Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện chính sách xã hội trong phát triển bền vững - những giải pháp chủ yếu đối với Việt Nam
TCCS - Trước đây người ta thường đồng nhất tăng trưởng kinh tế với phát triển, nên chạy theo chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc dân (GNP) và thu nhập bình quân đầu người bằng bất cứ giá nào. Nhưng càng ngày người ta càng nhận ra rằng, tăng trưởng kinh tế chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để phát triển. Nói cách khác, ngày nay không thể chỉ chú ý đến tốc độ tăng trưởng mà còn phải quan tâm đến tính chất của tăng trưởng, tức là đạt được tăng trưởng bằng cách nào, những ai tham gia, thể chế nào được hình thành và những ai được hưởng lợi thành quả của sự tăng trưởng ấy?... Có những nước nhờ nguồn tài nguyên giàu có (dầu mỏ, kim loại quý hiếm...), ủy thác cho các công ty xuyên quốc gia khai thác, xuất khẩu và chia lời, nên thu nhập quốc dân tính theo đầu người tăng nhanh và đạt mức rất cao. Nhưng chỉ một tầng lớp nhỏ bên trên được hưởng lợi, đa số người dân vẫn nghèo đói vì sự tăng trưởng kinh tế nói trên không tác động đến phần còn lại của nền kinh tế quốc dân. Nguồn ngoại tệ thu được chảy vào các ngân hàng của các nước phát triển chứ không được tái đầu tư. Sự tăng trưởng kinh tế như vậy không thể coi là "sự phát triển".
Trong bài "ý nghĩa của sự phát triển" đăng trên Tập san Phát triển quốc tế (số 11, tháng 12-1969), Dudley Seers đã đặt câu hỏi: Điều gì đang xảy ra đối với sự nghèo khổ, thất nghiệp và sự bất bình đẳng? Nếu như cả ba vấn đề này trở nên ít nghiêm trọng hơn thì đó là nền kinh tế đang trải qua một thời kỳ phát triển. Nếu một hoặc hai trong các vấn đề trung tâm ấy trở nên xấu đi, đặc biệt, nếu cả ba cùng bị xấu đi mà coi kết quả đó là "phát triển" thì thật lạ lùng, ngay cả khi thu nhập bình quân tính theo đầu người tăng lên. Như vậy, phát triển phải là sự tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội.
Tiến bộ và công bằng xã hội có nội dung rất rộng. Để minh họa mối quan hệ qua lại giữa tiến bộ và công bằng xã hội với tăng trưởng kinh tế, trong bài này chỉ xét một số chính sách xã hội chủ yếu, như dân số và việc làm, thất nghiệp, sự bất bình đẳng, an sinh xã hội.
1 - Tăng trưởng kinh tế là động lực cơ bản thúc đẩy phát triển, là nhân tố quan trọng hàng đầu và điều kiện vật chất để giải quyết các vấn đề xã hội.
Tăng trưởng theo chiều rộng, tức là chủ yếu dựa vào tăng số lượng các yếu tố “đầu vào”, như lao động giản đơn giá rẻ, vốn, đất đai, công nghệ thấp... thì không thể phát triển bền vững và cũng khó thực hiện tốt các chính sách xã hội. Những nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển và chuyển lên nhóm nước phát triển trung bình, nếu cứ tiếp tục tăng trưởng theo chiều rộng thì sẽ đứng trước nguy cơ rơi vào cái gọi là "bẫy tăng trưởng" hay "bẫy thu nhập trung bình". Nghĩa là tăng trưởng dựa vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, sử dụng công nghệ lạc hậu, lao động giản đơn giá rẻ..., đến một lúc nào đó tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt; không đủ tài chính để đổi mới công nghệ và thiết bị; thu nhập thấp, nhưng lại không có điều kiện được đào tạo để nâng cao trình độ, không thể sử dụng công nghệ mới nên bị thất nghiệp, khiến người lao động bất bình. Những hiện tượng ấy trở thành lực cản quá trình phát triển tiếp theo.
Phát triển bền vững đòi hỏi phải tăng trưởng theo chiều sâu, chủ yếu dựa vào các nhân tố tăng sức sản xuất của lao động xã hội, như nâng cao trình độ của người lao động, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, cải tiến tổ chức và quản lý sản xuất, tăng hiệu suất của tư liệu lao động và tận dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường. Nhờ đó tăng năng suất lao động xã hội tăng nhanh giá trị gia tăng, nên có nhiều sản phẩm và dịch vụ để nâng cao mức sống của nhân dân.
Tăng trưởng kinh tế có tác động hai mặt đến việc thực hiện các chính sách xã hội. Một mặt, nó làm biến đổi cơ cấu ngành kinh tế, hình thành nhiều ngành mới, tạo ra nhiều việc làm. Mặt khác, do ứng dụng công nghệ tiên tiến, tăng nhu cầu về nhân lực chất lượng cao, nếu giáo dục đào tạo không đáp ứng kịp sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa nhiều lao động giản đơn, tăng thất nghiệp nhưng lại thiếu lao động lành nghề. Hoặc là, tăng trưởng kinh tế theo cơ chế thị trường, diễn ra cạnh tranh gay gắt, vừa thúc đẩy sản xuất, vừa dẫn đến phân hóa hai cực: những người chiến thắng thu lợi nhuận cao sẽ giàu lên, những người thua cuộc sẽ nghèo đi, thậm chí bị phá sản, nảy sinh khoảng chênh lệch lớn về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, đòi hỏi nhà nước phải có sự điều tiết thu nhập để giảm bớt bất bình đẳng xã hội.
2 - Các chính sách xã hội phù hợp là công cụ để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, những chính sách xã hội năng động với thể chế hợp lý sẽ tạo điều kiện giữ vững ổn định chính trị, giảm các xung đột lợi ích và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thí dụ: Vào đầu thế kỷ XX, trong cơ cấu dân số của Thụy Điển số trẻ em, thiếu niên và thanh niên chiếm tỷ lệ lớn, nhưng do đất nước còn nghèo không thể tạo được nhiều việc làm, nên những người lao động trẻ đã di cư sang châu Mỹ, đe dọa sự ổn định xã hội. Chính phủ Thụy Điển đã nỗ lực cải thiện giáo dục, điều kiện lao động và tăng phúc lợi xã hội để hạn chế di cư. Nhưng về sau lại gặp một thách thức khác, khi tỷ lệ sinh giảm, dân số già nhanh chóng, đòi hỏi phải bảo đảm trợ cấp cho người cao tuổi và tăng nguồn lao động bằng cách thu hút phụ nữ gia nhập thị trường lao động và mở cửa cho lao động nhập cư.
Ở Hàn Quốc, khi nền kinh tế đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng năm 1997, mức bất bình đẳng thu nhập lại tăng cao. Hệ số Gini từ 0,3115 (năm 1985) giảm xuống 0,2847 (năm 1993) và được duy trì ổn định đến năm 1997 và lại tăng mạnh lên 0,3210 (năm 1999). Xu hướng này liên quan mật thiết với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Chính phủ Hàn Quốc đã phải thực hiện cải cách chính sách xã hội để có phúc lợi cho nhiều người hơn, như chương trình bảo hiểm lao động, gồm trợ cấp thất nghiệp và các kế hoạch đào tạo mở rộng đối tượng thụ hưởng. Các chính sách xã hội và cơ chế phúc lợi xã hội này đã giúp nền kinh tế Hàn Quốc phục hồi và tránh được những xung đột xã hội có thể xuất hiện sau khủng hoảng kinh tế.
Có quan niệm sai lầm cho rằng, thực hiện các chính sách xã hội sẽ hút bớt một phần nguồn lực và làm cho việc đầu tư tập trung vào sản xuất bị giảm, dẫn đến hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thực tế thì ngược lại, việc thực hiện các chính sách xã hội chính là đầu tư vào nguồn lực con người. Con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là đối tượng phục vụ của sản xuất. Chính sách xã hội, như giáo dục, y tế, bảo hiểm... giúp cho con người có tri thức, có sức khỏe, có cuộc sống yên lành... sẽ làm tăng tính tích cực, sáng tạo, tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính sách nâng cao thu nhập không những cải thiện mức sống của những người yếu thế mà còn kích cầu khả năng thanh toán, từ đó đẩy mạnh sản xuất.
Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới có lộ trình phát triển tương tự như ở Việt Nam cũng cho nhiều bài học thực tiễn sinh động trong việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và chính sách xã hội. Có thể khái quát thành những nội dung chính sau đây:
Thứ nhất, vào thời kỳ đầu của nền kinh tế thị trường, để giải quyết những trở ngại về thể chế kinh tế theo kế hoạch, cản trở sự phát triển sản xuất, mục tiêu lúc ấy được xác định là tập trung giải phóng lực lượng sản xuất. Nhưng nếu tập trung quá nhiều vào tăng trưởng GDP, coi nhẹ các vấn đề xã hội sẽ cản trở đa số người hưởng lợi từ tăng trưởng này. Mức thu nhập thấp của số đông công chúng dẫn tới làm suy yếu dài hạn nhu cầu trong nước, tác động tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của lực lượng lao động. Cho nên, phát triển xã hội là điều kiện quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế và phải nhanh chóng chuyển từ chủ trương ưu tiên phát triển kinh tế so với phát triển xã hội, sang thực hiện chủ trương phát triển hài hòa kinh tế và xã hội.
Thứ hai, từ trong bối cảnh nghèo khó và chủ nghĩa bình quân chiếm ưu thế, cần khuyến khích những người, những vùng có điều kiện làm giàu trước. Nhưng khi kinh tế thị trường đã phát triển lại xuất hiện những nhóm lợi ích khác nhau được hưởng lợi khác nhau từ thành quả phát triển. Tăng trưởng kinh tế đạt được bằng sự tổn thất của một số nhóm xã hội và sự tăng tiến của nhóm xã hội khác ít hơn, xuất hiện tình trạng phân chia dân cư thành những nhóm có quyền lực lớn và những nhóm chịu thua thiệt. Mặc dù nhóm dân cư ưu thế có quy mô nhỏ nhưng lại thu lợi lớn hơn, họ có quyền lực trong tay và sở hữu những nguồn lực mạnh. Nhóm quyền lực này không chỉ có thể bảo vệ tốt lợi ích riêng của họ, mà còn phát huy ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách. Sự phân cực giàu - nghèo tăng nhanh, khiến cho nhóm người bị thiệt thòi cảm thấy tuyệt vọng, làm yếu cơ sở của sự ổn định xã hội. Vì thế, cần phải đặt ra mục tiêu bình đẳng hơn, công bằng hơn.
Thứ ba, khi khu vực tư nhân và khu vực kinh tế hỗn hợp tăng lên, khu vực thuần túy quốc hữu bị thu hẹp lại, thì khoảng cách giàu - nghèo cũng mở rộng. Sự chênh lệch thu nhập thực sự giữa dân cư đô thị và nông thôn có khoảng cách lớn. Chính phủ phải sử dụng công cụ phân phối lại như là một đòn bẩy để điều tiết phân phối thu nhập quốc dân, làm thu hẹp khoảng chênh lệch về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư.
Thứ tư, mới đầu cuộc cải cách kinh tế bắt đầu từ nông thôn vì nông thôn mới là nơi có đất đai và lao động. Càng về sau nông dân lại là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, quyền về đất đai của họ liên tục bị xâm phạm. Trong thời gian dài nông dân không được tiếp cận các dịch vụ công. Do đó, việc chuyển đổi hệ thống thể chế thống nhất giữa nông thôn và thành thị trở nên cấp bách, thúc đẩy sự thu hẹp khoảng cách nông thôn với thành thị, bảo đảm hài hòa về xã hội.
Thứ năm, tăng trưởng kinh tế nhanh, nhưng nếu xuất hiện sự tụt hậu của văn hóa, chính trị, xã hội sẽ cản trở quá trình cải cách hệ thống kinh tế. Bởi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, sự thiếu vắng lòng tin và hệ thống an sinh xã hội nghèo nàn tạo ra khó khăn lớn, cản trở phát triển.
Tóm lại, để phát triển bền vững nhất thiết phải tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Những giải pháp chủ yếu để kết hợp tăng trưởng kinh tế với thực hiện các chính sách xã hội ở Việt Nam
Các văn kiện Đại hội XI của Đảng đã xác định: Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Phải chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân cao, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, nghĩa tình, có tinh thần quốc tế chân chính.
Những năm qua, kinh tế tăng trưởng nhanh, các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt thành tựu quan trọng trên nhiều mặt. Nhưng, kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp, các cân đối vĩ mô chưa vững chắc. Tăng trưởng kinh tế vẫn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, môi trường còn nhiều hạn chế, yếu kém, gây bức xúc xã hội.
Đại hội XI của Đảng đã đề ra chủ trương phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế. Hoàn thiện hệ thống chính sách, kết hợp chặt chẽ các mục tiêu chính sách kinh tế với các mục tiêu, chính sách xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Đại hội XI của Đảng cũng định hướng các chính sách về giáo dục, đào tạo; về y tế; về lao động và việc làm; về nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân, hạn chế phân hóa giàu nghèo, giảm chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị; về hệ thống an sinh xã hội, về xóa đói, giảm nghèo; về cơ chế cung ứng các dịch vụ công thích ứng với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về mở rộng các hình thức trợ giúp và cứu trợ xã hội, nhất là với các đối tượng khó khăn; về đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; về bảo vệ môi trường; về phát triển hài hòa, bền vững các vùng, xây dựng đô thị và nông thôn mới.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 đã xác định một trong ba khâu đột phá là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Thực hiện tốt khâu đột phá này sẽ vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, vừa giải quyết được việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Năm 2010 nước ta mới đạt khoảng 200 sinh viên trên một vạn dân. Hiện nay lao động trong độ tuổi có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ có 13,3%, trong đó trình độ cao đẳng, đại học trở lên chỉ có 6%. Mục tiêu đến 2020 đạt 450 sinh viên trên một vạn dân và lao động qua đào tạo đạt 7%, đào tạo nghề đạt 55% tổng lao động xã hội là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội XI nêu yêu cầu xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Đây là điều kiện tiền đề để đạt các chỉ tiêu trên. Nhưng theo số liệu thống kê, năm 1987 ở nước ta một giảng viên đại học, cao đẳng đào tạo bình quân 6,6 sinh viên, mà đến năm 2009 con số này là 28 sinh viên. Sau 22 năm số sinh viên tăng 13 lần, nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Số giảng viên có trình độ tiến sĩ năm 2008 đạt 7,9%; phó giáo sư và giáo sư chỉ là 1,57%. Dù cho ngày nay người ta coi người học là trung tâm, tự học là quan trọng, thì người thầy vẫn có vai trò quyết định chất lượng và số lượng đào tạo. Nếu không có sự đầu tư thích đáng cho giáo dục, đào tạo, trong đó có đầu tư để xây dựng đội ngũ giáo viên, thì khâu đột phá khó thành hiện thực.
Phải đặc biệt coi trọng việc phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh; bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt. Có thể gọi đây là hai trọng điểm kèm theo khâu đột phá là giáo dục, đào tạo. Bởi vì nếu lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao mà thiếu sức khỏe và cuộc sống không yên bình do gặp nhiều rủi ro thì cũng không thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống.
Kinh tế thị trường tự do cạnh tranh không tự động hướng tới tiến bộ và công bằng xã hội. Chỉ nền kinh tế thị trường dưới sự quản lý của nhà nước mới có thể thực hiện được mục tiêu này. Bởi vậy, phải xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều tiết kinh tế thị trường của nhà nước. Sự điều tiết này bao gồm nhiều mặt, nhưng chủ yếu là:
Thứ nhất, tạo cơ hội thuận lợi cho mọi người, nhất là người nghèo được quyền sở hữu hay chiếm hữu và sử dụng những yếu tố sản xuất, hoặc còn gọi là "các tài sản sinh lời".
Chính sự phân phối không đều về quyền sở hữu các điều kiện sản xuất, như đất đai, vốn... giữa các tầng lớp dân cư khác nhau đã tạo nên chênh lệch về thu nhập. Bởi vậy, việc điều tiết thu nhập không chỉ hướng vào việc phân phối kết quả sản xuất mà còn phải hướng vào thay đổi dần dần mô hình tập trung các nguồn lực, có lợi cho nhóm người thu nhập thấp. Nhiều nhà nghiên cứu đã dẫn ra số liệu: sở dĩ 20% số người dân thuộc lớp giàu có ở các nước đang phát triển nhận được hơn 50% thu nhập quốc dân là vì họ đã sở hữu và kiểm soát trên 70% các nguồn lực sản xuất, như đất đai, vốn, kể cả vốn nhân lực chất lượng cao...
Nhà nước phải có cơ chế để những người nghèo, nhất là nông dân nghèo được tiếp cận các yếu tố “đầu vào” của sản xuất (tín dụng, phân bón, hạt giống, giáo dục đào tạo...) và phương tiện tiếp thị. Cách tốt nhất để giảm nghèo khổ là giúp người nghèo tìm được việc làm hay tự tạo ra việc làm. Nhằm mục tiêu này, nhiều nước đã giao quyền chiếm hữu và sử dụng ruộng đất lâu dài cho nông dân, lập ngân hàng phục vụ người nghèo, đào tạo nghề cho người nghèo, mở rộng khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, miễn giảm học phí, thậm chí mở lớp riêng cho con em dân nghèo do nhà nước tài trợ. Một bài học quý báu mà nhiều nước đã rút ra là: cần có chính sách phát triển nông thôn toàn diện, tránh tình trạng đẩy nhanh quá mức công nghiệp hóa thành thị, coi nhẹ công nghiệp hóa nông thôn, khiến lao động dôi dư từ nông nghiệp kéo ra thành thị quá đông làm gia tăng số người thất nghiệp, quá tải về nhà ở và giao thông ở đô thị.
Thứ hai, điều tiết giảm thu nhập của tầng lớp dân cư giàu có.
Nhà nước đánh thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài sản, kể cả thuế thừa kế... Đây là thuế trực thu, theo lũy tiến. Dĩ nhiên, mức thuế suất cao nhất cũng chỉ ở một giới hạn sao cho không triệt tiêu động cơ chính đáng và nỗ lực của những người có khả năng làm giàu hợp pháp. Theo khảo sát của Michael P.Todaro, tác giả cuốn "Kinh tế học cho thế giới thứ ba", ở phần lớn các nước đang phát triển sự điều tiết này còn rất hạn chế một phần vì thu nhập của dân cư và các doanh nghiệp chưa cao, còn lại chủ yếu là do thất thu lớn, vì nhiều nguyên nhân, như: 1) Các doanh nghiệp giàu thường tài trợ hào phóng cho những người thu thuế, nên họ đã cấu kết với nhau để giảm thuế. 2) Trình độ kiểm toán kém. 3) Các công ty xuyên quốc gia thực hiện cái gọi là "định giá chuyển nhượng", tức là khi mua, bán hàng hóa giữa các chi nhánh trong nội bộ công ty đặt ở những nước khác nhau, họ tìm cách tăng giá mua và hạ thấp giá bán một cách giả tạo ghi trên hóa đơn để giảm bớt lợi nhuận tại nước có mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao.
4) Ưu đãi quá mức cho các nhà tư bản để thu hút đầu tư, như giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế quá nhiều năm...
Thứ ba, điều tiết tăng thu nhập cho tầng lớp người nghèo, yếu thế.
Nhà nước dùng ngân sách để hỗ trợ cho người nghèo, những người khuyết tật... thông qua các chương trình kinh tế - xã hội, các quỹ trợ cấp, trợ giá, tín dụng ưu đãi... Ngoài ra còn vận động nhân dân góp quỹ xóa đói, giảm nghèo, giúp đỡ vùng gặp thiên tai.
Nhà nước tăng các dịch vụ công, như dự án y tế công cộng, bệnh viện miễn phí cho người nghèo, chương trình nước sạch, chương trình dinh dưỡng cho trẻ nghèo trước tuổi đến trường, chăm sóc người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ mồ côi. Vì phần lớn người nghèo ở các nước đang phát triển là nông dân, nên phải coi trọng chương trình phát triển toàn diện nông thôn.
Thứ tư, điều tiết giá cả, quan hệ cung cầu trên thị trường, nhằm bảo đảm ổn định sản xuất và mức sống của những người có thu nhập thấp.
Đặc biệt, giữ ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thông thường...), đánh thuế tiêu thụ cao vào những mặt hàng cao cấp (ô-tô, tủ lạnh, điều hòa không khí, rượu ngoại...)
Thứ năm, mở rộng và đa dạng hóa hệ thống bảo hiểm.
Kinh tế thị trường xảy ra nhiều rủi ro, cộng với thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của dân cư. Bởi vậy, nhà nước cần khuyến khích mở rộng và đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm của cả nhà nước và tư nhân, nhằm ổn định kinh tế - xã hội. Dịch vụ này ở nước ta còn rất kém phát triển. Đến nay mới thí điểm bảo hiểm nông nghiệp là quá chậm.
Thứ sáu, Cải cách hành chính, lành mạnh hóa bộ máy nhà nước, ngăn ngừa và nghiêm trị các hành vi tiêu cực, nhất là nạn tham nhũng, đầu cơ, buôn lậu, lừa đảo, hối lộ, móc ngoặc giữa công chức nhà nước với các đại gia giàu có.
Đại hội XI của Đảng nhận định cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra, thủ tục hành chính còn gây phiền hà cho tổ chức và công dân. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội. Bởi vậy, trọng tâm của khâu đột phá để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính.
Có thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, Nhà nước mới phát huy được mặt tích cực, hạn chế và ngăn ngừa mặt trái của cơ chế thị trường, tạo ra những tiền đề để nền kinh tế phát triển bền vững, hài hòa với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.
Quốc hội tiếp tục thảo luận các dự án luật  (03/11/2011)
Kỷ niệm 94 năm Cách mạng Tháng Mười Nga  (03/11/2011)
Tuyển chọn được 280 đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã  (03/11/2011)
Nâng quan hệ hợp tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản lên tầm cao mới  (03/11/2011)
"Quan hệ Nga-Hàn đứng trước tương lai tươi sáng"  (02/11/2011)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay