Nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6-2008, tại Hà Nội, Hội Xã hội học Việt Nam phối hợp cùng Dự án nghiên cứu liên ngành “Gia đình nông thôn Việt Nam trong chuyển đổi” VS-RDE-05 thuộc chương trình Hợp tác nghiên cứu Việt Nam - Thụy Điển 2004-2008, tổ chức hội thảo khoa học "Gia đình Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới".

Hội thảo đã tập trung vào 4 nhóm vấn đề lớn là: Những vấn đề chung về hôn nhân và gia đình hiện nay; các khía cạnh giới và bạo lực gia đình; các quan hệ xã hội trong gia đình; và, cách tiếp cận quân sự trong nghiên cứu gia đình.

Đây là một hội thảo có quy mô lớn, xem xét một cách tương đối toàn diện và đầy đủ các khía cạnh về hôn nhân và gia đình Việt Nam trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Các nhóm vấn đề lớn được triển khai thành những nội dung, khía cạnh cơ bản là: mô hình gia đình, quy mô, cơ cấu và chức năng của gia đình, tình yêu và hôn nhân, sinh kế, nguồn thu nhập và cơ cấu ngành nghề của gia đình, di cư và di cư tự do của gia đình, phân công lao động và bình đẳng giới trong gia đình và xã hội, các quan hệ trong nội bộ gia đình, quan hệ của gia đình với các thiết chế xã hội, phụ nữ làm lãnh đạo, vai trò của người phụ nữ trong gia đình, vai trò của người chồng trong gia đình, chăm sóc sức khỏe và giáo dục trong gia đình, vai trò của người già, của dòng họ đối với gia đình, bạo lực trong gia đình, quan niệm về gia đình, thế nào là gia đình hạnh phúc, gia đình nông thôn, gia đình đô thị, gia đình nông dân, gia đình công nhân, gia đình trí thức, gia đình quân nhân...

Trên cơ sở nhận diện thực trạng hôn nhân và gia đình Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi, các ý kiến tại hội thảo đã bước đầu chỉ ra những tiến bộ và tiêu cực trong đời sống gia đình, những nhân tố mới du nhập và mới nảy sinh trong quan hệ hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện nay; đồng thời, dự báo xu hướng biến đổi của hôn nhân và gia đình Việt Nam trong thời gian tới, và, đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục củng cố và xây dựng gia đình Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới./.