Việt Nam sẽ tổ chức Kỳ họp lần thứ 80 của Đại hội đồng In-tơ-pôn vào năm 2011
In-tơ-pôn (Interpol) là tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế thành lập năm 1923, hiện có 187 nước thành viên, nhằm mục đích tập hợp lực lượng Cảnh sát các nước trên thế giới hợp tác chặt chẽ với nhau trong các hoạt động điều tra, khám phá tội phạm, đặc biệt là những loại tội phạm nguy hiểm xuyên quốc gia. Trong những năm qua, những thông tin, tài liệu về tội phạm do In-tơ-pôn cung cấp, trao đổi đã đóng góp một phần quan trọng sự thành công trong các hoạt động hợp tác điều tra, bắt giữ, dẫn độ tội phạm của lực lượng cảnh sát các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.
Trong những ngày đầu tháng 10 vừa qua, tại thành phố Xanh Pê-téc-bua của Liên bang Nga đã diễn ra kỳ họp lần thứ 77 Đại hội đồng Cảnh sát Hình sự quốc tế. Tham dự Kỳ họp có gần 800 đại biểu, đến từ 153 quốc gia thành viên gồm ban lãnh đạo In-tơ-pôn, lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Chánh Văn phòng In-tơ-pôn các nước và các chuyên viên, các chuyên gia của lực lượng In-tơ-pôn toàn thế giới và 31 quan sát viên từ các tổ chức quốc tế khác.
Đoàn Việt Nam có 9 đại biểu do Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn cùng một số sỹ quan cao cấp Bộ Công an. Đây là kỳ họp lớn nhất của Tổ chức In-tơ-pôn trong 85 năm qua.
Chủ đề kỳ họp Đại hội đồng In-tơ-pôn năm nay là “Cùng xây dựng năng lực cảnh sát bền vững”, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung chính như: tăng cường năng lực tác chiến điều tra của tổ chức In-tơ-pôn; tăng cường năng lực kỹ thuật của lực lượng cảnh sát và văn phòng In-tơ-pôn các quốc gia thành viên; chương trình đào tạo cảnh sát của In-tơ-pôn dành cho cảnh sát toàn cầu, các mô hình của In-tơ-pôn về năng lực cảnh sát bền vững, các vấn đề tài chính; các vấn đề quản lý và thông tin cảnh sát; báo cáo kết quả kiểm tra hồ sơ của In-tơ-pôn năm 2007. Ngoài ra, kỳ họp lần này còn tổ chức bầu cử Ban lãnh đạo thường trực In-tơ-pôn; xem xét đơn gia nhập In-tơ-pôn của Nhà nước Va-ti-can; quyết định chọn địa điểm tổ chức kỳ họp Đại hội đồng các năm tiếp theo.
Dự lễ khai mạc có Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Vla-đi-mia Pu-tin, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Nga Nu-ga-lép Rát-sin (Nurgaliev Rashid), Phó Chủ tịch In-tơ-pôn A-tu-rô Hê-rê-ra Vê-đu-gô (Arturo Herrera Verdugo), Tổng thư ký In-tơ-pôn Rô-nan K Nô-ben (Ronald K. Noble), Thị trưởng thành phố Xanh Pê-téc-bua cùng nhiều quan chức cấp cao khác. Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch In-tơ-pôn khẳng định: In-tơ-pôn là cộng đồng cảnh sát hình sự hiện đại của toàn thế giới, suốt 85 năm quan đã đạt nhiều kết quả to lớn trong hợp tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm nguy hiểm, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh, gìn giữ hòa bình cho toàn thể nhân dân các nước trên hành tinh của chúng ta.
Trong bài phát biểu chào mừng tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga V. Pu-tin nhấn mạnh: Chính phủ Liên bang Nga hoàn toàn ủng hộ In-tơ-pôn và coi trọng sự hợp tác có hiệu quả giữa các cơ quan thực thi pháp luật giữa các quốc gia thành viên In-tơ-pôn trong thời gian qua góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở các mức độ khác nhau và đã đáp ứng yêu cầu đấu tranh với các loại tội phạm hình sự nguy hiểm. Ghi nhận sự trưởng thành và phát triển nhanh chóng của Tổ chức In-tơ-pôn trong 85 năm qua, Thủ tướng đánh giá cao những kết quả của Tổ chức In-tơ-pôn trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Thủ tướng Liên bang Nga cũng nhấn mạnh những nỗ lực phòng, chống tội phạm của Nga trong năm qua, đồng thời cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia với Tổ chức In-tơ-pôn như: khủng bố, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, buôn bán người và tham nhũng…
Sau 4 ngày làm việc, kỳ họp Đại hội đồng In-tơ-pôn lần thứ 77 đã hoàn thành mục tiêu, yêu cầu đề ra. Kỳ họp đã biểu quyết chấp nhận đơn xin gia nhập tổ chức In-tơ-pôn của Nhà nước Va-ti-can (là thành viên thứ 187); đã bầu Chủ tịch mới của In-tơ-pôn; bầu Phó Chủ tịch In-tơ-pôn phụ trách khu vực châu Phi và bầu các ủy viên đại diện cho khu vực châu Âu, châu Mỹ, châu Phi. Kỳ họp cũng thảo luận và thông quan 19 nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về tăng cường hợp tác quốc tế phòng chống sản xuất tân dược giả; tăng cường chia sẻ thông tin liên quan đến tội phạm khủng bố; phổ biến công khai các truy nã đỏ về tội phạm và tù nhân bỏ trốn; phổ biến công khai các thông tin về người bị mất tích; mở rộng hệ thống mạng lưới thông tin phòng, chống tội phạm công nghệ cao; Nghị quyết về mở rộng hệ thống I-24/7 đến các đơn vị phòng, chống tội phạm sử dụng cụng nghệ cao, thành lập đơn vị phân tích khoa học hình sự máy tính của Tổ chức In-tơ-pôn, chia sẻ thông tin liên quan đến khủng bố, các ưu tiên của In-tơ-pôn giai đoạn 2009 - 2011.
Năm 1991, tại kỳ họp Đại hội đồng In-tơ-pôn lần thứ 71 ở U-ru-goay, lực lượng Công an Việt Nam gia nhập In-tơ-pôn và Việt Nam trở thành thành viên thứ 156 của Tổ chức này. Từ đó đến nay, Bộ Công an đã cử gần 20 đoàn đại biểu cấp cao đi dự các kỳ họp thường niên của Đại hội đồng In-tơ-pôn. 17 năm qua, lực lượng Cảnh sát Việt Nam, thông qua đầu mối hợp tác Văn phòng In-tơ-pôn Việt Nam đã tổ chức phối hợp với lực lượng cảnh sát hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tiến hành thu thập, xử lý hàng chục nghìn lượt thông tin, liên quan đến hơn 4000 vụ việc hình sự. Trong quá trình xử lý các thông tin tội phạm, In-tơ-pôn Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều phương án nắm tình hình, kịp thời phát hiện các đối tượng tội phạm nguy hiểm có khả năng xâm nhập Việt Nam; chủ động đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo các cấp phương án đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia theo hướng chủ động tiếp cận với lực lượng cảnh sát các nước trong đấu tranh phòng chống tội phạm, thể hiện rõ vai trò là cầu nối giữa Cảnh sát Việt Nam với cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài, mở rộng tầm hoạt động của lực lượng Cảnh sát Việt Nam trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Hiện nay, thông qua kênh hợp tác In-tơ-pôn, Cảnh sát Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý hơn 26.000 lượt thông tin, trong đó bao gồm 11.000 lượt thông tin liên quan đến công tác truy nã quốc tế của Tổ chức In-tơ-pôn (có nhiều đối tượng truy nã với các tội danh đặc biệt nghiêm trọng, như khủng bố: 370 đối tượng; cướp tài sản, giết người: 2.524 đối tượng; lừa đảo xuyên quốc gia: 1.865 đối tượng; tội phạm ma tuý: 1.168 đối tượng); trên 9.000 lượt thông tin liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự xuyên quốc gia, gần 2.000 luợt thông tin liên quan đến tội phạm kinh tế và gần 3.000 lượt thông tin về tội phạm ma tuý...
Từ các nguồn tin do In-tơ-pôn quốc tế cung cấp, Văn phòng In-tơ-pôn Việt Nam thường xuyên rà soát, phân loại các đối tượng theo các tiêu chí cơ bản như: giới tính, tội danh, quốc tịch…để phục vụ công tác rà soát cũng như kịp thời cung cấp thông tin cho các đơn vị nghiệp vụ khác để chủ động phòng ngừa, phát hiện và tấn công tội phạm. Kết quả đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời hàng trăm vụ lừa đảo có tính chất xuyên quốc gia; làm rõ tư cách pháp nhân của gần 200 tổ chức liên quan đến hoạt động tội phạm kinh tế; phối hợp điều tra, khám phá, bóc gỡ hàng chục đường dây buôn lậu ma tuý, buôn lậu thuốc lá, ô tô, xăng dầu, chuyển tiền bất hợp pháp từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại; phát hiện, bóc gỡ hàng chục đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em, hoạt động lừa đảo tiền "đô la đen".
Thông qua việc trao đổi thông tin, Cảnh sát Việt Nam phối hợp với Cảnh sát các nước trên thế giới thực hiện nhiều vụ việc liên quan đến tương trợ hình sự trên cơ sở pháp luật cho phép và trên nguyên tắc hợp tác có đi có lại và đã đạt được những kết quả thiết thực, đặc biệt là trong hợp tác truy tìm, bắt giữ các đối tượng là người nước ngoài phạm tội bỏ trốn vào Việt Nam trao cho phía nước ngoài và yêu cầu phía nước ngoài truy tìm, bắt giữ, đẩy đuổi đối tượng truy nã người Việt Nam phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài trao cho phía Việt Nam. Cảnh sát Việt Nam đã phối hợp có hiệu quả với Cảnh sát các nước trong điều tra, truy bắt tội phạm, đã bắt giữ và trao trả gần 40 đối tượng truy nã cho cảnh sát các nước và vùng lãnh thổ như Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Ô-xtrây-li-a
Việc tham gia tổ chức In-tơ-pôn đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong công tác hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống tội phạm giữa lực lượng Công an Việt Nam với lực lượng cảnh sát các nước trên thế giới, đã góp phần tích cực trong việc đảm bảo an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chính vì thế lực lượng Công an Việt Nam ngày càng được bạn bè quốc tế tin cậy, đánh giá cao, được tất cả các đại biểu nhất trí chọn Việt Nam là địa điểm tổ chức Kỳ họp lần thứ 80 của Đại hội đồng In-tơ-pôn vào năm 2011./.
Tình hình thiệt hại do thiên tai  (03/11/2008)
Chỉ số giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn của một số tỉnh, thành phố tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2008  (03/11/2008)
Khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng năm 2008  (03/11/2008)
Bưu chính, viễn thông 10 tháng năm 2008  (03/11/2008)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay