Phát triển kinh tế từ các giá trị di sản văn hóa một cách bền vững
1. Theo GS, TS Đỗ Văn Trụ, di sản văn hóa, được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm tất cả các di sản truyền thống và các loại hình văn hóa do ông cha để lại, đang được thực hành và có ý nghĩa, giá trị đối với cộng đồng. Di sản văn hóa có thể là di sản văn hóa vật thể (di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia…), hay di sản văn hóa phi vật thể (tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống…).
Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung đã khẳng định: “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là bộ phận của cộng đồng văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và sức mạnh của văn hóa và di sản văn hóa. Bảo đảm tính kế thừa trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những yêu cầu quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của nền văn hóa Việt Nam giai đoạn mới.
Ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65-SL, “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, khẳng định “việc bảo tồn cổ tích là công việc rất quan trọng và cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”. Tiếp theo đó, Nghị định số 519-TTg, quy định thể lệ về bảo tồn cổ tích do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29-10-1957 và Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh do Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 4-4-1984 là những minh chứng thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở nước ta.
Bước vào công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt các chủ trương, định hướng, luật, chính sách. Đặc biệt, Luật Di sản Văn hóa được Quốc hội khóa X, Kỳ họp thứ 9 thông qua (có hiệu lực từ ngày 1-1-2002), chính là cơ sở pháp lý cao nhất nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam.
Tiếp đó, ngày 24-2-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36-2005-QĐ-TTg, về việc lấy ngày 23-11 hằng năm là ngày “Di sản Văn hóa Việt Nam”, nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đến nay, ngày Di sản văn hóa Việt Nam đã trở thành ngày hội lớn, thắp sáng ngọn lửa di sản văn hóa dân tộc trong trái tim của gần 100 triệu người dân Việt Nam.
Ngày 21-9-2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 109-2017-NĐ-CP, Quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới có ý nghĩa đối với cộng đồng xã hội và quốc tế...
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII đã xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tại các Đại hội X, XI, XII, XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam và sức mạnh con người Việt Nam đã trở thành cội rễ của “sức mạnh mềm” văn hóa dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực và động lực to lớn của đất nước trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa là một phạm trù rất rộng, có thể được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau với nhiều cách tiếp cận khác nhau, rất phong phú, đa dạng. Nhưng dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ”.
Cùng với xây dựng hành lang pháp lý, trong những năm qua, Chính phủ đã hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng cho các địa phương trên cả nước để bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích. Chính quyền địa phương các cấp cũng đã có những cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực hợp pháp để phục vụ việc tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích trên địa bàn. Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, trao truyền và tổ chức trình diễn, trực tiếp nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội cộng đồng cư dân tại địa phương.
Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã tham gia Công ước Di sản thế giới từ năm 1987. Là thành viên tích cực, có trách nhiệm tại Công ước 1972, Việt Nam đã tham gia Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2013 - 2017, trúng cử là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027 và có những đóng góp hiệu quả, có tính chuyên môn cao cho hoạt động của Ủy ban Di sản thế giới.
2. Quảng Ninh là địa phương có sự hiện diện của nhiều di sản văn hóa:
7 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia
Trong số 7 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia của Quảng Ninh, có 5 di sản văn hóa phi vật thể được xếp vào loại hình lễ hội truyền thống, 1 di sản thuộc loại hình tập quán xã hội - tín ngưỡng và 1 di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Để phát huy các giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể này, hiện nay, Quảng Ninh đã và đang thực hiện nhiều hoạt động bảo tồn, phục dựng, bảo tồn gắn với khai thác du lịch.
Riêng Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam mà Quảng Ninh có đại diện là Then của người Tày ở Bình Liêu đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây chính là nguồn tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ thu hút ngày càng nhiều khách tham quan trong và ngoài nước đến Quảng Ninh.
Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái
Thực hành Then là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía bắc của Tổ quốc, như Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang; ở vùng Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và một số địa phương khác ở Việt Nam.
Một trong những điểm đặc sắc của Then là ngôn ngữ ẩn chứa chiều sâu văn hóa. Nội dung các khúc hát then - một loại hình diễn xướng dân gian, tích hợp nhiều loại hình nghệ thuật đều toát lên tư tưởng nhân văn sâu sắc, chứa đựng tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa, nghĩa vợ chồng, răn dạy đạo lý làm người, ca ngợi làng bản, quê hương.
Hát Nhà Tơ (Hát Cửa Đình)
Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Nhà Tơ (Hát Cửa Đình) đã tồn tại hàng nghìn năm, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của cư dân các làng xã ven biển, hải đảo Quảng Ninh. Đây là một thể loại được coi là một biến thể, một “mảnh vỡ đáng quý ” (theo cách nói của Giáo sư Tô Ngọc Thanh) trong số 46 làn điệu của ca trù Việt Nam.
Không gian tồn tại của Hát Nhà Tơ kéo dài dọc theo các làng, xã từ huyện Vân Đồn đến các vùng dân cư ven biển, như Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái; thậm chí còn sang tận bên kia biên giới ở 3 làng người Việt ở Giang Bình, Vạn Vỹ, Sơn Tâm (thuộc huyện Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Đây là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian cộng đồng được lớp người cao tuổi nắm giữ và lưu truyền trong dân. Loại hình này có phong cách hát, múa nhẹ nhàng, uyển chuyển, thường là trong gia đình có bố mẹ đi hát, hoặc nghe hát rồi truyền lại cho con cháu.
Lễ hội Tiên Công
Lễ hội Tiên Công bắt đầu được tổ chức từ thế kỷ XVII, gắn với lịch sử hình thành vùng đảo Hà Nam và mang đậm bản sắc văn hóa cư dân vùng cửa biển Bạch Đằng. Lễ hội Tiên Công được người dân vùng đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, gìn giữ nhằm tưởng nhớ 17 vị Tiên công, những người đầu tiên quai đê, lấn biển lập làng ở vùng này. Lễ hội diễn ra từ mùng 5 tới mùng 7 Tết Nguyên đán hằng năm, là nét đẹp văn hóa truyền thống uống nước nhớ nguồn của người dân vùng cửa biển Bạch Đằng.
Lễ hội với nhiều nét văn hóa đặc sắc, độc đáo trong cả nước, được biểu hiện ở các nghi lễ, nghi thức và biểu trưng như: Nghi lễ mừng thọ tại gia đình; hội nghị mừng thọ của chính quyền địa phương; nghi lễ mừng thọ của dòng tộc đối với các cụ ông, cụ bà thọ tròn 80, 90, 100 tuổi; nghi thức dẫn thọ, đặc biệt là nghi thức “rước người sống;” nghi lễ quán trạm con rể đón cụ thượng; nghi lễ tế Tiên Công tứ xã; nghi thức cụ thượng đắp đê, đánh vật tượng trưng trong lễ hội... Ngày 8-5-2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định công bố, vinh danh Lễ hội Tiên Công là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Đền Cửa Ông
Đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) là một trong những di tích lịch sử văn hóa thời nhà Trần, có lịch sử lâu đời gắn liền thần tích về Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, người đã có những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm tại miền đất biên ải Tổ quốc.
Lễ hội đền Cửa Ông được mở hằng năm vào ngày 3-4-2 và 3-4-8 (âm lịch), mang biểu tượng của tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước, biểu tượng đó được thể hiện bằng sự tôn vinh nhân vật lịch sử, người anh hùng dân tộc thời nhà Trần - Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng.
Lễ hội đền Cửa Ông nhằm tái hiện lịch sử, công lao to lớn của các bậc “khai quốc công thần”, những người có công với dân, với nước; là dịp để mỗi người dân thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, cầu mong cho dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, gia đình hạnh phúc, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lòng nhân ái và trách nhiệm người dân với quê hương, đất nước. Lễ hội đền Cửa Ông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào cuối năm 2016.
Lễ hội Đình Trà Cổ
Đình Trà Cổ và Lễ hội Đình Trà Cổ có bề dày lịch sử về văn hóa và kiến trúc độc đáo. Đình được xây dựng từ thời Hậu Lê, tọa lạc tại khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái. Đình Trà Cổ thờ 6 vị tiên công người Đồ Sơn (Hải Phòng) và thờ Quận He Nguyễn Hữu Cầu - một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa thời Lê - Trịnh cũng quê ở Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng). Tương truyền, vào đầu thế kỷ XVI, có 12 hộ dân chài từ Đồ Sơn đi đánh cá bị giông tố mà dạt đến đất này. Cơn bạo nạn đi qua, 6 gia đình không chịu được khó khăn nơi đây nên đã quay về, còn 6 gia đình ở lại lập nghiệp.
Đình Trà Cổ và lễ hội Đình Trà Cổ với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo từ lâu đã trở thành “Cột mốc văn hóa” nơi địa đầu Đông bắc của Tổ quốc. Năm 2019, Lễ hội Đình Trà Cổ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Đình Quan Lạn
Lễ hội Đình Quan Lạn (Lễ hội truyền thống Vân Đồn) nhằm tưởng nhớ quân dân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đã đánh tan đoàn thuyền lương của tướng Nguyên Mông là Trương Văn Hổ trên dòng sông Mang lịch sử tại khu vực xã Quan Lạn. Lễ hội được tổ chức tại bến Đình, nơi có Đình Quan Lạn và một số ngôi đình cổ ở xã. Theo truyền thống, Lễ hội diễn ra trong 10 ngày, từ ngày 10 đến hết 19-6 âm lịch hằng năm.
Lễ hội Đình Quan Lạn thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc chống giặc ngoại xâm bảo vệ chủ quyền đất nước của những người dân vùng biển. Du khách du lịch Quan Lạn dịp lễ hội sẽ có cơ hội tìm hiểu về truyền thống chống giặc ngoại xâm của ông cha ta đã bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời khám phá thêm những nét văn hóa địa phương vô cùng độc đáo của người dân đảo Vân Đồn.
Lễ hội Bạch Đằng
Lễ hội Bạch Đằng được tổ chức từ ngày mùng 6 đến 8-3 (Âm lịch) hằng năm (được gọi là ngày giỗ trận Bạch Đằng), nhằm tri ân các vị anh hùng trên dòng Bạch Đằng Giang lịch sử trong những năm 938 và năm 1288. Không gian lễ hội diễn ra tại quần thể Khu Di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng với các điểm chính là Đền Trần Hưng Đạo, Miếu Vua Bà, Đình Yên Giang.
Mọi hoạt động của lễ hội đều gắn liền với Bạch Đằng Giang, con sông huyền thoại đã ba lần chứng kiến những trận đại chiến chống quân xâm lược phương Bắc. Với ý nghĩa và giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Bạch Đằng trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, Lễ hội Bạch Đằng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2021
8 di tích quốc gia đặc biệt
Với bề dày lịch sử, tỉnh Quảng Ninh tự hào có kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, gồm trên 630 di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng, trong đó có di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, 8 di tích quốc gia đặc biệt cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể quý giá. Tỉnh Quảng Ninh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trọng điểm, đẩy mạnh nguồn lực xã hội hóa cho công tác này. Hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ, hiện đại mà Quảng Ninh đang sở hữu có thể đáp ứng yêu cầu tổ chức nhiều sự kiện văn hóa mang tầm quốc gia, quốc tế.
Sự gắn bó mật thiết giữa di tích lịch sử - văn hóa, phong tục tập quán của người dân và các thắng cảnh nổi tiếng là một lợi thế để tạo tiền đề cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mang thương hiệu Quảng Ninh.
Danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long
Danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long là Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới, chứa đựng những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử trái đất, là cái nôi cư trú của người Việt cổ; đồng thời là tác phẩm nghệ thuật tạo hình vĩ đại của thiên nhiên với sự hiện diện của hàng nghìn đảo đá muôn hình vạn trạng, với nhiều hang động kỳ thú quần tụ thành một thế giới vừa sinh động, vừa huyền bí.
Vịnh Hạ Long được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1272-QĐ-TTg, ngày 12-8-2009. Vịnh Hạ Long đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) hai lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới nhờ giá trị nổi bật toàn cầu về thẩm mỹ năm 1994 và giá trị địa chất-địa mạo năm 2000.
Khu Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử
Khu Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308), vị vua lãnh đạo quân dân thời Trần 2 lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, rồi từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Khu di tích là một quần thể chùa, am, tháp, tượng, rừng cây cổ thụ; địa hình, địa chất phức tạp của khu vực đã kiến tạo nên các cảnh quan kỳ vĩ, như thác Ngự Dội, thác Vàng, thác Bạc, cổng Trời, đường Tùng, rừng trúc, đỉnh núi Yên Tử..., nơi có những kiến trúc cổ hòa mình vào thiên nhiên hùng vỹ. Khu di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1419-QĐ-TTg, ngày 27-9-2012.
Di tích lịch sử Bạch Đằng
Di tích Lịch sử Bạch Đằng nằm trên địa bàn thị xã Quảng Yên và thành phố Uông Bí. Đây là địa điểm ghi dấu sự kiện quân và dân nhà Trần đã lập nên chiến thắng lẫy lừng - Chiến thắng Bạch Đằng, đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, dấu tích của trận chiến trên dòng Bạch Đằng năm 1288 vẫn còn hiện hữu qua những di tích tiêu biểu. Di tích lịch sử Bạch Đằng được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1419-QĐ-TTg, ngày 27-9-2012.
Khu Di tích nhà Trần tại Đông Triều
Khu Di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều gồm 14 di tích với 22 điểm di tích, bao gồm các đền, miếu, lăng tẩm, am tháp, chùa và công trình tôn giáo gắn liền với lịch sử nhà Trần và Thiền phái Trúc Lâm. Nhiều công trình văn hóa đặc sắc được xây dựng với quy mô lớn mang tầm quốc gia, như Thái Miếu, đền An Sinh, hệ thống lăng miếu nhà Trần, chùa Quỳnh Lâm, chùa Ngọa Vân... Khu di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2383-QĐ-TTg, ngày 9-12-2013. Bên cạnh giá trị về kiến trúc, Khu di tích còn lưu giữ khá nhiều di vật, cổ vật có giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học; duy trì nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo gắn với lịch sử vùng đất.
Di tích lịch sử đền Cửa Ông
Di tích lịch sử đền Cửa Ông nằm trên dãy núi Cẩm Sơn (phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả), hướng ra bờ Vịnh Bái Tử Long, hội tụ được các lợi thế về phong thủy: Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ. Nơi đây tạo nên sự giao hòa giữa núi non, rừng, biển, một cảnh đẹp tuyệt vời của vùng Đông Bắc Tổ quốc. Đền thờ Đức Ông Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, phối thờ gia thất cùng nhiều tướng lĩnh thời nhà Trần; là nơi diễn ra Lễ hội đền Cửa Ông hằng năm. Di tích đền Cửa Ông được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2081-QĐ-TTg, ngày 25-12-2017.
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô
Di tích lịch sử Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô gắn liền với sự kiện ngày 9-5-1961, Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô. Đây là nơi duy nhất trong cả nước được Bác Hồ đồng ý cho dựng tượng của mình khi Người còn sống. Di tích được xây dựng từ năm 1968 và công nhận xếp hạng Di tích quốc gia năm 1997.
Ngày 18-1-2022, Khu lưu niệm được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Khu di tích là điểm nhấn về cảnh quan, lịch sử - văn hóa, là niềm vinh dự, tự hào, điểm tựa tinh thần vững chắc của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân huyện đảo vùng Đông Bắc Tổ quốc.
Ngày 24-10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1225-QĐ-TTg về việc công nhận xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với 2 di tích của tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, 2 di tích được công nhận là di tích lịch sử quần thể Thương cảng Vân Đồn và di tích kiến trúc - nghệ thuật đình Trà Cổ.
Di tích lịch sử quần thể Thương cảng Vân Đồn
Theo tài liệu lịch sử, Thương cảng Vân Đồn được thành lập từ khoảng năm 1149 đời vua Lý Anh Tông. Tuy nhiên, phải đến dưới thời Trần, thương cảng này mới thực sự phát triển mạnh mẽ đồng thời trên 2 phương diện là trung tâm giao thương quốc tế và là vị trí trọng yếu của an ninh quốc gia vùng biển Đông Bắc. Giai đoạn phát triển cực thịnh của thương cảng là từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVI.
Trong suốt hơn 700 năm lịch sử, thương cảng Vân Đồn không chỉ hoạt động đơn tuyến với một bến cảng duy nhất mà là một hệ thống các bến bãi, vụng đỗ tàu liên đới với nhau. Trung tâm của thương cảng có phạm vi 200 km2, ở vùng vịnh Bái Tử Long, thuộc địa bàn xã Thắng Lợi, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn). Đặc biệt, vùng Cống Đông - Cống Tây (xã đảo Thắng Lợi, huyện Vân Đồn) là trung tâm một thời của Thương cảng Vân Đồn.
Di tích kiến trúc - nghệ thuật đình Trà Cổ
Đình Trà Cổ là một trong những di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1974. Về niên đại của đình Trà Cổ, đến nay chưa tìm thấy các căn cứ lịch sử, khoa học khẳng định niên đại chính xác, nhưng có nhiều ý kiến được đưa ra, sớm nhất là vào khoảng thế kỷ thứ XV.
3. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội từ các giá trị di sản văn hóa cũng đang đặt ra những khó khăn, thách thức trong thời kỳ mới, đòi hỏi trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa.
Mặc dù chúng ta đã có Luật Di sản văn hóa từ năm 2001 và bổ sung, sửa đổi năm 2009, nhưng nhiều thuật ngữ, khái niệm, nội dung của Luật này còn chưa tương thích với các văn kiện quốc tế, nhất là với hai Công ước năm 1972 và 2003 của UNESCO. Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều cuộc hội thảo bàn về sửa đổi Luật Di sản văn hóa, hy vọng, những góp ý sửa đổi sẽ sớm được thông qua tạo hành lang pháp lý trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa .
Các cơ quan chuyên môn về lĩnh vực văn hóa cần chủ động làm tốt công tác tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các di sản văn hóa. Gắn kết văn hóa với chính trị, với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và địa phương; lồng ghép hoạt động bảo tồn và phát huy hệ giá trị văn hóa trong triển khai chiến lược phát triển văn hóa và du lịch Việt Nam.
Hai là, tránh hiện tượng thương mại hóa, khai thác triệt để giá trị kinh tế của di sản mà thiếu sự liên kết bền vững.
Việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản trong phát triển kinh tế - xã hội cần có chiến lược, kế hoạch cụ thể, bảo đảm sự gắn kết hài hòa giữa quá khứ và hiện tại, truyền thống và phát triển. Không đánh đổi di sản bằng mọi cách, tránh hiện tượng thương mại hóa, khai thác triệt để giá trị kinh tế của di sản mà thiếu sự liên kết bền vững. Cần hình thành những điểm nhấn trong hành trình di sản với sự liên kết, hợp tác của chính quyền các địa phương. Đổi mới cách làm du lịch theo hướng văn minh, lịch sự, tiến bộ, thân thiện, tạo được ấn tượng tốt đẹp cho du khách trong, ngoài nước tham quan, khám phá về vẻ đẹp đất nước, tâm hồn dân tộc thông qua các di sản độc đáo.
Đầu tư nguồn lực tài chính trong trùng tu, tôn tạo di tích. Nghiên cứu, đề xuất, đánh giá đúng hiện trạng của những di sản đang bị xuống cấp, mai một, lãng quên, nhất là loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Cần có đề án, chiến lược phát triển với tầm nhìn dài hạn để các di sản, loại hình nghệ thuật truyền thống không bị thất truyền. Cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực sáng tạo văn hóa, nhất là đối với các nghệ nhân cao tuổi, các em thiếu niên, nhi đồng có năng khiếu về nghệ thuật, văn hóa cần được quan tâm, động viên, truyền dạy để di sản luôn sống trong lòng các thế hệ.
Ba là, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.
Hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội không phải là hai mặt đối lập mà là một thể thống nhất, đều hướng tới mục tiêu chung vì sự phát triển bền vững. Để giải quyết hài hòa giữa bảo tồn di tích thuộc loại hình khảo cổ học và xây dựng các công trình phát triển kinh tế - xã hội, cần: 1- Huy động mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia đóng góp của toàn thể xã hội, tức là không ngừng “tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, vừa phải nâng cao trách nhiệm của nhân dân”. Nhà nước và xã hội là hai lực lượng có quan hệ mật thiết với nhau, không thể thiếu lực lượng nào trong sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa. 2- Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng “quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa” đặc biệt với các di tích đã được xếp hạng, tạo cơ sở pháp lý và khoa học cho việc bảo tồn di tích và phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương có di tích. Làm tốt “Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị” đối với từng di tích cũng có nghĩa là nhằm giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. 3- Công tác bảo tồn, tôn tạo di tích là một lĩnh vực khoa học chuyên sâu, mang tính nghề nghiệp đặc thù rất khác với công tác xây dựng thông thường, đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên gia, công nhân lành nghề vừa có kiến thức tay nghề vững, vừa tâm huyết với sự nghiệp. Có như vậy mới bảo đảm được yêu cầu công tác bảo tồn di tích.
Bốn là, tích cực đẩy mạnh và đa dạng hóa các biện pháp tuyên truyền, có chiến lược truyền thông sâu rộng.
Chiến lược truyền thông phải đủ mạnh và bao trùm về các vấn đề liên quan đến di sản văn hóa và phát triển, từ Luật Di sản văn hóa cùng các luật liên quan đến chính sách, đường lối phát triển văn hóa, phát triển tổng thể kinh tế - xã hội; từ cách hiểu về di sản văn hóa và phát triển cho tới các thực hành văn hóa, các kinh nghiệm, mô hình (cả tốt và chưa tốt) nhằm đưa đến nhận thức cập nhật và nhất quán về di sản văn hóa và phát triển. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền (đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ công tác trong lĩnh vực di sản văn hóa) và toàn dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa và di sản văn hóa; từ đó xây dựng ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong mỗi công dân, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc phát huy giá trị văn hóa và di sản văn hóa, đề cao vai trò chủ thể của nhân dân trong gìn giữ, lưu truyền và hưởng thụ di sản văn hóa. Đấu tranh, ngăn ngừa kịp thời các hoạt động phá hoại hoặc mai một di sản văn hóa dân tộc.
Năm là, ứng dụng công nghệ thông tin, những kỹ thuật tiên tiến.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc ứng dụng công nghệ thông tin, những kỹ thuật tiên tiến trong việc làm mới, sáng tạo trong hình thức quảng bá, lưu giữ di sản cần được đẩy mạnh nhằm đưa hình ảnh di sản đến gần hơn với công chúng. Chủ động phát triển bảo tàng ảo để tăng cường quảng bá các giá trị di sản văn hóa tới các du khách trên thế giới.
Sáu là, nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Cần tạo điều kiện thu hút và khuyến khích các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm đa dạng hóa nguồn lực vật chất và sáng tạo cho phát triển văn hóa, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Cơ quan quản lý nhà nước cần phát huy sức mạnh của các tổ chức xã hội liên quan đến di sản văn hóa thông qua việc giao cho tổ chức, thực hiện các đề tài, dự án và chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng chuyên môn cũng như các quy định khác về việc thực hiện đề tài, dự án; tham khảo ý kiến của các tổ chức xã hội có liên quan trong việc dự thảo các thông tư, nghị định; việc xử lý, giải quyết những sai phạm về di sản văn hóa hay khuynh hướng ứng xử trong quan hệ giữa bảo tồn văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội... Bên cạnh đó là hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Bảy là, tăng cường năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực phát triển bền vững.
Do đặc điểm và tính đặc thù của nguồn nhân lực tham gia hoạt động quản lý, bảo tồn di sản nên chương trình đào tạo, thời gian học phải được thiết kế một cách khoa học. Hết sức chú ý đào tạo thợ lành nghề truyền thống phục vụ công tác bảo tồn di tích, kỹ năng thực hành, hướng dẫn và trao đổi trực tiếp với người học tại di tích; sử dụng hiệu quả các trang thiết bị hiện đại vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đối với các khu di tích và danh lam thắng cảnh hiện có dân cư sinh sống, thì phải coi cộng đồng dân cư là đối tượng cần được đào tạo, là nguồn nhân lực cho phát triển bền vững thông qua việc hướng dẫn cho họ nhận biết được giá trị của di sản; đào tạo người có tay nghề, có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn tham gia vào công tác bảo tồn, hướng dẫn viên du lịch, nhất là du lịch trải nghiệm, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cộng đồng để cộng đồng gắn bó, tham gia có trách nhiệm với công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản./.
Xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh  (05/12/2024)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm