùng ăn. Đi chiến dịch biên giới, Bác không chịu một mình cưỡi ngựa. Bác bảo cả bảy người cùng đi bộ, để ngựa thồ hành lý cho đỡ anh em. Thăm trại tù binh về, Bác không còn áo khoác ngoài vì đã cho tên quan ba thầy thuốc bị rét cóng. Bác Hồ là cả một tình thương mênh mông. Đồng chí Phạm Văn Đồng viết: Những tư tưởng lớn của Hồ Chủ tịch là những tình cảm lớn. Trong đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch, cũng như trong đời sống hàng ngày của mình, Hồ Chủ tịch luôn luôn đối xử với người có lý, có tình. Cụ Hồ muôn vàn thương yêu đối với đồng chí, đồng bào. Trong tình yêu đó, có chỗ cho mọi người, không quên sót một ai và sắp xếp cho mỗi người vị trí chiến đấu cũng như lo lắng chu đáo cho mỗi người việc làm, đời sống, học tập, vừa nghiêm khắc đòi hỏi vừa thương yêu dìu dắt. Và: đối với kẻ lầm đường lạc lối, lòng Hồ chủ tịch còn rộng hơn biển cả. Người dạy phải khoan hồng, vui mừng đón rước những đứa con vì cảnh ngộ mà lạc bầy. Chúa Giê-su nói: Gặp một người có lỗi mà hối cải thì trên trời vui mừng hơn gặp 99 vị tu hành. Cụ Hồ nói rằng người Việt Nam ai cũng yêu nước, muốn nước thống nhất độc lập; ta khéo nhen chút than hồng ấy, nó sẽ cháy lên thành ngọn lửa(3).

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, trên báo Pháp Bằng chứng Thiên chúa giáo, nhà báo Mông-ta-rông (Montaron) đã viết: Cụ Hồ Chí Minh là một trong những chiến sỹ đầu tiên của thế giới thứ ba, của các dân tộc nghèo đói thèm khát một cuộc sống cho ra người. Cụ đã dạy họ rằng muốn được giải phóng, phải dựa vào sức mình là chính, và một dân tộc chỉ có thể sống còn khi dân tộc ấy không chịu sống nô lệ. Nhất là cụ dạy rằng cuộc chiến đấu vì nhân phẩm, tự do phải được đặt trên mọi cuộc chiến đấu khác. Cụ đã đem hết sức mình để mang lại cơm ăn, nước uống cho những ai đói khát. Cụ đã bênh vực cho những người yếu hèn và mang lại nhân phẩm cho những người nghèo khổ. Bởi vậy xin chúc người yên nghỉ và mong rằng những người yêu chuộng công lý phải tiếp tục trên cương vị của mình cuộc chiến đấu của Cụ vì nhân phẩm và tự do của các dân tộc bị chà đạp(4).


 
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995. tập 5, tr 644
(2) Sđd, tập 4, tr 246
(3) (4) Xem Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007