Có ba loại hình chủ nghĩa tư bản?
Đây là cách phân loại đã được Konrad Seitz – một nhà nghiên cứu người Đức đưa ra trong cuốn sách “Cuộc chạy đua vào thế kỷ XXI”. Cuốn sách này đã từng được xếp vào danh mục sách bán chạy nhất ở Cộng hòa Liên bang Đức.
Theo Konrad Seitz, trên thực tế hoàn toàn không có chủ nghĩa tư bản chung chung trừu tượng, mà có ba loại hình chủ nghĩa tư bản hoàn toàn khác nhau. Đó là chủ nghĩa tư bản Ănglô-xắc xông; chủ nghĩa tư bản Đức – châu Âu lục địa; và chủ nghĩa tư bản Nhật Bản – Đông Á. Ba loại hình này có những đặc điểm đối chọi nhau.
Chủ nghĩa tư bản của khu vực Ănglô-xắc xông đã được Ronald Reagan ở Mỹ và Margaret Thatcher ở Anh hình thành trong những năm 80 thế kỷ XX. Nó chứa đựng một nền kinh tế thị trường tự do, như đã từng xuất hiện trong giai đoạn giữa của thời kỳ Nữ hoàng Victoria ở Anh (từ 1840-1870). Khi quay lại chủ nghĩa tự do này, Reagan đã phá hủy chính sách New Deal của Roosevelt, còn Thatcher đã từ bỏ chính sách nhà nước phúc lợi chung được W.Beveridge xây dựng sau chiến tranh thế giới II. Cả hai đã đẩy lùi sự can thiệp của nhà nước ra khỏi kinh tế, quay trở lại tư tưởng “nhà nước chỉ nên là tối thiểu, để cho thị trường tự do được hoạt động tối đa theo bàn tay vô hình” mà Adam Smith đã từng đưa ra từ năm 1776 (trong cuốn sách The Wealth of Nations – Sự giàu có của các dân tộc).
Hầu hết người Mỹ tán thành và ủng hộ gần như tuyệt đối chủ nghĩa tự do kinh tế theo kiểu Ănglô-xắc xông. Theo họ, động lực chủ yếu khiến cho nước Mỹ vươn lên chiếm lĩnh vị trí cường quốc kinh tế số 1 thế giới chỉ sau khoảng 7, 8 thập kỷ kể từ khi thành lập (năm 1776), là do đã áp dụng triệt để và rất thực dụng lý luận laisse-fair: hãy để mặc cho tư nhân kinh doanh tự do tối đa. Và hiện nay, nhiều người Mỹ vẫn tin rằng, theo cách thức đó, nước Mỹ đang và sẽ vượt lên trước tất cả các nước khác trên con đường tiến tới một thế giới mới của xã hội thông tin và kiểm soát công nghệ thông tin và công nghệ sinh học là các ngành công nghiệp chính tạo nên sự tăng trưởng. Có người còn tin rằng, nước Mỹ đã tạo ra một mô hình “kinh tế mới” không còn tuân theo quy luật thịnh suy nữa và luôn luôn tăng trưởng. Những người đó tuyên bố rằng, thế kỷ XXI cũng sẽ vẫn là thế kỷ của nước Mỹ.
Tuy nhiên, theo Konrad Seitz, nếu nhìn kỹ hơn thì có thể thấy mô hình Mỹ có những điểm yếu tai hại. Trong đó, hai điểm có lẽ là yếu nhất: đó là sự bất bình đẳng ngày càng tăng trong xã hội Mỹ và nợ nước ngoài ngày càng lớn.
Konrad Seitz cho rằng, theo bản chất của mình, chủ nghĩa tư bản theo học thuyết Reagan sản sinh ra tình trạng bất bình đẳng. Ở Mỹ, vào thập niên 1980, trong số nam giới có việc làm, chỉ nhóm 20% những người có mức lương cao nhất được tăng lương thực tế. Trong số 20% đó thì chỉ riêng 1% nhóm người có thu nhập cao nhất đã hưởng tới 64% tổng số lương được tăng. Nếu không xem xét lương mà nhìn vào tổng thu nhập thì nhóm 1% đó thậm chí hưởng tới 90% toàn bộ số thu nhập được tăng. Thu nhập của các chủ tịch hội đồng quản trị của 500 tập đoàn, công ty lớn nhất nước Mỹ đã tăng từ gấp 35 lần lên gấp 157 lần mức lương trung bình của công nhân. Trong thập niên 1990, sự chênh lệch còn được gia tăng thêm… Chủ nghĩa tư bản kiểu mới của Mỹ là một nền kinh tế theo kiểu “Winner-take-all – kẻ chiến thắng lấy hết mọi thứ”. Nhưng sự bất bình đẳng còn có thể gia tăng đến đâu, trước cả hệ thống bị sụp đổ? Liệu một nền dân chủ dựa trên tư tưởng bình đẳng có thể gắn được lâu dài với một mô hình kinh tế ngày càng tạo nên sự bất bình đẳng sâu sắc hơn và sự suy giảm thu nhập thực tế của đa số trong xã hội không?
Điều tệ hại thứ hai của chủ nghĩa tư bản kiểu mới của Mỹ, theo Konrad Seitz, là nợ nước ngoài đang liên tục tăng. Xã hội Mỹ là một xã hội tiêu dùng thái quá, vì thế nợ nước ngoài gia tăng từ năm này qua năm khác. Từ đầu thập niên 1980 đến những năm gần đây, cán cân thanh toán của Mỹ luôn luôn bị thâm hụt: năm 1985, mức thâm hụt đó vào khoảng 200 tỉ USD; năm 1997, khoản nợ nước ngoài thực tế đã lên đến 1.200 tỉ USD; năm 1998, khoản nợ này còn tăng thêm 200 tỉ, với con số tuyệt đối là 1.400 tỉ USD…
Chủ nghĩa tư bản Đức – châu Âu lục địa gắn với nền kinh tế thị trường xã hội, được Ludwing Erlard đề xướng năm 1949. Như tên gọi thì trong nền kinh tế này, tác dụng của các sức mạnh thị trường được bổ sung bởi các hệ thống bảo đảm và điều tiết xã hội nhằm bảo vệ người lao động bị phụ thuộc. Nhà nước ở đây được hiểu là nhà nước xã hội bảo vệ người yếu và trợ giúp những người thua thiệt trong quá trình thị trường hóa, bằng một mạng lưới xã hội. Nhà nước này ngăn chặn sự hình thành một tầng lớp người nghèo và bị loại ra rìa xã hội trong cuộc cạnh tranh tự do. Ngày nay, nền kinh tế thị trường xã hội của Đức đã trở thành hệ thống của toàn bộ lục địa châu Âu. Và đã có những học giả phương Tây viết về một “chủ nghĩa tư bản vùng sông Ranh”.
Chấp nhận những thách thức của chủ nghĩa tư bản Mỹ và sự chuyển đổi sang xã hội thông tin, chủ nghĩa tư bản Đức – châu Âu lục địa đã bước vào một quá trình cơ cấu lại khá toàn diện và sôi động trong hơn một thập niên gần đây.
Tuy nhiên cho đến nay, theo đánh giá của Konrad Seitz, bên trong mô hình này, nhà nước và các nhóm xã hội vẫn tỏ ra không có đủ năng lực để tiến hành một cuộc cải cách thật sự triệt để… Các vấn đề đều đã được thấy rõ ở Đức, Pháp, Italia và các nước châu Âu lục địa khác, còn các giải pháp thì được bàn bạc từ nhiều năm nay, nhưng hầu như không ai hành động cả. Dân chủ là tốt, nếu vấn đề đặt ra là chia các phúc lợi xã hội, nhưng lại là không tốt khi phải giảm các phúc lợi xã hội. Năm 1994, có 67% người dân Tây Đức và 85% người dân Đông Đức phản đối việc cắt giảm phúc lợi xã hội… Một vấn đề khác cũng có tính phổ biến đối với các nước đi theo mô hình kinh tế thị trường xã hội – đó là sự bảo đảm thái quá cho việc làm. Sự bảo đảm này khiến cho các công ty phải chịu chi phí quá lớn khi sa thải công nhân, nếu sự sa thải đó là cần thiết. Vì thế, các doanh nghiệp rất ngại nhận nhân công mới. Họ thà từ chối hợp đồng, còn hơn là phải chấp nhận nguy cơ sẽ phải chịu chi phí rất cao nếu sa thải nhân công mới nhận vào làm khi công việc kinh doanh xấu đi. Một nhược điểm khác, liên quan đến hệ thống thuế. Chẳng hạn, thuế suất cao nhất của Đức là 53% (trong khi của Mỹ chỉ là 30%). Nhìn chung, ở các nước theo mô hình chủ nghĩa tư bản Đức – châu Âu lục địa, sức ép cao về thuế làm giảm động cơ làm việc, đẩy nạn làm chui gia tăng, buộc những người có thu nhập tiền triệu phải lánh đến những nước thuế thấp và dẫn dắt người ta đến chỗ trốn thuế…
Chủ nghĩa tư bản Nhật Bản – Đông Á cố nhiên được thể hiện rõ nét nhất ở Nhật Bản. Có gốc rễ từ thời Minh Trị (1868), chủ nghĩa tư bản của Nhật Bản là một loại hình chủ nghĩa tư bản không do doanh nghiệp, mà do nhà nước thành lập. Ở loại hình này, nhà nước có vai trò chi phối rất mạnh, là sự đối nghịch với loại hình nhà nước với vai trò tốt thiểu của Reagan và Thatcher.
Trong nỗ lực gìn giữ mối liên kết xã hội thì chủ nghĩa tư bản của người Nhật Bản có nhiều nét tương đồng với nền kinh tế thị trường xã hội ở Đức và các nước châu Âu lục địa. Trong thời kỳ hưng thịnh những năm 60 thế kỷ XX, cả hai hệ thống này đã tạo nên việc làm cho tất cả mọi người và đã tạo dựng được xã hội trung lưu bình đẳng. Nhưng chủ nghĩa tư bản Nhật Bản lại có đặc thù riêng, được gắn vào một nền văn hóa hoàn toàn khác, đối nghịch với chủ nghĩa cá nhân ở Mỹ và ở các nước phương Tây chịu ảnh hưởng của lối sống Mỹ. Ở Nhật Bản, ngay từ thời phong kiến, đã hình thành một nền văn hóa kinh doanh định hướng tới các nhóm người, tới tập thể. Bước sang thời kỳ cận đại và hiện đại, hầu hết các công ty của Nhật Bản được tạo nên bởi những cộng đồng có cùng ý chí và tiến vào cuộc cạnh tranh với tư cách một cộng đồng, như trước kia các lãnh chúa ra trận mạc cùng với đoàn quân samurai của họ.
Tinh thần tự tôn dân tộc và ý thức kinh doanh cộng đồng trên thương trường quốc tế là nền tảng, là động lực hàng đầu khiến cho Nhật Bản trỗi dậy hết sức nhanh và mạnh sau thất bại nặng nền vào năm 1945. Đến nay, Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là chủ nợ lớn nhất của Mỹ và nhiều nước khác.
Tuy nhiên, trước áp lực cạnh tranh tăng lên từng ngày của các cường quốc khác, Nhật Bản phải đứng trước một nhiệm vụ nặng nề hơn, mà như cách khái quát của ông Akio Morita (người sáng lập ra tập đoàn Sony) từ năm 1993, là phải “sáng tạo ra một nước Nhật Bản mới”. Từ một xã hội chú trọng sản xuất, hạn chế tiêu dùng, nay Nhật Bản phải chuyển sang một xã hội tiêu dùng, trong đó lấy tiêu dùng nội địa làm một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng (cố nhiền người Nhật Bản không thể trượt sang xã hội tiêu dùng thái quá kiểu Mỹ). Nền kinh tế Nhật Bản đã quá lớn, nên không thể tăng trưởng được mãi bằng sự trợ giúp của xuất siêu và đầu tư xây dựng không cần thiết. Nền kinh tế thế giới cũng không thể chịu đựng được kim ngạch xuất siêu đã trở thành “mãn tính” của Nhật Bản nữa. Mặt khác, nếu nhìn sâu hơn vào các chiều cạnh của văn hóa Nhật Bản, thì Nhật Bản cũng không thể tránh được sự thay đổi văn hóa đã có bề dày lịch sử, đã thấm vào máu thịt. Đã đến lúc họ phải chia tay với sự tôn thờ tính độc nhất. Người Nhật Bản luôn tự hiểu rằng, họ là một nòi giống đồng nhất và độc nhất, và khác về cơ bản tất cả các quốc gia khác. Đối với họ, thế giới được chia thành hai phần – người Nhật Bản và những người không phải người Nhật Bản… Sự tôn thờ tính độc nhất này khiến cho họ rất khó hòa nhập với những nền văn hóa khác. Và điều đó đã trở thành một gánh nặng đối với chính Nhật Bản khi mà xã hội thông tin và toàn cầu hóa đòi hỏi không chỉ phải mở cửa về kinh tế, mà tất yếu phải mở cửa và hội nhập về văn hóa…
Như vậy, theo tác giả người Đức, cả ba loại hình (mô hình) chủ nghĩa tư bản nói trên đều phải thay đổi có hệ thống. Chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ - Anh (Ănglô-xắc xông), chủ nghĩa tư bản Đức – châu Âu lục địa và chủ nghĩa tư bản Nhật Bản – Đông Á đang cạnh tranh quyết liệt trong cuộc chạy đua để giành lấy vị thế mới trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, nhìn tổng quát có thể nói, các loại hình chủ nghĩa tư bản trên thế giới ngày nay vẫn chưa tìm được mô hình mới rõ rệt trong thời kỳ mới của xã hội thông tin và toàn cầu hóa.
Công nghệ hội tụ  (10/05/2007)
Kinh tế học  (10/05/2007)
Hồ Chí Minh - sự hội tụ tinh hoa tư tưởng đạo đức nhân loại  (10/05/2007)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay