Một góc nhìn về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam - sự tham khảo đối với tỉnh Quảng Ninh
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam
Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (5-2014), Đảng ta chính thức xác lập chủ trương nhất quán về phát triển công nghiệp văn hóa. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu “đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa”, coi “Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa” là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới...
Có thể khẳng định đây là lần đầu tiên trong văn kiện chính thức của Đảng đề cập đến sự cần thiết phải xây dựng ngành “công nghiệp văn hóa” ở Việt Nam với đầy đủ tính chất của một ngành công nghiệp. Mặc dù vậy, không phải đến lúc này, vấn đề xây dựng ngành “công nghiệp văn hóa” ở nước ta mới được đề cập mà thực chất đây là kết quả của một quá trình đổi mới tư duy của Đảng về văn hóa, về mối quan hệ văn hóa - kinh tế, về mô hình phát triển của văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã được nêu ra từ rất nhiều năm trước.
Phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là nhu cầu bức thiết, không chỉ có ý nghĩa về mặt gia tăng lợi nhuận và giá trị kinh tế, mà đồng thời cũng mang lại nhiều ý nghĩa về mặt văn hóa - xã hội. Điều này được thể hiện trên một số điểm nổi bật sau:
1. Phát triển công nghiệp văn hóa là cơ sở vững chắc cho hội nhập quốc tế về văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của các quốc gia ngày càng ảnh hưởng lẫn nhau. Phát triển công nghiệp văn hóa sẽ góp phần tạo ra môi trường tốt để chủ động tiếp thu, phổ biến một cách hiệu quả các sản phẩm văn hóa nước ngoài tại thị trường trong nước. Các ngành công nghiệp văn hóa chính là một tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế và giúp củng cố tính độc đáo của quốc gia. Công nghiệp văn hóa đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy bản sắc văn hóa và hiện đại hóa đất nước.
2. Với thành tố then chốt là vốn văn hóa vững chắc và tinh thần doanh nghiệp, các ngành công nghiệp văn hóa chính là công cụ hữu hiệu cho tăng trưởng, đổi mới kinh tế, biến văn hóa trở thành một thành tố quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, giúp xây dựng được nền kinh tế sáng tạo mạnh mẽ, bao gồm các lĩnh vực có giá trị kinh tế cao. Với công nghiệp văn hóa, sự sáng tạo là tài nguyên vô hạn để phát triển đất nước. Công nghiệp văn hóa sẽ giúp có nhiều hơn các sản phẩm văn hóa Việt Nam với giá thành rẻ hơn, tiện hơn, gần gũi hơn đối với quần chúng nhân dân. Đồng thời, sự phát triển của công nghiệp văn hóa ở trong nước sẽ góp phần giảm bớt những sản phẩm công nghiệp văn hóa ở nước ngoài đang tràn lan, phổ biến giá trị của nó trong thị trường văn hóa và đời sống xã hội.
Dưới góc nhìn văn hóa, công nghiệp văn hóa giúp khai thác tốt những giá trị văn hóa, nhất là những giá trị văn hóa Việt Nam phục vụ cho phát triển kinh tế và văn hóa, phát triển xã hội, ổn định chính trị. Công nghiệp văn hóa đưa giá trị văn hóa đến với quảng đại quần chúng trong nước cũng như tới nhân dân thế giới nhanh và hiệu quả; giúp quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam.
3. Các ngành công nghiệp văn hóa có thể tạo ra “tác động lan tỏa” trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Các ngành công nghiệp văn hóa có thể cung cấp những cơ hội để phát triển tài năng và tạo công ăn việc làm bền vững. Các ngành công nghiệp văn hóa thúc đẩy cố kết xã hội thông qua sự tham gia tích cực của các cộng đồng, các nhóm, cá nhân khác nhau vào hoạt động văn hóa, và thông qua việc nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của cơ sở vật chất và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Về văn hóa, công nghiệp văn hóa có thể tạo ra giá trị phổ biến, lan tỏa, thậm chí có thể tạo nên những mẫu hình, chuẩn mực trong đời sống văn hóa - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII và Kết luận Hội nghị Trung ương 10, khóa IX của Đảng.
4. Phát triển công nghiệp văn hóa là hướng đi quan trọng, tham gia tích cực vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam hiện nay. Công nghiệp văn hóa sẽ khai thác tốt hơn một nguồn tài nguyên không có giới hạn, đó là nguồn tài nguyên văn hóa phục vụ cho phát triển kinh tế. Với đặc trưng sự sáng tạo và công nghệ, công nghiệp văn hóa là hướng đi mới, thậm chí tạo nên hướng đột phá trong phát triển kinh tế tri thức, góp phần phát triển kinh tế theo chiều sâu. Công nghiệp văn hóa sẽ đưa đến sự thay đổi cơ cấu các ngành có liên quan, tiếp đó là sự thay đổi cơ cấu ngành kinh tế. Sự xuất hiện các “thành phố sáng tạo”, các trung tâm điện ảnh, các trung tâm sản xuất công nghiệp văn hóa,... sẽ đưa đến sự thay đổi cơ cấu vùng kinh tế. Cơ cấu thành phần kinh tế cũng sẽ có sự chuyển dịch thích hợp gắn với quá trình chuyển đổi mô hình các đơn vị sự nghiệp văn hóa cũng như sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp văn hóa, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
5. Phát triển công nghiệp văn hóa tạo ra cơ sở to lớn và bền vững cho phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc, rất có giá trị. Đảng, Nhà nước và cả xã hội đã có nhiều cố gắng trong giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, chuyển hóa các giá trị văn hóa vào đời sống đương đại. Song việc đầu tư cho văn hóa là có giới hạn, nhất là khi vẫn thực hiện theo lối bao cấp, dựa chủ yếu vào nguồn đầu tư của Nhà nước và một phần xã hội hóa. Mặt khác, nguồn tài nguyên văn hóa chưa được phát huy cao độ, trực tiếp cho sự nghiệp phát triển đất nước, cũng có thể hiểu là nguồn tài nguyên văn hóa vẫn đang bị lãng phí. Mặc dù dân tộc ta có lịch sử văn hóa lâu đời, phong phú nhưng rõ ràng tài nguyên văn hóa của chúng ta vẫn chưa chuyển hóa thành thế mạnh cạnh tranh văn hóa. Xuất nhập khẩu sản phẩm văn hóa vẫn đang ở tình trạng nhập siêu nghiêm trọng. Phát triển công nghiệp văn hóa, các giá trị văn hóa sẽ được khai thác hiệu quả trong cơ chế thị trường, tạo ra chất liệu và môi trường văn hóa phục vụ trực tiếp cho mục tiêu phát triển kinh tế, đóng góp ngày càng cao vào tổng sản phẩm nội địa (GDP). Cũng nhờ vậy, công nghiệp văn hóa sẽ tạo thêm nguồn lực cho tái đầu tư phát triển văn hóa. Nhờ các thành tựu khoa học, công nghệ (phương tiện vật chất, kỹ thuật, máy móc, thiết bị…), các phương thức sáng tạo mới và nhờ sự sáng tạo, các giá trị văn hóa ở trong nước sẽ được tiếp biến, hiện đại hóa và phổ biến hiệu quả.
6. Phát triển công nghiệp văn hóa sẽ góp phần khắc phục nhiều bất cập, hạn chế từ thực trạng phát triển văn hóa Việt Nam hiện nay. Hoạt động văn hóa còn phụ thuộc vào bao cấp của Nhà nước, chưa huy động tốt các nguồn lực trong xã hội; các kỹ năng quản lý và kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa còn yếu; chưa quan tâm đúng mức tới thị trường/công chúng; đội ngũ văn nghệ sĩ còn thiếu sức sáng tạo... Đặc biệt, có thể kìm chế sự tụt hậu của Việt Nam về hệ thống quản trị, công nghệ mới, nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực và môi trường hỗ trợ nói chung cho các ngành công nghiệp văn hóa.
7. Trong bối cảnh đất nước đang tiếp tục đổi mới, tăng cường hội nhập quốc tế, tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một trong những bước đi đột phá để biến những khát vọng của đất nước thành hiện thực. Nó chính là công cụ hiệu quả để biến văn hóa thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy nền kinh tế cạnh tranh, đa dạng và hiệu quả hơn, tiếp tục khẳng định Việt Nam như một xã hội đổi mới và tiến bộ. Các ngành công nghiệp văn hóa đem lại những giá trị trực tiếp và gián tiếp, tạo ra những cơ hội mới trong công ăn việc làm, thúc đẩy tiến trình cải tổ, mở ra những thị trường mới cho các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo. Quan trọng hơn nữa, một cách tiếp cận sáng tạo và nhất quán của việc phát triển này giúp chúng ta tận dụng được tối đa những nguồn lực quan trọng của đất nước: đó là tài năng của dân số trẻ, với sự sáng tạo và kết nối với toàn cầu, đó là vốn văn hóa truyền thống với bề dày hàng nghìn năm của dân tộc, đó là là năng lực thích ứng nhanh nhạy và bền bỉ của người Việt Nam.
Một số lợi thế và điểm yếu so sánh của Việt Nam trong phát triển công nghiệp văn hóa
Để xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và quản trị tốt những tác động của công nghiệp văn hóa, cần thiết phải đánh giá và nhận diện đúng những tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, thách thức; những cơ hội cũng như thách thức.
Tiềm năng, thế mạnh đó là:
1- Vốn văn hóa truyền thống của dân tộc với sự phong phú về loại hình, tính độc đáo, hấp dẫn về nội dung. Nếu chỉ nhìn từ góc độ tài nguyên tự nhiên thì Việt Nam đích thực là một quốc gia tài nguyên chiếm hữu bình quân đầu người khá nghèo nàn nhưng nếu nhìn từ góc độ tài nguyên nhân văn thì Việt Nam lại có nền văn minh không ngừng phát triển qua mấy ngàn năm với những di sản văn hóa phong phú cũng như phong tục văn hóa có màu sắc riêng của 54 dân tộc anh em. Điều này thể hiện qua sự độc đáo, phong phú của các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống như hội họa, kiến trúc, âm nhạc, múa, truyện… Nhiều thể loại nghệ thuật đã được UNESCO khẳng định giá trị ở tầm quốc tế, thu hút sự quan tâm của những người hưởng thụ văn hóa trên khắp thế giới. Bề dày của nền văn hóa dân tộc chính là điểm tựa vững chắc, đem lại cảm hứng và sức vươn mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Những loại tài nguyên này tiềm ẩn nhiều giá trị kinh tế để khai thác trong quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa - công nghiệp sáng tạo. Lấy ví dụ ngành du lịch, bên cạnh các hoạt động du lịch tự nhiên vốn đã được khai thác từ lâu và đang bắt đầu bước vào giai đoạn chịu sự cạnh tranh gay gắt, ở một số điểm du lịch ít nhiều đã giảm bớt sức hấp dẫn đối với du khách thì các hoạt động du lịch đến các di tích văn hóa lịch sử, tới các làng nghề văn hóa, du lịch cộng đồng (home stay) hoặc các hoạt động du lịch có sử dụng các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống như múa rối nước, hát bài chòi, nhã nhạc cung đình Huế,... lại đang là xu hướng hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Các sản phẩm công nghiệp văn hóa như đồ thủ công, băng đĩa cũng góp phần gia tăng giá trị ngành du lịch. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế - văn hóa quốc tế mạnh mẽ hiện nay, việc phát triển các hoạt động khai thác văn hóa truyền thống dưới góc độ kinh tế lại đang dần trở thành lựa chọn ở nhiều địa phương trong cả nước, chẳng những mang lại giá trị kinh tế địa phương, mà ngược lại, còn góp phần quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa của di tích và bảo tồn di tích.
2- Nguồn lực con người (đặc biệt là đội ngũ thế hệ trẻ) có tài năng và nhiều tiềm năng sáng tạo. Việt Nam có dân số trẻ, tri thức ngày càng nâng cao, sức sáng tạo dồi dào, trình độ công nghệ, kỹ thuật tốt, độ nhạy bén với thị trường văn hóa cao. Họ sẽ là lực lượng nòng cốt tham gia phát triển ngành công nghiệp văn hóa nước nhà.
3- Sự đa dạng và tiềm năng to lớn từ thị trường trong nước. Đời sống vật chất của người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu hưởng thụ về mặt tinh thần ngày càng phong phú, đa dạng, nâng cao hơn. Đây chính là động lực to lớn thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa phát triển, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ văn hóa đa cấp độ và loại hình, kịp thời phục vụ nhu cầu chính đáng của nhân dân. Ngày nay, hầu hết các gia đình đều có vô tuyến, số lượng người sử dụng internet cũng ngày càng tăng lên. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tỷ lệ người dân có các phương tiện truyền thanh, truyền hình, internet phát triển nhanh nhất thế giới.
4- Sự đổi mới trong nhận thức và hành động của các cấp quản lý (từ Trung ương tới địa phương). Ở cấp Trung ương, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (tháng 7-1998), Đảng đã nhấn mạnh tiềm năng kinh tế trong phát triển văn hóa, gắn kết kinh tế với văn hóa; chủ trương xây dựng cơ chế kinh doanh, dịch vụ văn hóa theo hướng kinh tế thị trường; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động văn hóa; thực hiện chính sách kinh tế trong văn hóa; đẩy mạnh sự sáng tạo, tăng cơ hội tiếp cận của người dân đối với các sản phẩm văn hóa… Đây là những nội dung quan trọng có ý nghĩa tiền đề cho việc định hình những lý luận cũng như chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề phát triển loại hình công nghiệp văn hóa ở nước ta những năm tiếp theo. Tiếp đó, Kết luận Hội nghị Trung ương 10, khóa IX (2004), đã cho thấy những điểm mới trong nhận thức của Đảng trong vấn đề gắn kết giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa: Các hoạt động văn hóa không chỉ mang tính chất sự nghiệp mà còn mang tính kinh doanh với sự tham gia của các doanh nghiệp văn hóa được khuyến khích phát triển; thị trường văn hóa bước đầu được thừa nhận với những sản phẩm văn hóa được lưu thông theo cơ chế thị trường. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (6-2008) một lần nữa khẳng định sự tồn tại của thị trường hàng hóa và dịch vụ văn hóa (ở đây là các sản phẩm văn học, nghệ thuật). Các phương tiện, phương thức sản xuất và truyền bá các sản phẩm văn hóa, nội dung quan trọng của công nghiệp văn hóa, đã được Nghị quyết ghi nhận vai trò quan trọng trong phát triển văn hóa. Đặc biệt, ngày 6-5-2009, trong “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”, từ nhận định: “Phát triển công nghiệp văn hóa là xu thế lớn và quan trọng trong chính sách văn hóa của các nước trên thế giới”[1], Chính phủ nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách và môi trường kinh doanh để phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Chiến lược có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới về cơ chế, xây dựng chính sách, triển khai các biện pháp thúc đẩy sự phát triển của các ngành thuộc công nghiệp văn hóa trong tương lai. Tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (5-2014), Đảng ta chính thức xác lập chủ trương nhất quán về phát triển công nghiệp văn hóa. Những quan điểm về phát triển công nghiệp văn hóa được nêu ra tại Hội nghị Trung ương 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã hoàn thiện một bước những quan điểm, chủ trương của Đảng và Chính phủ đã được nêu ra trong các văn bản trước đó. Đó là sự “thích ứng” linh hoạt với xu thế chung của thời đại, đồng thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn phát triển, khi tiền đề cho việc phát triển “công nghiệp văn hóa” ở nước ta đã được tạo dựng với những biểu hiện rất cơ bản, với điểm nhấn là sự hình thành một thị trường văn hóa với sự tham gia của các thành phần kinh tế vào sản xuất, phổ biến các sản phẩm văn hóa, kích thích một số ngành sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa xuất hiện[2]. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng nhấn mạnh: Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới...
Điểm yếu, khó khăn đó là: (i) Hệ thống quản lý còn nhiều lạc hậu, kém phát huy hiệu quả; (ii) Mô hình phát triển (mô hình quản lý, mô hình đầu tư, mô hình hoạt động) cho toàn ngành cũng như đối với từng lĩnh vực cụ thể chưa được định hình cụ thể; (iii) Kỹ năng quản lý, điều hình của đội ngũ cán bộ và năng lực sáng tạo của đội ngũ nghệ sỹ ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực còn khá yếu kém; tính thích ứng với những đổi mới mạnh mẽ trong nhu cầu và thị hiếu của công chúng, thị trường còn chậm; (iv) Hoạt động hợp tác giữa các thành tố (các đơn vị quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh, đội ngũ làm sáng tạo) còn khá rời rạc, lỏng lẻo, hiệu quả không cao; (vi) Thị trường văn hóa trong nước có nhiều tiềm năng, tuy nhiên vẫn chưa được khuyến khích để phát triển.
Sự tham khảo, vận dụng với việc phát triển công nghiệp văn hóa ở Quảng Ninh
Từ các quan điểm chỉ đạo trên, đặt vào địa bản cụ thể của tỉnh Quảng Ninh, nhiều lợi thế - vốn văn hóa để cho tỉnh phát triển mạnh ngành công nghiệp văn hóa. Quảng Ninh là một tỉnh miền núi, duyên hải, ở địa đầu phía Đông Bắc Việt Nam, có tổng diện tích trên 12.200km2, trong đó có trên 6.100km2 đất liền và trên 6.100km2 diện tích mặt nước biển. Là vùng đất cổ có lịch sử lâu đời, Quảng Ninh hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng, đồng thời là một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam với truyền thống “kỷ luật và đồng tâm”. Với lợi thế về nguồn tài nguyên di sản thiên nhiên cùng vốn văn hóa phong phú, Quảng Ninh đang trong tiến trình xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa thích ứng với những bước phát triển mới của thời đại. Vốn văn hóa Quảng Ninh bao gồm chủ thể văn hóa, vốn văn hóa vật thể và phi vật thể.
Chủ thể văn hóa Quảng Ninh: là cộng đồng 22 dân tộc anh em. Từ điều kiện địa lý giao thoa đặc biệt đã tạo nên con người Quảng Ninh năng động, sáng tạo, hào sảng bởi sự kết hợp giữa văn hóa biển, văn hóa bản địa, cùng cái chất của người thợ mỏ đã làm nên khí chất con người của vùng đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc.
Vốn văn hóa vật thể và phi vật thể: Với bề dày lịch sử, Quảng Ninh tự hào có kho tàng di sản văn hóa vô giá, gồm 609 di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng, trong đó có: 5 di tích quốc gia đặc biệt (1 di sản thiên nhiên thế giới là vịnh Hạ Long), 52 di tích cấp quốc gia, 78 di tích cấp tỉnh, 474 di tích đã được kiểm kê, phân loại cùng 362 di sản văn hóa phi vật thể được chia làm 7 loại hình: tiếng nói chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công, tri thức dân gian. Các di sản này được coi là hồn cốt của tỉnh, chất chứa tinh hoa của dòng chảy văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử, đồng thời là nguồn lực to lớn cho sự phát triển bền vững của Quảng Ninh trong quá trình hội nhập.
Như vậy, Quảng Ninh có nhiều lợi thế thế về “vốn văn hóa” để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực Du lịch, vốn văn hóa của tỉnh cũng hết sức đa dạng, phong phú, mang nhiều tiềm năng cho khai thác. Ví dụ như: (i) Du lịch văn hóa lễ hội: tỉnh có 76 lễ hội, trong đó tập trung ở lễ hội dân gian truyền thống, tổ chức vào mùa xuân như: lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội Yên Tử, lễ hội Tiên Công, lễ hội đình Trà Cổ, Móng Cái; lễ hội đình Quan Lạn;... di sản then cổ của người Tày Quảng Ninh, nằm trong hợp phần di sản “Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”[3]; lễ hội Carnaval Hạ Long theo phong cách quốc tế;...); Du lịch văn hóa tâm linh: tỉnh có chuỗi các khu di tích, danh thắng tiêu biểu: di tích lịch sử nhà Trần (Đông Triều), quần thể di tích danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (Uông Bí), chùa Lôi Âm và chùa Long Tiên (Hạ Long), đền Cửa Ông (Cẩm Phả), chùa Cái Bầu (Vân Đồn),... ); (iii) Du lịch di sản thiên nhiên: Vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO ghi danh là Di sản Thiên nhiên thế giới đã mang lại nhiều lợi thế cho du lịch Quảng Ninh. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh còn có di sản thiên nhiên ruộng bậc thang ở Lục Hồn (huyện Bình Liêu), được công nhận là di tích - danh thắng cấp tỉnh, cũng là tài nguyên quan trọng trong phát triển loại hình du lịch di sản thiên nhiên của tỉnh; (iv) Du lịch làng nghề thủ công truyền thống: Một số địa phương có lợi thế phát triển làng nghề thủ công truyền thống như: gốm sứ (Đông Triều); đan ngư cụ, đóng tàu vỏ gỗ (Quảng Yên), nuôi cấy ngọc trai (Vân Đồn)... Từ những tiềm năng sẵn có cùng với những định hướng của tỉnh, du lịch làng nghề đang được hoàn thiện theo thời gian để trở thành một sản phẩm du lịch không thể bỏ qua khi du khách đến với vùng đất này; (v) Các loại hình dịch vụ du lịch khác: Tỉnh luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào những công trình văn hóa, khu vui chơi giải trí.
Đặt trong tổng thể chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam của Đảng và Chính phủ, xét những lợi thế văn hóa của địa phương và thực trạng khai thác vốn văn hóa, thời gian tới tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp:
1- Tiếp tục nhất quán, xuyên suốt quan điểm, chủ trương, hành động nhằm phát huy bản sắc văn hóa của mảnh đất, con người Quảng Ninh như là một lợi thế so sánh trong quá trình giao lưu văn hóa, mở rộng thị trường công nghiệp văn hóa.
2- Định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh với những chiến lược lâu dài. Trong đó lưu ý yêu cầu sử dụng tài nguyên văn hóa một cách hiệu quả, bền vững, gắn kết chặt chẽ giữa lợi nhuận về kinh tế với gìn giữ nét văn hóa địa phương.
3- Trong xác định cơ cấu ngành công nghiệp văn hóa ở địa phương, cần phân định rõ các ngành mũi nhọn, có ưu thế cạnh tranh, phát triển và phù hợp với điều kiện của tỉnh. Bên cạnh đó, xác định cơ cấu vùng trong phát triển công nghiệp văn hóa cũng là một hướng đi quan trọng, trong giai đoạn phát triển phôi thai như hiện nay, có thể hình thành các mô hình “làng nghề du lịch”, “khu phố sáng tạo” kết hợp đồng bộ giữa vấn đề sản xuất - kinh doanh - du lịch,... tạo bước đệm để hình thành các “thành phố công nghiệp văn hóa”, “thành phố sáng tạo”, “vùng sáng tạo” như một số địa phương ở một số quốc gia đã thực hiện thành công.
4- Tổ chức, kết cấu và vận hành của công nghiệp văn hóa phải chủ yếu dựa vào thị trường để điều tiết. Nhưng để thực hiện được điều này, đòi hỏi sự tham gia phối hợp của nhiều chủ thể. Trước hết, là bám sát quan điểm, chủ trương, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa của Đảng, Chính phủ, vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào thực tiễn địa phương. Thứ hai, phát huy tính tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, thấu suốt ý nghĩa và sự cần thiết của việc phát triển công nghiệp văn hóa ở địa phương. Thứ ba, phát huy vai trò của các thành tố, các lực lượng xã hội khác (của doanh nghiệp, người dân, của các nhà khoa học,...). Tất cả tham gia cộng hưởng nhằm phân tích, đánh giá đúng yêu cầu của thị trường, trên cơ sở đó, kịp thời điều chỉnh các cơ chế, chính sách đối phó thích ứng có hiệu quả.
5- Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường văn hóa. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là yếu tố bảo đảm cho thị trường văn hóa phát triển lành mạnh, trực tiếp quyết định sự tồn tại và phát triển của công nghiệp văn hóa. Đây cũng là lý do một số nước gọi đây là "công nghiệp bản quyền". Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là điều kiện tất yếu để phát triển công nghiệp văn hóa. Phải hoàn thiện hơn nữa luật sở hữu trí tuệ nhằm khuyến khích sáng tạo văn hóa mới. Kiên quyết đấu tranh với các hoạt động kinh doanh văn hóa phi pháp, bảo đảm tính hợp pháp của chủ thể kinh doanh sản phẩm văn hóa.
6- Nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa của quần chúng. Công nghiệp văn hóa nhằm phục vụ cho số đông quần chúng, gắn liền với sự phát triển của văn hóa đại chúng. Bởi vậy, phát triển công nghiệp văn hóa phải trên cơ sở nâng cao nhận thức và trình độ thưởng thức cho người tiêu dùng sản phẩm văn hóa. Công tác này cần được tiến hành sâu rộng ở mọi tầng lớp, lứa tuổi trong xã hội, nhất là đối với giới trẻ - bộ phận đông đảo trong xã hội, thị trường tiềm năng đối với nhiều loại hình công nghiệp văn hóa của tỉnh Quảng Ninh./.
---------------------
[1] Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, ban hành kèm theo Quyết định số 581-QĐ/Ttg ngày 6-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ.
[2] Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, Tlđd.
[3] Đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Phát huy tính tự lực, sáng tạo và khát vọng làm giàu của người nông dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Quảng Ninh  (30/09/2023)
Phát huy giá trị văn hóa giữ nước và truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường trong công cuộc xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay  (30/09/2023)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp