Giá trị đặc sắc của di tích lịch sử, kiến trúc đình Trà Cổ - cột mốc văn hóa ở vùng duyên hải đông bắc
Trong không gian văn hóa vùng duyên hải Đông Bắc Việt Nam, đình Trà Cổ thuộc thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh nổi lên như một di tích có giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật.
Kết quả nghiên cứu nhiều năm qua cho thấy, từ những thế kỷ đầu Công nguyên, vùng duyên hải Đông Bắc, biển Giao Châu đã là một trung tâm kinh tế, giao thương nhộn nhịp. Bước vào kỷ nguyên độc lập, các triều đại quân chủ đã dành nhiều sự quan tâm đến vùng biển đảo địa đầu của Tổ quốc. Vùng đất Hải Ninh, Vạn Ninh, An Bang, Yên Quảng,... luôn được coi là một vùng trọng trấn. Trải qua nhiều thế kỷ, chính quyền Thăng Long đã thực thi các chính sách thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ an ninh. Cùng với các di tích lịch sử - văn hóa địa phương, đình Trà Cổ, mà cùng với đó là lễ hội đình Trà Cổ, là quần thể di tích, không gian sáng tạo văn hóa, bảo tồn nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vừa mang những đặc trưng chung của đình làng Việt Nam vừa thể hiện những dấu ấn riêng của cư dân biển. Đình Trà Cổ là cột mốc văn hóa, góp phần khẳng định chủ quyền, bản sắc văn hóa dân tộc.
Dựa trên việc khai thác nhiều nguồn tư liệu (Dư địa chí, Đại Nam thực lục, Việt sử thông giám cương mục, Địa chí Quảng Ninh,...), ứng dụng các phương pháp căn bản của khoa học lịch sử, lịch sử văn hóa, khu vực học và cách tiếp cận liên ngành, bài viết muốn góp phần làm rõ vị trí chiến lược của vùng duyên hải Đông Bắc, giá trị độc đáo của đình Trà Cổ, Quảng Ninh trên các phương diện lịch sử, văn hóa, khoa học và kiến trúc nghệ thuật, từ đó luận giải những đặc tính chung, riêng của đình Trà Cổ trong hệ thống đình làng Việt Nam.
1. Giá trị lịch sử của Di tích
Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn và chú giải Dư địa chí của nhà sử học Hà Văn Tấn thì Móng Cái xưa là trấn Triều Dương. Đến năm Thuận Thiên thứ 14 (1023) đời Lý (1009-1225) là châu Vĩnh An. Đến năm 1242 đời Trần (1225-1400) thuộc lộ Hải Đông. Năm 1426 đời hậu Lê thuộc đất Yên Bang (thuộc Đông Đạo), sau là Yên Quảng. Thế kỷ XVII, Móng Cái thuộc châu Vạn Ninh, thế kỷ XVIII là châu Mang Nhai, thế kỷ XIX là tổng Vạn Ninh, tổng Bát Trang và một phần tổng Hà Môn thuộc châu Vạn Ninh, phủ Hải Đông, trấn An Quảng[1]. Từ cuối thế kỷ XIX, xã Trà Cổ được lập. Thời Tự Đức (1848-1883), xã Trà Cổ thuộc châu Vạn Ninh. Thời Thành Thái (1889-1907) xã Trà Cổ thuộc châu Hà Cối, phủ Hải Ninh. Thời Duy Tân (1907-1916) năm 1910, xã Trà Cổ được chia thành hai xã là Trà Cổ và Bình Ngọc thuộc tổng Hải Ninh, châu Móng Cái. Đầu thời thuộc Pháp, Móng Cái là một trong ba châu: Móng Cái, Hà Cối, Tiên Yên của phủ Hải Ninh, tỉnh Quảng Yên.
Về vị thế địa - chiến lược, địa - kinh tế của An Bang (An Quảng) Nhà chiến lược quân sự, ngoại giao Nguyễn Trãi cho rằng: “Ở vùng ấy đất thì đen, mềm; ruộng thì vào hạng hạ hạ. Bờ biển có trầm ngư cùng nhiều thứ. Ở Vạn Ninh và Vân Đồn, người Hợp Qua và người Trung Quốc đều tùy theo phương phục mà cống các thứ quý lạ”[2]. Do có mặt đông và bắc giáp với Khâm Châu mà An Bang được coi là “phên dậu thứ hai ở phương Đông”[3]. Thực tế, An Bang - Yên Quảng,... đã là trọng trấn, vùng biên cương thép bảo vệ sự bình yên cho toàn bộ vùng Đông Bắc, kinh đô Thăng Long và đất nước. Về tỉnh Quảng Yên, các tác giả Đại Nam nhất thống chí cũng cho rằng: “Đất nhân thế núi làm thành, dựa chỗ cao mà giữ hiểm, có núi để dựa, có biển vòng quanh, địa thế xa lánh mà xung yếu, trong thì vững cương vực, ngoài thì khống chế đất Thanh. Núi cao có Lôi Âm, sông lớn có Bạch Đằng, 22 cửa biển, hơn 10 đồn ải, hải đảo quanh co, sông bến khuất khúc, cũng là nơi then chốt ở ven biển”[4].
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, châu Móng Cái đổi thành huyện Móng Cái, phố Hòa Lạc đổi thành thị xã Móng Cái[5]. Năm 2008 thành phố Móng Cái được thành lập, phía đông và đông nam giáp huyện Cô Tô và vịnh Bắc Bộ, phía tây và tây bắc giáp huyện Hải Hà, phía đông và đông bắc giáp Đông Hưng thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Từ năm 2008 đến nay, Trà Cổ là một phường của thành phố Móng Cái.
Vào thời Lý (1009-1225), năm 1149 vua Lý Anh Tông đã khai mở trang Vân Đồn để thiết lập một trung tâm buôn bán, bang giao ở vùng biển đảo. Đến thời Trần (1225-1400) chính quyền Thăng Long đã đổi trang (1149) Vân Đồn thành trấn (1349). Không chỉ nâng cấp một đơn vị hành chính, vua Trần Dụ Tông (cq: 1341-1369) còn cho “Đặt quan trấn, Quan lộ và Sát hải sứ ở trấn Vân Đồn, lại đặt quân Bình hải để trấn giữ”[6]. Vào thế kỷ XIII-XIV, thương cảng quốc tế Vân Đồn đạt đến độ phát triển phồn thịnh. Trong các thế kỷ XV-XVIII, đầu mối giao thương này vẫn có nhiều hưng khởi và là thương cảng quốc tế quan trọng nhất của quốc gia Đại Việt. Vân Đồn là một thương cảng lớn, có tính hệ thống, có nhiều mối quan hệ vùng, liên vùng. Cùng với các cảng, bến ở vùng biển đảo thuộc các xã: Thắng Lợi, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng,... hiện nay, Vân Đồn còn có hệ thống cảng, bến ven bờ. Điều có thể khẳng định là, vùng duyên hải cực Bắc của đất nước với các địa danh: Hải Đông, Hải Ninh, Vạn Ninh,... đã được khai phá từ thời Lý - Trần, có vị trí quan trọng trong quan hệ thương mại, bang giao giữa Đại Việt với nhiều quốc gia châu Á.
So với các khu vực trong đất liền, Trà Cổ là một vùng đảo được bồi tụ tương đối muộn. Qua nhiều thế kỷ, các lớp phù sa của sông Ka Long cùng với gió và các lớp triều dâng của Biển Đông đã thành tạo nên một doi cát lớn thuận lợi cho cư dân sinh sống. Đến thời Lê sơ (1428-1527), chính quyền Thăng Long đã thực thi một chủ trương lớn, đưa cư dân vùng “đất bản bộ” xứ Thanh và châu thổ sông Hồng ra khai phá, sinh sống ở vùng duyên hải, góp phần trấn giữ các cửa sông, cửa biển. Vùng đảo Hà Nam thuộc Yên Hưng, Quảng Yên là một trong những trường hợp tiêu biểu. Mục tiêu phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ chủ quyền, an ninh đất nước đã được thể hiện rõ. Nhiều khả năng, thời gian này những nhóm cư dân đầu tiên đã được đưa đến định cư ở vùng đảo này.
Đình Trà Cổ được xây dựng sớm, có thể được kiến dựng từ thời Lê sơ, nhưng thời bấy giờ quy mô còn khiêm nhường. Ngôi đình hiện tại là một công trình bề thế, mang đậm phong cách kiến trúc thời Lê Trung Hưng (1533-1789) và thời Nguyễn (1802-1945). Cùng với các di tích lịch sử văn hóa địa phương, đình Trà Cổ hợp thành một quần thể di tích gắn với quá trình hình thành, phát triển của cộng đồng cư dân vùng duyên hải Đông Bắc - Một vùng đất phên dậu, có vị trí địa - chiến lược, địa - kinh tế đặc biệt quan trọng của Tổ quốc. Sự hiện diện của ngôi đình - một di tích lịch sử văn hóa, là minh chứng sinh động cho quá trình khai mở, dựng xây, khẳng định chủ quyền của các triều đại quân chủ và vai trò của nhiều thế hệ cư dân ở vùng biên cương, biển đảo của đất nước.
Sự hình thành vùng Trà Cổ gắn với các huyền tích. Tương truyền, khoảng thế kỷ XV, có 12 gia đình ở Đồ Sơn (gốc hai làng Trà Phương và Cổ Trai, thuộc Kiến Thụy, Hải Phòng) trong một lần “đi đánh cá” gặp sóng to, gió lớn đã dạt vào một vùng đảo hoang vắng. Nghe tin có thuyền gặp nạn, nhân dân từ vùng thượng sông Ka Long đã vượt mưa to, gió lớn đem thuốc men, lương thực, trang phục xuống cứu trợ. Nhận thấy cảnh quan, vị thế có nhiều thuận lợi, thấm hiểu tình người trên vùng đất mới, các gia đình quyết định ở lại khai phá, định cư. Trải qua thời gian, trước những thách thức về điều kiện tự nhiên và nguồn sinh kế, sáu gia đình đã trở về quê cũ, các hộ dân còn lại quyết tâm bám biển, lập làng. Họ đã “Cắm sào lọc nước lấy tiền nuôi nhau”. Điều đáng chú ý là, trong quá trình nghiên cứu về lịch sử hình thành vùng đất và cư dân Đồ Sơn, Nhà khảo cổ học Trịnh Cao Tưởng đã phát hiện thấy mô-tip các nhóm gia đình/anh em ngư dân, ra biển “đánh cá, gặp bão, trôi dạt vào đảo/đất liền, bám trụ, lập nghiệp” giống như trường hợp Trà Cổ. Mở rộng địa bàn khảo cứu ra các xã đảo vùng Vân Đồn, Cô Tô,... tác giả nhận thấy truyền tích này là hiện tượng văn hóa phổ quát của cả một dải văn hóa vùng biển đảo Đông Bắc. Đồ Sơn là vùng đất cổ, là một trong những điểm đến đầu tiên của Phật giáo và cũng là nơi diễn ra nhiều dòng tụ cư và chuyển cư[7].
Với nghị lực và sự kiên trì, từ những nhóm cư dân đầu tiên, vùng đất Trà Cổ dần trở thành địa bàn quần cư tương đối đông đúc. Dải đất hình vành khuyên dài 17km từ Sa Vĩ đến Mũi Ngọc trở thành điểm đến của nhiều cộng đồng cư dân. Một số dòng người từ vùng núi Đông Bắc dồn về, từ vùng Thanh - Nghệ chuyển ra, từ phương Bắc di cư đến,... để làm ăn, buôn bán. Theo các sử gia triều Nguyễn, cư dân ở Quảng Yên có tính cách mạnh mẽ. Ở đó, đất đều chua mặn, dân làm nghề đánh chài, đi buôn, mối lợi nhờ núi, biển; hàng hóa thông Bắc - Nam[8]. Nhờ có nhiều nguồn tài nguyên, Trà Cổ dần trở thành vạn chài trù phú. Người Việt cùng với đồng bào các dân tộc thiểu số: Tày, Nùng, Sán Dìu,... vừa đánh cá, làm muối, giao lưu trên biển, vừa buôn bán, làm nông, khai thác lâm thổ, thủy hải sản.
Các nguồn sử liệu cho thấy, từ thời Lý - Trần, nhiều tập đoàn thương nhân từ miền Nam Trung Hoa (và từ nhiều nước Đông Nam Á, Nam Á,...), đã cho thuyền đến trao đổi, buôn bán ở Vân Đồn. Đến nửa sau thế kỷ XVIII, một số nhóm thương nhân ngoại quốc vẫn cho thuyền đến Vân Đồn, Vạn Ninh buôn bán. Năm 1764, chúa Trịnh Doanh (1740-1767) đã ra lệnh cấm khách buôn phương Bắc không được ở lẫn với dân. Các sử gia triều Nguyễn viết: Trước đây khách buôn phương Bắc đến buôn bán, chỉ cho trú ngụ ở châu Vân Đồn, châu Vạn Ninh thuộc Yên Quảng và xã Cần Hải, Hội Thống, Triều Khẩu thuộc Nghệ An, không được ở lẫn với dân. Lúc ấy, dân ở châu Vạn Ninh nhiều người phiêu tán, nên cũng có khách buôn nhân tiện chiếm ở trú ngụ ngay chỗ đất bỏ không, lại có nhiều người mở phố xá ở Vĩnh Đại và Triều Khẩu. Vì thế, mới hạ lệnh cho quan ở trấn sức sở tại dẫn đưa ra ngoài cảnh thổ, xếp đặt cho họ ở riêng ra như trước[9]. Việc trao đổi, buôn bán (đặc biệt là gốm, sứ, sành,...) để lại nhiều dấu tích trên một vùng rộng lớn với các địa danh: Thoi Sành, Vạt Dạt, Rừng Miễu,... Ở Thông Đông, xã Vạn Ninh, cũng có bến Vạn Ninh, dài hơn 800m. Ở đó cũng có nền nhà và các vết tích khảo cổ học giống khu vực Vân Đồn. Bến này được lập vào thời Lý và là địa điểm buôn bán chủ yếu với Trung Quốc[10]. Hoạt động giao thương được thực hiện thường xuyên qua nhiều thời kỳ lịch sử. Vùng Hải Ninh - Trà Cổ trở thành một trong những trung tâm giao thương, cảng bến ven bờ quan trọng của hệ thống thương cảng quốc tế Vân Đồn[11].
Để luôn nhớ về quê hương và công lao của những người có công khai mở một vùng đất, người Trà Cổ đã lấy tên đầu của hai làng cổ là Trà Phương và Cổ Trai đặt tên cho quê hương mới. Đến nay, cư dân địa phương vẫn truyền nối qua nhiều thế hệ ký ức sâu nặng về một vùng quê: “Người Trà Cổ - Tổ Đồ Sơn”. Tại gian chính đình Trà Cổ có đôi cấu đối: “Đồ Sơn ngật nhĩ hinh hương địa/ Trà Cổ nguy nhiên kỷ niệm từ”. Câu đối có hàm ý: “Người dân Trà Cổ dựng một ngôi đền/đình nguy nga để tưởng nhớ về quê cũ Đồ Sơn”. Luôn hoài niệm, tự hào về quê hương, vùng đất gốc đã sinh thành nên gia đình, dòng họ là một trong những đặc trưng, giá trị nguồn cội của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Trải bao thế hệ, các vị thần có công với đất nước, quê hương đã được tôn thờ. Trong đình Trà Cổ có bài vị thờ: Ngọc Sơn Trấn Hải Đại Vương Tôn Thần, Bạch Điểm Tước Đại Vương Tôn Thần, Quảng Trạch Đại Vương Tôn Thần, Nhân Minh Đại Vương Tôn Thần, Huyền Quốc Lã Thái Úy (Thái úy Lý Thường Kiệt), Không Lộ - Giác Hải Đại Vương Tôn Thần (Thiền sư Không Lộ và Thiền sư Giác Hải). Đó là bảy vị thần, được suy tôn là Thành hoàng làng.
Cùng với các vị Thành hoàng được thờ phụng trong hậu cung, ngoài Đại đình (ở hai hồi) còn phối thờ các vị Tiên công có công mở đất, lập làng. Cuộc sống vùng Đông Bắc gắn liền với môi trường tự nhiên rừng núi, duyên hải và hải đảo nên cư dân nơi tôn thờ thần núi, thần sông, thần biển,... Làm nghề chài lưới, đánh bắt hải sản trên biển, cư dân vùng biển đảo Đông Bắc - Trà Cổ dần tích lũy cho mình vốn tri thức phong phú về biển. Họ có vốn sống, vốn tri thức phong phú về quy luật vận động của thế giới tự nhiên và có cả một hệ thống triết lý, thế giới thần linh để cầu mong cho mưa thuận, gió hòa[12]. Người Trà Cổ đặt niềm tin vào các vị thần tự nhiên như: Ngọc Sơn Trấn Hải Đại Vương, Bạch Điểm Tước Đại Vương Tôn Thần,... là các vị thần cai quản, trấn ải vùng cửa biển, phù giúp cho những người đi biển. Cư dân Trà Cổ và vùng biển Đông Bắc tin rằng, các vị thần linh chính là những đấng linh thiêng trấn giữ, bảo trợ cho những người đi biển và các hoạt động khai thác biển, buôn bán, vận tải trên biển. Theo thần tích “Ngọc Sơn Trấn Hải Tôn Thần” thì núi Ngọc Sơn ở Hải Ninh là nơi Lý Thường Kiệt khi đem quân tập kích châu Ung và châu Liên hội quân ở đấy[13]. Thời Trần, Trần Thủ Độ và các vua Trần cùng Trần Hưng Đạo cũng đã từng đến Ngọc Sơn để bày binh bố trận. Thời Lê sơ, Lê Thánh Tông đã tuần du Biển Đông đến núi Truyền Đăng ra núi Ngọc Sơn để tập trận. Núi Ngọc Sơn là ngọn núi tiền tiêu ở biên giới phía Đông Bắc thuộc xã Bình Ngọc, thành phố Móng Cái, Việt Nam. Do núi nổi tiếng linh thiêng và có vị trí chiến lược quan trọng nên được nhiều sách địa chí cổ ghi chép. Nhân dân các xã Bình Ngọc, Trà Cổ, Tràng Vĩ, Hải Ninh, Ninh Đương, Vạn Xuân,... đều tôn làm Thành hoàng[14].
Cùng với việc tôn thờ các vị thần tự nhiên và Lý Thường Kiệt, người Trà Cổ còn thờ hai vị Thiền sư. Theo Thiền uyển tập anh, Thiền sư Không Lộ (?-1119) họ Dương “người Hải Thanh, nhà mấy đời làm nghề đánh cá, sau bỏ nghề theo tu hành đạo Phật. Sư chuyên tu trì pháp môn Đà La Ni (Dharani). Khoảng niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1059-1065) đời Lý Thánh Tông, Sư cùng đạo hữu là Giác Hải đi vân du cõi ngoài, dấu kín tông tích, đến chùa Hà Trạch, ăn rau mặc lá, quên cả thân mình, dứt hết mọi điều mong muốn, một lòng chuyên chú tu tập Thiền định. Rồi sư thấy tâm thần, tai mắt ngày càng sáng láng thông tỏ, bay trên không, đi dưới nước, hàng long phục hổ, muôn nghìn phép lạ không lường hết được”[15]. Cũng theo Thiền uyển tập anh, Thiền sư Giác Hải tu ở chùa Diên Phúc, hương Hải Thanh: “Thiền sư họ Nguyễn, người hương Hải Thanh, từ nhỏ làm nghề đánh cá, thường lấy thuyền làm nhà, lênh đênh trên sông biển. Năm 25 tuổi bỏ nghề cũ, cắt tóc đi tu. Lúc đầu Sư cùng với Không Lộ theo học đạo với Hà Trạch. Sau Sư nối pháp tự của Không Lộ”[16]. Như vậy, cả hai Thiền sư đều xuất thân làm nghề chài lưới, sau tu hành đắc đạo, có nhiều phép thần diệu có thể cưỡi mây, lướt sóng. Thiền sư Giác Hải được vua Lý Nhân Tông tiếp đãi như Thầy. Cuộc đời, hành trạng của hai Thiền sư thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng của Phật giáo với đời sống xã hội, chính trị (cung đình) thời Lý, đến vai trò của biển và những con đường tiếp giao văn hóa giữa Đại Việt với các quốc gia khu vực. Phật giáo có vị trí quan trọng trong tâm thức của cư dân biển. Nhiều vùng ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng,... đã suy tôn các Thiền sư làm Thành hoàng.
Với các làng quê Việt và đối với dân làng, thần Thành hoàng là biểu hiện của lịch sử, phong tục, đạo đức, pháp lệ cùng hy vọng chung của cả làng, lại cũng là một thứ uy quyền siêu việt, một mối liên lạc vô hình, khiên cho hương thôn thành một đoàn thể có tổ chức và hệ thống chặt chẽ[17]. Việc phối thờ các vị Thành hoàng ở đình Trà Cổ trong đó có các vị thần tự nhiên (nhiên thần) canh giữ vùng đất; Lý Thường Kiệt (nhân thần, người dùng kế “Tiên phát chế nhân”, chủ động đánh địch từ xa, bảo vệ chủ quyền đất nước), hai vị Thiền sư và sáu vị Tiên công cho thấy tâm sự dung thông tam giáo, niềm tin, tín ngưỡng của người Việt. Đó là dòng chủ thể phản ánh bản chất, tư duy tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam[18]. Người Trà Cổ phối thờ nhân thần, nhiên thần, các vị anh hùng dân tộc và những người có công,... để cầu mong cho cuộc sống no đủ và sự bình yên cho quê hương, gia đình, dòng họ. Thờ cúng, tôn kính các vị thần và thực hiện các nghi lễ tâm linh, người dân Trà Cổ muốn thể hiện sự sùng vọng các vị thần đang tôn thờ, qua đó giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc. Người ta cũng muốn thể hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, củng cố niềm tin, tăng cường sự cố kết cộng đồng để tạo nên sức mạnh chung, vượt qua những thách thức khắc nghiệt của cuộc sống.
Đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về lịch sử hình thành đình Trà Cổ. Với dấu tích hiện tồn có thể cho rằng, đình được xây dựng quy mô lớn vào cuối thế kỷ XVII. Trong quá trình phát triển, ngôi đình đã được trùng tu nhiều lần nhưng về cơ bản vị trí, những đặc trưng về kiến trúc, nghệ thuật vẫn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn.
Cũng như nhiều ngôi đình ở vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ như: đình Phù Lưu, Thổ Hà, Đình Diềm, đình Đình Bảng (Bắc Ninh); đình Lỗ Hạnh, Đình Thắng, đình Phù Lão (Bắc Giang); đình Chu Quyến, Hoàng Xá, Đông Lỗ, Đại Phùng, Tây Đằng, Thụy Phiên (Hà Tây); đình Hương Lộc, Trùng Thượng, Trùng Hạ (Nam Định); đình Kiền Bái, Nhân Thọ (Hải Phòng); đình Hương Canh, Ngọc Canh (Vĩnh Phúc); Đình Lê (Thanh Hóa); đình Hoành Sơn, Trung Cầu (Nghệ An); đình Hội Thống (Hà Tĩnh),... đình Trà Cổ thể hiện ba chức năng cơ bản: Chức năng hành chính, Chức năng tín ngưỡng và Chức năng văn hóa. Để thực hiện ba chức năng cơ bản ấy trong hoạt động chung của làng xã, từ thế kỷ XV-XVI “Công cuộc xây dựng đình làng thời Lê rất rầm rộ, có thể so sánh với việc xây dựng chùa, tháp thời Lý - Trần”[19].
Đình được coi là không gian xã hội chung của cộng đồng. Không gian chủ đạo, bao trùm của các ngôi đình là cảnh quan châu thổ và một số vùng trung du. Nhưng, những làng buôn hay nông - công - thương kết hợp thường “có điều kiện” để kiến dựng các ngôi đình bề thế. Bên cạnh những ngôi đình ở trung du, châu thổ, ở nhiều vùng duyên hải cũng có các ngôi đình do cư dân vạn chài và những người chuyên sống nhờ biển, khai thác biển lập nên. Đình Trà Cổ là một trường hợp như vậy. Tính độc đáo của đình Trà Cổ là được dựng ở vùng ven biển và là công trình kiến trúc, văn hóa đầu tiên ở vùng địa đầu của đất nước.
Thông thường, người ta hay lấy tên làng xã để đặt tên đình. Trà Cổ là tên xã, cả xã chỉ có một thôn và một ngôi đình. Về sau, dân cư tập trung và dần trở nên đông đúc, từ một thôn phát triển thành bốn thôn: Nam Thọ, Đông Thịnh, Bình Ngọc, Tràng Vĩ. Trải qua thời gian, mỗi thôn đều có ngôi đình riêng nhưng đình Trà Cổ vẫn là đình chung của cả xã. Đình Trà Cổ hiện ở thôn Nam Thọ nên còn có tên gọi là đình Nam Thọ. Làng Trà Cổ xưa cũng phát triển thành phường Trà Cổ, ở phía đông thành phố Móng Cái, có diện tích 1301,07 ha. Lịch sử của đình Trà Cổ gắn với quá trình khai phá, xác lập chủ quyền và các trang sử hào hùng đấu tranh bảo vệ chủ quyền của các cấp chính quyền và nhiều thế hệ cư dân vùng đất địa đầu của đất nước.
2. Giá trị khoa học, văn hóa của di tích
Là một ngôi đình cổ thuộc nhóm các ngôi đình đẹp nhất miền Bắc, về tổng thể, đình Trà Cổ còn tương đối nguyên vẹn. Sự hiện diện của ngôi đình là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu về lịch sử kiến trúc, đình cổ Việt Nam. Cùng như nhiều ngôi đình khác, đình Trà Cổ thể hiện rõ ba chức năng cơ bản. Theo GS. Hà Văn Tấn: “Về chức năng hành chính, đình là chỗ để họp bàn các “việc làng”, để xử kiện, phạt vạ... theo những quy ước của làng. Về chức năng tôn giáo, đình là nơi thờ thần của làng, thường là một vị, nhưng cũng có khi nhiều vị, được gọi là “Thành hoàng làng”. Về chức năng văn hóa, đình là nơi biểu diễn các kịch hát như chèo, hay hát cửa đình - một hình thức đã phát triển trong các thế kỷ trước, nơi tiến hành các lễ hội, các trò chơi... Thực ra, các chức năng trên không bao giờ được tách bạch, mà đan xen hòa quyện với nhau”[20]. Cùng với ba chức năng trên, nhiều ngôi đình ở các vùng trọng trấn hay giao lộ chính, còn từng đóng vai trò như một “hành cung” mỗi khi xa giá của nhà vua đi qua[21].
Đình Trà Cổ ở sát biên giới Trung Quốc, nhưng, trải bao thế kỷ, ngôi đình vẫn trụ vững. Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vẫn được bảo tồn, phát huy như những giá trị linh thiêng trong tâm thức cộng đồng. Có thể khẳng định, đình Trà Cổ là hiện thân của văn hóa Việt, là cột mốc văn hóa uy nghiêm, trường tồn, thể hiện sâu đậm đặc trưng văn hóa Việt Nam. Dấu ấn lịch sử, bản sắc văn hóa thể hiện trong ngôi đình có giá trị đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải linh thiêng của đất nước.
Đình Trà Cổ là một di tích kiến trúc cổ, được xây dựng lâu đời. Tương truyền, vào lần tu sửa đình năm 1921 người ta đã tìm thấy một mảnh ván ghi niên hiệu “Hồng Đức niên chế”. Nếu thông tin trên là xác thực thì đình được dựng thời Hồng Đức (1470-1497). Theo các cụ cao niên ở Trà Cổ, đình làng được xây dựng năm Quang Thuận thứ ba (1463) dưới triều vua Lê Thánh Tông. Cũng có người lại cho rằng, đình được dựng năm “Hồng Thuận tam niên” tức năm 1511. Rất tiếc là những cứ liệu, thông tin đó không còn được lưu giữ. Các tác giả Địa chí Quảng Ninh nêu ý kiến cho rằng, đình được khởi dựng vào năm 1550[22]. Cũng có người nêu giả thuyết, ngôi đình được dựng đời vua Lê Kính Tông năm 1600... Như vậy, có nhiều quan điểm về niên đại đình Trà Cổ. Nhưng tựu chung, nhiều ý kiến nghiêng về việc đình được kiến dựng vào thế kỷ XV-XVI tức là vào thời Lê sơ (1428-1527) hoặc thời Mạc (1527-1592), thời kỳ “bùng nổ” của kiến trúc đình làng. Cũng có thể cho rằng, vào thời Lê sơ di tích là một ngôi đình (hay đền), sau đó đến thế kỷ XVII đã được trùng tu, mở rộng thành đình Trà Cổ. Với kết quả khảo cứu đương hiện, phong cách kiến trúc, điêu khắc,... đều cho thấy ngôi đình được xây dựng (hay phục dựng) vào thế kỷ XVII, sau đó được trùng tu, tôn tạo vào thế kỷ XVIII-XIX.
Theo các nhà nghiên cứu, niên đại thế kỷ XVII được xác định bởi nhìn tổng quan kiến trúc, các ngôi đình thế kỷ XV-XVI thường chưa có tàu mái cũng như chưa có lá mái. Như vậy, các ngôi đình cũng chưa có kết cấu mái cong thuộc hệ khung gỗ. Kiến trúc đình Trà Cổ đều có các câu đầu tỳ lực trực tiếp lên cột cái qua các đấu vuông, lớn dầy và thót đáy. Phong cách kiến trúc này không có khớp mộng trực tiếp vào đầu các cột cái như thường thấy ở các kết cấu kiến trúc gỗ sau này. Đây là đặc trưng nổi bật của kết cấu kiến trúc gỗ thế kỷ XVII. Như vậy, “Ở cuối thế kỷ XVII, chiếc câu đầu vẫn được làm từ một thân gỗ lớn, nhưng dài hơn trước. Và, cho đến thời kỳ này, câu đầu vẫn nằm trên các đấu vuông thót đáy, liên kết chắc chắn bởi các chốt đóng xuyên qua ruột đấu xuống đầu cột”[23]. Từ cuối thế kỷ XVII sang thế kỷ XVIII, câu đầu dường như không còn sử dụng mà được thay thế bằng quá giang, ăn mộng trực tiếp vào hai đầu cột cái. Đây là đặc trưng phổ biến của kiến trúc thế kỷ XVIII-XIX. Các mảng chạm khắc gỗ và các bức cốn, vì kèo, đầu dư, đầu bẩy,... mang đậm phong cách thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn (1802-1945), thể hiện tài năng của các nhà thiết kế và nghệ nhân dân gian xưa. Những nét chạm khắc ở ngôi đình vừa cho thấy những điểm chung với các đình làng Việt Nam, thời gian tạo tác, vừa cho thấy những nét riêng có của đình Trà Cổ.
Gian tiền đường của đình Trà Cổ nổi bật với bức đại tự sơn son thếp vàng, có nội dung khẳng định chủ quyền quốc gia: “Nam sơn tịnh thọ - Địa cửu trường thiên” (Nước Nam bền vững - Trời đất rộng, dài). Trải dọc theo những hàng cột đình là các đôi câu đối có nhiều ý nghĩa nhân ái, thâm sâu: “Quyết công uất yên, vạn cổ Đồ Sơn lưu hiển tích - Vi đức thịnh hĩ, thiên thu Đông Hải mộc ân ba” (Công vời vợi muôn thủa, Đồ Sơn lưu hiển tích - Đức hưng thịnh ngàn năm, Đông Hải gội ân ba). Câu đối có niên đại năm Kỷ Mùi triều Khải Định, 1919. Tiếp đó là câu đối: “Hải chung sơn dục anh linh, thánh bất khả tri dương dương như tại thượng - Nam ký đông tiệm uông dật, thần chi vi đức đãng đãng vô năng danh” (Non sông chung đúc khí thiêng đức thánh trên cao vời vợi - Đông Nam mênh mông nước biếc, thần thiêng cứu hộ khôn lường), niên đại tháng 2 năm Nhâm Dần. Câu đối: “Đức mại đăng hàm vạn cổ Nam thiên tiêu chính khí - Công tham viên củ ức niên Đông Hải trứ linh thanh”, tức (Đức nêu gương sáng, muôn thủa trời Nam ngời chính khí - Công làm quy củ, ngàn năm Đông Hải tỏ linh thiêng); Câu đối: “Vũ vĩ văn kinh Đồ lĩnh thiên thu di can giải - Sơn chung hải dục Trà Giang vạn cổ mộc hồng ân” (Văn hay võ giỏi, Đồ Sơn ngàn năm còn khí phách - Non chung biển đúc, Trà Giang muôn thủa đội ân sâu), niên đại Khải Định Cân Thân thu. Câu đối: “Trà Cổ nghiễm linh từ tĩnh trấn khôn duy sơn hữu sắc - Nam Thọ triêm thánh trạch trừng ngưng hải tế tủy vô ba” (Đình Trà Cổ nghiêm trang, trấn địa đầu khiến non sông tươi đẹp - Đền Nam Thọ ơn thánh, biển trong xanh làm yên lặng sóng kình), tạo tác năm Tân Dậu, triều Khải Định, 1921[24],...
Như vậy, các bức đại tự, câu đối trong đình Trà Cổ đều thể hiện chiều sâu lịch sử, vị thế của một vùng địa linh; cảnh quan tự nhiên tươi đẹp của biển và đất trời duyên hải Đông Bắc; sự uy nghiêm, linh thiêng của ngôi đình. Ý thức về nền độc lập, chủ quyền cũng được khẳng định mạnh mẽ. Các bức đại tự, câu đối cũng nhằm khuyên nhủ thế hệ sau phải tự hào, yêu quê hương, đất nước; phải không ngừng tôi rèn chí khí, gìn giữ giang sơn vững bền, để lại phúc phận cho muôn đời con cháu mai sau.
Giá trị và tính linh thiêng của ngôi đình còn được thể hiện trong 12 bản sắc phong của các vị vua triều Nguyễn (chủ yếu là vua Bảo Đại) ca ngợi công tích, uy linh của các vị Thành hoàng. Về Thành hoàng Lý Thường Kiệt (1019-1105) sắc phong có niên đại ngày 29 tháng 6 năm Bảo Đại thứ 10 (1935) ghi rõ: Sắc cho thôn Sa Vĩ xã Trà Cổ châu Mang Nhai tỉnh Hải Ninh từ xưa đã phụng thờ Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Huyền Quốc Lã Thái Úy Đại Vương Tôn Thần. Thần đã giúp nước che chở cho dân tỏ rõ linh ứng, từng được ban cấp tặng sắc cho phép phụng thờ. Nay Trẫm nối ngôi báu noi theo tốt đẹp của người trước, đáng gia tặng: Đoan Túc Tôn Thần. Đặc chuẩn cho phép thờ để ghi nhớ ngày quốc khánh và tỏ rõ điển lệ thờ cúng. Hãy nhận![25]. Bản thần tích làng (xã) Trà Cổ, tổng Ninh Hải cũng ca ngợi công đức của Thái úy khi đem quân phạt Tống, vây hãm hai thành Liên Châu và Ung Châu vào tháng 11 năm Ất Mão, 1075 (trận chiến diễn ra từ 30/12/1075 đến 02/01/1076): Thường Kiệt là bậc tướng tài, tinh thông thao lược. Ban đầu được xung Hoàng môn Kỳ hậu, sau thăng đến Thái úy, trải thờ ba triều vua, có công phạt Tống, bình Chiêm, công danh rạng rỡ, được sủng ái không ai tày[26]. Các sắc phong thường chỉ được mở ra mỗi năm một lần vào dịp lễ hội. Đó là các văn bản chính thức của nhà nước công nhận giá trị lịch sử, tâm linh của ngôi đình.
Trong các di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội đình Trà Cổ là một lễ hội tiêu biểu của cộng đồng cư dân biển, thể hiện sâu đậm tâm thức hướng biển, các hoạt động kinh tế kinh tế biển và truyền thống khai thác biển. Khác với các lễ hội vùng châu thổ sông Hồng thường được tổ chức và mùa xuân, lễ hội đình Trà Cổ tổ chức vào tháng 6 âm lịch. Đây là mùa biển động, không thể đi biển nên cư dân địa phương mở hội cầu an cho cả cộng động. Lễ hội tổ chức từ ngày 30 tháng năm đến mùng 3 tháng sáu âm lịch hằng năm với nghi thức: Lễ rước thần trên biển; rước cây đèn thần và mâm hoa quả; đóng cây cai Đám; gọi sổ Bìa xanh; lễ rước cỗ của các ông Đám đương nhiệm (12 vị, chắc hẳn để tưởng nhớ đến 12 vị Tiên công); lễ đại tế; lễ cất cây cai Đám, lễ xướng danh các ông Đám mới...
Trước đây, để chuẩn bị tổ chức lễ hội, vào ngày 25 tháng 5, làng thường cắt cử một số bô lão và thanh niên trai tráng đi một đoàn thuyền rước bài vị các vị Tiên công từ Trà Cổ về quê tổ Đồ Sơn sau đó quay lại Trà Cổ. Nghi lễ này tượng trưng cho việc tưởng nhớ quê hương, nguồn cội. Ngày đầu tiên của lễ hội (30 tháng năm) là ngày chuẩn bị và tiến hành một số nghi thức lễ hội. Ngày thứ hai của lễ hội (ngày 1 tháng sáu âm lịch), người dân làm lễ nghinh Thần. Đây là nghi lễ quan trọng. 12 ông cai Đám cùng người dân rước các vị Thành hoàng làng từ đình Trà Cổ ra miếu bên bờ biển tế lễ rồi lại rước về đình. Việc rước các vị Thành hoàng mang ý nghĩa mong các vị thần che chở cho những người đi biển gặp được những vụ cá lớn, làm ăn thuận lợi, may mắn.
Trong ba ngày lễ hội, gia đình 12 ông cai Đám phân công nhau làm cỗ với đầy đủ trầu cau, hoa quả để rước về đình làm lễ tế thần. Các phần cỗ chay, cỗ mặn (cũng có thi, đánh giá) sau khi tế lễ xong được mọi người thụ lộc ngay tại đình. Nghi lễ đóng cây cai Đám và cất cây cai Đám được coi là sự mở đầu và kết thúc lễ hội. Nghi lễ cất cây cai Đám và gọi sổ Bìa xanh được thực hiện vào buổi tối ngày thứ ba. Cây cai Đám được đưa từ trong đình ra cửa đình. Đoàn người rước cây cai Đám vừa đi vừa chúc Thánh cầu mong cho mọi việc tốt lành, dân làng an vui, thụ hưởng nhiều phúc lộc. Sau đó là đến lễ gọi sổ Bìa xanh. Mục tiêu của nghi lễ này nhằm để kiểm tra lại số dân đinh cũ, bổ sung dân dinh mới (chắc hẳn một vùng đất luôn có nhiều biến động về dân số), đồng thời bầu chọn ra 12 ông cai Đám mới để chuẩn bị cho lễ hội năm sau.
Theo quy định của làng, cai Đám phải là những người trung tuổi, khỏe mạnh, biết làm ăn, có đạo đức và sống lành mạnh, gia đình hòa thuận, không vướng tang gia. Theo lệ làng, mỗi người chỉ được làm cai Đám một lần trong đời. Khi được dân làng chọn cử làm cai Đám, người được bầu chọn cảm thấy tự hào. Vì thế, mỗi người đều cố gắng hoàn thành tốt nhất trách nhiệm được giao. Ngày kết thúc lễ hội có lễ rước cây đèn Thần. Cùng với trách nhiệm phải thường xuyên túc trực lo công việc ở đình, 12 ông cai Đám còn phải chăm lo cho cây đèn luôn được tỏa sáng. Đó là ngọn đèn tâm linh, soi tỏ đường đi cho cư dân trong vùng biết cách làm ăn, phát triển cuộc sống.
Lễ hội có nhiều nghi lễ nhưng đáng chú ý là có lễ rước các “Ông voi”. “Ông voi” được tượng trưng bằng những con lợn được các ông Đám chăm sóc từ khi kết thúc lễ hội năm trước. Đến chiều ngày đầu tiên của lễ hội, các “Ông voi” được đưa ra đình chầu Thành hoàng với ý nghĩa tượng trưng cho việc các vị Thần - Thành hoàng cưỡi voi đi chinh chiến và làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ cương giới đất nước. Việc nuôi dưỡng, chăm sóc các “Ông voi” cũng có ý nghĩa động viên nhân dân hăng hái chăn nuôi để có cuộc sống no đủ. Ban tổ chức lễ hội có chương trình trao thưởng cho các ông Đám đạt thành tích trong hội thi “Ông voi”. “Ông” nào khỏe mạnh, thân dài nhất, vòng cổ to nhất, có thần thái nhất sẽ được trao giải.
Lễ hội đình Trà Cổ là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Quảng Ninh và đất nước. Đến với lễ hội những người tham gia được sống trong cộng đồng, hòa mình với cộng đồng, được trao gửi niềm tin vào thế giới thần linh và được vui với những sinh hoạt văn hóa truyền thống. Nhìn rộng ra, cũng như lễ hội đình Trà Cổ, lễ hội ở nhiều vùng quê đáp ứng nhu cầu thụ hưởng, sáng tạo văn hóa của nhân dân. Ở đó, họ thấy sự bình đẳng, tinh thần cộng cảm, cộng mệnh, đồng thời khơi dậy ý thức về cội nguồn và những giá trị văn hóa truyền thống, tình yêu, lòng tự hào về quê hương, đất nước. Lễ hội cũng thể hiện sâu đậm bản sắc, đặc trưng văn hóa Việt Nam và điều đó đặc biệt có ý nghĩa với các thế hệ trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Ở Trà Cổ không gian văn hóa đình làng và lễ hội hợp thành một quần thể văn hóa vật thể - phi vật thể, tạo nên cấu trúc văn hóa tổng thể gồm chùa Nam Thọ, nhà thờ họ Trà Cổ, mũi Sa Vĩ, sông Ka Long, bãi biển Trà Cổ tinh khiết, rộng dài,... Tất cả đều tạo nên các giá trị linh thiêng, đặc sắc của một vùng biên cương đất nước.
3. Giá trị kiến trúc và nghệ thuật
Đình Trà Cổ là một công trình kiến trúc cổ gồm 5 gian, 2 chái bái đường và 3 gian hậu cung. Phía trước sân đình, cổng nghi môn được xây dựng bởi hai trụ hoa biểu, nghiêm trang với hình đèn lồng đắp tứ linh ở trên và tượng nghê chầu ở đỉnh. Hai đầu góc cũng xây trụ đội đấu nâng bông sen. Trong sân có tả vu, hữu vu và tiền tế. Công trình chính là tòa đại đình và hậu cung ở phía sau. Tòa trước bảy gian, tòa sau ba gian tạo nên thế chữ “Nhị”, lại được nối với nhau ở giữa thành chữ “Công”, nhưng khối mái và mặt nền lại theo hình chữ “Đinh”. Lối kiến trúc này tạo nên thế vững bền nhưng cũng có thể biến đổi tùy theo góc quan sát của từng người. Nhìn tổng thể, đại đình là công trình trung tâm của kiến trúc đình làng, nơi hội họp của dân làng, gương mặt của nền kiến trúc Việt Nam, nơi ngưng kết mọi giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của làng quê Việt trong 3 thế kỷ XVI-XVII-XVIII[27].
Nằm trong cấu trúc chung của hệ thống kiến trúc đình Việt Nam, đình Trà Cổ được coi là một trong những ngôi đình đẹp nhất của vùng duyên hải Đông Bắc. Cả ngôi đình bề thế được nâng đỡ bởi hệ thống cột lim, gồm cột cái, cột quân, cột hiên liên kết với nhau bằng vì và xà. Đình có 32 cột gỗ lim được kê trên đá tảng, trong đó có 14 cột có đường kính khoảng 65cm, cao 5m và 18 cột đường kính khoảng 45cm, được sơn son thếp vàng. Về đặc trưng kiến trúc của đình làng thế kỷ XVII, GS. Hà Văn Tấn nhận xét: “Phần lớn các đình được mở rộng hơn. Đại đình thế kỷ XVI có bốn hàng cột thì từ thế kỷ XVII về sau thường có sáu hàng cột, thêm hai hàng cột hiên ở ngoài hai hàng cột quân để nâng mái. Liên kết giữa cột quân và cột hiên là liên kết kẻ. Kẻ hiên là thân gỗ dài nối liền hàng cột bằng mộng. Người ta xẻ hai đầu cột thành rãnh rồi đặt mộng kẻ vào giữa. Kẻ đi qua cột quân và cột hiên rồi vươn ra ngoài đỡ lá tàu. Thân kẻ có dáng cong. Bên trên kẻ là một tấm ván dày, gọi là ván dong, mặt dưới ván lượn theo hình cong của kẻ, mặt trên bào phẳng theo chiều dốc mái và có khoét các lỗ để đặt hoành. Thường thì khoảng mái giữa cột quân và cột hiên có ba chiếc hoành và từ cột hiên tới lá tàu còn ba hoành nữa. Phía sau đại đình, thường là từ cột hiên nhô ra cái bẩy đỡ mái hiên có đuôi chốt ở phía dưới xà. Người ta quen gọi lối hiên này là “tiền kẻ hậu bẩy”[28].
Là một công trình kiến trúc gần biển, đình Trà Cổ có vóc dáng không cao. Từ nền hiên đến bụng xà nóc cao 6m, tới bờ nóc chừng 6,5m. Từ nền hiên đến mũi ngói giọt tranh là 2m5, đến tàu mái 2,25m. Điều này cho thấy bộ mái chiếm gần 2/3 chiều cao của toàn thể ngôi đình. Đây cũng là phong cách kiến trúc chuyển giao giữa đình làng thế kỷ XVI và XIX theo xu hướng ngắn dần. Mái trước và mái sau của đại đình có tới 13 hoành (kể cả xà nóc và tàu mái). Như vậy, theo chu kỳ đời người 4 mốc thì hoành cuối ứng với mốc “Sinh”, mở đầu cho một chu kỳ mới tốt đẹp. Các hoành với 12 khoảng chia ra các đầu cột, tạo tỷ lệ giữa các cột là 8/5/3 gần với “tỷ lệ vàng” trông rất thuận mắt[29]. Như vậy, có thể thấy: Đặc trưng cơ bản của kiến trúc Việt Nam và của đình làng là kiểu nhà trên chân cọc dựa trên sự liên kết của các vì kèo. Vì kèo được tổ chức dựa trên cột và hệ thống liên kết cột (kẻ, bẩy, con gường, câu đầu, xà nách). Sau khi đã có vì kèo, người ta dùng hệ thống xà ngang (xà thượng, xà trung, xà hạ) liên kết các vì lại thành một bộ khung vững chãi. Kết cấu nhà kiểu bộ khung chịu lực này không cần tường móng. Tường chỉ là các tấm ván để ngăn che mưa nắng[30].
Chiều cao và cấu trúc ngôi đình tạo thế vững chãi, có khả năng hạn chế bão biển và những trận gió mạnh thốc vào từ đại dương. Từ ngoài nhìn vào, thấy mái đình hơi võng. Mái được lợp ngói mũi hài giống như nhiều ngôi đình ở các vùng quê châu thổ Bắc Bộ. Hình thế của ngôi đình và mái ngói tạo cho ngôi đình có dáng vóc như một con thuyền lớn đang rẽ sóng ra khơi với các hoa đao nhấp nhô, đường mái uốn lượn như những cánh sóng, hay như cánh diều đang cất lên không trung. Kiểu kiến trúc này tương đối hiếm gặp. Phía trên bờ nóc đại đình có hình “Lưỡng long chầu nguyệt” và hình tượng của các linh vật như: hình con Kìm, con Xô, con Lân,... Ngăn cách giữa tiền đường và hậu đường là bức đại tự “Nghiễm nhược lãm” (Vào đình phải nghiêm túc, lịch lãm). Giữa hậu cung ngôi đình là bức cốn chạm trổ công phu, theo lối tả thực làm nổi bật hình tượng bông sen đang nở, đặt chính giữa giải hoa văn ô vuông phía dưới bức xà. Theo các nhà nghiên cứu, đây là bông sen duy nhất được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong các đình làng vùng cực Bắc. Sự hiện diện của bông sen thể hiện tâm thức dân tộc, sức sống mãnh liệt của Phật giáo trong đời sống xã hội Việt Nam.
Với tên gọi và kiến trúc hiện hữu, đình Trà Cổ vừa được coi là “thực thể lưỡng nguyên” tức vừa có chức năng đình lại vừa là đền. Đình còn giữ được nguyên vẹn hệ thống sàn gỗ thể hiện phong cách kiến trúc nhà sàn cổ, điển hình của cư dân Đông Nam Á. Đình cũng có sàn hiên, có nhiều y môn gỗ đẹp, đầu bẩy to dày, không cần ván dong, cột hiên gá chống ngay từ đầu. Sàn đình được lát xung quanh bằng nhau. Ở giữa lòng đình chia ba cấp. Gian ngoài cao, càng ở giữa càng thấp xuống, mỗi lớp sàn chênh lệch nhau 20cm, cao cách mặt đất 50cm, đủ để chống ẩm ướt, tạo sự thông thoáng cho công trình kiến trúc và nền đình. Về công năng, sàn vừa có tác dụng cố kết các chân cột, chống xiêu vẹo, vừa là ranh giới để phân biệt ngôi thứ, tuổi tác trong làng mỗi khi hội họp, là chỗ để canh giữ, nghỉ ngơi khi có việc làng. Sàn đình là cơ sở quan trọng để thấy được “tính chất bản địa của loại hình kiến trúc dân dụng”[31] Việt Nam. Đặc biệt, đình Trà Cổ còn có thêm sàn hiên có tác dụng hỗ trợ chân cột hiên và cũng là chỗ để các chức sắc ngồi xem các trò diễn xướng ngoài sân mỗi dịp lễ hội. Hệ thống sàn gỗ là một trong những nét độc đáo của đình Trà Cổ. Theo khảo sát, hiện chỉ còn một số đình như đình Đình Bảng (Bắc Ninh), còn giữ được hệ thống sàn gỗ. Nhiều ngôi đình nổi tiếng như đình Tây Đằng, Lỗ Hạnh, Thổ Hà,... hệ thống sàn gỗ đã không còn.
Nghệ thuật chạm khắc đình Trà Cổ mang đậm phong cách nghệ thuật đình làng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Những biểu tượng sôi động, hồn nhiên của nghệ thuật đình làng giai đoạn thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII không còn được thể hiện nhiều ở đình Trà Cổ. Tuy nhiên, những cảnh sắc con người hòa đồng với thiên nhiên vẫn được khắc ghi. Tất cả các chạm khắc trên các cấu kiện đình Trà Cổ là vật linh, hoa cỏ thiêng và đều là các bức chạm nghệ thuật đặc sắc. Mười hai bức chạm trên 6 đầu bẩy không bức nào giống bức nào. Chủ đề rồng (rồng mẹ - rồng con, rồng - lân, rồng - thú) đã hòa nhập vào cuộc sống của vùng quê, với đời sống nhân gian và giữ vai trò chủ đạo trong các chủ đề chạm khắc. Với các đề tài chạm khắc, thế giới linh thiêng, vũ trụ, thế giới của thần linh dường như hòa quyện với cuộc sống đời thường. Mặc dù ngôi đình được dựng ngay ở vùng biên cương đất nước, nơi có mật độ giao lưu văn hóa cao nhưng kiến trúc tổng thể của ngôi đình mang đậm dáng vóc và đặc trưng văn hóa Việt. Phong cách kiến trúc thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn là rất điển hình.
Khi viếng thăm đình có thể thấy 6 bức chạm kênh bóng đầu rồng trên 6 đầu bẩy. Đầu rồng gối lên cột hiên, miệng ngậm đường xà đỡ mái. Đao mái đầu rồng được tạo tác có dáng vóc khỏe mập. Trên các đao mái là các con rồng uốn lượn, đầu hướng về phía trước. Các bức cốn được chạm trổ đẹp, công phu. Hầu hết, nét trang trí đều mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng. Trên các vì nách của đại đình, các bức cốn được chạm trổ tinh tế với đề tài chủ đạo là rồng, phượng, đao, mác, mây, lửa,... Đình có 5 bức cửa võng, mỗi bức dài 3,4m nối các cột cái theo chiều dài đình. Mỗi bức cửa võng là một tác phẩm nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, mô tả cảnh tiên cưỡi rồng bay trong mây, vượt qua các lớp sóng biển,... rất phù hợp với tâm thế của cư dân biển. Các bức cửa võng thể hiện nhiều đề tài phong phú như: “Lưỡng long tranh châu”, “Cửu long cuốn thủy”, “Long mã phục hà đồ”, “Trúc hóa rồng”, “Rồng cuốn nước”, “Phượng múa”, “Hổ rình mồi”,... và các phụ tiết gồm các sản vật biển như: sò, ốc, rùa,... Các bức cửa võng đều được chạm trổ rất công phu, bố cục cân đối, hài hòa có giá trị nghệ thuật, thẩm mĩ cao.
Trong công trình, các đầu dư ba gian giữa là để hỗ trợ đỡ câu đầu nhưng về mặt kết cấu thực chất chỉ là bộ phận trang trí. Cả 8 đầu dư của đại đình và 2 đầu dư trước cửa hậu cung được chạm lộng với kỹ thuật tinh tế, tạo thành những hình rồng từ cột hiện ra với mắt tròn lồi, mũi sư tử, trán dô, miệng rộng, sừng nai, tai thú rất sinh động nhưng vẫn giữ vẻ uy nghiêm, quyền quý. Hai bên lối đi từ cửa chính vào là hai lan can được chạm trổ rồng và mặt trăng đặt trong khung cảnh mây trời, hoa lá cách điệu... Trong hậu cung, phần đỉnh và hai bên tai khám chạm đề tài tứ linh, tứ quý. Trên đỉnh khám chạm nổi đồ án “Lưỡng long chầu nguyệt”, hai bên là hình tượng phượng múa, lân chầu, rồi đến rùa. Phần trán và diềm khám gồm các lớp chạm lộng đề tài tứ quý, hình tượng lão trúc - mai hóa long,... rất độc đáo.
Không chỉ có giá trị độc đáo về kiến trúc, đình Trà Cổ còn là một thiết chế văn hóa, tín ngưỡng, trung tâm văn hóa của vùng duyên hải Đông Bắc. Ngôi đình với lễ hội độc đáo (thời gian lễ hội, nghi lễ trở về cội nguồn, hình tượng của các “Ông voi” đưa các vị Thành hoàng tuần du vùng biên giới,...) là nơi sự ngưng kết các giá trị tâm linh, tâm thức văn hóa của cộng đồng. Biển Trà Cổ là một vùng biển đẹp, trữ tình nhất Việt Nam. Cùng với bia lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, mũi Sa Vĩ, các di tích lịch sử - văn hóa ở vùng Trà Cổ - Móng Cái, mà tiêu biểu là đình Trà Cổ, là những cột mốc văn hóa, không gian thiêng, tạo nên sự gắn kết, hòa quyện giữa con người với thế giới tự nhiên; khơi dậy tình yêu, lòng tự hào về quê hương, đất nước, về bản sắc văn hóa dân tộc.
Nằm trong dòng chảy chung của kiến trúc đình Việt, đình Trà Cổ là ngôi đình bề thế, có nhiều giá trị về lịch sử, kiến trúc và văn hóa. Đình có cấu trúc vững chãi nhưng dung dị, duyên dáng. Đình vừa đảm đương những chức năng của một ngôi đình nhưng cũng là đền thờ các vị Thành hoàng. Đình có thêm sàn hiên, có nhiều y môn đẹp có giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo. Các bức hoành phi, câu đối, sắc phong, thần tích về các vị Thành hoàng đều thể hiện mạnh mẽ, sâu sắc tinh thần yêu nước và lòng tri ân với những vị thần linh, người có công với nước. Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, ngày 13/3/1974, Bộ Văn hóa - Thể thao ký Quyết định số 15VH/QĐ xếp hạng đình Trà Cổ là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Ngày 24/4/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 1501/QĐ-BVHTTDL công nhận Trà Cổ, Móng Cái, Quảng Ninh là Khu du lịch Quốc gia.
Với môi trường biển đẹp, thiên nhiên trong lành, di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật đình Trà Cổ là một di sản văn hóa quý hiếm, mang đậm cốt cách, tâm hồn Việt Nam, xứng đáng được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt. Ngôi đình cổ là một cơ sở học tập, nghiên cứu; điểm tham quan, du lịch tâm linh hấp dẫn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền của thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và đất nước.
------------------------------
[1] Nguyễn Trãi: Dư địa chí (Nguyễn Trãi toàn tập tân biên), Nxb. Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, H., 2001, tr.465-466; Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 2, Nxb. Giáo dục, H., 1998, tr.363; Hà Văn Tấn: Chú giải Dư địa chí, Sđd, tr.532-535.
[2] Nguyễn Trãi: Dư địa chí, Sđd, tr.466.
[3] Nguyễn Trãi: Dư địa chí, Sđd, tr.465.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, tập 4, Nxb. Thuận Hóa, 1997, tr.13.
[5] Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh: Địa chí Quảng Ninh, tập 1, Nxb. Thế giới, H., 2001, tr.79.
[6] Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học Xã hội, tập 2, H., 1993, tr.13.
[7] Trịnh Cao Tưởng: Một chặng đường tìm về quá khứ, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 2007, tr.30-31.
[8] Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Nxb. Thuận Hóa, 1997.
[9] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 2, Nxb. Giáo dục, H., 1998, tr.654.
[10] Hà Văn Tấn (Cb.): Khảo cổ học Việt Nam, tập 3 – Khảo cổ học lịch sử Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 2002, tr.118.
[11] Nguyễn Văn Kim: Vân Đồn – Thương cảng quốc tế của Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H., 2016, tr.310-311.
[12] Từ Thị Loan: Văn hóa biển đảo Việt Nam - Văn hóa biển đảo vùng bắc bộ, Tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2019, tr.156-165 & 224-226.
[13] Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 2015, tr.129-132.
[14] Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Sở Văn hóa và Thể thao: Di sản Hán Nôm tỉnh Quảng Ninh, tập 1, Địa chí cổ - Thần tích, thần sắc, Nxb. Hà Nội, H., 2020, tr.275.
[15] Thiền uyển tập anh (Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích, Ngô Đức Thọ giới thiệu), Nxb. Văn học, Hà Nội, 1993, tr.107.
[16] Thiền uyển tập anh, Sđd, tr.140-141.
[17] Đào Duy Anh: Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb. Văn hóa Thông tin H., 2002, tr.248.
[18] Nguyễn Duy Hinh: Tín ngưỡng thành hoàng Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1996, tr.97.
[19] Hà Văn Tấn (Cb.): Khảo cổ học Việt Nam, tập 3 – Khảo cổ học lịch sử Việt Nam, Sđd, tr.212.
[20] Hà Văn Tấn: Đình Việt Nam, trong: Đến với lịch sử - văn hóa Việt Nam, Nxb. Hội Nhà văn, H., 2005, tr.333.
[21] Nguyễn Văn Huyên: Contribution à l'un gènie tutélaire annamite Lý Phục Man, Bulletin de l'école francaise d'Extrême-Orient, t.XXXVIII, fact.I, 1938.
[22] Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh: Địa chí Quảng Ninh, tập 3, Nxb. Thế giới, H., 2003, tr.123.
[23] Đình làng Việt (Châu thổ Bắc Bộ), Nxb. Thế giới, H., 2014, tr.80.
[24] Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Sở Văn hóa và Thể thao: Di sản Hán Nôm tỉnh Quảng Ninh, tập 3, Địa chí cổ - Thơ văn, Nxb. Hà Nội, H., 2020, tr.1044-1049.
[25] Di sản Hán Nôm tỉnh Quảng Ninh, Tập 1, Địa chí cổ - Thần tích, thần sắc, tr.289.
[26] Di sản Hán Nôm tỉnh Quảng Ninh, Tập 1, Địa chí cổ - Thần tích, thần sắc, tr.285.
[27] Hà Văn Tấn (Cb.): Khảo cổ học Việt Nam, Tập 3 – Khảo cổ học lịch sử Việt Nam, Sđd, tr.213.
[28] Hà Văn Tấn: Đình Việt Nam, trong: Đến với lịch sử - văn hóa Việt Nam, Sđd, tr.350.
[29] Chu Quang Trứ: Đình Trà Cổ - Cột mốc biên giới về văn hóa, trong: Văn hóa Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, Nxb. Mỹ thuật, H., 2013, tr.334.
[30] Hà Văn Tấn (Cb.): Khảo cổ học Việt Nam, Tập 3 – Khảo cổ học lịch sử Việt Nam, Sđd, tr.213.
[31] Nguyễn Tiến Cảnh - Nguyễn Du Chi - Trần Lâm - Nguyễn Bá Vân: Mỹ thuật thời Mạc, Viện Mỹ thuật xuất bản, H., 1993, tr.44.
-----------------------
Tài liệu tham khảo :
1. Đào Duy Anh: Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb. Văn hóa Thông tin H., 2002.
2. Nguyễn Tiến Cảnh - Nguyễn Du Chi - Trần Lâm - Nguyễn Bá Vân: Mỹ thuật thời Mạc, Viện Mỹ thuật xuất bản, H., 1993.
3. Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 2015.
4. Nguyễn Văn Huyên: Contribution à l'un gènie tutélaire annamite Lý Phục Man, Bulletin de l'école francaise d'Extrême-Orient, t.XXXVIII, fact.I, 1938.
5. Nguyễn Văn Kim: Vân Đồn – Thương cảng quốc tế của Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H., 2016.
6. Ngô Sỹ Liên và các sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học Xã hội, tập 2, H., 1993.
7. Từ Thị Loan: Văn hóa biển đảo Việt Nam - Văn hóa biển đảo vùng bắc bộ, Tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2019.
8. Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tập 2, Nxb. Giáo dục, H., 1998.
9. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Tập 4, Nxb. Thuận Hóa, 1997.
10. Hà Văn Tấn: Đình Việt Nam, trong: Đến với lịch sử - văn hóa Việt Nam, Nxb. Hội Nhà văn, H., 2005.
11. Hà Văn Tấn (Cb.): Khảo cổ học Việt Nam, Tập 3 – Khảo cổ học lịch sử Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 2002.
12. Thiền uyển tập anh (Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích, Ngô Đức Thọ giới thiệu), Nxb. Văn học, Hà Nội, 1993.
13. Nguyễn Trãi: Dư địa chí (Nguyễn Trãi toàn tập tân biên), Tập 2, Nxb. Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, H., 2001.
14. Chu Quang Trứ: Đình Trà Cổ - Cột mốc biên giới về văn hóa, trong: Văn hóa Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, Nxb. Mỹ thuật, H., 2013.
15. Trịnh Cao Tưởng: Một chặng đường tìm về quá khứ, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 2007.
16. Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh: Địa chí Quảng Ninh, Tập 1, Nxb. Thế giới, H., 2001.
17. Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Sở Văn hóa và Thể thao: Di sản Hán Nôm tỉnh Quảng Ninh, tập 1, Địa chí cổ - Thần tích, thần sắc, Nxb. Hà Nội, H., 2020.
Một góc nhìn về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam - sự tham khảo đối với tỉnh Quảng Ninh  (30/09/2023)
Phát huy tính tự lực, sáng tạo và khát vọng làm giàu của người nông dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Quảng Ninh  (30/09/2023)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên