Phát triển kinh tế di sản trong mối quan hệ với củng cố quốc phòng, an ninh - Từ thực tiễn Quảng Ninh
Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại”(1). Đây quan điểm cơ bản, chủ trương chiến lược nhất quán, xuyên suốt khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của Đảng ta trong thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, nhất là giai đoạn hơn 10 năm trở lại đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu phát triển bền vững bao trùm, toàn diện, tăng trưởng xanh, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” (trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; di sản văn hóa là nguồn nguyên liệu “đặc hữu” của ngành kinh tế này); gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với với tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo đảm “mỗi bước phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội là một bước tăng cường quốc phòng, an ninh”.
Là địa bàn “phên dậu” phía Đông Bắc của Tổ quốc, Quảng Ninh có vị trí chiến lược quan trọng trong thế phòng thủ chung của Quân khu 3 và cả nước (toàn tỉnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện; 177 xã, phường, thị trấn; 1.452 thôn, bản, khu phố; dân số trên 1,4 triệu người. Diện tích tự nhiên của tỉnh trên 6.100km2, phía Bắc giáp với Trung Quốc, có đường biên giới trên bộ dài 118,825 km; phía Tây Bắc giáp tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang; phía Tây Nam giáp với tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng; phía Đông và Nam là 250 km bờ biển, có nhiều cửa sông, luồng lạch với 2.077 đảo lớn nhỏ án ngữ hướng biển Đông và Đông Bắc của Tổ quốc….). Được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, Quảng Ninh được thiên nhiên ưu đãi hội tụ đầy đủ các dạng địa hình: Biển, đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi, với nguồn tài nguyên thiên nhiên, khóang sản phong phú. Có Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long cùng với 630 di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng được xếp hạng (Trong đó 8 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích cấp quốc gia, 100 di tích cấp tỉnh, 466 di tích được kiểm kê, phân loại); 362 di sản văn hóa phi vật thể, 118 lễ hội(2). Theo thống kê từ 2015 đến 2019 (trước khi diễn ra đại dịch Covid-19), tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 52,239 triệu lượt khách; trong đó khách quốc tế đạt 21,521 triệu lượt. Tổng thu từ lĩnh vực du lịch đạt 95.203 tỷ đồng; nộp ngân sách từ hoạt động du lịch đạt 10.205 tỷ đồng(3). Riêng 9 tháng năm 2024, Quảng Ninh đã đón 15,6 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 98,1% kịch bản tăng trưởng 9 tháng. Tổng thu du lịch ước đạt 36.856 tỷ đồng, tăng 39% cùng kỳ năm 2023, đạt 97,8% kịch bản tăng trưởng 9 tháng(4). Đây là những số liệu minh chứng cho việc phát triển kinh tế di sản là góp phần quan trọng trong việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững. Việc phát triển kinh tế di sản thông qua con đường du lịch là vấn đề khách quan; là mũi nhọn chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh Quảng Ninh. Kinh tế di sản là nguồn lực đóng góp lớn vào kỳ tích 9 năm liên tiếp tăng trưởng trên hai con số (2015 - 2023); đặc biệt là năm 2023, ước tính tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn của tỉnh Quảng Ninh đạt 11,02%; GRDP bình quân đầu người ước đạt trên 9.400 USD, gấp đôi bình quân của cả nước và đứng đầu khu vực phía Bắc. Sự phát triển mạnh mẽ, bền vững về kinh tế đã tạo nên tiền đề quan trọng để củng cố phát triển quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Những kết quả phát triển kinh tế đã tạo điều kiện để Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đầu tư xây dựng, củng cố tiềm lực, thế trận quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh ngày càng vững chắc trong đó ưu tiên hướng chủ yếu, địa bàn trọng điểm góp phần đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thế bố trí chiến lược quốc phòng - an ninh (QPAN) được quy hoạch, điều chỉnh phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, đáp ứng yêu cầu vừa phát triển KT - XH vừa củng cố QPAN. Quy hoạch, đầu tư xây dựng các thành phần thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ (ưu tiên các địa bàn biên giới, biển đảo) gắn với quy hoạch tổng thể bố trí QPAN, tạo thành thế liên hoàn, vững chắc; đưa vào sử dụng căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần - kỹ thuật, thao trường huấn luyện cấp tỉnh, cấp huyện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; quản lý chặt chẽ đất quốc phòng, công trình quốc phòng không để xảy ra chồng lấn, ảnh hưởng tiêu cực tới việc đầu tư, phát triển di sản văn hóa, du lịch trên địa bàn.