Quảng Ninh là vùng đất nằm ở vùng đông bắc của Tổ quốc, có vị trí trọng yếu trong tiến trình lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, vùng đất và con người Quảng Ninh luôn đồng hành cùng nhân dân cả nước trong công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hình thành giá trị văn hóa giữ nước độc đáo, mang đậm bản sắc vùng đất và con người Quảng Ninh. Những giá trị đó cần được tiếp tục gìn giữ và phát huy đầy đủ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, trong nhiệm vụ xây dựng tỉnh Quảng Ninh thành khu vực phòng thủ vững chắc nói riêng.

Giá trị văn hóa giữ nước và truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của vùng đất và con người Quảng Ninh

Trải qua các thời kỳ lịch sử, vùng đất Quảng Ninh có sự thay đổi về địa danh và địa giới hành chính. Nhưng dù qua các triều đại và dưới tên gọi nào thì vùng đất này vẫn được coi là “phên dậu” của đất nước. Chính từ tính đặc thù đó nên Quảng Ninh đã sớm trở thành vùng đất “địa linh nhân kiệt”, hình thành nền văn hóa giữ nước đặc sắc. Đó là dựng nước phải đi đôi với giữ nước, xây dựng đất nước phải đi đôi với bảo vệ đất nước. Xây dựng là cốt yếu, làm cơ sở cho bảo vệ đất nước; bảo vệ là quan trọng, là chỗ dựa cho xây dựng. Bởi thế, khi đất nước có giặc ngoại xâm cũng như khi hòa bình, người dân Quảng Ninh luôn cùng với triều đình hiến kế sách “sâu rễ, bền gốc”, “vua tôi đồng lòng, trăm họ là binh”, vừa sản xuất, phát triển đời sống, vừa tham gia luyện binh lúc thư nhàn để sẵn sàng chống giặc ngoại xâm. Người dân Quảng Ninh luôn đồng lòng, gắn kết với nhau, tạo thành sức mạnh để giữ nước và xây dựng, phát triển đất nước. Tinh thần đồng lòng, cố kết được thể hiện trong mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, lúc thời bình cũng như lúc có giặc. Lúc thời bình thì đồng lòng, cố kết để cùng nhau chống lại thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, cùng nhường cơm, sẻ áo, giúp nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Lúc thời chiến thì đồng lòng, cố kết, cùng với triều đình và ba quân để huy động lực lượng toàn dân đánh giặc, trong đó có lực lượng của làng, bản, hương, chấn, huyện lộ, huy động sức của, sức dân tạo ra thế trận ở cơ sở, ở từng làng, bản, từng vùng đất, từng căn cứ... để cùng triều đình đánh giặc cứu nước.

Các nội dung văn hóa giữ nước của người dân Quảng Ninh đều được ghi chép qua các nguồn sử liệu của các triều đại, như thời Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê... Tuy các nguồn sử liệu đó chưa thật đầy đủ và bị thất truyền nhiều, song vẫn thể hiện khá sâu sắc và sinh động tư tưởng nhân văn này của con người Quảng Ninh. Đặc biệt, qua các di tích lịch sử, các di sản văn hóa như đền thờ, miếu mạo, sắc phong của triều đại, từ khu di tích lịch sử Yên Tử, phòng tuyến bãi cọc Bạch Đằng, khu di tích lịch sử Hà Nam... đến khu lăng mộ vua Trần ở Đông Triều, núi Bài Thơ, đền Cửa Ông đều minh chứng rất rõ ràng cho truyền thống văn hóa giữ nước, đánh giặc kiên cường của bao lớp thế hệ người dân Quảng Ninh trong lịch sử dân tộc.

Cùng với văn hóa giữ nước, trong thời kỳ hiện đại, nhất là từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, vùng đất và con người Quảng Ninh còn hình thành nên truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường. Truyền thống đó là sự tiếp nối giá trị văn hóa giữ nước của các lớp lớp cha ông, được nâng lên một tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh.

Nhiều sự kiện lịch sử oanh liệt đã chứng minh cho truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của người dân Quảng Ninh. Trong các cuộc khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã ra sức vơ vét tài nguyên khoáng sản của Việt Nam, trong đó đặc biệt là nguồn tài nguyên than đá của Quảng Ninh. Chính sách khai thác thuộc địa tàn bạo của thực dân Pháp đã bóc lột thậm tệ những người thợ mỏ, bần cùng hóa người dân, biến họ thành những người vô sản. Vùng mỏ Quảng Ninh đã trở thành một trong những cái nôi đầu tiên sản sinh ra giai cấp công nhân Việt Nam, trở thành trung tâm đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất. Trong thời kỳ vận động cách mạng (1930 - 1939), Trung ương Đảng đã bí mật cử nhiều đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng về hoạt động lãnh đạo và gây dựng phong trào đấu tranh cách mạng trong đội ngũ giai cấp công nhân và người lao động Quảng Ninh. Tại đây, liên tục từ năm 1930 đến năm 1939 đã nổ ra nhiều phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân và người lao động đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống chính sách áp bức, bóc lột nặng nề của thực dân Pháp. Tiêu biểu là cuộc tổng đình công của hơn 30.000 công nhân mỏ Quảng Ninh, nổ ra ngày 12-11-1936, đã giành thắng lợi vẻ vang, mở ra một thời kỳ mới cho giai cấp công nhân Việt Nam, đó là thời kỳ đấu tranh có tổ chức, có phương pháp đúng đắn và có sự lãnh đạo của Đảng.

Phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của quê hương, trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước giành được chính quyền thắng lợi ngay khi chưa có Chỉ thị tổng khởi nghĩa của Trung ương về tới địa phương. Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã kiên cường lãnh đạo quân và dân toàn tỉnh dốc sức, dốc lòng chi viện cho chiến trường miền Nam, với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, đồng thời đánh trả nhiều cuộc càn quét lớn của thực dân Pháp vào chiến khu Đông Triều và các căn cứ khác trên địa bàn tỉnh, kiên cường bảo vệ vững chắc quê hương. Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên bắn rơi máy bay, bắt sống phi công Mỹ, mở đầu cho phong trào toàn miền Bắc thi đua bắn rơi nhiều máy bay Mỹ và bắt sống giặc lái. Khi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc xảy ra, nhiều tấm gương chiến đấu, hy sinh dũng cảm của quân và dân Quảng Ninh đã góp phần tô thắm thêm truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của vùng đất Quảng Ninh anh hùng.

Phát huy và vận dụng giá trị văn hóa giữ nước, truyền thống lịch sử của vùng đất và con người Quảng Ninh vào công cuộc xây dựng khu vực phòng thủ hiện nay trên địa bàn tỉnh

Những yếu tố tác động đến quá trình xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Quảng Ninh nằm ở vị trí đông bắc Tổ quốc, nằm cách thủ đô Hà Nội 125km về phía Đông Bắc, là một trong 7 tỉnh ở phía Bắc có biên giới giáp với Trung Quốc. Tuy nhiên, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trong cả nước có biên giới trên bộ, trên biển và trên không giáp với Trung Quốc, đây là đặc điểm lớn nhất chi phối toàn bộ các mặt hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Quảng Ninh có 4 thành phố (Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí và Cẩm Phả), 2 thị xã và 8 huyện, trong đó có 2 huyện và 1 thành phố giáp với Trung Quốc. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.207km2, chia thành 3 vùng rõ rệt là vùng miền núi, vùng trung du và vùng duyên hải, với dân số 1.360.700 người, trong đó vùng thành thị chiếm khoảng gần 39%, vùng nông thôn khoảng 61%, có 6 dân tộc cùng chung sống là Kinh, Tày, Dao, Sán Chay, Sán Dìu và Hoa (người Kinh chiếm đa số). Về vị trí địa lý của Quảng Ninh: phía Bắc (gồm các huyện Bình Liêu, Hải Hà và thành phố Móng Cái) giáp khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc với đường biên giới là 132,8km; phía Đông và Nam giáp vịnh Bắc Bộ, có vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới, có trên 2.000 đảo lớn nhỏ, với đường bờ biển dài 250km; phía Tây Nam giáp tỉnh Hải Dương và Hải Phòng; phía Tây Bắc giáp tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn. Điểm độc đáo của Quảng Ninh là tỉnh có 2 huyện hoàn toàn là đảo (huyện đảo Vân Đồn và Cô Tô). Như vậy, xét về mặt vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và xã hội, Quảng Ninh là một địa phương nằm án ngữ ở vùng đông bắc Tổ quốc, có vị trí chiến lược trọng yếu trong thế phòng thủ chung của miền Bắc và cả nước, được phân chia thành 3 vùng cơ bản là đồng bằng, rừng núi trung du và biển, đảo. Đây có thể coi là một vị trí chiến lược, thuận lợi cho việc triển khai lực lượng trong thời bình cũng như thời chiến.

Quan điểm, chủ trương và một số nội dung cơ bản về xây dựng tỉnh Quảng Ninh thành một khu vực phòng thủ vững chắc

Phát huy truyền thống văn hóa giữ nước và tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường của vùng đất và con người Quảng Ninh được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng thời nhận thức rõ vị trí, địa bàn chiến lược trọng yếu của một tỉnh phíađông bắc Tổ quốc, trong nhiều năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cùng cấp ủy và chính quyền các cấp luôn quán triệt, xác định đúng đắn và tổ chức thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành khu vực phòng thủ vững chắc, coi đây là một nhiệm vụ cơ bản lâu dài nhưng cũng hết sức khẩn trương, cấp bách, với sự vào cuộc của toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị trên địa bàn.

Thứ nhất, quan điểm, chủ trương của tỉnh về xây dựng địa bàn trở thành khu vực phòng thủ vững chắc, toàn diện trên các mặt chính trị, tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, quân sự, an ninh, trong đó xây dựng về chính trị, tư tưởng, tinh thần là cốt lõi. Xây dựng về kinh tế, văn hóa, xã hội là trung tâm, xây dựng về quân sự, an ninh là trọng yếu. Lực lượng tham gia xây dựng khu vực phòng thủ là toàn quân, toàn dân, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, thành phố, thị xã, huyện trên địa bàn, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang (quân đội, công an, dân quân, du kích, tự vệ) là nòng cốt.

Mục tiêu xây dựng khu vực phòng thủ là giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh; động viên toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị, các lực lượng quân sự, an ninh trên địa bàn tỉnh cùng vào cuộc, chăm lo xây dựng tiềm lực mọi mặt của khu vực phòng thủ; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Chủ động, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, giữ vững địa bàn trong mọi tình huống, không để tình hình an ninh chính trị, trật tự trên địa bàn rơi vào bị động, bất ngờ; chủ động và kịp thời phối hợp với khu vực phòng thủ của các tỉnh, thành phố, địa phương có địa giới hành chính sát với tỉnh Quảng Ninh thành một khu vực phòng thủ liên hoàn, kịp thời hỗ trợ lẫn nhau. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân, khai thác và huy động được sức mạnh của mọi tiềm lực về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật...; sự đồng lòng, chung sức của mọi lực lượng, toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị của tỉnh và Trung ương giao, xây dựng Quảng Ninh thành một địa phương giàu đẹp, ổn định và phát triển.

Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần. Trong quá trình xây dựng tỉnh Quảng Ninh thành khu vực phòng thủ vững chắc, Đảng bộ và chính quyền các cấp luôn chú trọng xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Các thành phố, thị xã, huyện... thường xuyên quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quân sự quốc phòng địa phương, nâng cao nhận thức trong toàn thể hệ thống chính trị cũng như toàn dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới và xây dựng khu vực phòng thủ. Tỉnh thường xuyên chú trọng kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của hệ thống chính trị, coi cán bộ là gốc của mọi công việc. Đẩy mạnh việc thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ quân sự địa phương của các cấp thành phố, thị xã, huyện, xã, phường. Bảo đảm đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất chính trị vững vàng, kiên định, đủ trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành theo năng lực, có kiến thức về quân sự - quốc phòng. Trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Công an tỉnh Quảng Ninh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh nhiều chủ trương, giải pháp toàn diện trong lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tạo nền tảng để xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Trong đó, chú trọng xây dựng và phát huy cao độ nhân tố chính trị, tinh thần, coi đây là một trong những nội dung trọng tâm của xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; tập trung quán triệt, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị và toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng khu vực phòng thủ có chiều sâu với nhiều mô hình, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả. Công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ và đồng bộ. Ngoài các đối tượng trong diện giáo dục, bồi dưỡng theo quy định, tỉnh còn mở các lớp bồi dưỡng cho các đối tượng đặc thù, như chủ hộ gia đình khu vực biên giới, hải đảo, chủ hộ tàu thuyền, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, khu du lịch; tăng ni, phật tử, chức sắc, chức việc tôn giáo. Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục quốc phòng - an ninh cho toàn thể nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên qua các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, truyền hình, các báo, tạp chí chuyên ngành của tỉnh, đài truyền thanh, truyền hình của các thành phố, thị xã, huyện quận, xã phường trên địa bàn. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công dân trong nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ nói riêng, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.

Thứ ba, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tiềm lực kinh tế, văn hóa, xã hội. Cùng với việc xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, các thành phố, thị xã, huyện, xã trên địa bàn tỉnh thường xuyên quan tâm chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, những năm vừa qua, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên toàn tỉnh đều gắn với bố trí thế trận quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh có nhiều bước đột phá quan trọng trong kế hoạch xây dựng và phát triển chiến lược kinh tế, văn hóa - xã hội. Các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các thành phố, thị xã, huyện đều gắn với thế bố trí quốc phòng - an ninh theo chỉ đạo của Đảng “mỗi bước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là một bước tăng cường về quốc phòng - an ninh”. Trên cơ sở kế hoạch hằng năm, 5 năm và dài hạn đã được Chính phủ phê duyệt, cùng với các chương trình kinh tế lớn của Trung ương, tỉnh tập trung phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội một cách toàn diện và bền vững. Các lĩnh vực, các ngành có tiềm năng, thế mạnh, như công nghiệp khai thác mỏ, nông, lâm, ngư nghiệp, đặc biệt là ngành du lịch dịch vụ được đầu tư phát triển mạnh, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế địa phương.

Các trung tâm kinh tế lớn trên địa bàn tỉnh như 4 thành phố (Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí), 2 thị xã, đặc biệt là khu kinh tế mới huyện đảo Vân Đồn... vẫn giữ được tăng trưởng kinh tế cao, với tổng thu nhập ngân sách lớn. Theo số liệu báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, năm 2022, dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, lại vừa trải qua 2 năm bị đại dịch COVID-19 chi phối nặng nề, song tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh (GRDP) vẫn đạt mức 2 con số với tỷ lệ ước tăng 10,28%, đứng thứ 4 trong các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đáng chú ý, khu vực công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có nhiều đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng của tỉnh và Trung ương (tăng gần 7%); các ngành du lịch, dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, đạt tốc độ tăng trưởng cao (tăng 14,3%), trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế tỉnh, với mức đóng góp 4,5 điểm % trong GRDP bù đắp cho các ngành, lĩnh vực khác đang gặp khó khăn. Năm 2022, quy mô nền kinh tế tỉnh đạt 270.000 tỷ đồng, tăng gần 17,5% (so với năm 2021), GRDP đầu người ước đạt 197,6 triệu đồng. Đặc biệt, với những quyết sách đúng đắn, kịp thời, trong năm 2022, ngành du lịch của tỉnh đã phục hồi vững chắc, với tổng lượt khách đạt trên 12 triệu người, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2021; tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của tỉnh là 15,05 tỷ USD, đạt 150% chỉ tiêu ngân sách của Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Nhà nước, kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển với tốc độ nhanh đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, như hệ thống đường giao thông huyết mạch nối các tỉnh, thành phía Bắc với Quảng Ninh được mở rộng, nâng cấp như quốc lộ 1A, 5A, 10, 18, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long, hệ thống đường liên tỉnh nối các thành phố, thị xã, các huyện trên địa bàn tỉnh được mở rộng và nâng cấp thành nhiều làn đường có chất lượng cao. Hệ thống cảng biển, sân bay nối Quảng Ninh với các tỉnh trong nước và quốc tế, như Cái Lân, Đình Vũ, Cửa Ông, Hòn Gai, Vân Đồn, Móng Cái... được nâng cấp, mở rộng theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển trong thời kỳ mới. Toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, giao thông vận tải hiện đại đã góp phần kết nối Quảng Ninh với các tỉnh, thành trong cả nước, với nước bạn Trung Quốc, đồng thời phá vỡ thế chia cắt chiến lược, tạo sự giao lưu thuận lợi, nhanh chóng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn Quảng Ninh nói riêng, khu vực đồng bằng, miền núi vùng duyên hải phía Đông Bắc nói chung.

Trong xây dựng cơ bản, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng, nhiều công trình lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh bước đầu được thực hiện kiên cố, ngầm hóa và lưỡng dụng hóa, vừa bảo đảm thuận tiện cho điều kiện làm việc, sản xuất trong thời bình, vừa an toàn khi có chiến tranh xảy ra. Một số nhà máy có thể chuyển ngay sang công năng sản xuất phục vụ nhu cầu quân sự, quốc phòng của thời chiến.

Sự nghiệp giáo dục, đào tạo của tỉnh phát triển cả quy mô, chất lượng và loại hình đào tạo, góp phần nâng cao dân trí, nâng cao kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ, đảng viên, đồng thời đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và quốc phòng - an ninh trong khu vực phòng thủ. Về quy hoạch phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong khu vực phòng thủ, tỉnh thực hiện đồng bộ và có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, thăm khám và điều trị các loại bệnh cho cộng đồng trong khu vực dân cư và các khu công nghiệp, trường học... Đồng thời, đẩy mạnh việc kiện toàn, xây dựng và nâng cấp hệ thống bệnh viện, trạm xá quân, dân y kết hợp theo từng tuyến và bệnh viện đa khoa khu vực với trang thiết bị y tế tương đối hiện đại cùng với đội ngũ y, bác sĩ có y đức và trình độ năng lực, tay nghề ngày càng cao. Để xây dựng tiềm lực, kinh tế, văn hóa - xã hội trong khu vực phòng thủ đạt hiệu quả vững chắc, các thành phố, thị xã, huyện trong toàn tỉnh đã xây dựng đề án, phòng thủ dân sự, trong đó xác định 2 nội dung trọng yếu là phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, môi trường và phòng, chống cứu chữa thương, bệnh binh, khắc phục hậu quả chiến tranh khi có chiến sự xảy ra.

Thứ tư, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh. Trong xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, cán bộ an ninh các thành phố, thị xã, huyện đều ban hành đề án xây dựng lực lượng bộ đội địa phương và lực lượng dân quân, tự vệ theo Luật Dân quân tự vệ hiện hành, đồng thời đưa lực lượng công an chính quy của tỉnh, thành phố, thị xã, huyện về tăng cường cho các cấp xã, phường theo chủ trương và chỉ đạo của tỉnh. Đội ngũ cán bộ quân sự địa phương cấp xã, phường... được đào tạo có trình độ trung cấp, cao đẳng chuyên nghiệp quân sự ở cơ sở đạt chất lượng, số lượng cao. Bên cạnh đó, các thành phố, thị xã, huyện còn xây dựng kế hoạch đào tạo trình độ cử nhân, đại học quân sự cho một số cán bộ quân sự địa phương đã qua trung cấp, cao đẳng quân sự chuyên nghiệp bằng nguồn ngân sách của địa phương. Trụ sở của ban chỉ huy quân sự cấp xã, phường, quận, huyện đều từng bước được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố, được trang bị đầy đủ các phương tiện làm việc và cơ động cao, đáp ứng yêu cầu chỉ huy, chiến đấu. Các huyện, xã, thị trấn vùng biên giới, hải đảo đều xây dựng đầy đủ công trình chỉ huy chiến đấu, các kho tàng bến bãi cất giấu vũ khí, khí tài, cơ sở hậu cần, thuốc men phục vụ nhu cầu quốc phòng. Lực lượng vũ trang của tỉnh, bộ đội địa phương các thành phố, thị xã, huyện trong khu vực phòng thủ được quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng tổng hợp, đáp ứng yêu cầu chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu cao. Công tác huấn luyện đạt chỉ tiêu yêu cầu đề ra, đồng thời thường xuyên tổ chức giáo dục, học tập chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ năng lực chỉ huy, chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ các cấp. Công tác diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, thành phố, thị xã, huyện..., diễn tập chiến đấu chống bạo loạn, bảo vệ trật tự trị an trên địa bàn được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, chặt chẽ.

Nhằm từng bước xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh trong khu vực phòng thủ bảo đảm tính rộng khắp, ngày càng có chất lượng cao và đi vào chiều sâu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố... cùng với công an tỉnh, thành phố trên địa bàn đầu tư quy hoạch, xây dựng thế trận quốc phòng kết hợp với thế trận an ninh nhân dân trong khu vực phòng thủ. Đồng thời, Bộ Chỉ huy quân sự, công an tỉnh đã tích cực phối hợp tham mưu cho chính quyền chỉ đạo giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai cho nhân dân trong xây dựng các công trình giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, các công trình kinh tế - xã hội, công trình dự án quốc phòng - an ninh trên địa bàn theo các đề án, kế hoạch của Tỉnh và Trung ương phê duyệt.

Một số kinh nghiệm, giải pháp nhằm tăng cường và đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Những kết quả và thành tựu quan trọng trên đây của tỉnh bước đầu đã tạo ra thế và lực mới trong thế trận phòng thủ trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, hoàn thiện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ này cũng bộc lộ một số vướng mắc, hạn chế cả về nhận thức và tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành, nhất là nhận thức của một số cán bộ chủ chốt ở các cấp, các ngành về nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ chưa đúng tầm và đầy đủ, quá trình tổ chức thực hiện có nơi, có lúc còn bị động, lúng túng, thiếu đồng bộ trong chủ trương và biện pháp thực hiện. Để thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu, quan điểm, yêu cầu nhiệm vụ, nội dung xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, cần tập trung thực hiện tốt một số kinh nghiệm và giải pháp sau:

Một là, thường xuyên giữ vững, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò chỉ huy, quản lý và điều hành của các cấp chính quyền đối với nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ.

Trước hết, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Tỉnh ủy, của Đảng ủy quân sự tỉnh, tranh thủ sự phối hợp chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 3 đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Đồng thời, tăng cường vai trò chỉ đạo của các cấp ủy, quản lý, điều hành của ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân tỉnh và các thành phố, thị xã, huyện trên địa bàn đối với nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ; xác định xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách và thường xuyên trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh và các địa phương. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền cần có các chủ trương, kế hoạch, biện pháp tổ chức, thực hiện cụ thể, sâu sát phù hợp với từng giai đoạn. Tích cực chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra tiến độ điều hành và thực hiện kế hoạch, xây dựng khu vực phòng thủ; chủ động uốn nắn, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, đồng thời kiên quyết xử lý các vi phạm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, thường xuyên đề cao và phát huy vai trò chức năng tham mưu của các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và địa phương, nhất là Bộ Chỉ huy quân sự và công an tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ.

Nhằm giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, một trong những vấn đề quan trọng là phải thường xuyên phát huy vai trò tham mưu, tư vấn của các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, đặc biệt là vai trò tham mưu của Bộ Chỉ huy quân sự và công an tỉnh. Để tham mưu trúng, đúng và kịp thời, từng cơ quan, ban ngành của tỉnh và các thành phố, thị xã, quận, huyện thường xuyên nắm vững chủ trương của cấp ủy, kế hoạch, quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn mình. Đồng thời, quá trình tham mưu phải luôn chủ động nắm bắt tình hình mọi mặt, dự báo xu hướng phát triển; đặc biệt quán triệt sâu sắc quan điểm kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; chủ động tham mưu đề xuất ngay từ khâu ý tưởng, khâu xây dựng kế hoạch, đề án cũng như trong suốt quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia xây dựng, đồng thời tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Ba là, thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng - an ninh cho các đối tượng, nhất là cán bộ chủ trì, cán bộ chỉ huy quản lý và điều hành các cấp thực hiện nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ.

Thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng - an ninh là nhằm làm cho cả hệ thống chính trị và toàn dân, trước hết là cán bộ chủ trì các cấp, các ngành luôn nhận thức được đầy đủ, sâu sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới thấy rõ được âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực phản động, thù địch, từ đó nêu cao cảnh giác, đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, quyết tâm xây dựng tỉnh, thành phố, huyện... thành khu vực phòng thủ vững chắc, hoàn thành mọi chức trách, nhiệm vụ được giao.

Cấp ủy và chính quyền các cấp phải thường xuyên có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tổng hợp lực lượng vũ trang địa phương, trong đó lấy xây dựng về chính trị, tư tưởng làm cơ sở. Nội dung giáo dục bồi dưỡng cần tập trung vào nghiên cứu các chủ trương, nghị quyết của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, quan điểm của Đảng về chiến tranh và quân đội, về nghệ thuật quân sự, về quan điểm quốc phòng phải kết hợp với kinh tế, kinh tế với quốc phòng. Bồi dưỡng tinh thần yêu nước, nâng cao lòng tự hào dân tộc và tinh thần cách mạng tiến công, không lùi bước trước mọi khó khăn gian khổ...

Bốn là, tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh.

Phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực để nâng cao đời sống của nhân dân, qua đó nâng cao sức mạnh quốc phòng, tạo cơ sở vật chất và nền tảng xã hội bền vững trong khu vực phòng thủ. Muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội cần khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, ý thức trách nhiệm, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và nhân dân, khơi dậy và phát huy được mọi nguồn lực trong và ngoài nước. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội phải kết hợp chặt chẽ với củng cố quốc phòng - an ninh trong một quy hoạch tổng thể, thống nhất./.