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh đã chủ động ban hành nhiều văn bản làm cơ sở lãnh đạo, tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương phù hợp với tình hình thực tiễn, tiêu biểu là: Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 23/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Lãnh đạo công tác quốc phòng, quân sự địa phương giai đoạn 2021 - 2025”; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy về “Phát triển bền vững kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Chương trình hành động số 38-CTr/TU ngày 06/02/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “thực hiện kết luận số 57-KL/TW ngày 16/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kết hợp quốc phòng, an ninh, với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh”; Quyết định số 409-QĐ/TU ngày 01/02/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt Đề án đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia phục vụ phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025; Chương trình hành động số 39-CTr/TU ngày 19/4/2024 của BCH Đảng bộ tỉnh “thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, khóa XIII về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”…
Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo LLVT tỉnh tích cực phối hợp xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở; tổ chức vận động và hướng dẫn nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; thường xuyên nắm chắc tình hình, tham mưu giải quyết đúng, trúng, dứt điểm các vụ việc phức tạp, không để xảy ra“điểm nóng” trên địa bàn; làm tốt công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho các đoàn công tác của Đảng, Nhà nước và quốc tế đến thăm và làm việc trên địa bàn tỉnh(5), bảo đảm an ninh an toàn cho các hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng (như Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 tại Quảng Ninh, kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh, Lễ hội Hokkaido năm 2023 tại Hạ Long và các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại Quảng Ninh…); phát huy hiệu quả hoạt động của 63 Cụm địa bàn an toàn (668 thành viên), góp phần ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội gắn với xây dựng KVPT, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc từ cơ sở; chủ động làm tốt công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng (Bảo đảm 100% cán bộ, công chức, đảng viên trong nhiệm kỳ công tác đều hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức QPAN. Từ năm 2014 đến nay, đã cử 704 đồng chí đối tượng 1, 2 đi bồi dưỡng kiến thức QPAN do trên tổ chức; tổ chức 59 lớp đối tượng 3 cho 5.735 đồng chí; 370 lớp đối tượng 4 cho 43.636 đồng chí; 16 lớp cho 1.865 chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng bản, chủ hộ tàu thuyền; 12 lớp đối tượng khác cho 1.768 người; giáo dục QP - AN cho 569.907 học sinh, sinh viên; tổ chức 21 lớp học kỳ quân đội cho 3.359 học sinh THCS, THPT...); thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách xã hội, chính sánh hậu phương - quân đội; tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội, triển khai các chương trình, dự án, đề án hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo; tích cực làm công tác dân vận và tham gia xây dựng nông thôn mới; kết hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện có hiệu quả Đề án Quân đội phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới. Chỉ đạo lực lượng 47 tích cực, chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.
Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có tính “lưỡng dụng” cao, như: Tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái; cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; Cầu Cửa Lục I, II; Cảng Contener quốc tế Cái Lân (CICT), cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, cảng khách quốc tế Tuần Châu, cảng khách du lịch Vân Đồn, cảng lưỡng dụng Vạn Hoa, cảng biển Hải Hà, cảng tàu quốc tế Ao Tiên...; Các khu công nghiệp quan trọng được phân bố hợp lý vừa phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vừa sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhiệm vụ QPAN khi có tình huống; hạ tầng viễn thông được đầu tư xây dựng với 6.568 trạm BTS, hạ tầng cáp quang được đầu tư đến 100% các trung tâm xã trên đất liền và một số đảo trên địa bàn tỉnh giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu động viên, chuyển đổi mục đích sử dụng bảo đảm cho các tình huống quốc phòng. Bên cạnh đó, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các cảng biển quân sự kết hợp phục vụ dân sinh tại một số đảo và hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ tại Cô Tô; phối hợp với các đơn vị của Quân khu 3 và Bộ Quốc phòng bố trí lực lượng dân quân gồm 10 tiểu đội, 30 trung đội tham gia các tổ, đội đánh bắt đánh bắt hải sản xa bờ để bảo vệ ngư dân trên biển, đồng thời làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo “từ sớm, từ xa”. Triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ; các lực lượng Quân sự, Công an và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã duy trì chặt chẽ việc tổ chức giao ban, trao đổi, thông báo tình hình (hằng quý với cấp tỉnh và hằng tháng với cấp huyện); thường xuyên rà soát, chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, sẵn sàng phối hợp ứng phó với các tình huống, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn....; thành lập Đội liên ngành tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên Vịnh Hạ Long do Bộ CHQS tỉnh chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng, Ban Quản lý Vịnh để thực hiện (Năm 2023 khi xảy ra vụ tai nạn máy bay trực thăng Bell - 505 mang số hiệu VN - 8650 rơi trên Vịnh Hạ Long, Đội liên ngành đã kịp thời phối hợp với các lực lượng huy động gần 30 phương tiện, 700 lượt người, trong đó trên 300 lượt cán bộ, chiến sĩ LLVT tham gia tìm kiếm nạn nhân. Tháng 9/2024 để khắc phục hậu quả có bão số 3 (YAGI), Đội liên ngành đã phối hợp với các lực lượng tìm kiếm cứu nạn trên biển). Đầu tư xây dựng đường tuần tra biên giới (QL18) giai đoạn 1 mức 671 tỷ đồng từ cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà đến QL 18A tại Km 282+700 phường Hải Yên, thành phố Móng Cái và các tuyến đường kết nối đến các mốc biên giới, kè sông suối trên tuyến biên giới; kè chắn sóng kết hợp đường tuần tra cơ động mũi Tràng Vỹ, thành phố Móng Cái; cụm điểm tựa tuyến biên giới; chốt dân quân thường trực biên giới đất liền tại huyện Bình Liêu, Hải Hà, thành phố Móng Cái....; Hải đội dân quân thường trực tại thành phố Cẩm Phả. Chủ động thực hiện kế hoạch động viên kinh tế thời kỳ đầu chiến tranh gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, chuẩn bị đầy đủ phương án quân dự bị, sẵn sàng huy động phương tiện kỹ thuật nền kinh tế quốc dân để bổ sung cho Quân đội khi có chiến tranh. Qua đó, đã tạo dựng được “phên dậu biên giới”của Tổ quốc bền vững, góp phần tăng cường, củng cố sơ sở chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của LLVT tỉnh, đủ sức làm nòng cốt xây dựng nền QPTD vững mạnh, trước hết là xây dựng LLVT mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và tổ chức. Xây dựng lực lượng thường trực được xây dựng theo hướng “tinh, gọn, mạnh, cân đối, đồng bộ”; lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, đạt tỷ lệ 1,7% (so với dân số); lực lượng dự bị động viên “hùng hậu”, chất lượng ngày càng cao (đặc biệt, lực lượng tự vệ đã được tổ chức tại các khu vực trọng điểm di sản văn hóa như Vịnh Hạ Long, Yên Tử, Bái Tử Long... với tổng số 533 người vừa làm nhiện vụ quản lý, duy trì, bảo tồn, kinh doanh di sản vừa thực hiện nhiệm vụ QP, AN). Các cơ quan, đơn vị thường xuyên bổ sung, điều chỉnh, kiện toàn các văn kiện tác chiến, kế hoạch phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, phương án phòng, chống cháy nổ, cháy rừng; tổ chức huấn luyện, luyện tập thành thục, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, xử trí có hiệu quả các tình huống xảy ra không để “bị động, bất ngờ”. Những chủ trương, định hướng và kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ QP, AN là cơ sở quan trọng bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bảo đảm cho sự phát triển bền vững của kinh tế - văn hóa - xã hội nói chung, kinh tế di sản nói riêng.
Với đặc thù của Quảng Ninh, việc phát triển kinh tế di sản là vấn đề khách quan; kinh tế vững mạnh là điều kiện tiền đề, cơ sở tạo nguồn lực để củng cố QP, AN; củng cố vững chắc QP, AN tạo nên môi trường hoà bình, ổn định để kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong một số khu vực di sản như: Danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long, Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử, di tích lịch sử thành phố Đông Triều, thị xã Quảng Yên... có các điểm đất quốc phòng, công trình quốc phòng và quy hoạch về quốc phòng còn những vấn đề phức tạp. Do vậy, quá trình khai thác, phát huy giá trị các di sản nhất là việc thu hút lượng lớn khách du lịch nước ngoài và nhiều dự án kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn cũng đặt ra nhiều khó khăn trong công tác tham mưu và quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, như: Công tác bảo đảm bí mật của các điểm đất quốc phòng, công trình quốc phòng tại khu vực phòng thủ; các vấn đề về an ninh trật tự địa bàn; “điểm nóng” văn hóa... Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy đảng; quản lý, điều hành của chính quyền trong việc giải quyết hài hòa giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội nói chung, kinh tế di sản nói riêng với củng cố quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện đúng quy trình việc thẩm định các dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực kinh tế di sản nhằm bảo đảm về quốc phòng, an ninh. Với quan điểm “mỗi bước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là một bước củng cố QPAN” đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Ưu tiên phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, các công trình quốc phòng trong KVPT; thực hiện phân vùng, quy hoạch khu, cụm công nghiệp gắn với quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng, quy hoạch thế trận quân sự trong KVPT tỉnh gắn với thế trận phòng thủ Quân khu, cả nước.
Hai là, thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục thống nhất nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và toàn dân về nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các đối tượng; kịp thời cập nhật, bổ sung quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế di sản gắn với bảo đảm vững chắc QPAN vào nội dung, chương trình giáo dục kiến thức QPAN cho học sinh, sinh viên trong hệ thống Nhà trường.
Ba là, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ công tác phối giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan với các đơn vị đóng quân trên địa bàn theo quy định số 164/2018/NĐ-CP ngày 21/12/2018 của Chính phủ về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội và quốc phòng. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án, đề án phát triển kinh tế di sản cần phải được tiến hành nghiêm túc, liên tục từ khâu xét duyệt cho đến lúc triển khai thực hiện và hoàn thành, tất cả cá khâu, các bước phải luôn gắn kết với yếu tố bảo đảm quốc phòng, an ninh. Mọi hành vi sai trái, đi ngược lại quan điểm đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều phải xử lý theo đúng quy định của Pháp luật.
Bốn là, chăm lo xây dựng LLVT tỉnh có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đẩy mạnh xây dựng phát triển kinh tế gắn với xây dựng các thành phần thế trận, tiềm lực của KVPT cấp tỉnh, huyện, lấy phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng thế trận lòng dân làm nền tảng. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện, diễn tập sát với từng đối tượng. Xây dựng lực lượng DBĐV, DQTV đúng luật định, trong sạch về tổ chức, bảo đảm chất lượng chính trị. Thường xuyên làm tốt công tác phúc tra, đăng ký, quản lý sẵn sàng huy động nhân lực, phương tiện tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, biên giới quốc gia không để bị động, bất ngờ.
Năm là, Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động phối hợp giữa các lực lượng trên địa bàn theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ; chủ động nắm, dự báo chính xác tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng các kịch bản, dự kiến các tình huống để có đối sách xử lý phù hợp; duy trì hiệu quả các cụm “Đơn vị an toàn - địa bàn an toàn” gắn với các mô hình xã, phường, thị trấn điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự; kịp thời phát hiện, xử lý có hiệu quả các vụ việc từ cơ sở không để tạo nên điểm nóng. Làm cơ sở để phát triển kinh tế vùng, khu vực di sản trên địa bàn gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
----------------------
(1) Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 157.
(2) Báo Quảng Ninh điện tử ngày 03/12/2023.
(3) Theo Báo Quảng Ninh điện tử; ngày 29/10/2023
(4) Theo Báo Kiểm toán ngày 12/10/2024
(5) Năm 2020: 21 đoàn; năm 2021: 16 đoàn; năm 2022: 43 đoàn; năm 2023: 34 đoàn; năm 2024: 28 đoàn.
Phát triển kinh tế di sản ở Việt Nam: Thực trạng và một số vấn đề đặt ra  (06/12/2024)
Gắn kết phát triển di sản với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa địa phương và bản sắc văn hóa cộng đồng - nhìn từ thực tiễn Quảng Ninh  (06/12/2024)
Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hà Long theo quan điểm phát triển bền vững của UNESCO  (06/12/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm